“Từ chức là khôn hay dại?”
“Câu chuyện từ chức còn liên quan đến lợi ích. Không ai muốn từ chức, không ai dám từ chức và không ai dại gì mà từ chức. Trong khi, nếu xét theo giá trị hành xử, người ta đặt ra thước đo “khôn” hay “dại” mà nhiều khi từ chức sẽ là “khôn” chứ…”
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trao đổi với PV Dân trí xung quanh đề xuất đưa quy định về việc từ chức vào luật Tổ chức Chính phủ.
Đại biểu Dương Trung Quốc từng thẳng thắn “gợi ý từ chức” trong một phiên chất vấn thành viên Chính phủ.
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) lần đầu được đưa ra xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội ít ngày trước gây chú ý trong dư luận với nhiều ý kiến đề nghị quy định quy chế từ chức đối với các thành viên Chính phủ. Là một đại biểu từng nhiều lần nói về chuyện văn hoá từ chức trước Quốc hội, ông nhận xét gì về đề xuất này?
Tôi ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên, quan trọng cần bàn đến là quan niệm thế nào là “từ chức”. Từ chức có phải thuần tuý là một hình thức kỷ luật không hay phải xem đó là một thứ trách nhiệm cá nhân mà người đó tự lựa chọn khi đó là giải pháp tốt nhất, gì lợi ích chung?
Chúng ta phải vượt qua được giới hạn của quan niệm xã hội, quan niệm về danh dự, về con đường phát triển của cá nhân. Theo tôi, đó là rào cản lớn nhất vì quan niệm từ chức là một hình thức kỷ luật khiến những người đã từ chức, với cơ chế hiện nay, rất khó có thể trở lại được vị trí để phấn đấu tiếp.
Xã hội hiện tại vẫn cho rằng từ chức như là một sự cách chức. Trong khi từ chức có rất nhiều yếu tố. Nhìn về quá khứ có thể thấy, thời ông cha ta, đôi khi việc từ quan rất đơn giản như cha mẹ mất người ta cũng có thể xin từ quan để về quê chịu tang chẳng hạn. Rồi việc không tán thành với quan điểm của cấp trên thì từ quan dường như là chuyện đương nhiên. Cụ Chu Văn An, đưa sớ xin trảm tướng nhưng không được để mắt tới thì cụ xin về quê thôi.
Ngoài ra, xã hội xưa rất coi trọng những người giữ được liêm sỉ. Liêm sỉ là tiêu chuẩn đánh giá quan trọng nhất trong phẩm chất của người làm quan ngày đó. Liêm sỉ đó dĩ nhiên có yếu tố, màu sắc của nho giáo nhưng cái đó, theo tôi, ở thời buổi nào cũng cần. Con người cần tự xử, tự xem xét bản thân mình trước khi để người khác xử.
Từ góc độ lịch sử, ông có thể nói cụ thể hơn về sự khác biệt trong quan điểm dẫn đến rào cản đối với việc thực hiện quy định từ chức hiện nay?
Quan niệm về tổ chức của chúng ta hiện nay, một người đã từ chức thì coi như là một nhân tố thừa, rất khó có đường thăng tiến nữa. Hệ thống giá trị xã hội cũng chưa tạo ra thông lệ, cổ vũ cho các cá nhân làm việc đó – nếu hiểu theo nghĩa từ chức là để giữ liêm sỉ của mình, thể hiện trách nhiệm của mình đối với công việc.
Video đang HOT
Điểm khác, ngày xưa, quyền của một ông quan rất lớn nên từ quan rồi một lúc nào đó cũng vẫn dễ dàng được bổ nhiệm làm việc tiếp. Nhưng hiện nay, quy trình nhân sự, công tác cán bộ phải qua tổ chức, qua rất nhiều khâu. Và vì thế, việc cách chức không đơn giản và thậm chí, người từ chức cũng rất khó sử dụng lại.
Như vậy thì nghịch lý ở chỗ, một người đã có được phẩm cách của người biết từ chức, ít nhất đó là người rất quý. Vậy mà người quý như vậy, có hành động đáng trân trọng như vậy mà không có con đường sử dụng nữa thì rất đáng tiếc cho chính hệ thống, cho xã hội. Trong khi đó, những người vẫn khư khư ôm chặt chức vụ, giữ chặt cái ghế của mình thì lại vẫn tồn tại được.
Quy chế tạo ra nghịch lý như thế nên khiến cho từ chức đáng ra là một việc rất tốt đẹp, rất cần thiết thì lại thành một cản lực trên con đường phát triển của mỗi người, của cả xã hội.
Việc từ chức hiện tại rất nặng nề và nó không phù hợp với quan điểm tôn trọng những con người có liêm sỉ, thậm chí là không dùng được con người đó nữa. Việc này liên quan đến cơ chế bổ nhiệm. Quyền của người lãnh đạo thực tế rất hạn chế mà phải qua một tập thể, một quy trình phức tạp.
Quy định về việc từ chức đã có từ lâu trong luật Cán bộ công chức nhưng đến nay vẫn là một quy định hình thức. Từ chức, theo đó, trong nhiều trường hợp là cứu cánh, là quyền lựa chọn của người đảm nhiệm chức vụ mà lại không thực hiện được?
Quy định đến giờ đúng là rất hình thức, không thực hiện được. Thực ra, câu chuyện từ chức cũng còn liên quan đến lợi ích nữa. Lợi ích gắn với quan niệm xã hội, gắn với con đường phát triển của mỗi người khiến không ai muốn từ chức, không ai dám từ chức và không ai dại gì mà từ chức.
Trong khi, nếu xét theo giá trị hành xử thì người ta đặt ra thước đo là “khôn” hay “dại” mà nhiều khi từ chức sẽ là “khôn” chứ – từ chức trước khi bị cách chức rõ ràng là “khôn”. Vì không có cơ chế nên người ta không có lựa chọn nào khác, đành phải giữ chặt lấy cái ghế của mình và họ tạo ra những yếu tố giữ chặt lấy ghế bằng các nhóm lợi ích.
Nói về sự cần thiết của việc đưa quy định từ chức vào luật Tổ chức chính phủ đang được sửa, có ý kiến cho rằng, dù quy định này đã thể hiện trong luật Cán bộ công chức nhưng đối với Chính phủ, các chức danh từ Bộ trưởng, Phó Thủ tướng, Thủ tướng… không chỉ đơn thuần là một cấp bậc công chức mà đó thực sự đã là những chính khách, việc thể hiện trách nhiệm chính trị đặt ra cũng khác hẳn. Quan điểm của ông về việc này?
Cơ chế hiện nay đúng là khó vì khi đã là chính khách, công tác nhân sự rõ ràng phải qua một quy trình, việc “tiến” hay “thoái” đều khó mà tự lựa chọn. Vậy nên để thực hiện việc này phải đồng bộ. Đảng cần tạo ra một nhận thức chung và một cơ chế thuận lợi cho việc từ chức chứ nếu quan niệm từ chức là một hình thức kỷ luật thì đầu tiên, người từ chức phải ra khỏi Đảng. Mà như thế thì dứt khoát người ta không ra.
Có rất nhiều rào cản để người ta có thể hành xử một cách bình thường với nguyên tắc đề cao lòng tự trọng.
Là đại biểu đã từng nhiều lần phát biểu về văn hoá từ chức trước Quốc hội, ông muốn đề cập đến vấn đề gì trong khái niệm này?Nếu từ chức không thì nghĩa là chỉ nói đến một hành vi. Còn những hiệu ứng của hành vi đó đối với xã hội rất quan trọng vì những người ở địa vị xã hội đó, hành xử của họ tác động rất lớn đến xã hội, sẽ nhận về sự ủng hộ hoặc không ủng hộ. Nhưng rõ ràng việc từ chức nếu tạo ra được thành một tập quán thì xã hội sẽ lành mạnh hơn, người dân sẽ tin tưởng vào nhà nước hơn.
Có người từ chức vì sức ép của dư luận, có người là vì “tự xử” mình, họ lấy liêm sỉ của mình ra để hành xử.
Ông cũng là người thẳng thắn “gợi ý từ chức” trong một phiên chất vấn thành viên Chính phủ tại Quốc hội. Ông có cho rằng, việc sửa Luật Tổ chức Chính phủ lần này là một cơ hội xây dựng quy chế từ chức trong cơ quan điều hành đất nước?
Tôi chất vấn với mong muốn Thủ tướng Chính phủ sẽ mở ra cơ chế, để những người đứng đầu không chỉ nhận trách nhiệm, xin lỗi mà còn hướng tới xây dựng văn hoá từ chức trong Chính phủ.
Đây đúng là cơ hội để xây dựng một tập quán chính trị tích cực. Nhưng như đã nói, tôi cho rằng, việc này phải tiến hành đồng bộ – thay đổi cả trong quy định của Đảng và luật tổ chức của Chính phủ chứ nếu không có đưa quy định vào luật cũng khó thực hiện được. Cần làm thế nào để tạo ra được một cơ chế cho phép người ta làm được việc đó mà vẫn không cản đến con đường phát triển của họ.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (thực hiện)
Theo Dantri
Trung Quốc tạo đảo ở Trường Sa là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều nay, người phát ngôn Lê Hải Bình khẳng định hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tại cuộc họp báo chiều 11/9 (Ảnh N.Hằng)
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc gần đây đã thực hiện một số hoạt động trái phép tại bãi Gạc Ma cũng như tại quần đảo Trường Sa, Người phát ngôn Lê Hải Bình khẳng định:
"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và cơ sở để khẳng định chủ quyền của mình ở quần đảo Trường Sa. Mọi hành động đơn phương của nước ngoài nhằm làm thay đổi hiện trạng ở khu vực này đều là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông và khu vực."
Trong phóng sự có tiêu đề "China's Island Factory" (tạm dịch Nhà máy tạo đảo của Trung Quốc) ngày 9/9 vừa qua, hãng tin BBC của Anh cho biết Trung Quốc đang có hoạt động xây dựng đảo nhân tạo ồ ạt ở quần đảo Trường Sa, trong đó có bãi Gạc Ma mà nước này chiếm của Việt Nam từ năm 1988. BBC cho biết hoạt động xây dựng, nạo vét và bồi đắp cát này có vẻ như được tiến hành từ nhiều tháng qua.
Hồi tháng 5, Philippines cũng công bố ảnh cáo buộc các hoạt động phi pháp trên của Trung Quốc ở khu vực và Manila còn cho rằng Trung Quốc có vẻ như đang xây dựng một đường băng ở Gạc Ma.
Về câu hỏi đề nghị xác minh thông tin Công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc đã mở thầu 3 lô dầu khí ở Biển Đông và có lô dầu nào nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay không, theo ông Lê Hải Bình, Việt Nam sẽ xác minh thông tin này và sẽ có phản ứng phù hợp.
Phó thủ tướng sẽ sang Mỹ, thúc đẩy đàm phán TPP
Cũng tại buổi họp báo, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, kiêm Trưởng ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế sẽ dẫn đầu đoàn công tác Việt Nam thăm và làm việc tại Hoa Kỳ từ 15-19/9/2014.
Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh sẽ thảo luận với các đối tác Hoa Kỳ về các vấn đề quan tâm trong đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hướng tới sớm kết thúc đàm phán, thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa hai nước, ông Lê Hải Bình cho hay.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo về quan điểm của Việt Nam trước việc Bộ Nông nghiệp Mỹ gần đây cho phép nhập khẩu một số hoa quả của Việt Nam, ông Lê Hải Bình nói: Việt Nam hoan nghênh việc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cấp giấy phép nhập khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam như quả vải, quả nhãn. Đây là bước đi nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại đang phát triển rất tốt đẹp giữa hai nước. Việt Nam hy vọng rằng phía Hoa Kỳ sẽ tiếp tục xem xét để cấp giấy phép cho việc nhập khẩu thêm nhiều mặt hàng nông sản có chất lượng cao của Việt Nam.
Người phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cũng cho biết thêm, nhận lời mời của chính phủ Trung Quốc và lãnh đạo Tỉnh Quảng Tây, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tham dự Hội nghị ASEAN-Trung Quốc và Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư thương mại ASEAN-Trung Quốc lần thứ 11 tại Nam Ninh, Quảng Tây từ ngày 14-16/9/2014.
Việc tham gia các sự kiện này nhằm thúc đẩy quan hệ ASEAN-Trung Quốc nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, củng cố hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Tây, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc.
Theo ông Lê Hải Bình, đồng thời đây cũng là sự khẳng định ủng hộ của Chính phủ Việt Nam đối với hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam nhằm đẩy mạnh khai thác thị trường ngoài nước trong đó có thị trường Trung Quốc.
Nam Hằng
Theo Dantri
Đại biểu Quốc hội ngồi thử ghế tại phòng họp Quốc hội mới Trong cuộc kiểm tra thường xuyên tiến độ, chất lượng công trình Nhà Quốc hội sáng nay, 5/8, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng mời đại biểu Dương Trung Quốc cùng thăm, thị sát công trường. Đại biểu thử ghế ngồi, bấm nút trên bàn làm việc tại phòng họp chính. Tại lối vào công trình phía đường Độc Lập, gặp Giám...