Từ chối xóa nợ, khoanh nợ gần 14.700 tỷ đồng tiền thuế
Trước đề xuất của Bộ Tài chính xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho người nộp thuế 7.963 tỷ đồng và khoanh nợ cho những trường hợp thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh 6.731 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đây là vấn đề quản lý thuế, không liên quan đến khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Ngày 3/10, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về dự thảo Nghị quyết một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp.
Tại đó, Phó Thủ tướng đồng ý về chủ trương xóa nợ tiền chậm nộp đối với người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách Nhà nước, có nguồn từ ngân sách Nhà nước nhưng không được Nhà nước thanh toán theo tiến độ dẫn đến phát sinh tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp. Con số này theo ước tính của Bộ Tài chính vào khoảng 542 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nêu rõ Nghị quyết này không quy định về xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với trường hợp giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh vì đây là vấn đề quản lý thuế, không liên quan đến khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Trường hợp cần thiết thì quy định ở văn bản khác.
Trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho người nộp thuế 7.963 tỷ đồng và khoanh nợ cho những trường hợp thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh 6.731 tỷ đồng. “Việc khoanh nợ là tạm thời không tính tiền chậm nộp để theo dõi do các đối tượng này gặp khó khăn chứ không phải là xóa nợ”, theo lý giải của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.
Nêu ý kiến về dự thảo Nghị quyết trên, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu giải trình rõ tác động của giải pháp giảm 50% thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin thuộc lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản đối trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Video đang HOT
Trường hợp cần thiết thì chỉ áp dụng đối với cá nhân làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngành, lĩnh vực thực sự cần khuyến khích trong các năm 2017, 2018. Về lâu dài, cần đánh giá để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp.
Còn mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động đầu tư, cải tạo chung cư cũ là 15% nếu bảo đảm hạch toán riêng, dự án được triển khai, thực hiện trong các năm 2017, 2018.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn chỉnh lại dự thảo Nghị quyết theo hướng rà soát, thu hẹp phạm vi áp dụng để bảo đảm đúng với tinh thần của Nghị quyết số 35/NQ-CP; lựa chọn những nội dung cấp thiết cần tháo gỡ ngay, áp dụng trong thời gian ngắn, trong đó có báo cáo về vướng mắc hiện hành của chính sách tiền thuê đất áp dụng đối với doanh nghiệp. Bộ Tài chính báo cáo, xin ý kiến Chính phủ đối với những nội dung là chính sách cần sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để áp dụng lâu dài.
Các giải pháp đề xuất áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ thông tin phải thống nhất với quy định trong dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trường hợp Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không quy định về tiêu chí và ưu đãi thuế, bổ sung các quy định này tại dự thảo Nghị quyết để kịp thời thực hiện trong các năm 2017, 2018. Giao Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế để áp dụng lâu dài.
Nghị quyết này không quy định việc bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ Tài chính thực hiện tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13, trong đó có vấn đề này để kiến nghị Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Luật nếu cần thiết.
Bích Diệp
Theo Dantri
"Soạn thảo một vài chữ không đúng, không thể thực hiện nông thôn mới"
"Bộ tiêu chí nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng tới thành, bại của chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới. Soạn thảo một vài chữ không đúng là không thể thực hiện được", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo về việc xây dựng Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Hôm qua (13/9), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, cho ý kiến về Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Sau khi nghe các ý kiến góp ý của lãnh đạo các bộ, ngành, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Bộ tiêu chí nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng tới thành, bại của chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới. Soạn thảo một vài chữ không đúng là không thể thực hiện được. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phải tập trung công sức hoàn thiện Bộ tiêu chí này, không để các địa phương phản ứng vì những cách hiểu khác nhau khi thực hiện".
Phó Thủ tướng: "Bộ tiêu chí nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng tới thành, bại của chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới (ảnh: VGP)
Với tư cách Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí cần xác định thành tố cơ bản của nông thôn mới là ở cấp xã và đặt ra 5 mục tiêu xây dựng nông thôn mới: Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao; phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy hoạch có hệ thống hạ tầng đồng bộ và đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài; môi trường xanh, sạch, đẹp; bảo tồn phát huy được bản sắc văn hóa các vùng miền; hệ thống chính trị vững chắc.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn cho rằng, có 3 vấn đề nổi lên trong xây dựng nông thôn mới đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Đó là các tiêu chí của nông thôn mới phải có đặc điểm, đặc thù và mức độ phù hợp với từng vùng, miền và từng địa phương chứ không thể vùng nào cũng giống nhau được; xây dựng nông thôn mới phải phù hợp với mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đi liền với đô thị văn minh; thực hiện lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác và các chương trình phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc với xây dựng nông thôn mới để tránh dàn trải, lãng phí.
Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới phải giải quyết được 5 mục tiêu hướng tới của nông thôn mới và giải quyết được 3 vấn đề nổi lên sau 5 năm thực hiện Bộ tiêu chí cũ.
Bộ tiêu chí mới vẫn bao gồm 19 tiêu chí, sẽ mang tính chất "tiêu chí khung" để thống nhất thực hiện trong toàn quốc.
Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành khác rà soát kỹ lại các tiêu chí, tiêu chuẩn, nội hàm, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới cho giai đoạn 2016-2020.
Bộ, ngành sẽ hướng dẫn, cụ thể hóa tiêu chí thuộc chức năng quản lý Nhà nước của mình thành các tiêu chuẩn cụ thể. UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào hướng dẫn của các bộ, ngành để quy định chi tiết các tiêu chuẩn sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, tình hình biến đổi khí hậu trên địa bàn, nhưng không được hạ thấp chỉ tiêu, tiêu chuẩn của các tiêu chí.
Bộ NN&PTNT tập hợp hướng dẫn của các bộ để soạn thảo cẩm nang, tài liệu hướng dẫn thực hiện các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 cho các địa phương.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT xây dựng các tiêu chuẩn và tiêu chí cho những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ NN&PTNT hoàn thiện các văn bản, chuẩn bị cho cuộc họp trực tuyến toàn quốc về xây dựng nông thôn mới sẽ được tổ chức trong thời gian sớm nhất.
Bích Diệp
Theo Dantri
"Vẽ" công trình để tiêu tiền sẽ bị xử lý nghiêm Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nhấn mạnh như vậy tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của ban chỉ đạo, ngày 28.6. Bức xúc vấn đề môi trường Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần...