Từ chối tiền tài trợ, VĐV Olympic chấp nhận làm shipper mùa dịch
Ryo Miyake từng đặt nhiều kỳ vọng vào thế vận hội tổ chức tại quê nhà. Nhưng điều anh không ngờ tới là Olympic bị buộc phải hoãn lại, còn Miyake phải đổi nghề để kiếm tiền.
Vì thế vận hội mùa hè Olympic Tokyo 2020 bị hoãn lại khi dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu, vận động viên Ryo Miyake của nước chủ nhà Nhật Bản chuyển sang làm shipper đồ ăn để có thu nhập, theo Reuters.
Từng giành huy chương bạc tại thế vận hội diễn ra ở London năm 2012, Miyake được kỳ vọng gặt hái thành tích cao tại lần tranh tài này. Số tiền từ các nhà tài trợ dành cho nam vận động viên sinh hoạt, thi đấu nhằm góp tên vào bảng vàng thành tích cũng không hề nhỏ.
Dịch bệnh tấn công Nhật Bản khiến vận động viên Olympic như Ryo Miyake phải tập luyện một mình và chuyển sang làm shipper đồ ăn.
Tuy nhiên, tất cả dự định, nung nấu đã phải tạm gác sang một bên khi virus corona chủng mới bất ngờ xuất hiện và tấn công nhiều quốc gia. Olympic lùi lại một năm, còn các giải đấu khác trong năm cũng tạm thời bị hoãn.
Còn với Miyake, anh cho hay bản thân cảm thấy không thể tiếp tục nhận tiền tài trợ với tâm thế dễ chịu như trước.
“Tương lai tôi đạt huy chương Olympic vẫn chưa thể chắc chắn. Tôi nghĩ rằng việc tiếp tục nhận tiền tài trợ trong tình huống này là hơi bất lịch sự. Do vậy, tôi đề nghị các nhà tài trợ tạm thời ngưng cung cấp tiền”, Miyake kể lại.
Thay vào đó, nam vận động viên quyết định đổi sang nghề giao hàng trong giai đoạn này. Các phòng tập cũng đã đóng cửa do lo ngại virus, Miyake lựa chọn tìm kiếm một công việc vừa tạo thu nhập vừa giúp anh tự luyện tập.
Ryo Miyake khi tham gia thi đấu (trái) và khi đạp xe giao đồ ăn cho khách hàng.
Với công việc mới, Miyake đạp xe mỗi ngày để giao đồ ăn. Thu nhập một ngày chỉ rơi vào khoảng 2.000 yen (18,65 USD) nhưng anh cho hay số tiền vẫn đủ để anh duy trì cuộc sống không có nhà tài trợ.
Video đang HOT
“Hiện tại, tôi phải trang trải bằng tiền tiết kiệm của mình. Vì vậy, tôi phải tự kiếm thêm. Mặt khác, việc đạp xe mỗi ngày giúp thể lực tôi không bị suy yếu”, Miyake nói về công việc giao đồ ăn anh đã làm trong hai tuần qua.
Nam vận động viên đấu kiếm khá lạc quan về nghề nghiệp hiện tại. Khi đa số người dân đều chôn chân một nơi vì dịch, nhu cầu giao đồ ăn tại nhà tăng cao, giúp các shipper như Miyake luôn bận rộn.
“Tôi không lo lắng lắm về khả năng nhiễm virus. Tôi chỉ đặt thức ăn trước cửa nhà khách hàng và người duy nhất tôi tiếp xúc là nhân viên quán ăn khi tôi đến lấy hàng”, anh cho hay.
Giờ đây, khi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt tại Nhật Bản, Miyake tự hỏi khi nào, anh mới có thể quay trở lại việc tập luyện cùng huấn luyện viên và những người khác.
“Đấu kiếm là bộ môn đòi hỏi người chơi phải tập trung một chỗ. Chúng tôi không thể tự chơi một mình. Tình cảnh hiện tại thật đáng tiếc. Tôi muốn sớm được quay về lúc ai nấy đều thoải mái tập luyện, không cần lo lắng”, anh nói.
Theo dự kiến ban đầu, sân chơi thể thao danh giá nhất hành tinh sẽ được tổ chức vào cuối tháng 7 năm nay. Song, hôm 24/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ra thông báo nước này sẽ hoãn Olympic tới mùa hè năm 2021 sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).
Cha mẹ có con tự kỷ nói về chiến dịch 3A: Người khẳng định đó là việc nên làm, người hoàn toàn chưa biết gì về chiến dịch
Cuộc tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội quanh chiến dịch 3A do Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam tổ chức vẫn chưa kết thúc dù chương trình đã khép lại từ 12g đêm ngày 15/4.
Nhưng tất cả những ồn ào đó đều không quan trọng bằng việc các cha mẹ có con tự kỷ nghĩ gì và được lợi ích gì.
Quyên góp 3 chữ A để làm gì và quyên góp cho ai?
Chiến dịch 3 chữ A là chương trình do Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN) phát động nhân Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ. Vào dịp này, từ năm 2016 đến 2019, VAN đều tổ chức sự kiện và Đại hội Thể thao thân thiện dành cho người tự kỷ. Năm 2020, do đại dịch COVID-19, không thể tổ chức sự kiện, VAN đã đề xuất chiến dịch 3A, và sử dụng số tiền 200 triệu, lẽ ra dành cho sự kiện thể thao nói trên, cho các cuộc tập huấn phụ huynh có con tự kỷ tại các địa phương.
Chương trình này hoàn toàn do VAN đề xuất, không phải yêu cầu của nhà tài trợ.
Đây là những thông tin được đăng tải chính thức trên trang của VAN trong bài viết có tên "Hậu chiến dịch 3A - Lời cảm ơn và xin lỗi".
Lời cảm ơn và xin lỗi này lại tiếp tục gây tranh cãi. Người nghi ngờ cho rằng chiến dịch là "lừa đảo", "lợi dụng lòng nhân ái" của cộng đồng để tiếp thị có căn cứ để tiếp tục chỉ trích. Những tranh luận qua lại giữa hai nhóm ủng hộ và phản đối tiếp tục nóng hổi trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, trên tất cả, "nhân vật trung tâm" của chiến dịch là các gia đình có con tự kỷ. Nhiều người trong số họ đồng thời là thành viên của chiến dịch. Họ nghĩ gì và họ được gì từ chiến dịch này? Đó là vấn đề đáng để quan tâm hơn.
Chị Phan Thanh Huyền (39 tuổi), mẹ của một bé trai tự kỷ sinh năm 2012, tham gia chiến dịch 3A từ những ngày đầu tháng 3 trên nhóm kín của hội cha mẹ có con tự kỷ. Theo lời chị Huyền, khi chương trình được phát động, các cha mẹ trong nhóm không nhiều người hưởng ứng và làm theo hướng dẫn. "Có lẽ do nhiều cha mẹ không muốn cho mọi người biết con mình bị tự kỷ."
Chị Huyền cho hay, chị cũng từng có một giai đoạn như vậy. "Nhận thấy con mình có dấu hiệu bất thường mà không chấp nhận rằng con mình bất thường."
Nhiều cha mẹ tìm kiếm thông tin từ khắp nơi, tham gia các hội nhóm, diễn đàn về trẻ tự kỷ nhưng lại giấu kín với bạn bè, đồng nghiệp hay họ hàng. Hoặc không giấu song cũng không muốn công khai. Điều này khiến họ ngần ngại khi phải chia sẻ một thông điệp về tự kỷ trên mạng xã hội.
Chị Huyền cho rằng, chiến dịch 3A này có mục đích chính là để cộng đồng hiểu và nhìn nhận rõ hơn về trẻ tự kỷ, bao gồm cả nhận thức của chính các gia đình có con tự kỷ. Bởi thế, cá nhân chị Huyền không thấy biểu hiện gì của việc mượn hoạt động xã hội để "quảng cáo trá hình".
"Hôm qua tôi và chồng cũng vừa nói chuyện về vấn đề này. Đặt giả thiết có yếu tố kinh doanh trong chiến dịch thì tôi cũng xem điều đó là bình thường. Chương trình này không quyên góp tiền, vật chất mà chỉ quyên góp tấm lòng.", chị Huyền bày tỏ.
Góp một góc nhìn cá nhân về chiến dịch 3A, chị Đỗ Thị Minh Hiền, 42 tuổi, mẹ của cậu con trai tự kỷ sinh năm 2011, thì thể hiện quan điểm: Mỗi người hãy cứ làm những việc mà họ thấy nên làm.
"Ai thấy việc chia sẻ chữ A nên làm thì cứ tiếp tục làm thôi. Ai thấy cần lên tiếng cảnh báo về chiêu trò marketing, về "nhãn hàng A365", thì cứ nói thôi. Ai thấy không cần chia sẻ chữ A, không cần lên tiếng cảnh báo, nên im lặng, thì cứ im lặng thôi. Đấy, nghĩ đơn giản cho dễ sống.
Còn mình, việc nên làm bây giờ là mỗi ngày viết một chút ít về tự kỷ. Mọi người hiểu hơn thì quá tốt cho mình, cho những người tự kỷ. Mọi người ko hiểu thì cũng ko sao, vì trước giờ vẫn thế rồi.", chị Hiền viết trên trang cá nhân.
Là người tham gia tích cực vào chương trình của VAN với nhiều lần đăng trạng thái có kèm "hastag" 3 chữ A, chị Hiền chia sẻ về lý do: "Như tôi nói, tôi thấy việc tôi nên làm thì tôi làm. Để biết việc đó có nên làm không thì tôi dùng cả con tim và lý trí để quyết định. Cá nhân tôi dành nhiều tình cảm cho những đứa trẻ và những bà mẹ. Tôi cũng biết A365 là website nhiều bố mẹ nên biết để có thể giúp con mình. Vì vậy, với tôi, đó là việc tôi nên làm. Kể cả A365 có là nhãn hàng thương mại nhưng nếu nó tốt thì tôi vẫn khuyến khích mọi người dùng mà. Tôi nghĩ mình lan truyền một giá trị chứ không phải một món hàng."
Chị Hiền cũng khẳng định, chị không đặt ra vấn đề "chương trình này có lợi ích gì với mình". "Tôi không nghĩ đến, nên hỏi về lợi ích thì khó quá. Bạn bè, người quen của tôi biết nhiều hơn về hội chứng tự kỷ. Những câu chuyện nhỏ về tự kỷ của tôi nhận được nhiều tương tác hơn. Không biết đó có phải là lợi ích không nhỉ?"
Chữ A đến được tay ai?
Trái với chị Phan Thanh Huyền và chị Đỗ Thị Minh Hiền, chị Nguyễn Thị Hương, một bà mẹ 43 tuổi làm nghề thợ may sống ngay trung tâm Hà Nội, lại không biết gì về chiến dịch 3A, website A365 lẫn tổ chức Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, dù có sử dụng mạng xã hội.
Chị Hương tự trách đó là lỗi của mình: "Tôi không biết, tôi ngố lắm".
Chị Hương cũng cho hay, con trai tự kỷ sinh năm 2012 của chị không đi học can thiệp vì chi phí quá cao mà thu nhập từ công việc may vá của chị chỉ vừa đủ sống. Trong khi đó, chị chưa bao giờ biết đến bất kỳ khóa học miễn phí nào dành cho cha mẹ có con tự kỷ.
Tương tự là chị Lê Thị Ngà (47 tuổi), một nhân viên thu tiền điện cũng sống tại Hà Nội, có con trai tự kỷ sinh năm 2004. Chị Ngà biết về Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam nhưng không nhiều, cũng không có điều kiện để tìm hiểu thông tin.
"Tôi không biết về chương trình này", chị Ngà nói ngắn gọn.
Cũng như vậy, chị Nguyễn Thị Thư (48 tuổi) ở Thanh Miện, Hải Dương, mẹ của cậu con trai tự kỷ sinh năm 2004, cho biết đây là lần đầu tiên chị được nghe về chiến dịch 3 chữ A vì người tự kỷ.
"Tôi chợt nhớ là có người quen trên facebook đăng mấy chữ này. Nhưng vì toàn tiếng Anh nên tôi không biết họ đăng cái gì.", chị Thư tiếc nuối chia sẻ, "Nếu biết có một chiến dịch như thế, chắc chắn tôi sẽ tham gia ngay. Giá mà có tiếng Việt thì dễ với người ở quê, học vấn thấp như tôi."
Chị Hương, chị Ngà, chị Thư thuộc nhóm các bà mẹ yếu thế - không có điều kiện kinh tế, điều kiện xã hội - nằm ngoài chiến dịch 3A này.
Với thống kê ước tính trên 1 triệu người Việt Nam mắc hội chứng tự kỷ (số liệu do giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đưa ra ước tính trong phát biểu tại một sự kiện dành cho người tự kỷ vào ngày 1/4/2019), 493.281 chữ A được quyên góp tương đương với gần 164.427 lượt người tham gia ủng hộ là con số còn rất hạn chế. Con số phần nào cho thấy, chiến dịch xã hội dù "gây bão" trên mạng xã hội những vẫn chưa thể chạm tới không ít đối tượng đích - những cha mẹ có con tự kỷ thực sự cần được cộng đồng giúp đỡ, hỗ trợ.
Nói một cách khác, những chữ A quyên góp được trong một tháng rưỡi vẫn chưa đủ nhiều để trao đi. Hoặc là cần một cách quyên góp tấm lòng gần gũi hơn, lan tỏa hơn, chạm tới nhiều trái tim hơn, vì mục đích cuối cùng là lợi ích thiết thực cho hơn hàng triệu gia đình có con tự kỷ tại Việt Nam. Họ xứng đáng được nhận sự chia sẻ, đồng cảm và khích lệ nhiệt thành thay vì những cân nhắc, phát xét, hoài nghi.
HH
Phó Chủ tịch chiến dịch "3 chữ A" cảm ơn và xin lỗi sau thành quả vượt kỳ vọng: "Chúng tôi hy vọng được phản biện để ngày càng hoàn thiện" Chiến dịch "3 chữ A" kêu gọi sự hưởng ứng của cộng đồng vì trẻ tự kỷ đã nhận được sự quan tâm rất lớn trong dư luận, đồng thời xuất hiện một số phản ánh trái chiều. Phó Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam - người chịu trách nhiệm chính của "3 chữ A" đã lên tiếng giải thích sau...