Từ chối cấp cứu vì nạn nhân không tiền
Theo lời nạn nhân, anh đã “bị mời” ra về vì trong túi không có tiền và cũng không liên lạc được với người nhà.
Sáng 27/11, đường dây nóng Báo Bình Dương nhận được tin: Phòng khám đa khoa khu vực An Phú đang tiếp nhận một thanh niên bị chém nhiều nhát.
P.V lập tức có mặt và xác minh thông tin thì được nạn nhân cho biết: bị chém vào đêm 26/11 và được đưa vào Phòng khám đa khoa Bình An ở phường An Phú, TX.Thuận An nhưng anh không được chữa vết thương. Sáng 27/11, anh được nhân viên phòng khám này “mời” ra về vì không có tiền!?
Tuy nhiên, phía Phòng khám đa khoa Bình An lại cho rằng: bệnh nhân này “không hợp tác” và “đòi về”! Vậy thực hư câu chuyện ra sao?
Người thanh niên bị chém là Dương Quốc Đại (SN 1991, quê Kiên Giang, hiện đang ở trọ tại phường Thuận Giao, TX.Thuận An, Bình Dương). Theo thông tin ban đầu, Đại từ quê nhà lên Bình Dương gần một tháng và ở chung phòng trọ với một người bạn tại KP.4, phường An Phú. Sau đó Đại chuyển về trọ ở phường Thuận Giao.
Tối 26/11, khi Đại đến phòng trọ trước đây ở KP.4, phường An Phú dọn đồ đạc thì bị chém một trận tơi bời. Nhận được tin báo của người dân, khoảng 23 giờ khuya 26/11, lực lượng bảo vệ dân phố đã có mặt và đưa Đại đến Phòng khám đa khoa Bình An để cấp cứu. Nhưng khoảng 6 giờ sáng hôm sau, các anh lại thấy Đại nằm trước văn phòng KP.2, phường An Phú với thân thể còn bê bết máu!
Video đang HOT
Thấy vậy, mọi người đã đưa Đại vào Phòng khám đa khoa khu vực An Phú để cấp cứu. Y sĩ Đặng Thị Tho cho biết: khi tiếp nhận, Đại trong tình trạng rất nguy kịch, bị mất máu nhiều, chỉ có phần đầu là được băng bó sơ sài, các vết thương trên người đều không được vệ sinh. Nhằm tránh nhiễm trùng, nạn nhân được đưa vào cấp cứu truyền dịch và vệ sinh vết thương, khâu các vết hở lớn.
Anh Dương Quốc Đại đang được cấp cứu, băng bó vết thương tại Phòng khám đa khoa khu vực An Phú sáng 27/11
Tổng cộng Đại bị chém, đâm 15 nhát ở đầu, chân, hông, lưng, ngực, bụng. Đáng chú ý là 2 vết đâm ở vùng đầu rất nguy hiểm nhưng chỉ được băng bó sơ sài cho cầm máu. Một vết dao cắt ở phần cổ đang rỉ máu nhưng vết thương này cũng không được băng bó.
Sau khi được sơ cứu, bệnh nhân đã dần tỉnh và có thể trò chuyện ngắn. P.V hỏi: “Sao trong tình trạng nguy hiểm vậy mà không nằm ở Phòng khám đa khoa Bình An để băng bó vết thương, theo dõi bệnh tình?”.
Anh Đại cho biết: khi vào anh được nhân viên phòng khám đa khoa An Bình băng bó 2 vết thương bị đâm ở vùng đầu và cho nằm nghỉ lại qua đêm. Sáng hôm sau, anh đã “bị mời” ra về vì trong túi không có tiền và cũng không liên lạc được với người nhà. Không còn cách nào khác đành phải nặng nhọc lê bước ra về, với bộ quần áo mà vết máu đã khô cứng che tạm hàng chục vết thương đang rỉ máu khắp thân người. Được người dân chỉ đường, anh tìm đến văn phòng KP.2, phường An Phú và nằm ở đó.
Ngay sáng 27/11, P.V làm việc cùng ban giám đốc và những nhân viên trong ca trực khuya 26/11 của Phòng khám đa khoa Bình An để tìm hiểu vấn đề.
Bác sĩ Lê Đình Huy, chuyên khoa ngoại của Phòng khám đa khoa Bình An cho biết: vừa mới nghe nhân viên dưới quyền thông báo về vụ việc này và cho rằng, nếu có sự việc như trên có thể là do bệnh nhân “không hợp tác và say rượu”, không cho nhân viên y tế chăm sóc vết thương.
Y sĩ Nguyễn Văn Hoàng, người tiếp nhận bệnh nhân Đại vào khuya 26/11 nói: “Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, nhân viên y tế của phòng khám chúng tôi đã truyền dịch cho Đại, sau đó dự định sẽ vệ sinh và khâu vết thương nhưng bệnh nhân này không cho nên chúng tôi chỉ băng bó vết thương ở đầu. Lúc này bệnh nhân Đại say rượu và không hợp tác nên nhân viên y tế không thể khâu vết thương mà chỉ bố trí cho anh ta nằm nghỉ”!?
Sáng 27/11, đích thân y sĩ Hoàng còn đề nghị bệnh nhân Đại có thể đến Bệnh viện Quân đoàn 4 để cấp cứu nhưng anh Đại không đồng ý chữa trị vết thương cũng như vào bệnh viện vì anh nói “không có tiền!”. Ông Hoàng cho biết: khoảng 5 giờ 30 phút sáng 27/11, anh Đại yêu cầu rút kim truyền dịch khi chưa xong và đòi về bởi “không có tiền chữa trị!” và phòng khám cũng không thu tiền của bệnh nhân này.
Trong khi đó, trao đổi với P.V, anh Đại tiếp tục khẳng định: anh đã bị nhân viên Phòng khám đa khoa Bình An “mời” ra về vì anh không có tiền.
Sự thực của vụ việc này cho dù như thế nào đi chăng nữa cũng là điều đáng để suy ngẫm về chức trách của những người khoác áo blouse, khi họ có thể nhìn một bệnh nhân với hàng chục vết thương còn đang rỉ máu, lê từng bước chân nặng nhọc ra khỏi phòng khám, chỉ vì lý do: anh ta “không hợp tác!” và “đòi về”!
Theo 24h
Cuộc chiến thiện - ác
Kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, cho biết, về chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế cho thấy, tỷ lệ người dân đi khám chữa bệnh tại bệnh viện sử dụng "phong bì" trong dịch vụ y tế tăng đều hàng năm. Càng lên cao thì độ dày của chiếc "phong bì" mà người bệnh đưa cho cán bộ y tế càng tăng thêm. Nếu như ở tuyến cơ sở, tiền bệnh nhân "dúi" cho bác sĩ, y tá, cán bộ y tế chỉ từ 5.000 - 50.000 đồng thì lên tới tuyến Trung ương "phong bì" phải ít nhất là 50.000 đồng cho tới vài triệu, thậm chí là hàng trăm USD.
Việc bệnh nhân phải đưa "phong bì" cho y, bác sĩ mỗi khi đi viện hay chuyện cán bộ y tế vòi vĩnh tiền của người bệnh ngoài tiền thuốc men, viện phí đã trở nên khá phổ biến. Cũng thấy được là hành vi tiêu cực này có tác động tới chất lượng điều trị, sự công bằng trong khám chữa bệnh khi việc đối xử, chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân được đo bằng... độ dày của chiếc phong bì chứ không phải thực trạng bệnh tật của người bệnh.
Công bằng mà nói sự xuống cấp y đức, tiêu cực trong khám chữa bệnh không phải xảy ra ở tất cả bệnh viện hay mọi cán bộ y tế. Tuy nhiên, thực tế tình trạng người dân đi khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện công lập đưa "phong bì" cho y, bác sĩ đã trở nên khá phổ biến. Cho dù, ngành y tế lâu nay đã thực hiện nhiều biện pháp, từ tuyên truyền giáo dục nâng cao y đức cho cán bộ y tế, tổ chức một số bệnh viện cam kết nói không với phong bì, cho tới việc tăng viện phí để tăng nguồn thu cho bệnh viện, giúp cán bộ y tế bớt đi khó khăn nhưng tham nhũng, tiêu cực y tế và xuống cấp y đức vẫn cứ xảy ra tràn lan, thậm chí nghiêm trọng hơn. Đến nay đã là "căn bệnh mãn tính" bởi thực trạng này đã kéo dài lâu nay và ngày càng trở nên trầm trọng hơn, gây bức xúc, khổ sở cho người dân mỗi khi đi khám chữa bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế phải thừa nhận, tình trạng xuống cấp y đức và tiêu cực trong lĩnh vực y tế đang diễn ra rất phức tạp, chẳng khác gì cuộc đấu tranh dai dẳng giữa cái thiện và cái ác. Những bệnh nhân đang mong chờ Bộ Y tế sẽ quyết liệt triển khai những biện pháp, hành động cụ thể để đẩy lùi tình trạng bức xúc trên, trả lại niềm tin của người dân vào y đức, để trong mắt người dân, lương y là "từ mẫu".
Theo ANTD
Công nhân lại ngộ độc hàng loạt Nhiều công nhân phải đi cấp cứu vì ngộ độc (Ảnh: Lao động) Ngày 16/11, sau khi ăn cơm trưa, hàng chục công nhân thuộc công ty TNHH CanSports Việt Nam tại tỉnh Tây Ninh đã phải đi cấp cứu do ngộ độc thức ăn. Hôm 16/11, sau khi ăn cơm trưa, hàng chục công nhân thuộc công ty TNHH CanSports Việt Nam,...