Từ châu Âu, nhớ món ăn sáng ngon hơn bún phở ở quê nhà
Sáng thu giao mùa, trời châu Âu ngày cuối tuần yên ả. Mẹ không thích đồ Tây như mì nướng, mì trộn, mì spaghetti mà các con vẫn hay ăn ở trường, nên mỗi khi ở nhà mẹ thường trổ tài nấu món Việt.
Tình yêu thương đôi khi chỉ bắt đầu bằng một món ăn đơn giản – Ảnh: NVCC
Hôm nay mẹ làm món mì tôm xào cho các con với tình yêu thương cùng nỗi nhớ quê hương đất Việt.
Mẹ chuẩn bị ít cà rốt thái chỉ, dăm cọng hẹ cùng mấy con tôm, rồi quấn lấy sợi mì óng ánh săn vàng lăn đều trên chảo. Vậy mà các con ăn sạch đĩa, còn xin thêm và dặn mẹ để dành sáng hôm sau con ăn nữa nhé. Con bảo mì của mẹ giòn giòn, dai dai khác mì ở lớp.
Mẹ vẫn biết mì tôm ngon mà. Con biết không, bằng tuổi các con, quà sáng là một sự xa xỉ, mẹ đâu dám mơ ước. Xưa kia mẹ được ăn mì tôm cân đi học là sang lắm rồi.
3 mẹ con chị Trần Thủy đang sinh sống ở nước Đức – Ảnh: NVCC
Buổi sáng mùa đông, trời lạnh cắt da cắt thịt, mẹ dậy rất sớm để học bài. Tiếng lợn ủn ỉn mừng vui khi thấy mẹ bê chậu cám vào. Kế tiếp, mẹ giặt một thau quần áo to đùng cho cả nhà. Hai bàn tay mẹ đỏ lừ, nhăn nheo vì cước.
Ánh lửa bập bùng, cùng tiếng siêu nước sôi reo ông ngoại đang đun, làm ấm cả gian bếp tối. Xong việc, bữa sáng của mẹ và các cậu con là nửa gói mì tôm đã được ông chiêu nước để chờ. Có khi lâu quá, sợi mì trương phềnh lạnh ngắt, váng mỡ nổi trên bề mặt. Chẳng hề gì, thêm muôi cơm nguội, chút dấm tỏi và tương ớt, một tô mì đủ màu sắc thật bắt mắt, no đến tận trưa.
Nó còn ngon hơn bất cứ tô phở, tô bún nào có trong trí tưởng tượng của mẹ. Đôi khi nhỡ nhàng không mua được thức ăn, một gói mì tôm thay canh chan cơm, cả nhà vui vẻ sì sụp húp, mà trong ánh mắt vẫn đong đầy hạnh phúc.
Mẹ mê cái mùi thơm ngầy ngậy, óng ả giòn dai của thứ thực phẩm ăn liền, làm mưa làm gió thời đó. Chút nước dùng không phải từ thịt hầm, từ xương bò, mà chỉ từ những hương liệu công nghiệp đủ vị, vẫn ngon đến giọt cuối cùng.
Có lần cậu con bị sốt, bà ngoại mua gói mì đóng giấy thô, hình hai con tôm đỏ, đem nấu với trứng gà và hành hoa cho cậu ăn. Mẹ ngồi học bên cạnh mà thèm thuồng, ước gì mình cũng ốm như thằng em…
Mì tôm theo mẹ suốt cả quãng đời xa vãng. Nó dễ ăn, đưa miệng… lại tiết kiệm. Bạn bè mẹ ở quê lên trọ học, mì tôm là món ăn chính suốt một thời sinh viên đói khổ. Có người tâm sự, giờ nhìn thấy là sợ, nhưng không phủ nhận, nhờ những bát mì úp nhanh đưa đẩy qua ngày, họ đã thành đạt đến bây giờ.
Mì tôm, món ăn bình dân có trên kệ bếp của cả người giàu lẫn người nghèo. Những người nổi tiếng, ra nước ngoài công tác. Họ chia sẻ, vẫn luôn có mì tôm bên mình phòng khi gặp đồ ăn không hợp, bát mì mang hương vị quê hương sẽ làm họ ấm lòng.
Khúc ruột miền Trung, nơi luôn hứng chịu những trận bão lũ điên cuồng. Không biết bao nhiêu lần, người dân miền Trung phải dầm mình trong mưa giông kéo dài không dứt. Những đôi mắt đỏ ngầu, những mái đầu sũng ướt. Bị cô lập trong biển nước ngập trời. Họ chia nhau những miếng mì tôm khô bẻ vội, trệu trạo nhai, trệu trạo nuốt cùng mưa và nước mắt để cầm cự qua ngày. Những thùng mì tôm lần lượt nối đuôi nhau, theo đoàn xe lặn lội trên mọi nẻo đường cứu trợ.
Khi các con vẫn ngon giấc trong chăn ấm nệm êm ở trời Âu xa xôi này, thì ở quê hương con, nơi vùng cao buốt giá vẫn còn những em bé ăn không đủ no, áo không đủ mặc, thò lò mũi xanh. Rất nhiều nhà hảo tâm lên tận nơi tặng quần áo, giày dép, bánh kẹo, không quên thêm thùng mì tôm, món quà từ thiện rất phù hợp với cả gia đình họ con ạ.
Sáng nay thôi, lúc mẹ con ta ngồi xem tin tức bệnh dịch đang hoành hành trên quê hương mình. Chắc con còn nhớ hình ảnh chú bộ đội vác gạo, vác mì tôm, rau xanh đi phân phát trong khu vực báo động đỏ.
Một gói mì, chế biến thêm rau thịt, sẽ cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể khỏe mạnh. Bây giờ đây, biết bao nhiêu hoàn cảnh cơ nhỡ khó khăn. Họ như đang sống trên chảo lửa. Hoang mang, lo lắng đối mặt với dịch bệnh, với cái đói và sự thiếu thốn đang rình rập. Một thùng mì, rất cần thiết để tích trữ, cầm cự khi cần.
Gia đình ta từng trải qua quãng thời gian như vậy, nên chắc con hiểu tình cảnh của quê hương Việt trong lúc này. Bố mẹ đã tham gia đóng góp cùng các hội đoàn xa xứ, gửi chút tấm lòng cho quê hương đang hoạn nạn, vậy các con nghĩ sao?
Con lợn đất tích trữ những đồng tiền xu, mẹ thưởng khi con đạt điểm tốt. Con nói sẽ lấy nó ra để làm điều có ích. Vậy con có nghĩ rằng, việc mình gửi những đồng tiền này để các cô chú mua lương thực, thực phẩm tặng các gia đình đang gặp khó khăn trong đại dịch, có phải thêm nhiều nhà, nhiều bạn nhỏ như các con được ăn no hơn?
Video đang HOT
Tình yêu thương của mẹ với các con hay xa hơn là tình yêu thương giữa con người với con người dành cho nhau đôi khi cũng thật giản dị, phải không con?
5 món ăn sáng nấu vừa dễ vừa nhanh mà "cân đủ mọi khẩu vị" từ Việt đến Tây, từ khô đến nước
Tham khảo ngay 5 món ăn sáng cực ngon này để thay đổi khẩu vị cho bữa ăn của cả nhà nhé!
Giãn cách xã hội, hàng quán đóng cửa hết, những món ăn sáng quen thuộc nay đều phải tự làm. Với 5 cách làm món ăn sáng dưới đây, hi vọng bạn sẽ có thêm ý tưởng cho bữa sáng của gia đình mình luôn phong phú, ngon miệng nhé!
BÁNH MÌ KẸP
Chuẩn bị 10 phút - Khẩu phần cho 01 người ăn:
Nguyên liệu: 1/3 ổ bánh mì baguette, 1 lát phô mai Cheddar, 1 lát jambon vuông, 1 lá xà lách, 2 lát cà chua, 2 lát dưa leo baby.
Chế biến (10 phút):
- Xẻ dọc khúc bánh mì, dàn đều các nguyên liệu vào ổ bánh: xà lách, phô mai và jambon cắt làm đôi.
- Làm nóng chảo không dính, cho bánh vào, dùng sạn phẳng ấn và lật ổ bánh cho đến khi vàng giòn và phô mai tan chảy là được.
CƠM CHIÊN THẬP CẨM
Chuẩn bị (15 phút) - Khẩu phần cho 04 người ăn
Nguyên liệu: 3 chén cơm nguội, 2 quả trứng gà hoặc trứng vịt, quả ớt chuông, 4 lát jambon vuông, 1/3 chén kim chi, hành tím, hành lá, dầu ăn, dầu hào, nước tương, hạt nêm, tiêu.
Thực hiện (25 phút):
- Cơm nguội đánh tơi để tránh bị vón cục khi rang.
- Đánh tan 2 trứng, thêm vào ít hạt nêm, khuấy đều rồi đem đi chiên mỏng và thái lát.
- Ớt chuông và jambon thái hạt lựu.
- Hành tím, hành lá và kim chi thái nhỏ.
- Đặt chảo lên bếp, cho dầu ăn và hành tím vào phi vàng.
- Cho cơm vào đảo đến khi hạt cơm săn lại khoảng 8-10 phút. Sau đó cho ớt chuông, jambon, kim chi vào đảo thêm 3 phút nữa. Khi thấy hạt cơm khô vừa, nêm ít dầu hào, nước tương, tiêu sau đó cho trứng và hành lá vào, đảo sơ, tắt bếp.
BÁNH PIZZA ĐẾ LÀM BẰNG KHOAI TÂY
Chuẩn bị (15 phút) - Khẩu phần cho 02 người ăn
Nguyên liệu: 2 củ khoai tây Đà Lạt, 1 quả trứng gà, 4 con tôm sú, quả ớt chuông vàng, quả ớt chuông đỏ, phô mai bào sợi Mozzarella, lá thơm khô (mình dùng lá mùi tây Parsley), dầu ăn, muối, tiêu.
Thực hiện (25 phút):
- Khoai tây gọt vỏ, rửa sạch sau đó bào sợi vào trong chậu nhỏ có chút muối.
- Lọc khoai qua rây sau đó dùng khăn mùng vắt ráo và cho khoai vào một cái tô.
- Đập một quả trứng gà, thêm ít muối, tiêu vào tô và trộn đều cùng hỗn hợp khoai.
- Tôm lọt sạch vỏ và cắt làm đôi, ớt chuông thái lát.
- Cho dầu ăn vào chảo không dính, dàn khoai tây đều mặt chảo sau đó đậy vung, để lửa nhỏ cho khoai chín từ từ.
- Khi đế đã vàng giòn, lật bánh lại (có thể dùng sạn phẳng hoặc dùng nắp vung để lật úp đế bánh), rải đều topping: tôm, ớt chuông, phô mai, lá thơm khô. Đậy nắp, để lửa nhỏ cho đến khi tôm chín và phô mai tan chảy là được.
Lưu ý:
Đế bánh dày hay mỏng là do căn chỉnh lượng khoai khi dàn đều trong chảo và topping tùy theo sở thích của mình.
MIẾN MĂNG GÀ
Chuẩn bị (20 phút) - Khẩu phần cho 04 người ăn
Nguyên liệu: 1 con gà ta tầm 1.2kg, 250g miến, 100g măng khô, 15 tai nấm hương, 3 tai mộc nhĩ, hành tím, hành lá, ngò gai, dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, bột ngọt, tiêu.
Thực hiện (60 phút):
- Gà: cho nước vào nồi, thêm 1 muỗng café muối, 1 muỗng café bột ngọt và 2 củ hành tím đập dập rồi đem gà đi luộc. Gà chín (dùng đũa xăm vào đùi gà, nếu khô là gà đã chín) vớt ra để ráo, chặt thành miếng vừa ăn hoặc xé sợi.
- Măng, mộc nhĩ, nấm hương đem ngâm cho mềm sau đó rửa lại thật sạch với nước lạnh. Măng xé sợi (nhớ ngâm và luộc thật kỹ trước khi xé), mộc nhĩ và nấm hương cắt bỏ cuống, thái chỉ.
- Miến ngâm với nước lạnh tầm 15 phút đến khi mềm, vớt ra để ráo.
- Lòng gà, hành tím, hành lá, ngò gai thái nhỏ.
- Phi thơm hành tím với dầu ăn sau đó cho lần lượt lòng gà, măng, mộc nhĩ, nấm hương vào, nêm 2 muỗng café nước mắm, 2 muỗng café hạt nêm, 1 muỗng café bột ngọt và 1 muỗng café tiêu. Đảo đều đến khi chín, trút hỗn hợp này vào nồi nước luộc gà.
- Đun sôi nước dùng, nêm nếm vừa ăn. Xếp miến, thịt gà, hành lá, ngò gai vào tô, chan nước, rắc thêm chút tiêu là có thể dùng ngay.
Lưu ý:
Có thể chuẩn bị nước dùng và sơ chế nguyên liệu từ tối hôm trước (trừ ngâm miến), sáng hôm sau chỉ cần đun nóng lại và ăn ngay.
CƠM SƯỜN
Chuẩn bị (15 phút) - Khẩu phần cho 04 người ăn
Nguyên liệu: 4 miếng thịt cốt lết, 4 chén cơm nóng, 2 quả dưa leo baby, mật ong, dầu ăn, dầu hào, nước mắm, hạt nêm, bột ngọt, bột tỏi, tiêu, hành tím, hành lá.
Thực hiện (30 phút):
- Sườn mua về rửa sạch với muối sau đó để ráo. Để thịt mềm, mình có thể dùng búa hoặc mặt dao giã thịt cho đến khi đạt độ mềm mong muốn.
- Ướp sườn với 2 muỗng café mật ong, 1 muỗng café các gia vị dầu hào, nước mắm, hạt nêm, bột ngọt, hành tím băm, muỗng café bột tỏi và tiêu. Trộn đều với nhau cho thấm, bọc kín, để trong ngăn mát tủ lạnh qua đêm.
- Nướng thịt bằng nồi chiên không dầu ở 180 độ C trong 15 phút. Sau đó lật mặt lại nướng thêm 180 độ C trong 5 phút nữa.
- Trong thời gian chờ sườn chín, cho ít dầu ăn hoặc mỡ vào chảo, đun sôi dầu/mỡ, tắt bếp, cho hành lá thái nhỏ và ít hạt nêm vào đảo đều.
- Dưa leo cắt lát dài hoặc tròn để trang trí và ăn kèm với cơm sườn.
Lưu ý:
- Sườn ướp và để qua đêm trong ngăn mát tủ lạnh cho thấm gia vị.
- Trong quá trình nướng, nếu một mặt chín vàng đều rồi thì phải trở sang mặt còn lại để nướng tiếp.
- Cơm nấu từ tối hôm trước để sáng hôm sau có dùng cho bữa sáng luôn.
Hàng quán đóng cửa, vét tủ lạnh cũng làm được món bánh ăn sáng "đỉnh của chóp" Để đổi vị cho bữa sáng quen thuộc, bạn có thể làm món bánh khoai tây chiên kết hợp với trứng sữa này nhé. Món bánh không chỉ ngon, dễ làm mà lại rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt trẻ nhỏ sẽ thích thú lắm. Chuẩn bị nguyên liệu 1. Khoai tây 1 củ 2. Sữa tươi 100ml 3. Bột mì 50g 4....