Từ câu chuyện nông sản đến “cuộc chiến” của Mỹ đẩy Trung Quốc ra khỏi chuỗi giá trị toàn cầu
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, tưởng chừng đã hạ nhiệt sau cái bắt tay của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Nhật Bản hồi tháng trước, lại “ nóng” lên sau tuyên bố của ông Trump rằng Trung Quốc đang khiến Mỹ thất vọng vì không giữ lời hứa.
Giá đậu tương ở Mỹ đã sụt giảm do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc
Viết trên Twitter, Tổng thống Trump than phiền: “Mexico đã làm rất tốt ở biên giới, nhưng Trung Quốc đang khiến chúng tôi thất vọng vì họ không mua các sản phẩm nông nghiệp từ những nông dân tuyệt vời của chúng tôi như họ đã hứa. Hy vọng họ sẽ sớm bắt đầu”. Trước đó, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cũng tuyên bố Mỹ kỳ vọng Trung Quốc xúc tiến mua nông sản của Mỹ ngay khi đàm phán thương mại giữa hai nước được nối lại.
Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý nối lại đàm phán nhằm tiến tới một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại kéo dài hơn một năm qua. Trong khi Washington đồng ý ngừng đánh thuế lên hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thì Bắc Kinh tuyên bố sẽ mua thêm nhiều nông sản từ Mỹ.
Ông Trump nóng ruột bởi sự chậm trễ của Trung Quốc không phải không có lý do. Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết thặng dư thương mại Trung-Mỹ trong năm 2018 đã tăng 17%, lên tới 323,32 tỷ USD. Đây là mức thặng dư thương mại cao nhất của Trung Quốc với Mỹ dựa trên số liệu được hãng tin Reuters lưu giữ từ năm 2006.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, bất chấp sức ép của Washington, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ vẫn là con số khổng lồ 750,6 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 108 tỷ USD. Dù xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ lại giảm tới 26% khiến thặng dư thương mại Trung-Mỹ vẫn cao.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ và Trung Quốc, nông sản có vai trò quan trọng. Năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 24,2 tỷ USD hàng nông sản Mỹ, trong đó 60% là các loại hạt có dầu, còn lại là các sản phẩm như thịt, bông, ngũ cốc và hải sản. Nhưng sang năm 2018, nhập khẩu nông sản Mỹ của Trung Quốc giảm tới 1/3, chỉ còn 16 tỷ USD. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong các tháng đầu năm 2019, riêng mặt hàng đậu tương của Mỹ xuất vào Trung Quốc giảm tới 12,2% trong 5 tháng đầu năm 2019.
Nếu tình hình cứ kéo dài, người nông dân Mỹ sẽ chịu thiệt thòi lớn. Chẳng hạn như giá đậu tương Mỹ – sản phẩm Trung Quốc ngừng mua vì căng thẳng hai nước – đã xuống thấp nhất trong vòng một thập kỷ ngay khi mùa gieo trồng bắt đầu. Des Moines Register – tờ báo lớn nhất bang Iowa chuyên trồng đậu tương đã đăng một bài phản ánh về tình hình này, với dòng tít “Mọi chuyện không thể tệ hơn được nữa”.
Video đang HOT
Mặc dù ông Trump đã thông báo gói hỗ trợ mới trị giá 16 tỷ USD cho nông dân chịu thiệt hại trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nhưng nếu không mở được cửa thị trường Trung Quốc thì tương lai chính trị của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ bị đe dọa. Việc ông Trump tuyên bố ngừng áp thuế với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc để đổi lấy việc Bắc Kinh mua thêm khoảng 30 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ mỗi năm, bao gồm đậu tương, ngô và lúa mỳ, có thể coi là chút nhượng bộ của Mỹ nhằm giảm căng thẳng thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, căng thẳng Mỹ-Trung không đơn giản chỉ là tranh chấp thương mại. Đây là cuộc chơi sinh tử nhằm đẩy Trung Quốc ra khỏi chuỗi giá trị toàn cầu, là chiến lược kiềm tỏa sự trỗi dậy của nước này. Vì thế, khó có thể hy vọng quan hệ Mỹ-Trung sẽ êm thấm.
Theo ANTD
Tiết lộ 'lá bài' quan trọng của Trung Quốc trong vòng đàm phán mới với Mỹ
Bắc Kinh có thể sử dụng danh sách "thực thể không đáng tin cậy" là điều kiện đàm phán quan trọng khi cuộc đối thoại thương mại với Mỹ khôi phục tuần tới.
Theo các nguồn tin bí mật của SCMP, Trung Quốc có kế hoạch sử dụng danh sách các công ty nước ngoài có rủi ro với an ninh quốc gia làm con bài thương lượng quan trọng, khi các cuộc đàm phán với Mỹ tiếp tục.
Hai bên đã sẵn sàng bắt đầu lại cuộc đàm phán tại Bắc Kinh vào tuần tới sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka, Nhật Bản. Nhưng các nguồn tin và các nhà quan sát cho biết, Trung Quốc có một số "con bài" để đưa ra nếu quá trình đi tới thỏa thuận thương mại bị đình trệ một lần nữa - bao gồm cả danh sách đề xuất "các thực thể không đáng tin cậy".
Phái đoàn Mỹ - Trung bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20. (Ảnh: Reuters)
Kế hoạch này lần đầu tiên được công bố vào tháng 5, sẽ đưa các công ty nước ngoài được coi là làm tổn hại lợi ích hợp pháp của Trung Quốc hoặc gây rủi ro cho an ninh quốc gia này vào "danh sách đen".
Thông tin chi tiết về danh sách vẫn chưa được công bố. Bộ Thương mại Trung Quốc mới đây cho biết "danh sách đen" này sẽ được công bố "sớm".
Truyền thông nhà nước Trung Quốc trước đó đưa tin các nhà chức trách đã làm việc để đưa công ty chuyển phát FedEx của Mỹ vào danh sách đen, sau hai lần các gói hàng của Huawei - công ty Trung Quốc đang bị Mỹ "cấm cửa" - bị gửi nhầm.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình ở Osaka, ông Trump đồng ý cho phép các công ty Mỹ bắt đầu cung cấp lại sản phẩm cho Huawei, tạm ngừng áp thuế mới đối với số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc - để đổi lấy việc Bắc Kinh mua thêm nông sản Mỹ.
Thỏa thuận đã mở đường cho các cuộc đàm phán được nối lại sau khi bị đình trệ vào tháng 5, khi cả hai bên đổ lỗi cho nhau vì sự bế tắc.
Tuy nhiên, chi tiết về những gì hai lãnh đạo đồng ý vẫn chưa rõ ràng và các nhà quan sát tin rằng vòng đàm phán mới nhất có thể nhanh chóng gặp rắc rối, trừ khi Trung Quốc hài lòng với các biện pháp của Mỹ nhằm giảm bớt lệnh cấm đối với Huawei.
Các quan chức Mỹ cho biết sau cuộc gặp của hai lãnh đạo rằng Huawei vẫn bị cấm khỏi mạng 5G của Mỹ và thuế quan hiện có đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ không được gỡ bỏ cho đến khi các cuộc đàm phán kết thúc. Trong khi đó, bài bình luận của Taoran Notes, một tài khoản truyền thông xã hội liên kết với báo nhà nước Trung Quốc Economic Daily, cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không mua hàng nông sản của Mỹ nếu Washington "trở mặt" trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Họ nói thêm rằng Trung Quốc sẽ phải xem xét nhu cầu trong nước và ý kiến của các công ty trong nước trước khi mua nông sản Mỹ.
Có nhiều biện pháp trả đũa khác mà Trung Quốc có thể chọn áp dụng, trong đó được giới quan sát đề cập khá nhiều là cấm xuất khẩu kim loại đất hiếm - một thành phần quan trọng trong quân sự và hàng tiêu dùng Mỹ. Một nguồn tin từ ngành công nghiệp văn hóa cũng cho rằng ngành công nghiệp giải trí Mỹ có thể dễ bị tổn thương, khi các nhà quản lý Trung Quốc chặn chiếu các bộ phim Hollywood - động thái mới chỉ dừng lại trong vài tuần qua khi căng thẳng giảm bớt.
Các nhà quan sát tin rằng quan điểm của Bắc Kinh và Washington vẫn cách xa nhau trong nhiều vấn đề.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người đứng đầu nhóm đàm phán Mỹ, yêu cầu một loạt thay đổi cấu trúc từ Trung Quốc, bao gồm cắt giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và thay đổi luật. Nhưng Trung Quốc coi những yêu cầu này là sự xâm phạm chủ quyền và yêu cầu phải được tôn trọng.
Lu Xiang, một nhà nghiên cứu cao cấp về các vấn đề của Mỹ tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc từ những năm 1990 rất có cơ hội để tạo ra lợi nhuận béo bở, nhưng nguy cơ với họ cũng lớn nếu các cuộc đàm phán thương mại bị chững lại. "Nếu cuộc chiến thương mại khiến họ không thể hoạt động ở Trung Quốc, sẽ rất khó để họ bù đắp những mất mát. Thị phần của họ sẽ nhanh chóng bị thay thế bởi các đối thủ. Nếu họ di chuyển ra ngoài Trung Quốc hoặc thậm chí quay trở lại Mỹ, họ sẽ không thể xây dựng lại những thứ giống như họ có ở đây" - ông Lu nói.
Lu cũng cho rằng khi những tác động của thuế quan hiện tại sẽ bắt đầu rõ ràng trong những tháng tới, Trung Quốc đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Thuế quan sẽ đánh vào các công ty dựa vào thị trường Mỹ - và có thể buộc họ phải cắt giảm việc làm - nhưng chính phủ Trung Quốc có thể giúp đỡ họ, chuyên gia nhận định.
"Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động và chính phủ có thể cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng để giúp tái sử dụng các lao động bị cắt giảm. Mặt khác, tăng trưởng của Trung Quốc nói chung phụ thuộc ít hơn vào thị trường xuất khẩu. Giảm xuất khẩu sang Mỹ sẽ không gây ra thiệt hại đáng kể cho tăng trưởng của Trung Quốc", ông Lu nói.
Chen Long, một nhà kinh tế của Gavekal Dragonomics, cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Hong Kong, cho biết Trung Quốc không chỉ có thể sử dụng các công ty nước ngoài làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại, mà còn có thể củng cố lập trường của mình bằng cách đưa các vấn đề chiến lược như Triều Tiên vào. "Các cuộc đàm phán thương mại có thể kéo dài trong một thời gian, vì sự mất lòng tin ở cả hai bên vẫn còn cao", Chen nói.
(Nguồn: SCMP)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Tổng thống Trump: "Không vội vàng" trong vấn đề Iran Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay tuyên bố, hoàn toàn không có áp lực về thời gian trong việc giải quyết căng thẳng Mỹ-Iran. Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 đang diễn ra tại Osaka, Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: "Chúng tôi có...