Từ bài học Hong Kong, Trung Quốc kêu gọi người cao tuổi tiêm vaccine Covid-19
Giới chức y tế Trung Quốc kêu gọi người cao tuổi nên tiêm vaccine phòng Covid-19, cho rằng những ca tử vong ở người cao tuổi trong làn sóng lây nhiễm hiện nay ở Hong Kong là một bài học cho Trung Quốc đại lục.
Ông Vương Hạ Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh, dịch bùng phát ở Hong Kong là một bài học đặc biệt sâu sắc cho thấy, nếu tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 cho người cao tuổi thấp thì tỷ lệ ca bệnh nặng và tử vong sẽ rất cao.
Khu cách ly Covid-19 tại bệnh viện ở Hong Kong. Ảnh: Jelly Tse.
Hiện nay, chỉ có gần 20% số người trên 80 tuổi ở Trung Quốc được tiêm mũi vaccine nhắc lại và chỉ 51% số người ở độ tuổi này đã hoàn thành tiêm chủng 2 mũi cơ bản.
Với mật độ dân cư đông, Hong Kong ghi nhận tỷ lệ tử vong trong những tuần gần đây cao hơn 24 lần so với Singapore, do có rất nhiều người già chưa được tiêm chủng khi biến thể Omicron lây lan ở các nhà dưỡng lão.
Các quan chức Trung Quốc nêu rõ sẽ không sớm từ bỏ chính sách “không Covid” hoặc nới lỏng yêu cầu cách ly kéo dài hàng tuần đối với phần lớn du khách quốc tế. Những biện pháp nghiêm ngặt này đã giúp Trung Quốc đại lục khống chế số ca tử vong rất thấp, chỉ 2 trường hợp tử vong năm 2021 và không có ca tử vong nào kể từ đầu năm nay./.
Trung Quốc phong tỏa thành phố Cát Lâm do dịch COVID-19 lây lan
Ngày 20/3, Trung Quốc đã ra lệnh ở trong nhà đối với hàng triệu người dân ở thành phố Cát Lâm (Đông Bắc nước này) trong nỗ lực ứng phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn nhất trong 2 năm qua.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, ngày 20/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Chính quyền địa phương thông báo Cát Lâm, thành phố lớn thứ hai của tỉnh cùng tên, với 4,5 triệu dân sẽ được phong tỏa trong 3 ngày từ đêm 20/3. Trước đó, Trung Quốc đã kiểm soát được dịch sau đợt bùng phát năm 2020 bằng các biện pháp phong tỏa, xét nghiệm hàng loạt và hạn chế đi lại. Nhưng biến thể Omicron đã chọc thủng phòng tuyến trong những tháng gần đây và lây lan ra nhiều thành phố.
Trong ngày 20/3, hơn 4.000 ca mắc mới đã được ghi nhận trên cả nước, trong đó 2/3 là ở tỉnh Cát Lâm, giáp ranh với Nga và Triều Tiên. Thủ phủ tỉnh này, thành phố Trường Xuân ngày 19/3 cũng đã thông báo siết chặt các biện pháp hạn chế trong 3 ngày. Từ 11/3, 9 triệu dân của Trường Xuân chỉ được phép ra ngoài 2 ngày/lần để mua lương thực. Các biện pháp mới chỉ cho phép nhân viên y tế và nhân viên phòng dịch rời khỏi nhà.
Các biện pháp siết chặt được đưa ra sau khi ngày 19/3, Trung Quốc ghi nhận 2 ca tử vong đầu tiên do COVID-19 kể từ hơn 1 năm nay. Hiện hàng chục triệu dân ở các vùng bị phong tỏa và nhà chức trách đang nỗ lực tạo thêm giường bệnh do lo ngại dịch có thể khiến hệ thống y tế quá tải.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, ngày 19/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Tỉnh Cát Lâm đã xây dựng 8 bệnh viện dã chiến và 2 trung tâm cách ly. Ở phía Đông thủ đô Bắc Kinh, thành phố Đường Sơn đã cấm giao thông trong 24 giờ ngày 20/3 trong nỗ lực ngăn chặn dịch lây lan và sẽ tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ 7,7 triệu dân của mình.
Thế giới ghi nhận 470,2 triệu ca mắc, trên 6 triệu ca tử vong do COVID-19 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 thế giới đã ghi nhận tổng cộng 470.217.763 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 6 triệu ca tử vong. Hiện còn 62.072 ca điều trị tích cực trong khi hơn 400 triệu ca đã bình phục. Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện ghi nhận hơn 169,9 triệu ca mắc...