Tú Anh làm tình nguyện viên Phẫu thuật nụ cười
Á hậu Việt Nam 2012 đồng hành cùng các bạn trẻ đến từ nhiều quốc gia tham gia chương trình phẫu thuật miễn phí cho 200 trẻ sứt môi hở hàm ếch.
Ngày 24/6, tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Tổ chức Operation Smile (tổ chức từ thiện phi chính phủ tại Mỹ) khám và phẫu thuật miễn phí cho trẻ sứt môi, hở hàm ếch ở bốn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Gia Lai.
Tú Anh tham gia đội tình nguyện của Operation Smile.
Giản dị với quần jeans và áo in logo chương trình, Tú Anh cùng các bạn đồng hành bắt tay vào công việc.
Chân dài Hà Nội chia sẻ, cô tranh thủ thời gian nghỉ hè để tham gia các công việc xã hội.
Video đang HOT
Cô thấy mình may mắn hơn nhiều người nên muốn góp sức giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.
Người đẹp ghi tên, hỏi tình hình sức khỏe của các bé.
Xúc động trước hoàn cảnh của một bệnh nhi nghèo.
Tú Anh động viên em bé bằng cách hướng dẫn cậu bé chơi điện tử trên điện thoại của mình.
Cô hy vọng chương trình phẫu thuật sẽ đem lại nụ cười hoàn chỉnh cho các em bé không may sinh ra bị hàm ếch.
Tú Anh mặc quần áo y tá vào tận phòng phẫu thuật để cùng các bác sĩ và tình nguyện viên động viên bệnh nhân.
Nụ cười rạng rỡ của người đẹp sau khi hoàn thành công việc.
Theo VNE
Chuyện về cô bé chưa bao giờ biết cười
Có lẽ, Lý Gió Xó chẳng cười bao giờ. Và cái gương, có lẽ là thứ đồ vật mà cô bé không bao giờ muốn có.
Lá trên rừng và giời ở trên trời
Một tháng trước, trường học ở Tá Bạ là mấy cây cọc tre, ba tấm liếp tre, che tạm bằng những tấm bạt nằm tơ hơ trên một bãi đất. Khi những hình ảnh này được những tình nguyện viên của chương trình "Cơm có thịt" đưa lên mạng, những nhà tài trợ đã vượt suối băng rừng thồ gùi vật liệu lên tận nơi, dựng 9 gian phòng học. Dẫu còn tạm bợ, nhưng cũng phần nào giúp những đứa trò nhỏ chống lại mùa đông khắc nghiệt mà có khi nhiệt độ xuống chỉ còn 3-4 độ C. Mù suốt ngày đêm, ít khi thấy ánh sáng mặt trời.
Xin kể lại câu chuyện giản dị nhất trên đời. Câu chuyện về nụ cười của cô trò lớp 8 Lý Gió Xó, người La Hủ, ở bản Nhóm Mó. Bữa đó, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động kết hợp cùng với chương trình "Cơm có thịt" của nhà báo Trần Đăng Tuấn lên thăm và tặng quà thầy trò Tá Bạ. Đó chỉ là những chiếc áo, tấm chăn, cuốn vở; là đường sữa, bánh kẹo. Những vật dụng thông dụng đến mức có khi chúng ta không bao giờ nghĩ đó cũng là thiếu thốn. Bấy giờ, Xó, ngồi giấu mặt sau lưng bạn, thậm chí còn không dám bước ra nhận cuốn vở, cây bút. Cô trò nhỏ không bao giờ biết cười. Đơn giản, bởi cô bé bị hở hàm ếch bẩm sinh từ bé. Người La Hủ không có thói quen tới trạm y tế. Ông giời cho đứa con thế nào thì nuôi thế. Cha mẹ Xó, những người không biết tuổi, cũng vậy.
Lý Gió Xó (người đang viết) trước khi phẫu thuật nụ cười
Thậm chí, chưa bao giờ biết rằng có thể vá, có thể sửa để trả lại cho con mình một nụ cười. Tập quán chữa bệnh trông hoàn toàn vào "lá trên rừng" và "nhìn giời". Người La Hủ "thạo" lá rừng. Ngay cả việc đi hái lá cũng mang màu sắc bí hiểm khi mỗi lần định đi hái lá, họ giữ kín cả buổi không nói chuyện với ai, bất chợt lẻn vào rừng không cho người khác biết. Thậm chí, đó là thứ lá gì, chữa thế nào người La Hủ cũng không cho người khác biết để thuốc được "linh nghiệm". Còn chuyện "nhìn giời" là từ quan niệm sự sống và cái chết là do giời định. Đối với người La Hủ, trên trời có hai căn nhà. Một là "Nà Đề", tức là nhà ốm. Một là "Xơ Đề", tức là nhà chết. Nếu hồn vào Nà Đề, tức là cây thuốc của rừng có thể chữa khỏi. Còn nếu lạc vào Xơ Đề thì có nghĩa ngay cả cúng "di chá" cũng không cứu được.
Thầy lang, trong tập quán của người La Hủ, vẫn là người chữa bệnh linh nghiệm. Trạm y tế, mới được lập hồi đầu năm, đang "ở nhờ" trong trường học, nom như một tiệm tạp hóa, với chỉ ít thuốc đau đầu, đau bụng, ít bông băng, dăm ống tiêm. Ngay cả những tấm panô vận động đưa trẻ đi tiêm cũng đã bị gió xé rách một phần. Sự "hoang vắng" một phần cũng do tập quán chữa bệnh của người La Hủ, chiếm đại bộ phận ở Tá Bạ. Và 279 hộ/1.696 khẩu ở Tá Bạ mà không có nổi một bác sĩ. Nhớ có lần, một cán bộ điều tra dân số đã mô tả cảnh - người - tập quán của người La Hủ bằng mấy chữ "ngoằn ngoèo"; "họa hoằn"; "thi thoảng". Đó là địa hình toàn đồi núi ngoằn ngoèo. Họa hoằn mới gặp người. Trạm y tế thi thoảng có người đến khám. Nói gãy lưỡi họ mới chịu tiêm. Nhà có bệnh nhân, y sĩ leo núi trật khớp chân mới tới nơi. Bữa xuống "bản không tên", mục sở thị gian chòi vách liếp tuếch toác, tạm bợ, tối tăm và hôi thối, nơi Phả Gió Nu - người phụ nữ 35 tuổi - như hầu hết những phụ nữ La Hủ khác đã 5 lần tự tay cắt cuống rốn cho con bằng những thanh nứa rút từ vách, mới thấy những gì gọi là y tế vùng cao nơi này thực phần nhiều vẫn nằm trên giấy mà thôi.
Phải nói, sức sống của người La Hủ là cực kỳ mãnh liệt và khả năng thích ứng tuyệt hảo với thời tiết. Những đứa trẻ cởi truồng hoặc sang hơn, thì mong manh trong một chiếc áo lót vẫn đọ sức với thời tiết khắc nghiệt. "Đêm nằm lấy áo mẹ đùm cho con, chưa chết vì rét bao giờ cả". Từ cả ngàn năm nay, người La Hủ sinh đẻ "tự nhiên". Và ông giời cũng giúp họ chọn để lại những người ưu tú nhất với cái đói và sự khắc nghiệt. Các thầy - cô giáo ở Tá Bạ, từ nhiều năm nay kiêm luôn vai trò "đốc tờ" cho học trò của mình. Tự phân công nhau mua thuốc mang từ xuôi lên mỗi độ về phép. Tự chẩn đoán, và tất nhiên, tự chữa trị. Chỉ có 1 trường hợp duy nhất phải chở học sinh ra thị trấn Pác Ma, khi cánh tay của một cậu trò nhỏ bị trật khớp không tự chữa được.
Lý Gió Xó sau khi phẫu thuật nụ cười
Nụ cười Lý Gió Xó
Ba năm trước, cô giáo Nguyễn Thị Ánh khóc như mưa trong buổi chiều đầu tiên bước chân lên Tá Bạ. Từ đất Cẩm Giàng (Hải Dương), Ánh lên mảnh đất địa đầu và thứ đầu tiên đập vào mắt cô là những con đường choe choét, sụt lở trong dãi dầu mưa gió, và trong lãng quên. Còn những đứa trò nhỏ, mở to cặp mắt ngơ ngác nhìn đôi dép cô giáo đi dưới chân. Những cô giáo như Ánh bắt đầu công việc bằng việc đặt tên cho những đứa bé. Rồi, học tiếng Hà Nhì để dạy tiếng Việt cho người La Hủ. Ánh bảo thầy cô không thể dạy chữ nếu như không biết học trò của mình đang nói gì. Chúng tôi đi từ Yên Bái lên Lào Cai. Ngược từ Mường Lay lên Tá Bạ. Chỉ có thể lặng lẽ mà cảm phục đối với những thầy cô vùng cao.
Trở lại chuyện Xó. Nhà có 6 anh chị em Lu, Xó, Tư, Pứ, Xè Tư, Minh Phương. Chị cả đã đi lấy chồng Trung Quốc. Em bé nhất mới chưa đầy tuổi. Được các cô giáo miền xuôi đặt cho cái tên là Minh Phương. Xó được đi học, dường như là vì cô bé xấu quá "không ai lấy"- như lời Xó nói. Gia cảnh, như tất cả những học sinh La Hủ khác. Cha mẹ - không rõ tên - làm nương, trồng thảo quả, đi rừng kiếm phong lan, bắt con thú. Nhà Xó thậm chí còn được coi là "khá giả" vì mỗi năm đói "chỉ 4 tháng thôi".
Khi cô giáo xuống bản vận động, cha mẹ Xó tặc lưỡi. Thôi, xấu không ai lấy thì cho đi học. Có lẽ vì thiếu học, cái việc cho con cái đi học đôi khi chỉ là một phép trừ thô thiển: Trừ đi một miệng ăn. Dù cũng là mất một đứa đi rừng kiếm ăn. Cô giáo Nguyễn Thị Ánh thật thà: Đồng bào giao cả con cái cho thầy cô giáo. Chẳng bao giờ đến trường. Trừ lúc Nhà nước phát tiền làm rừng, tiền cứu đói.
Gia cảnh Lý Gió Nu
Có lẽ, Lý Gió Xó chẳng cười bao giờ. Và cái gương, có lẽ là thứ đồ vật mà cô bé không bao giờ muốn có. Rất nhanh chóng, các thành viên của đoàn quyết định sẽ liên hệ với Tổ chức phẫu thuật nụ cười và đưa Lý Gió Xó về Hà Nội. Chỉ một tuần sau đó, 2 thành viên của Câu lạc bộ PSC mang xe lên Điện Biên đón Xó về. Nhưng câu chuyện trả lại nụ cười cho Xó hóa ra không đơn giản. Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Cuba phát hiện Xó đang có một cái hạch ở cổ do bị viêm nhiễm, cần phải điều trị kháng sinh một tuần. Nguyên do Xó bị cái hạch này đã nửa năm nay. Cha mẹ em đã "điều trị" cho em bằng cách đắp lá. Sức nóng của lá rừng khiến cái hạch ngày càng sưng to, lồi ra to như ngón tay cái. Nhưng thật kỳ lạ chỉ 3 ngày sau khi dùng kháng sinh, cái hạch của Xó hoàn toàn tan biến. Không có sự thần kỳ nào hết. Chính cái nghèo của cơ thể chưa bao giờ dùng kháng sinh khiến ngay cả một viên thuốc cảm cũng trở thành thần dược. Xó được phẫu thật ngay sau đó, và hôm tôi đến thăm ở BV Việt Nam - Cuba, lần đầu tiên, cô bé mỉm cười.
Xó về Hà Nội được các anh chị ở Câu lạc bộ PSC và chương trình "Cơm có thịt" đưa đi thăm Văn Miếu, Bờ Hồ, lăng Bác. Và cuối buổi chiều, trước khi về lại Tá Bạ, Xó, lần đầu tiên vượt qua sự nhút nhát cố hữu, bảo rằng em sẽ cố học để trở thành một cô giáo. Để kể cho học trò của mình nghe về một thế giới khác chưa từng được biết ngoài núi rừng Tá Bạ.
Theo 24h