Từ 12 giờ ngày 11/9, người dân Lý Sơn và Bình Sơn (Quảng Ngãi) được yêu cầu không ra khỏi nhà
Trước ảnh hưởng của bão số 5 đang gây ra mưa to, gió lớn, tỉnh Quảng Ngãi đã có công điện khẩn yêu cầu huyện Lý Sơn, Bình Sơn thông báo và không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú từ 12 giờ ngày 11/9 để đảm bảo an toàn tính mạng cho đến khi hết gió mạnh (dưới cấp 6).
Người dân Lý Sơn và Bình Sơn (Quảng Ngãi) được yêu cầu không ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn. Ảnh minh hoạ: Phước Ngọc/TTXVN
Các địa phương khác cần khẩn trương triển khai biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường, kiểm soát, điều tiết, hạn chế phương tiện đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 5, sử dụng tất cả phương tiện truyền thông hiện có (hệ thống truyền thanh địa phương, loa truyền thanh lưu động, loa tay,…) để truyền tin dự báo, cảnh báo bão để người dân biết, chủ động phòng tránh. Lực lượng chức năng huy động nhân lực, phương tiện hỗ trợ người dân gia cố nhà ở, công trình, trụ sở làm việc, nhà xưởng, cột tháp viễn thông… chặt tỉa cành cây để đảm bảo an toàn.
Các bên liên quan khẩn trương tổ chức di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn (theo phương án đã được xây dựng và phê duyệt) và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, kiểm tra điều kiện an toàn tại các nơi sơ tán tập trung; rà soát công tác dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu tại cơ sở, nhất là nơi có nguy cơ cao bị chia cắt, cô lập; đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời hỗ trợ người dân khi có yêu cầu.
Các đơn vị trên địa bàn tỉnh cần rà soát toàn bộ công nhân, cán bộ kỹ thuật tại các công trình xây dựng trên địa bàn, các nhà máy, xí nghiệp, công xưởng nhất là tại các vị trí xung yếu để di chuyển đến nơi an toàn; trường hợp không chấp hành thì phải kiên quyết cưỡng chế và xem xét xử lý các đơn vị chủ quản theo quy định.
Video đang HOT
Các địa phương ven biển tiếp tục nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ – Lý Sơn và ngược lại). Các lực lượng chức năng tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc quay về bờ ngay để neo đậu an toàn; tổ chức neo đậu tàu, thuyền, lồng bè an toàn; chủ động đưa tàu nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại nơi neo đậu. Đặc biệt, các địa phương yêu cầu người dân không ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn; lưu ý việc tàu vận tải biển, tàu cá ngư dân neo đậu khu vực cửa Sa Cần, vùng biển Dung Quất phải đảm bảo an toàn.
Do ảnh hưởng của bão số 5 tại trạm đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9, tại Dung Quât có gió cấp 6, giật cấp 7. Hồi 4 giờ ngày 11/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão. Dự kiến cơn bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ngãi, đặc biệt ở huyện đảo Lý Sơn và khu vực phía Bắc của tỉnh Quảng Ngãi.
Theo Đài khí tượng và thủy văn Quảng Ngãi, do ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu cơn bão số 5 nên từ ngày 11-13/9, khu vực tỉnh Quảng Ngãi xảy ra mưa lớn trên diện rộng, với lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt, có nơi trên 450mm/đợt. Từ ngày 11-14/9, trên các sông trong tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông có khả năng lên mức báo động 1 và 2, có sông trên mức báo động 2.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối tại các huyện miền núi như Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ và Minh Long. Ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp và các đô thị tại các địa phương thuộc huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành và Thành phố Quảng Ngãi.
Hơn 4.000 F0 tại 6 tỉnh, TP trong vùng dự kiến ảnh hưởng của bão
Tại 6 tỉnh, TP nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão số 5 đang có hơn 4.000 ca mắc Covid-19, các địa phương đã xây dựng kịch bản, phương án sơ tán và bảo vệ an toàn để không bị lây nhiễm.
Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, bão số 5 khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, có 4.280 ca mắc Covid-19 (F0) tại 6 tỉnh, thành phố trong vùng dự kiến ảnh hưởng của bão.
Các bác sĩ điều trị cho F0. Ảnh: Thanh Tùng
Cụ thể: Thanh Hóa 215 ca; Nghệ An 1.105 ca; Quảng Bình 928 ca; Đà Nẵng 1.524 ca; Thừa Thiên Huế 322 ca; Quảng Ngãi 185 ca.
Về kế hoạch dự kiến sơ tán dân khi bão đổ bộ đất liền, sẽ sơ tán 154.396 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; 143.392 dân khu vực ven sông và ngoài đê; 231.096 dân khu vực ven biển; 237.393 dân khu vực ven sông và ngoài đê.
Trao đổi với báo chí, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (BCĐ) Trần Quang Hoài cho biết, việc phòng chống bão hết sức khó khăn bởi các địa phương đang tập trung phòng chống dịch Covid-19, nhưng không thể vì thế mà chúng ta xao nhãng.
Hiện nay, BCĐ và các bộ ngành, địa phương đang nỗ lực bám sát, theo dõi cũng như điều chỉnh các kịch bản để việc phòng chống bão đảm bảo an toàn trong lúc phòng chống dịch.
Theo ông Hoài, điều lo lắng là nếu bão đổ bộ vào đất liền thì vấn đề đảm bảo an toàn cho nhân dân ở khu vực đang có diễn biến phức tạp của dịch sẽ triển khai như thế nào.
Hiện nay, tại 6 tỉnh (29 huyện, thị xã) có nguy cơ ảnh hưởng của bão có hơn 4.000 F0, các địa phương đã xây dựng kịch bản, phương án sơ tán và bảo vệ an toàn để không bị lây nhiễm.
Ông Trần Quang Hoài dẫn chứng, ở Nghệ An số ca nhiễm F0 tại khu vực ven biển tương đối lớn, tỉnh đã sàng lọc, sẵn sàng cho phương án là lực lượng y tế sẽ đến xét nghiệm và tách các đối tượng đó ra ở những khu vực nào. Hiện nay ưu tiên đưa các F0 đến các trường học (học sinh đang học online) và một số công trình công cộng khác.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai thông tin thêm, Bộ Y tế đã có 2 văn bản hướng dẫn các cơ quan y tế ở tỉnh, TP ở khu vực thiên tai; lên phương án kịch bản chi tiết cụ thể, F0 sẽ sàng lọc như nào, di chuyển ra sao, đến đâu, các điều kiện trang thiết bị điều trị cho F0 như nào và làm sao để không bị lây nhiễm ra cộng đồng.
Ngoài ra, xây dựng phương án cung cấp lương thực thực phẩm cho các khu vực phải sơ tán ở các địa phương, đảm bảo về số lượng, chất lượng và cũng không ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Các đơn vị cũng đã đưa ra các phương án, kịch bản để đảm bảo an toàn cho tất cả các hoạt động giao thông, sản xuất, công trình công cộng như điện, hệ thống thông tin liên lạc...
Quảng Ngãi tiếp tục giãn cách xã hội đến ngày 11/9 Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương tiếp tục giãn cách xã hội theo từng mức độ nguy cơ đến ngày 11/9. Chiều 6/9, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ký quyết định bổ sung, điều chỉnh biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch Covid-19 trên địa...