Từ 1/1/2018, thao túng thị trường chứng khoán thu lời 500 triệu đồng sẽ bị xử lý hình sự
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018), đối với tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, trường hợp có khoản thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự.
Như tin đã đưa, Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Nguyễn Vân Giang (Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á – Chi nhánh Hà Nội) với tội danh “ Thao túng giá chứng khoán” theo quy định tại Điều 181c, Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Nguyễn Vân Giang bị khởi tố về tội “Thao túng giá chứng khoán”.
Theo luật sư Trường Anh Tú, Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, thị trường chứng khoán, trước đòi hỏi của tiến trình phát triển kinh tế xã hội, tội “Thao túng giá chứng khoán” được bổ sung vào BLHS từ năm 2009 nên mới có ký hiệu “181c” như vậy.
“Trên thực tế, rất ít trường hợp bị khởi tố về tội danh này. Đây là lần thứ 2 tội danh “Thao túng giá chứng khoán” bị khởi tố. Trước đó, ngày 30/12/2011, ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Dược Viễn Đông – bị kết án 4 năm tù về tội thao túng giá chứng khoán.” – luật sư Trương Anh Tú thông tin và cho biết, mặc dù tội danh này không mới theo quy định của BLHS nhưng lại rất mới trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử.
Video đang HOT
Trong thực tế, theo luật sư Tú, các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh chứng khoán đã và đang diễn ra âm thầm. Trong năm 2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hành chính và chuyển cơ quan công an các giao dịch có dấu hiệu thao túng là 320 trường hợp với tổng số tiền xử phạt là 18,5 tỷ đồng.
“Việc khởi tố điều tra về tội “ Thao túng thị trường chứng khoán” đối với Nguyễn Vân Giang là dấu hiệu cho thấy hoạt động vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán đang ngày càng diễn biến phức tạp. Các hành vi của những kẻ trục lợi có thể thu về những khoản lợi bất chính khổng lồ, gây thiệt hại cho những người đầu tư và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự minh bạch trong hoạt động chứng khoán.” – Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú nhìn nhận.
Theo quan điểm của luật sư Tú, tại BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (đang có hiệu lực), quy định trong lĩnh vực chứng khoán còn hạn chế, chưa theo kịp được sự thay đổi phát triển của ngành này. Mặt khác, hiện nay, các trường hợp không có khoản thu lời hay không xác định được thiệt hại mới chỉ bị xử phạt hành chính, không thể xử lý hình sự, do đó không đủ tính răn đe đối với hành vi này.
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn, BLHS năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) được bổ sung thêm các tội: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209); Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 210); Tội thao túng thị trường chứng khoán (Điều 211); Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212).
Đáng chú ý, BLHS 2015 quy định đối với tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán”: trường hợp có khoản thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự.
“Điều này sẽ tạo ra hành lang pháp lý để tiến hành xử lý hình sự các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán. Thêm vào đó, BLHS 2015 có một nội dung quan trọng là bổ sung thêm căn cứ xác định tội phạm. Nếu theo luật hiện hành, một trong các căn cứ xác định tội phạm là phải “gây hậu quả nghiêm trọng” thì trong BLHS 2015 bổ sung thêm căn cứ “thu lợi bất chính”.
Sở dĩ có việc bổ sung thêm căn cứ xác định tội phạm này là do đặc thù của thị trường chứng khoán, với hành vi thao túng giá chứng khoán, rất khó xác định được thiệt hại. Chính vì vậy, mặc dù Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã tiến hành xử phạt hàng loạt các tổ chức cá nhân có hành vi thao túng giá chứng khoán, cá biệt mức phạt lên đến 705 triệu đồng, nhưng lại không thể truy tố, xử lý hình sự đối với các trường hợp này bởi hầu như không thể xác định những nhà đầu tư nào bị thiệt hại do hành vi thao túng giá chứng khoán.” – luật sư Trương Anh Tú phân tích.
Luật sư Tú cho rằng, với nhiều sự thay đổi, BLHS 2015 được sẽ kỳ vọng tạo ra bước đột phá trong việc xử lý, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động chứng khoán, tạo ra sự minh bạch trong hoạt động này.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Thao túng giá cổ phiếu, nữ giám đốc công ty chứng khoán bị khởi tố
Bà Giang bị cáo buộc dùng thủ đoạn gian dối để đẩy giá cổ phiếu CDO nhằm thu lời cá nhân.
Ngày 4.12, Công an Hà Nội tống đạt quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú với Nguyễn Vân Giang (36 tuổi), nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Chứng khoán ngân hàng Đông Á - chi nhánh Hà Nội về tội Thao túng giá chứng khoán.
Ngày 29.11, Cơ quan An ninh điều tra khám xét tại nơi ở của bà Giang, công bố thu được một số tài liệu liên quan việc thao túng giá chứng khoán của Công ty Cổ phần tư vấn và phát triển đô thị - mã cổ phiếu CDO.
Nhà chức trách cáo buộc, từ tháng 2.2015 đến tháng 12.2016, bà Giang đã sử dụng chứng minh nhân dân của nhiều khách hàng để thành lập một số công ty. Nữ bị can cũng dùng thông tin của nhiều người khác để mở tài khoản chứng khoán, hoặc mượn tài khoản chứng khoán tại nhiều công ty chứng khoán để giao dịch chéo cổ phiếu CDO.
Cơ quan điều tra cho rằng việc làm của Giang đã đẩy giá cổ phiếu CDO lên cao, thu hút nhiều nhà đầu tư. Và Giang khi đó bán ra với mục đích kiếm lời.
Từ tháng 3, bà Giang không có giữ chức giám đốc, không tham gia quản lý, điều hành hoạt động của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á.
Tội Thao túng giá chứng khoán1. Người nào thực hiện một trong các hành vi thao túng giá chứng khoán sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ một trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: Thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo; Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán.2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Có tổ chức; Thu lợi bất chính lớn; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; Tái phạm nguy hiểm.3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo Mai Chi (VNE)
Người đi bộ phạm luật không mang tiền, giấy tờ: Xử lý thế nào? Người đi bộ vi phạm giao thông đường bộ sẽ bị lực lượng chức năng xử lý, kể cả trường hợp quên giấy tờ, không có tiền... Nhiều người dân bất chấp quy định, đi bộ sang đường sai luật tại đường Đinh Tiên Hoàng. Từ ngày 1.1.2018, người đi bộ nếu vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ...