Từ 1/10, cấp GPLX quốc tế tại Hà Nội và TP HCM
Bắt đầu từ 10/2015, Tổng cục đường bộ Việt Nam sẽ chính thức cấp giấy phép lái xe quốc tế (GPLX) cho những công dân có nhu cầu. GPLX này có hiệu lực tại 85 quốc gia.
Mẫu giấy phép lái xe quốc tế của Việt Nam.
Theo Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, do GPLX quốc tế có ký hiệu bảo mật để chống làm giả, cần nhiều trang thiết bị đặc biệt nên trước hết sẽ triển khai áp dụng tại 2 thành phố đầu tiên là Hà Nội và TP.HCM. Sau đó 1 tháng các địa phương khác sẽ triển khai cấp GPLX này.
Video đang HOT
GPLX quốc tế được cấp cho công dân Việt Nam sẽ có hiệu lực tại 85 quốc gia trên thế giới. Trên GLPX sẽ in 4 thứ tiếng cơ bản là Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và tiếng của nước cấp GPLX đó. Ngoài ra, trong GPLX quốc tế sẽ ghi rõ người có GPLX quốc tế được lái ôtô, mô tô loại nào.
Thủ tục làm GPLX quốc tế khá đơn giản. Người dân có nhu cầu chỉ cần làm đơn theo mẫu và mang giấy phép lái xe, hộ chiếu đến các điểm cấp đổi để làm thủ tục cùng khoản lệ phí dự kiến là 150 nghìn đồng. Sau khoảng 5 ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, người dân sẽ cấp GPLX quốc tế với thời hạn sử dụng không quá 3 năm.
Những đối tượng được cấp GPLX quốc tế là người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có giấy phép lái xe quốc gia còn thời hạn. Tuy nhiên, loại GPLX này lại không có giá trị khi tham gia giao thông tại Việt Nam. Theo lãnh đạo Tổng cục đường bộ, khi tham gia giao thông, lái xe ở Việt Nam phải mang theo cả hai loại GPLX quốc tế và nước sở tại. Tương tự, lái xe Việt Nam ra nước ngoài cũng phải mang cả GPLX xe nội địa và quốc tế.
Theo_Zing News
Thủ tục cấp đổi giấp phép lái xe quốc tế
Nếu bạn là công dân Việt Nam, đã có giấy phép lái xe hạng B2 bằng vật liệu PET còn giá trị sử dụng thì có thể liên hệ với Tổng cục đường bộ hoặc Sở giao thông vận tải để xin cấp giấy phép IDP
Ngày 6/7/2015, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế. Theo quy định của thông tư này, giấy phép lái xe quốc tế là giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các nước (bao gồm cả khu vực hành chính) tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 (sau đây gọi tắt là Công ước Viên) cấp theo một mẫu thống nhất.
Giấy phép lái xe quốc tế có tên tiếng Anh là International Driving Permit, gọi tắt là IDP. IDP là một cuốn sổ có kích thước A6 (148mm x 105mm) có ký hiệu bảo mật, bìa màu xám, những trang bên trong màu trắng theo mẫu quy định chung với nhiều các thứ tiếng khác nhau. IDP có thời hạn không quá 03 năm, kể từ ngày cấp và phải phù hợp với thời hạn còn hiệu lực của giấy phép lái xe quốc gia.
Nếu bạn là công dân Việt Nam, đã có giấy phép lái xe hạng B2 bằng vật liệu PET còn giá trị sử dụng thì có thể liên hệ với Tổng cục đường bộ hoặc Sở giao thông vận tải để xin cấp giấy phép IDP. Thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe quốc tế như sau: Bạn cần nộp đơn đề nghị cấp IDP theo mẫu và phải xuất trình bản chính thức của giấy phép lái xe quốc gia do Việt Nam cấp (bằng B2 bằng vật liệu PET của bạn), hộ chiếu còn giá trị để kiểm tra đối chiếu cho Tổng cục đường bộ Việt Nam hoặc Sở giao thông vận tải để thực hiện việc cấp đổi. Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn để nghị cấp IDP, Tổng cục đường bộ hoặc Sở giao thông vận tải sẽ cấp IDP cho bạn, trường hợp không cấp thì phải nêu rõ lý do. Cơ quan chức năng sẽ không cấp IDP với một số trường hợp như: giấy phép lái xe quốc gia bị tẩy xóa, hư hỏng không còn đủ các thông tin hoặc có sự khác biệt về nhận dạng, giấy phép lái xe giả... Người có IDP do Việt Nam cấp khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông trên lãnh thổ nước tham gia Công ước Viên phải mang theo IDP và giấy phép lái xe quốc gia (như giấy phép lái xe B2 của bạn) và phải tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ của nước sở tại. Cần lưu ý rằng IDP do Việt Nam cấp không có giá trị sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam. Tính đến hiện tại có 85 nước (quốc gia, vùng lãnh thổ...) là thành viên của Công ước Viên về giao thông đường bộ, như vậy nếu là công dân Việt Nam có giấy phép IDP thì có thể lưu hành tại 85 quốc gia này. Giấy phép lái xe này sẽ được thể hiện bằng tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và tiếng của nước cấp giấy phép, được sử dụng phần lớn tại các nước châu Âu và 5 nước khu vực Đông Nam Á là Việt Nam, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Indonesia.
Lê Huy TH
Theo_PLO
Cục đường bộ yêu cầu xử lý phản ánh "vì sao xe container thành hung thần" Từ phản ánh của báo Pháp Luật TP HCM, Tổng cục đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu Đồng Nai kiểm tra, xử lý việc cấp bằng lái FC. Ngày 16-7, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng, Tổng cục đường bộ Việt Nam có văn bản gửi Bộ GTVT, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai về việc kiểm tra,...