Từ 0h ngày 19/7, người dân Hà Nội chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết
Ngày 18/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 15/CĐ-CTUBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước.
Người dân Hà Nội chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết
Theo đó, kể từ 0h ngày 19/7/2021, thành phố Hà Nội áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn địa bàn. Cụ thể, thành phố yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, và các trường hợp khẩn cấp khác như khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,… Thực hiện nghiêm thông điệp 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khai báo y tế thường xuyên trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng NCovi, Bluezone khi ra ngoài.
Thành phố yêu cầu tạm thời không tổ chức đám cưới; đám tang tổ chức không quá 30 người và phải được cơ quan y tế tại nơi tổ chức giám sát nghiêm ngặt. Việc tổ chức các hoạt động hội họp, sự kiện chính trị quan trọng trên địa bàn do Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương quyết định.
Dừng tất cả các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu
Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hoạt động bao gồm: Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…); các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về, cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ…, yêu cầu bắt buộc khai báo y tế bằng mã QRCode.
Đối với các cơ quan, công sở của thành phố và Trung ương đóng trên địa bàn, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài) chủ động xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca; các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố bố trí không quá 1/2 số lượng cán bộ, công chức, viên chức; người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà đối với các nhiệm vụ được phân công. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tùy theo điều kiện, tính chất hoạt động của cơ quan, đơn vị mà bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phù hợp; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc, giao dịch trực tuyến.
Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn tổ chức sắp xếp, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn; sắp xếp, bố trí các quầy hàng phù hợp với quy mô, diện tích, điều chỉnh giảm số lượng khách trong cùng thời điểm, đảm bảo thông điệp 5K, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần trong khi giao dịch; khuyến khích mô hình giao hàng trực tuyến.
Đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân
Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu người dân hạn chế tối đa việc di chuyển từ Hà Nội đến các tỉnh, thành phố khác và ngược lại; tổ chức lại các hoạt động vận tải, bảo đảm giao thương, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu và phục vụ sản xuất cho thành phố.
Đối với công nhân, người lao động lưu trú trên địa bàn thành phố và người lao động từ các tỉnh, thành phố khác tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp và các cở sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố và vùng lân cận phải đăng ký với chính quyền địa phương (nơi có công nhân, người lao động, chuyên gia cư trú; nơi có trụ sở các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan,…) đăng ký xe đưa đón hàng ngày, cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi lưu trú, trong quá trình di chuyển và nơi làm việc; kiểm soát chặt chẽ quá trình di biến động ngoài khu vực làm việc và nơi ở; thực hiện xét nghiệm sàng lọc theo chỉ định của cơ quan chuyên môn.
Đối với các phương tiện vận tải hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác chỉ giao hàng tại nơi đã đăng ký, thông báo với chính quyền cơ sở, khai báo y tế bắt buộc các địa điểm di chuyển từ điểm lấy hàng, quá trình di chuyển, các trạm dừng chân, lái xe và người trên xe phải có xét nghiệm âm tích với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR không quá 3 ngày; có cam kết chỉ dừng đỗ và hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp khi giao hàng, tiếp nhiên liệu; khai báo y tế bắt buộc và đảm bảo 5K.
Giảm công suất hoạt động của các phương tiện vận chuyển công cộng
Thành phố sẽ giảm 50% công suất hoạt động và 50% số ghế trên phương tiện vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân. Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất; không ngăn sông cấm chợ; các phương tiện chuyên chở nông sản, nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa được hoạt động nhưng phải tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch. Các phương tiện chở người từ các tỉnh khác được phép đi qua nhưng không được dừng đón, trả khách trên địa bàn.
Đối với các quận, huyện, thị xã hiện đang có các Khu Công nghiệp, Cụm Công nghiệp trên địa bàn, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Giám đốc Sở Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại Khu/Cụm Công nghiệp, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tối đa, bảo đảm hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy; quản lý nơi ở, di biến động của các công nhân, lao động trong khu công nghiệp đóng trên địa bàn.
Video đang HOT
Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm công tác phòng dịch
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức cao điểm kiểm tra và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý; xử lý nghiêm và yêu cầu đóng cửa những cơ sở dịch vụ vi phạm các quy định phòng, chống dịch.
Sở Giao thông vận tải được giao chỉ đạo các đơn vị hiện đang cung cấp dịch vụ giao hàng trực tuyến, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tổ chức sàng lọc, quản lý người giao hàng, yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong quá trình giao hàng.
Sở Công Thương được giao chỉ đạo việc vận chuyển, cung cấp hàng hóa về các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh đảm bảo đầy đủ các mặt hàng thiết yếu; Cục Quản lý thị trường Hà Nội chỉ đạo xử lý các hành vi găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường theo đúng quy định của pháp luật..
Công an thành phố tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh ngay, bảo đảm 22/22 chốt hoạt động 24/24 giờ, kiểm tra, kiểm soát 100% người và phương tiện vào thành phố; mỗi chốt phải có phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cá nhân, rõ người chỉ huy, người phối hợp, thực hiện; bố trí đủ lực lượng và chia các tổ trực luân phiên.
Các Sở, ban, ngành UBND các quận, huyện, thị xã, thủ trưởng các đơn vị thuộc thành phố tích cực đổi mới, cải tiến cách làm việc, bảo đảm môi trường an toàn và các biện pháp theo tình hình, diễn biến của dịch bệnh: Tăng cường sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, hạn chế tối đa các cuộc họp trực tiếp, chỉ tổ chức họp khi bảo đảm khoảng cách, tăng cường các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành, làm việc, các thủ tục hành chính; hạn chế tối đa việc di chuyển ra khỏi thành phố, các trường hợp đi công tác ra khỏi thành phố phải báo cáo Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Các đơn vị, cơ quan nhà nước cần tạm dừng các đoàn thanh tra, kiểm tra chưa cần thiết; trường hợp cần thiết thanh tra, kiểm tra phải hạn chế số lượng người tham gia; tạm dừng công tác tiếp công dân trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị.
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đề nghị nhân dân Thủ đô tiếp tục ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của thành phố; mỗi người dân hãy là một chiến sĩ phòng, chống dịch; tiếp tục chung sức, đồng lòng để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Trước mắt thực hiện nghiêm các biện pháp không tụ tập đông người; chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết; thực hiện các biện pháp phòng dịch cho bản thân và cộng đồng khi ra ngoài.
Thành phố đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết trong mọi tình huống; chủ động từ cơ sở và đồng thuận của nhân dân quyết định thành công trong công tác phòng, chống dịch của thành phố.
Chốt chặn cửa ngõ Thủ đô là điểm mấu chốt ngăn COVID-19 xâm nhập
Ngày 15/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại một số chốt kiểm soát ra vào Thủ đô.
Chủ tịch nhấn mạnh, chốt chặn cửa ngõ Thủ đô là điểm mấu chốt trong phương châm, cách làm để ngăn chặn COVID-19 của Hà Nội hiện nay.
Giữ vững những "chốt chặn" cửa ngõ Thủ đô
Trong buổi sáng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã thị sát, kiểm tra 2 chốt kiểm soát chống dịch cửa ngõ Thủ đô là: chốt số 2 tại Quốc lộ 1B (trạm thu phí đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ) và chốt số 20 tại Quốc lộ 2 (đầu vào cao tốc Hà Nội-Lào Cai). Tại đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã kiểm tra từng khâu, từng phần việc và động viên các lực lượng đang căng mình làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Các chốt kiểm soát để ngăn chặn dịch bệnh vào thành phố, không phải "ngăn sông, cấm chợ", TP Hà Nội đảm bảo việc giao thương tự do trong an toàn phòng dịch. Các chốt kiểm soát phải thực hiện các công việc nhanh, hiệu quả nhất, không để ùn tắc, không để người dân phải chờ đợi lâu.
"Chốt chặn" cửa ngõ Thủ đô là điểm mấu chốt trong phương châm, cách làm để ngăn chặn COVID-19 của Hà Nội hiện nay. Đó là: chủ động ngăn dịch bệnh xâm nhập; "khóa chặt" và nhanh chóng dập dịch, phục hồi sản xuất, kinh doanh ở khu công nghiệp và thực hiện cách ly tại nhà, giám sát chặt chẽ với người từ TPHCM và các vùng có dịch ra.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Y tế cùng các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai việc khai báo y tế bằng quét mã QR, ứng dụng CNTT để thực hiện nhanh nhất công tác kiểm dịch cũng như nắm bắt thông tin đầy đủ, kết nối nhanh với địa phương để quản lý người ra vào thành phố, nhất là từ vùng dịch để đảm bảo ngăn chặn hiệu quả COVID-19.
"Đấu nối thông tin ngay từ biển số xe, điện thoại lái xe với các ứng dụng khai báo y tế mà Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng. TP Hà Nội khuyến nghị các lái xe có thể khai báo y tế qua ứng dụng trước và hợp tác với lực lượng chức năng để bảo vệ sức khỏe cho chính mình cũng như người xung quanh", Chủ tịch UBND TP nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã thị sát, kiểm tra 2 chốt kiểm soát chống dịch cửa ngõ Thủ đô: chốt số 2 tại Quốc lộ 1B (trạm thu phí đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ) và chốt số 20 tại Quốc lộ 2 (đầu vào cao tốc Hà Nội-Lào Cai)
Cuối giờ trưa, tại Cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài, Chủ tịch UBND TP đã kiểm tra công tác phòng chống dịch khi chuyến bay VJ140 của hãng hàng không VietjetAir chở người từ TPHCM vừa hạ cánh.
Báo cáo với Đoàn kiểm tra, đại diện Cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài cho biết, trong những ngày cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, mỗi ngày có từ 4 đến 6 chuyến bay từ TPHCM ra Hà Nội với khoảng 700 lượt hành khách. Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, tất cả hành khách trước khi lên máy bay đều phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 36 tiếng. Các hành khách bay từ TPHCM ra Hà Nội đều có lối ra và nhận hành lý theo một đường riêng.
Hằng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội có báo cáo cụ thể danh sách từng chuyến bay, trong đó ghi rõ điện thoại liên hệ và địa chỉ của từng hành khách gửi về cho các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn để Tổ COVID-19 cộng đồng giám sát chặt chẽ cách ly đủ 14 ngày và thực hiện 3 lần xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế.
Chủ tịch UBND TP ghi nhận, biểu dương các lực lượng chức năng đã thực hiện hiệu quả các công tác phòng chống dịch; cán bộ y tế huyện Sóc Sơn túc trực thực hiện test nhanh COVID-19 cho người cần bay từ Hà Nội trong điều kiện thoáng mát, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân. Việc phân luồng người bay từ TPHCM ra cũng được đảm bảo chặt chẽ, giãn cách.
"Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong lúc này, phải luôn trách nhiệm trong từng phút, từng giây bởi đây là "chốt chặn" quan trọng. Các thông tin hành khách phải được chuyển nhanh, kịp thời tới từng Tổ COVID-19 cộng đồng để giám sát chặt chẽ", Chủ tịch UBND TP chỉ đạo.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã thị sát, kiểm tra chốt kiểm soát chống dịch tại Sân bay Nội Bài
"Làm sạch" địa bàn, ưu tiên hàng đầu là sức khỏe nhân dân
Tại Khu công nghiệp Thăng Long, báo cáo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đại diện huyện Đông Anh cho biết đến sáng nay có thêm 2 ca mắc COVID-19 mới của công ty SEI, nâng tổng số ca lên 46 ca. Huyện đang tiếp tục các công tác kiểm tra, truy vết các ca bệnh; lấy mẫu cộng đồng để rà soát; còn những công nhân của công ty SEI từ 5/7 không ở tại công ty đã lấy mẫu lần 2 và đều có kết quả âm tính.
Cuộc hội thoại trực tuyến với công ty SEI được kết nối để Chủ tịch UBND TP lắng nghe những đề xuất của công ty. Đại diện công ty SEI cho biết nếu công ty tiếp tục dừng sản xuất sẽ ảnh hưởng chuỗi cung ứng linh kiện cho một nhà sản xuất điện thoại đứng đầu thế giới cũng như việc làm và đời sống của công nhân.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã thị sát, kiểm tra chốt kiểm soát chống dịch tại Khu công nghiệp Thăng Long
Việc cách ly ở công ty lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe người lao động, có nguy cơ lây nhiễm chéo. Vì vậy công ty đề xuất thành phố tạo điều kiện cho công ty thuê thêm cơ sở lưu trú trên địa bàn để giãn cách, tránh lây nhiễm chéo và sẽ tuân thủ mọi quy định phòng, chống dịch và đề xuất cho phép sản xuất trở lại từ 25/7 trong điều kiện tuân thủ mọi quy định phòng, chống dịch.
Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đặt ra một loạt vấn đề như cách ly an toàn, xét nghiệm thường xuyên... và lãnh đạo huyện và Sở Y tế khẳng định đã được thực hiện nghiêm túc.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ: nguy cơ tiềm ẩn của tất cả các vùng dịch với Thủ đô là lớn, đòi hỏi phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nguyên tắc phòng, chống dịch đến tận cơ sở, chủ doanh nghiệp phải tăng cường kiểm soát tất cả nhân viên trong điều kiện phòng dịch hiện nay.
Từ ca F0 của công ty SEI ngày 5/7, Chủ tịch UBND TP yêu cầu phải có phương án phòng dịch, chủ động trong tất cả các doanh nghiệp; phương án phải chi tiết, linh hoạt để kiểm soát sản xuất, chia ca sản xuất cụ thể gắn với kiểm tra, kiểm soát, tập huấn, diễn tập để nếu có tình huống thì có thể vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch UBND TP chia sẻ với lãnh đạo công ty SEI cũng như các doanh nghiệp, sự vào cuộc trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo của chính quyền cơ sở để chung sức với doanh nghiệp để lo cho công nhân lao động.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đến kiểm tra một gia đình một người dân phải cách ly tại nhà do bay từ TPHCM ra tại thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh.
Đồng tình đề xuất của huyện để tạo điều kiện cho công ty trở lại sản xuất, để quyết định các phương án tiếp theo cần báo cáo trực tiếp với TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh:
"Như Thủ tướng đã chỉ đạo: an toàn và sức khỏe của nhân dân phải đặt trước hết và trên hết... nên ưu tiên hàng đầu lúc này là "làm sạch" địa bàn để ưu tiên phòng chống dịch. Đây là nỗ lực của địa phương, BQL và doanh nghiệp để cùng tìm phương án, có thể chia giãn cách ca lao động tùy vào tình hình cụ thể để đáp ứng yêu cầu vừa "làm sạch" nhanh nhất nhưng phải bảo đảm yêu cầu chống dịch.
Phương án cần đưa nơi sản xuất và nơi ở của công nhân gần nhau để quản lý chặt chẽ. Nếu các bên chung tay, phối hợp hiệu quả "làm sạch", bảo đảm được cả hai yếu tố thì mới quay lại sản xuất."
Cũng trong sáng 15/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đến kiểm tra một gia đình một người dân phải cách ly tại nhà do bay từ TPHCM ra tại thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh.
Ở đầu ngõ có gia đình phải tự cách ly, hàng rào cảnh báo được đặt với lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ. Cửa nhà dân đang thực hiện tự cách ly cũng có hàng rào cảnh báo cách ly y tế; có người ứng trực 24/24; ghi chép đầy đủ. Những nhu yếu phẩm thiết yếu được các cơ quan chức năng phục vụ tận nơi đầy đủ, đảm bảo quy trình chặt chẽ.
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh biểu dương cách làm này và yêu cầu các Tổ COVID-19 cộng đồng phải nắm chắc di biến động của dân cư. Cách làm bài bản của huyện Đông Anh rất cần được phát huy nhân rộng.
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh quan điểm: "Sự chủ động ngay từ cơ sở, cùng với sự ủng hộ, đồng tâm hiệp lực của nhân dân trong việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch là nhân tố quan trọng và mang tính quyết định hiệu quả ngăn ngừa lây lan mầm bệnh từ các địa phương đang có dịch vào Hà Nội."
Hà Nội triển khai đăng ký tiêm chủng cho tất cả người dân Ngày 11.7, theo ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, với chiến dịch tiêm chủng lần này, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng của Hà Nội (từ 18 - 65 tuổi) là hơn 5,1 triệu. Người dân tiêm vắc xin. ẢNH: ĐỘC LẬP Nếu nguồn cung vắc xin bảo đảm, Hà Nội sẽ phấn đấu đạt tối đa...