TT-Huế: Trúng đậm cá cơm, bắt 4-5 tạ/ngày, thu nhập 1 triệu/người
Gần một tháng nay, nhiều ngư dân xã Lộc Vĩnh ( huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) liên tục trúng đậm cá cơm. Loại cá này mang lại nguồn thu đáng kể cho ngư dân trong năm. Theo nhiều ngư dân Lộc Vĩnh, năm nay cá cơm xuất hiện khá nhiều.
Từ đầu tháng đến nay, có nhiều thuyền trúng đậm cá cơm, mang lại thu nhập khá cao. Trung bình mỗi trộ đánh bắt của ngư dân thu về trên dưới 1 tạ cá cơm, mỗi ngày 4-5 tạ cá/thuyền…
Ngư dân Lộc Vĩnh đánh bắt cá cơm chủ yếu xung quanh vùng biển cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc) bằng những con thuyền có công suất 12-24CV, thậm chí là thuyền chèo bằng tay, thúng chai. Họ dùng lưới tấp (nhiều nơi gọi là lưới xăm), loại lưới có mắt rất nhỏ dài khoảng 1.000 mét để đánh bắt.
Phân loại cá cơm bán cho thương lái.
Trung bình mỗi ngày, ngư dân sẽ vào ra con nước đánh bắt cá cơm khoảng 3 trộ (lần). “Tùy theo con nước mà tụi tui chọn thời điểm đánh bắt. Thông thường đi từ sáng sớm. Đánh bắt cá cơm chủ yếu dùng lưới tấp. Địa điểm đánh bắt xung quanh vịnh Chân Mây, xuôi thuyền theo con nước cách bờ vài trăm sải tay người lớn”, ông Nguyễn Văn Dũng (thôn Bình An 1) chia sẻ.
Video đang HOT
Cá cơm của ngư dân được thương lái mua tại bãi với giá 15-20 nghìn đồng/kg, hoặc phơi khô, chế biến mắm. “Đánh bắt loại cá này mỗi thuyền phải có 7-8 thành viên vì đặc thù của loại lưới tấp phải cần nhân lực để kéo. Cá cơm thường xuất hiện theo đàn nên khi đánh bắt, ngư dân cần vận dụng kinh nghiệm. Cá xuất hiện nhiều khi gió nồm thổi nhẹ từng cơn từ biển vào, thuyền mô trúng mánh có khi thu về cả mấy tạ cá/trộ. Hiện nay, đang vào mùa cá cơm nên mang lại nguồn thu nhập đáng kể, trung bình mỗi người có thể kiếm được khoảng 1 triệu đồng/ngày”, ông Dũng cho biết.
Ngư dân thu mẻ lưới tấp toàn cá cơm trên biển Cảnh Dương.
Xã Lộc Vĩnh hiện có khoảng 20 chiếc thuyền đang hành nghề lưới tấp, ngoài ra có hàng chục loại thuyền có công suất lớn nhỏ khác đáng đánh bắt cá cơm. Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết: “Ngư dân đánh bắt cá cơm ở các thôn Bình An 1, Bình An 2, Cảnh Dương. Loại cá này đang vào mùa vụ đánh bắt. Do chưa hết mùa vụ nên chưa thể thống kê đầy đủ sản lượng. Tuy nhiên, cá cơm đang mang lại thu nhập khá cho ngư dân”.
Theo ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, thời điểm này đang vào vụ cá Bắc và cũng là mùa cá cơm. Loại cá này xuất hiện ở khu vực ven bờ, tùy vào vùng biển và phân bố theo mùa. Thông thường cá cơm xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 4 dương lịch năm sau.
Theo Tin: L.Thọ; Ảnh: M. Tuệ (Báo Thừa Thiên Huế)
An Giang: Nông dân sáng chế máy được Thủ tướng tặng Bằng khen
Đến xã Bình Thủy, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang), hỏi nông dân (ND) Tám Thơ (tên thật Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1964) gần như ai cũng biết, bởi ông từng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen với những sáng chế máy móc hữu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp (SXNN).
Bắt tay vào công việc trên 10 năm, những chiếc máy do ông Dũng sáng chế đều gắn với nhu cầu phục vụ SX thực tiễn tại địa phương. Điển hình như máy đánh rãnh thoát nước, được ông Dũng mày mò sáng chế cách nay khoảng 10 năm, có thể thay thế hàng chục lao động, đánh rãnh thoát nước được 2ha đất/ngày để canh tác cây mè đen.
Ông Nguyễn Văn Dũng điều khiển máy đánh rãnh thoát nước
Hiện, máy đánh rãnh thoát nước không chỉ được ND địa phương ứng dụng hiệu quả trong việc canh tác rau màu, mà còn được ND các nơi tìm đến đặt hàng mang về sử dụng.
Nhâm nhi tách trà, hướng mắt về những chiếc máy do mình chế tạo ra, ông Dũng chia sẻ: "Lúc mới bắt đầu chế tạo máy tôi gặp không ít khó khăn, bởi ý tưởng nảy sinh trong đầu và khi bắt tay vào làm thực tế không dễ, phải tháo ra lắp lại, chỉnh sửa không biết bao nhiêu lần. Tôi rất hiểu những cái khổ, cái khó của ND, tôi nghĩ khi chế tạo thành công những chiếc máy sẽ giúp ích rất nhiều cho việc SX, vì vậy dù khó khăn tôi quyết tâm không bỏ cuộc. Đúng như ông bà ta nói "Có công mài sắt có ngày nên kim", cuối cùng tôi đã thu về kết quả xứng đáng".
Đối với ông Dũng, không gì hạnh phúc hơn việc làm ra được những chiếc máy giúp tiết kiệm sức lao động, giảm chi phí, góp phần áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào SX. Đó chính là động lực tạo nên niềm đam mê sáng tạo và thôi thúc ông sáng chế thêm nhiều chiếc máy phù hợp với từng loại cây trồng khác nhau.
Đối với việc canh tác cây đậu bắp thì có máy bắt rầy xanh, máy cắt cây đậu bắp. Còn canh tác rau, màu thì có máy tưới nước di động "3 trong 1", xe phun thuốc bảo vệ thực vật, máy sạ phân. Khi thấy ND trồng lúa phải "đau đầu" về nạn lúa cỏ, lúa tạp trong những vụ canh tác, ông Dũng nghiên cứu, sáng chế thành công chiếc máy hút lúa rụng trên ruộng.
Chiếc máy được thiết kế to gần bằng máy suốt lúa, bên trong có lắp các bộ phận: vòi hút, giần sàng, giàn tách hạt lúa, tách tạp chất... Khi vận hành, lưỡi cắt dưới gầm hạ xuống cắt gốc rạ, vòi hút ở đuôi máy chuyển động qua lại để hút những hạt lúa rơi từ mặt đất lên máy, đi qua hệ thống sàng những hạt lúa to, chắc sẽ được tách riêng đổ vào thùng chứa để thu hồi lại, tránh thất thoát lúa và trừ được nạn lúa cỏ, lúa lẫn tạp trong những vụ canh tác sau.
Không dừng ở việc chế tạo máy phục vụ SXNN, từ nhu cầu thực tế trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, ông Dũng còn sáng chế xe chữa cháy mi-ni di động thiết kế đơn giản, gọn nhẹ, đáp ứng nhu cầu phun nước chữa cháy ban đầu để chờ xe chữa cháy chuyên dụng.
Mới đây, ông Dũng còn chế tạo thành công máy hút rác nhỏ gọn thích hợp thu gom rác ở sân trường, cụm dân cư hay các khu chợ nhỏ. Máy di chuyển, hút, thổi nhờ vào động cơ xăng 10 mã lực, mỗi giờ có thể hốt rác trong phạm vi 1.500m2, chỉ tốn khoảng 1 lít xăng. Các loại rác như: lá cây, bọc ny-lon, chai nhựa, giấy... đều được hút vào thùng chứa có dung tích 0,7m3.
Hơn 10 năm làm "kỹ sư chân đất", từ những sáng chế của mình, ông Dũng đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích "Tiêu biểu trong công tác xây dựng Hội và phong trào ND giai đoạn 2010-2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc". Ông Dũng là 1 trong 17 cá nhân tiêu biểu của cả nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vinh danh tại lễ "Tôn vinh hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu biểu và ND có sáng chế, sáng kiến năm 2016".
Theo Mỹ Linh (TTMT)
Bán cá cảnh "sang Tây" dễ thì nhiều, nhưng khó cũng không ít Để xuất khẩu được cá cảnh ra thị trường nước ngoài, người nuôi cá cảnh phải đáp ứng được nhiều điều kiện khắc khe về vệ sinh, dịch bệnh... Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, thành viên Hiệp hội cá cảnh thế giới OFI, châu Âu là thị trường khó tính và nhiều rào cản kỹ thuật phức tạp. Đơn cử như bệnh KHV...