TT-Huế: Cả thôn trốn bão trong ống cống
Mờ sáng 15/10, dưới cơn mưa nặng hạt và từng đợt gió rít ghê người, khoảng 30 hộ dân thôn Phú Hải 2, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) phải bỏ nhà đi tránh bão.
Dưới ánh đèn leo lét, chúng tôi chứng kiến khoảng 120 con người chen chúc nhau trong đoạn cống dài gần 20m, đường kính khoảng 2m. Để qua cơn đói, họ chia nhau từng gói mì tôm ăn sống. Những tấm chăn hiếm hoi được ưu tiên cho người già, trẻ em để chống lại cái lạnh cắt da do những cơn gió mạnh vẫn thốc thẳng vào.
“Làng nghèo, không có nhà nào vững chắc nên khi thấy gió mạnh, bà con lại dẫn nhau chạy vào đây. Dù cực khổ cũng phải chịu chứ ở trong nhà mái tôn, fibro rơi trúng thì mất mạng…” – bà Đoàn Thị Thắng, 75 tuổi, run rẩy nói. Cứ mỗi cơn gió mạnh luồn vào, người bà lại run lên từng hồi…
Người dân trốn bão trong một cống cạn nằm trên tuyến đường vào cảng Chân Mây-Lăng Cô (Ảnh: V.LONG).
Nằm bên cạnh, bà Nguyễn Thị Hằng (70 tuổi) đang cố đưa mắt nhìn ra ngoài mong trời mau sáng, bão sớm tan. Bà kể: “Cơn bão năm 2006, nhờ trốn vào cống thoát nước mà tôi không bị thương. Trong khi đó, nhiều người trong làng không chịu vào vì sợ mùi hôi đã bị thương do tôn rơi trúng đầu, có người phải nằm bệnh viện cả tháng… Từ đó đến nay, cống thoát nước trở thành nơi tránh bão của cả làng”.
Video đang HOT
Anh Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: “Trốn ở đây tránh được bão nhưng cực lắm vì mùi hôi nồng nặc. Ai cũng khó chịu nhưng phải gắng thôi…”. Cũng theo anh Hùng, cả đêm mọi người phải canh cho nhau ngủ vì sợ nước dâng tràn qua cống. “Lúc 3 giờ, nước đã dâng mấp mé chỗ mọi người nằm, ai nấy đều chuẩn bị tinh thần phải chạy ra đứng giữa trời bão. Nhưng may sau đó nước rút. Giờ lo nhất là nhà bị tốc mái hết, ra khỏi ống cống thì mọi người lại phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất…” – anh nói.
Ra khỏi “hầm trú ẩn” lúc 9 giờ, chúng tôi thấy những trận cuồng phong vẫn chưa chịu buông tha ngôi làng bé nhỏ nằm bên biển Chân Mây. Ngoái đầu lại, tôi thấy nhiều người dân từ trong ống cống đang tuyệt vọng nhìn hàng trăm tấm tôn bay tứ bề mà nước mắt chảy dài…
Theo Viết Long
Tan hoang sau bão số 11
Bão số 11 đổ bộ đã quét dọc các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Quảng Bình khiến hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, sập đổ, hàng chục người chết và bị thương. Trong khi đó, nước lũ các sông dâng cao cùng với nhiều nhà máy thủy điện xả lũ đã gây nên tình trạng ngập lụt tại đây.
Đến hôm qua 15-10, nước lũ ở hầu hết các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên đã đạt mức BĐIII, có nơi trên BĐIII như sông Bồ tại Phú Ốc: 4,5m; sông Hương tại Kim Long: 3,5m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 9,0m, ...
Các tuyến phố tại Đà Nẵng tan hoang sau bão
Hội An tiếp tục di dân tránh lũ
Quảng Nam là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Tính đến chiều 15-10, bão số 11 đã làm 3 người chết và 2 người mất tích, 7 người bị thương. Bão cũng làm trên 5.200 ngôi nhà sập và tốc mái. Trên các tuyến đường, nhất là đoạn QL1A từ thành phố Tam Kỳ đến huyện Thăng Bình bị ngập nhiều đoạn, khối lượng sạt lở ban đầu ước tính khoảng 2.500 m3. Đã có 40 chiếc tàu chìm và 5 chiếc bị hư hỏng. Trưa 15-10, UBND TP Hội An đã chỉ đạo cho các địa phương tiến hành sơ tán hơn 1.500 người dân ở 8 phường ven sông Hoài có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn, tránh gây thiệt hại về người.
Còn tại Đà Nẵng, thống kê từ BCH PCLB cho thấy, bão số 11 kèm mưa lớn và gió giật mạnh trên địa bàn TP Đà Nẵng đã làm 11 người bị thương, hàng trăm cây xanh, cột điện trên các đường phố bị gãy, đổ chắn ngang đường gây ách tắc giao thông và mất điện trên diện rộng. Nhiều nhà dân ở các khu vực ven biển và nhà hàng bị bão đánh sập, tốc mái, hư hỏng nặng... Ngay trong sáng 15-10, chính quyền thành phố và các lực lượng công an, bộ đội, dân phòng đã tới các địa bàn tổ chức cứu trợ người bị thương, giúp dân thu dọn nhà cửa, chặt tỉa cây xanh, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường. Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng đã huy động hơn 500 cán bộ chiến sĩ giúp dân khắc phục hậu quả.
Thừa Thiên-Huế nhiều nơi ngập
Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện mực nước các hồ chứa đều xấp xỉ cao trình đỉnh tràn. Trong đó, hồ thủy điện Bình Điền đạt 82,39m/85m; thủy điện Hương Điền 57,55m/58m; thuỷ điện A Lưới 551m/553m. Hiện tất cả các hồ chứa đều tiến hành xả lũ, tuy nhiên mức xả về hạ du phải đảm bảo nhỏ hơn lưu lượng nước đến hồ.
Đến cuối giờ chiều 15-10, mực nước sông Hương tại trạm Kim Long là 2,28 m; trên BĐII là 0,28 m; trên sông Bồ tại trạm Phú Ốc 4,04 m, xấp xỉ BĐIII. Các tuyến đường qua Đập Đá về Vỹ Dạ, Phú Vang, Quảng Điền hiện nước ngập sâu từ 1-1,5m. Nhiều tuyến đường, cụm dân cư ở TP Huế và các huyện vùng trũng đã ngập nước và bị cô lập, người dân đi lại rất khó khăn.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu Nhà máy thủy điện Hương Điền và Bình Điền tiếp tục vận hành điều tiết xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình, tuy nhiên phải đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Tỉnh cũng đã huy động 50 chiến sĩ bộ đội biên phòng, dân quân; sử dụng hơn 300 bao cát, 50 rọ sắt và xe chuyên dụng để hàn lấp đoạn đê biển dài 200m tại thôn Thái Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) vừa bị sạt lở do sóng biển và triều cường dâng cao.
Thủy điện Kon Tum xả nước đón lũ: Vào sáng qua 15-10, BCH PCLB tỉnh Kon Tum đã yêu cầu Công ty thủy điện Yaly và các chủ hồ đập có dung tích lớn tiến hành xả bớt nước dự trữ trên hồ đập để chuẩn bị đón đợt lũ mới. Tại Gia Lai, thủy điện An Khê - Kanak và hồ Ayun Hạ nước cũng bắt đầu dâng cao, đây là hai công trình hồ chứa đã xả lũ và gây thiệt hại nặng cho vùng hạ du trong cơn bão số 10 vừa qua.
Hạ Quỳnh - Hải Thanh
Theo ANTD
Thừa Thiên - Huế đối diện với trận lũ lịch sử Mấy ngày qua, ngoài việc ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11, cộng với việc các nhà máy thủy điện tại tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tục xả lũ khiến tỉnh này đang đối diện với trận lũ lịch sử năm 1999. Nhiều người dân cho rằng, với tốc độ mực nước tăng lên chóng mặt như vậy, chỉ trong đêm...