Truyền thông Úc gọi tên “những món quà ẩm thực tuyệt vời” mà Việt Nam đã mang đến đất nước của mình
“Và chúng tôi biết ơn vì bánh mì, phở và bánh xèo” – nhà báo Lucy Rennick đã viết trong một bài báo trên trang web của đài SBS (Úc).
SBS là một kênh truyền thông, thông tin nổi tiếng với hơn 80% tài trợ đến từ chính phủ Úc với 4 kênh truyền hình và 8 mạng vô tuyến. Trong một bài báo trên trang web chính thức của SBS, các món ăn Việt Nam đã được gọi tên với danh xưng “những món quà ẩm thực tuyệt vời nhất của Việt Nam dành cho Úc” (Vietnam’s greatest culinary gifts to Australia). Nhà báo Lucy Rennick, tác giả bài báo cũng mở đầu bằng một câu: “chúng tôi biết ơn vì bánh mì, phở và bánh xèo”.
Tiêu đề phụ của bài báo trên trang SBS: “Và chúng tôi biết ơn vì bánh mì, phở và bánh xèo”.
Tuy ở dòng đầu, Rennick chỉ nêu tên ba món ăn, nhưng trong bài báo thực tế có đến 5 “món quà tuyệt vời” được gọi tên, đó lần lượt là phở, bún chả, bánh mì, bánh xèo và… thậm chí là cả chén nước chấm.
Theo như bài báo, thật khó để hình dung những thành phố lớn nhất nhì Úc mà không có sự xuất hiện của văn hoá và ẩm thực Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam đã hoà mình vào bức tranh ẩm thực của Úc, đến mức nhiều người Úc “không thể sống thiếu gỏi cuốn, một bát phở nghi ngút khói và bánh mì giòn tan”. Ngoài ra, Rennick còn nhắc đến đầu bếp người Úc gốc Việt Luke Nguyen và sự đóng góp của anh với ẩm thực Úc. Nhà báo cho rằng họ có được tất thảy những điều này là nhờ Việt Nam. Bài viết được xem như một bài thơ ca ngợi (ode) đến những món quà ẩm thực của Việt Nam đã đến với đời sống người Úc:
Phở
Cụ thể, khi nói về phở, Rennick quả quyết rằng “đối với phần lớn người Úc, phở không cần phải giới thiệu”. Đây có lẽ là một trong những khía cạnh ẩm thực Việt Nam nổi tiếng và quan trọng nhất ở Úc. Đầu bếp Luke Nguyen đã bán được hơn 1 triệu tô phở ở nhà hàng của anh tại Sydney vào thời điểm bài báo được viết (tháng 1 năm 2019), cho thấy nhu cầu phở vô cùng cao. Người Úc thích một tô phở với nước dùng làm từ xương nhưng không mất đi sự thanh đạm, sợi phở từ gạo mềm dai, cùng với thịt gà hoặc thịt bò và một ít thảo mộc, thảo dược để đánh đuổi những cơn cảm cúm thường ghé thăm trong mùa Đông.
Bún Chả
Nếu người Úc thích một bát phở nóng vào mùa đông, thì bún chả là món ăn dành cho những tháng có khí hậu ấm hơn một chút. Đây là một món phổ biến và được phục vụ thường trực trong các nhà hàng Việt khắp cả nước Úc. Người Úc rất thích tính chất “linh hoạt” của món ăn này, do có thể thay thế và điều chỉnh nguyên liệu theo ý thích. Nếu bạn không thích thịt, có thể thay đó bằng các miếng nem rán chay hoặc đậu hũ. Ngoài ra, nếu thích thêm nước chấm thì cũng có thể tuỳ ý bởi vì chẳng ai ngăn cản bạn ăn thế nào cho hợp khẩu vị.
Bánh mì
Ở Sydney, bánh mì thường được xem như một bữa trưa ngon lành mà không đắt đỏ. Nó cũng là một trong những món ăn “mở đường” để bạn đến với ẩm thực Việt. Tuy nhiên đừng đánh giá thấp món bánh mì kẹp này qua vẻ ngoài, bởi giữa những miếng thịt, những phần pate thơm nức mùi ngò xanh và cái giòn giòn của hành lá là cả một lịch sử, một quá trình dài của Việt Nam.
Ngoài ra, nếu bạn còn nhớ, cái “duyên” của người Úc với món bánh mì còn được thể hiện qua lần thủ tướng Malcom Turnbull của Úc ghé một hàng bánh mì vỉa hè ở Việt Nam trong chuyến tham gia hội nghị thượng đỉnh năm 2017 đấy.
Video đang HOT
Thủ tướng Úc Malcom Turnbull mua bánh mì vỉa hè ở Việt Nam.
Bánh xèo
Được so sánh như “có phần giống crepe Pháp, có phần giòn của Taco”, những miếng bánh xèo vàng ruộm như ánh nắng này đang “tích cực” leo thang trong các bảng xếp hạng món ăn Việt ở các thành phố lớn như Sydney. Đó là một món ăn mang tính cộng đồng, rất phù hợp để cùng nhau chế biến và chia sẻ trong một nhóm người. Một món quà ẩm thực cho Úc, hay một món quà cho bữa tiệc tối* tiếp theo của bạn? “Xin thưa là cả hai!” – Lucy Rennick khẳng định.
*Quà cho bữa tiệc tối: Người Úc có văn hoá là mỗi khi được mời ăn tối, họ thường sẽ chuẩn bị mang theo một món ăn đến tặng lại chủ nhà để mọi người cùng ăn.
Nước chấm
Có lẽ do không biết rõ tên gọi riêng của các món nước chấm ở Việt Nam (dễ hiểu thôi, gia phả nước chấm Việt thì quả thật là phức tạp), nên nhà báo Rennick đã gọi món mà cô tả là “hơi mặn, chơi ngọt” một cách rất chung chung là “nước chấm”. Người Úc dùng loại nước chấm này cho hầu hết các món ăn từ gỏi cuốn, đồ chiên, bánh xèo và đôi khi còn xin nhà hàng thêm.
Gỏi cuốn
“Ước gì chúng tôi có thể gọi những chiếc cuốn yêu quý này là món của nước mình”, Rennick cảm thán. “Người Việt Nam hoàn toàn có thể “nổ” về món ăn này”, cô cũng nói thêm.
Sự nổi tiếng của gỏi cuốn ở Úc không hề có giới hạn: chúng có mặt tỏng mội nhà hàng Việt, trong các hộp cơm trưa, trong mọi khu ăn uống ở trung tâm thương mại. Sự yêu thích của người Úc với những chiếc cuốn với bánh tráng dai mềm, cùng rau củ tươi, thịt luộc và tôm đỏ hương vị hài hoà sẽ không bao giờ kết thúc.
Theo TTVN
Điểm danh một số "doppelganger" của các món ăn Việt trên khắp thế giới
Đứng từ góc độ của người nước ngoài mới thấy, hóa ra ẩm thực Việt có anh em sinh đôi trên khắp thế giới, tưởng không liên quan lại liên quan không tưởng!
"Pizza kiểu Việt", "ramen kiểu Việt" là tên gọi mà báo chí nước ngoài dành cho những đặc sản Việt Nam - phần nào thể hiện sự giao thoa giữa những nền ẩm thực tưởng chừng... "chẳng liên quan". Tuy rằng việc gọi một món của quốc gia này như một "phiên bản" ở quốc gia khác đôi khi có phần không thích đáng, nhưng nhìn từ nguyên liệu, hình dáng và nhiều yếu tố, ta có thể hiểu được vì sao bạn bè quốc tế lại suy nghĩ như thế. Hãy cùng điểm danh một số doppelganger của món ăn Việt khiến người nước ngoài cứ hay liên tưởng và gọi nhầm tên nhé!
Phở - "Ramen" kiểu mới
Với chỉ một video hướng dẫn cách ăn phở Việt, tạp chí ẩm thực danh tiếng Bon Appetit đã góp phần thắt chặt tình hữu nghị của các dân tộc Á châu, khi lần hiếm hoi ta thấy cả chục nước châu Á bỗng đoàn kết đến thế để... ném đá một video ăn uống.
Trang ẩm thực danh tiếng Bon Appétit gọi phở là "ramen kiểu mới" vì chúng quá giống nhau, dẫn đến bị "ném đá".
Cách ăn không phải là thứ duy nhất gây xôn xao, mà chính lời giới thiệu "Phở is the new ramen" (Phở là ramen kiểu mới) cũng khiến hàng trăm nghìn người Nhật lẫn Việt tự hỏi lại kiến thức ẩm thực của bản thân. Rõ ràng, trong tâm thức người Việt, phở và ramen cách xa vạn dặm, từ sợi đến nước dùng, nhân, gia vị đi kèm và cách thưởng thức. Thế nhưng, cũng khó mà trách các biên tập viên Bon Appeitit, khi cách ăn mì sợi với nước dùng chỉ phổ biến ở châu Á và hoàn toàn xa lạ với văn hóa phương Tây. Thêm vào đó, ramen lại là một trong những món mì nước phổ biến nhất toàn cầu. Việc gọi phở là "ramen mới" hay "ramen kiểu Việt" có lẽ cũng chỉ giúp người nước ngoài dễ liên tưởng hơn thôi!
Rất may là Phở đã quá nổi tiếng và còn có tên riêng trong từ điển Oxford, để không ai mắc phải sai lầm như đầu bếp người Mỹ kia nữa.
Bánh canh - Udon kiểu Việt
Lại một sự liên quan "sương sương" giữa món Việt và món Nhật, khi cụm từ "Vietnamese udon" ngày càng trở nên phổ biến trên thanh tìm kiếm google lẫn thực đơn món Việt tại nước ngoài. Dẫu sợi bánh canh làm từ bột gạo và udon làm từ bột mì, bánh canh màu trắng trong còn udon vàng nhạt và hơi đục, thì hình dạng sợi mì to tròn, bóng lưỡng đã đủ khiến phương Tây liên tưởng chúng là... anh em. Nếu lỡ thèm bánh canh ở nước ngoài thì bạn nhớ tìm kiếm từ khóa "Vietnamese udon" nhé, khéo lại hiệu quả hơn cả cái tên gốc "bánh canh"!
Vì nhìn sợi giống giống nhau...
... nên em gọi đại mặc kệ đúng sai.
Bánh tráng nướng - Vietnamese pizza
Nếu gõ thử từ khóa Vietnamese pizza trên google, bạn sẽ thấy hàng trăm nghìn bức ảnh quen thuộc của chiếc bánh tráng nướng bình dị. Vâng, tưởng liên quan mà liên quan không tưởng là đây: Pizza và bánh tráng nướng đều có nguyên liệu chính là một loại bánh bột, ở trên chất đầy toppings tùy chọn và các loại nước sốt.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên người phương Tây làm thế giới "hết hồn" với bộ não "nhảy số" với vận tốc ánh sáng và khả năng liên tưởng của mình. Chiếc bánh Quesadilla cũng "được" gọi là Mexican pizza vì cách thức chế biến từa tựa món bánh Ý trứ danh, với lớp vỏ tortillas ở dưới và đủ loại toppings tươi, gập lại làm đôi rồi đem nướng.
Quesadilla cũng "không thoát khỏi" sự liên tưởng của người nước ngoài.
Bánh mì - Sandwich kiểu Việt
Cái thời bánh mì Sài Gòn bắt đầu khuấy đảo cộng đồng quốc tế, hàng quán mọc ra như nấm với lời giới thiệu "Ở đây có bán bánh sandwich kiểu Việt" (Vietnamese sandwhich). Thực khách nào chưa biết cái bánh mì Việt tròn méo ra sao, tò mò bước vào thì như cảm thấy... bị lừa: Ở bánh to tròn, giòn xốp và vàng ươm, chả có tí nào giống bách sandwich mịn màng với viền nâu mà họ vẫn ăn buổi sáng cả.
Dẫu bánh mì Việt vốn làm từ bánh baguette (bánh mì giòn Pháp), chứ không phải bánh sandwich, thì người phương Tây thi thoảng cũng "tạm dịch" nó thành sandwich Việt hoặc burger Việt, vì chúng đều là các loại bánh với nhân thịt và rau kẹp bên trong. Tuy nhiên, tương tự phở, bánh mì Việt dần dần có vị thế vững chắc tại quốc tế và ngày càng được biết đến với cái tên gốc của nó, khiến những vị "anh em song sinh" dở khóc dở cười như trên cũng dần biến mất.
Bánh xèo - Pancake kiểu Việt
Một bên là món mặn ăn thay bữa chính, một bên là món ngọt dùng vào buổi sáng, bà con xa bắn đại bác cũng không tới, ấy thế mà người phương Tây vẫn gọi bánh xèo là Vietnamese "pancake" trên khắp các mặt trận: từ blog ẩm thực, tạp chí nấu ăn đến thực đơn nhà hàng.
Sống đơn giản cho đời thanh thản: Cái gì tráng trong chảo đều thuộc họ pancake cả, từ bánh cuốn tới bánh xèo!
Để lý giải cho sự đặt tên này, người ta cho rằng bánh xèo và pancake đều được... tráng cho mỏng trên chảo rồi rán chín, nên khó trách người nước ngoài liên tưởng bánh xèo với loại bánh ăn sáng quen thuộc kia. Tuy nhiên để tránh nhầm lẫn, các nhà hàng hiện nay đều cố chú thích trong thực đơn rằng, đây là món bánh mặn (Vietnamese savoury pancake) cùng với loạt nguyên liệu phía dưới để thực khách đỡ "lú".
Theo TTVN
12 món sợi được xem là ngon nhất từ khắp nơi trên thế giới, trong đó không thể thiếu 1 món đến từ Việt Nam Ở mỗi nước khác nhau lại có những món mì đặc sản thu hút các thực khách. Hãy thử xem trong số 12 món mì được xem là ngon nhất dưới đây, bạn đã từng thưởng thức món mì nào rồi nhé. Có thể nói, mì (hay các món sợi) là một trong số những nguyên liệu có thể chế biến thành nhiều...