Truyền thông Trung Quốc và chiến lược ‘chia rẽ Nhật Bản’
Qua lăng kính của chính phủ và truyền thông Trung Quốc, Thủ tướng Shinzo Abe không chỉ là kẻ thù của Trung Quốc mà còn là kẻ thù của chính đất nước Nhật Bản.
Theo bài đăng trên trang Diplomat, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Đảng Dân chủ Tự do đã thành công trong việc đạt được một thỏa thuận với Đảng Công Minh để thay đổi cách diễn giải về điều 9 trong hiến pháp Nhật, cho phép Nhật được phép tham gia các liên minh tự vệ, đưa lực lượng quân sự tham chiến ở nước ngoài.
Cờ Nhật Bản và Trung Quốc được treo xen kẽ nhau tại một sự kiện (ảnh: topnew.in)
Trước đây, Trung Quốc thường lên tiếng “kịch liệt phản đối” bất cứ động thái dịch chuyển nào của Nhật nhằm tăng quyền tự do xây dựng và gia tăng lực lượng quân sự. Tuy nhiên, lần này Trung Quốc lại khá … kiệm lời.
Thay vì tập trung vào việc phân tích những bước đi của ông Shinzo Abe sẽ ảnh hưởng tới Trung Quốc ra sao, Bắc Kinh đang “muốn giúp người dân Nhật” hiểu rõ việc chính sách này sẽ khiến Nhật rơi vào cảnh “gậy ông đập lưng ông” như thế nào.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã bày tỏ “sự quan ngại của Trung Quốc trước những động thái trên”, nhưng quan trọng nhất, Trung Quốc nhấn mạnh “bất mãn của chính công chúng Nhật”.
“Ngay chính trong nội bộ nước Nhật, nhiều người đang phản ứng với chính phủ vì nới lỏng các hạn chế về quân sự và liên minh phòng thủ”, người phát ngôn Hồng Lỗi nhấn mạnh.
Một bài báo bình luận trên Tân Hoa xã đã lên tiếng cho rằng những thay đổi trên “không phải là lựa chọn của người dân Nhật Bản, mà là chủ ý riêng của ông Abe và đảng phái của ông ấy”.
Tân Hoa Xã trích dẫn kết quả một cuộc trưng cầu dân ý nhưng không nêu nguồn, trong đó chỉ ra rằng hơn 1/2 người dân Nhật phản đối những nỗ lực nới lỏng chính sách hạn chế quân sự của chính quyền Thủ tướng Abe.
“Họ sợ rằng điều đó sẽ dẫn Nhật đi vào con đường chiến tranh”, đồng thời nhấn mạnh “người Nhật đã có những hoạt động biểu tình, bao gồm cả một vụ tự thiêu ở Tokyo” để phản đối những động thái trên.
Video đang HOT
Một đoạn trong bài đăng trên Nhật báo Trung Quốc cũng có nội dung và hướng công kích tương tự.
Bên cạnh việc mượn tiếng nói của công chúng Nhật để thể hiện quan điểm của mình, truyền thông Trung Quốc cũng tranh thủ chĩa mũi dùi vào cá nhân Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang là đối tượng chỉ trích và tấn công của truyền thông Trung Quốc (ảnh:news.com.au)
Rất nhiều bài báo cảnh báo rằng chiến thuật của ông Abe là một mối đe dọa lớn, không chỉ đối với an ninh khu vực mà còn với cả tính hợp hiến và các quy định luật pháp của chính đất nước Nhật Bản.
Trong một bài viết khác, Tân Hoa Xã đã gọi việc Nhật muốn tham gia vào các liên minh phòng thủ là một sự phản bội trắng trợn với chủ nghĩa hòa bình được ghi nhận trong hiến pháp Nhật Bản và nhấn mạnh rằng công chúng Nhật đã “trắng mắt” ra.
Bài bình luận cũng nhấn thêm rằng, ông Abe đã quyết làm ngơ mọi ý kiến của công chúng và sử dụng một thủ thuật nguy hiểm để đạt được thỏa thuận trên. Qua sự kiện này, Tân Hoa Xã kêu gọi người Nhật và cộng đồng quốc tế hãy ngăn chặn ông Abe khỏi những hành động làm vấy bẩn hình ảnh quốc gia của Nhật Bản.
Cùng ngày, Tân Hoa Xã còn đăng thêm một bài phỏng vấn khác, dẫn lời một nhà phân tích chính trị và an ninh Trung Quốc, cáo buộc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã sử dụng thuyết “mối đe dọa Trung Quốc” để lừa bịp công chúng, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho quyết định thay đổi điều 9 của Hiến pháp Nhật.
Tuy nhiên, bài phỏng vấn này cho biết người dân Nhật đã bắt đầu khôn ngoan hơn trước những “chiêu lừa đảo” của ông Abe.
Theo nhận định của tác giả Shannon Tiezzi trên trang Diplomat, có vẻ như Trung Quốc đang có những điều chỉnh lớn trong chiến dịch ngoại giao và truyền thông về Nhật Bản.
Thay vì có những phát ngôn gay gắt, chỉ trích Nhật Bản chung chung, Bắc Kinh đang tập trung vào tấn công cá nhân Thủ tướng Shinzo Abe và tranh thủ sự ủng hộ của những người bất đồng chính kiến với chính phủ Nhật, đặc biệt là các doanh nhân và chính trị gia Nhật có quan hệ làm ăn hoặc có thiện cảm với Trung Quốc để đạt được mục đích của mình.
“Qua lăng kính này (CP và truyền thông Trung Quốc), Thủ tướng Shinzo Abe không chỉ là kẻ thù của Trung Quốc mà còn là kẻ thù của chính Nhật Bản”, Shannon Tiezzi nhận định về chính sách chia rẽ của Trung Quốc.
Có vẻ như, đây là một chiến lược rất khôn ngoan của Trung Quốc, nhưng cơ hội thành công lại rất… nhỏ nhoi. Theo khảo sát của Genron NPO, một tổ chức phi chính phủ tại Nhật, thực hiện trên 1,805 công dân Nhật đã đem về kết quả khá ấn tượng: Khoảng 90,1% những người tham gia khảo sát đã trả lời rằng họ chẳng ưa gì Trung Quốc.
Theo Infonet
Truyền thông Trung Quốc kêu gọi dân Hồng Kông không nên chống lại Bắc Kinh
Ngày 30/6, truyền thông Trung Quốc đã kêu gọi người Hồng Kông đừng để mình "bị bắt cóc" bởi "những phần tử cấp tiến", đồng thời cho rằng "sẽ chẳng có lợi ích nào" nếu họ tham gia vào cuộc biểu tình phản đối đại lục.
Mỗi năm, cứ đến ngày 1/7 (ngày kỷ niệm Hong Kong được trao trả về Trung Quốc từ tay chính quyền Anh hồi năm 1997) những làn sóng phản đối sự can thiệp của chính quyền Bắc Kinh đối với Hong Kong lại có điều kiện bùng phát. Kể từ khi được trao trả, Hong Kong trở thành Khu hành chính tự trị và được hưởng quy chế "một quốc gia - hai chế độ" nhưng đối với người dân Hong Kong, sự can thiệp của chính quyền trung ương ở Bắc Kinh vào Khu tự trị này là rất khó chấp nhận.
Ngay trước thềm 1/7 năm nay, giới truyền thông trung ương Trung Quốc đã mở một chiến dịch tuyên truyền lớn nhắm đến người dân Hong Kong. Tờ thời báo Hoàn Cầu tố rằng hoạt động của những phần tử "cấp tiến" và "đảng phái đối lập chính trị" chỉ nhằm một mục đích "chia rẽ cộng đồng Hồng Kông".
Nói đến cuộc trưng cầu dân ý về cách chọn người đứng đầu của gần 800.000 người Hồng Kông gần đây, tờ thời báo Hoàn Cầu cho rằng, bất kỳ sự nhượng bộ nào của chính quyền trung ương Bắc Kinh sẽ dẫn đến một "sự bất ổn lớn" ở Hồng Kông.
Một người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở Hồng Kông trong lần biểu tình 1/7 năm trước (Ảnh: Sam Tsang - SCMP)
Trên tờ Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của trung ương đảng cộng sản Trung Quốc, ban biên tập của tờ báo này cho rằng việc Hồng Kông được hưởng những đặc quyền tự trị không làm thay đổi một thực trạng pháp lý rằng vùng đất này là "một khu vực hành chính địa phương của một nhà nước đơn nhất", tức chính quyền trung ương Trung Quốc.
"Hồng Kông và đại lục nằm dưới sự quản lý của một nhà nước với hai hệ thống quản lý, rất khó để 2 xã hội có thể hoàn toàn thấu hiểu lẫn nhau. Nhưng, một nguyên tắc cơ bản rõ ràng ở đây là việc tham gia vào các cuộc đối đầu chính trị sẽ không bao giờ mang lại điều gì tốt đẹp. Điều đó có hại cho mọi cá nhân, đơn vị và tất cả các bên liên quan", tờ Nhân dân Nhật báo viết.
Tờ báo này đã gọi các nhóm đối lập là những "kẻ cực đoan", kết tội họ là những người "sẵn sàng hy sinh sự thịnh vượng của Hồng Kông để đổi lấy lợi ích cho riêng mình".
Đối tượng mà Thời báo Hoàn Cầu hướng tới ở đây chính là Occupy Central (Chiếm khu Trung tâm nhưng còn có nghĩa bóng là Chiếm đóng chính quyền trung ương). Occupy Central là tên gọi nhái theo tên phong trào "Chiếm phố Wall" đã từng nổ ra ở Mỹ cách đây vài năm, và là tổ chức hậu thuẫn cuộc trưng cầu dân ý tại Hồng Kông hồi tuần trước.
Ban tổ chức cuộc biểu tình ngày 1/7 tại Hồng Kông năm nay đang dự đoán sẽ có khoảng hơn nửa triệu người sẽ xuống đường để tham gia cuộc tuần hành. Đây là một cuộc tuần hành truyền thống, nói lên các ý kiến về dân chủ, phương thức bỏ phiếu và các vấn đề chính trị khác tại Hồng Kông.
Căng thẳng giữa Hồng Kông và đại lục đã gia tăng kể từ khi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố một cuốn sách trắng, trong đó nhắc lại sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Hồng Kông hôm 10/6 vừa qua.
Theo đó, "Hồng Kông muốn hưởng quyền tự trị thì phải xin phép chính quyền trung ương Trung Quốc", tờ Nhân dân Nhật báo viết, nhắc lại nội dung của sách trắng, đồng thời lên giọng khuyên người dân hãy "nên biết yêu nước".
Kể từ khi cuốn sách trắng của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc được phát hành, người Hồng Kông đã biểu tình chống lại "hành vi vi phạm Luật pháp Cơ bản" của chính quyền trung ương Trung Quốc đối với Hồng Kông.
Sự tức giận trước việc phát hành cuốn sách trắng này cũng đã khiến rất nhiều cử tri tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý của Occupy Central và tham gia vào cuộc diễu hành tới đây.
Tuần trước, các luật sư người Hồng Kông đã tuần hành trong im lặng để bày tỏ sự ủng hộ cho một nền tư pháp độc lập.
"Lực lượng đối lập ở Hồng Kông đang làm tất cả mọi việc trong khả năng của mình để tạo ra một cỗ xe chính trị và lừa bịp người dân Hồng Kông, sao cho càng có nhiều người leo lên cỗ xe ấy càng tốt. Mục tiêu của nó là chính quyền trung ương và người dân của quốc gia này", tờ Thời báo Hoàn Cầu bản tiếng Trung kết tội.
"Chúng tôi kêu gọi công dân Hồng Kông đừng nhảy lên cỗ xe chiến ấy, đừng để mình bị bắt cóc bởi những kẻ đối lập, đừng đánh mất sự thịnh vượng của Hồng Kông và hạnh phúc của bạn cho những tính toán nhỏ mọn của họ", tờ báo này kết thúc.
Theo Infonet
Ý đồ của Mỹ khi mời TQ tập trận lớn nhất thế giới Washington hy vọng Bắc Kinh sẽ từ bỏ tham vọng hất cẳng họ khỏi khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau khi thấy khả năng tác chiến của Hải quân Mỹ. Trung Quốc là một trong 22 quốc gia tham dự cuộc tập trận hải quân đa quốc gia mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2014 theo lời mời...