Truyền thông Trung Quốc ra sức “làm thân”, Ấn Độ vẫn “lạnh nhạt”
Trong bối cảnh Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị đang có chuyến thăm và làm việc tại Ấn Độ, truyền thông Trung Quốc đã ra sức ve vuốt, làm thân với nước láng giềng lớn thứ 2 tại châu Á này.
Ngày 9/6, tờ Thanh niên Bắc Kinh đã tranh thủ “nịnh đầm” Thủ tướng mới đắc cử của Ấn Độ, ông Narendra Modi rằng nhiệm vụ làm hồi sinh nền kinh tế đang sút kém của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi là điều hoàn toàn có thể và rằng “Ấn Độ đang đi vào kỷ nguyên của Modi”.
Ấn – Trung và mối quan hệ chưa hết chênh vênh (ảnh: thenewstribe)
Cùng chung giọng điệu ấy nhưng tờ Nhật báo Trung Quốc còn bồi thêm rằng Ấn Độ sẽ học được “bài học của Trung Quốc” trong bước đường phát triển tiếp theo của mình và khẳng định Ấn Độ sẽ không thể đạt được những bước nhảy vọt kinh tế mà không có được những động lực từ mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc.
Tân Hoa xã, cơ quan thông tấn quốc gia của Trung Quốc cũng ra sức vun đắp cho mối quan hệ Trung – Ấn nhân chuyến thăm Ấn Độ lần này của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị.
“Với một mối quan hệ song phương tốt đẹp, Trung Quốc và Ấn Độ có thể đặt sang một bên những bất đồng bấy lâu nay như tranh chấp đường biên giới để đảm bảo rằng nó sẽ không làm tổn hại đến quan hệ đối tác và tình hữu nghị giữa hai quốc gia”, Tân Hoa xã khéo léo đưa đẩy.
Ở một khía cạnh khác, Nhật Bản gần đây cũng có nhiều động thái thắt chặt quan hệ hợp tác với Ấn Độ, việc này đã khiến cho báo giới Trung Quốc ngấm ngầm tức tối.
Trên trang China Net, một bài báo đã nhấn mạnh rằng, cho dù Nhật Bản có thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Ấn Độ đi chăng nữa, tình hữu nghị Ấn – Trung sẽ được nâng lên một “tầm cao mới” sau chuyến thăm của ông Vương Nghị, mở đường cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Ấn Độ vào tháng 9 tới đây.
“Sự ì ạch của nền kinh tế toàn cầu sẽ thắt chặt quan hệ hợp tác kinh tế giữa Bắc Kinh và Delhi… Sẽ chẳng có lợi lộc gì cho Trung Quốc và nó cũng sẽ làm gián đoạn sự phát triển của Ấn Độ nếu mối quan hệ song phương Trung – Ấn bị xấu đi chỉ vì Nhật Bản”, bài báo này nửa vuốt ve nửa đe nẹt.
Đáp lại sự nồng nhiệt thái quá của truyền thông Trung Quốc trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Vương Nghị, báo chí Ấn Độ lại giữ thái độ rất chừng mực.
Video đang HOT
Thậm chí, tờ One India còn dẫn lại một bài tổng hợp trên BBC với tiêu được đặt lại là “Đây là cách mà truyền thông Trung Quốc nói về chuyến thăm Ấn Độ của ông Vương Nghị” một cách đầy hàm ý.
Nhìn nhận về vấn đề trên, tờ New York Times đã có bài bình luận sâu cho rằng, cho dù Trung Quốc có cố gắng làm ấm lại mối quan hệ với Ấn Độ đi chăng nữa, hai quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn không thể nào tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề về Tây Tạng và tranh chấp lãnh thổ ở biên giới.
Trong khi Trung Quốc liên tục có nhiều hành động mạnh tay với người Tây Tạng thì Ấn Độ lại gần như là quốc gia duy nhất “cưu mang” những người này.
Người Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ trước tòa nhà Đại sứ quán Trung Quốc ở Delhi (Ảnh: Tsering Topgyal/Associated Press)
Những xung đột ở Tây Tạng gay gắt đến mức, ngay trong ngày ông Vương Nghị đến Trung Quốc, nhiều người Tây Tạng sống lưu vong tại Ấn Độ đã tụ tập trước tòa nhà Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối, khiến lực lượng an ninh Ấn Độ phải thắt chặt an ninh. 2 năm trước, khi ông Hồ Cẩm Đào đến thăm Ấn Độ, một thanh niên Tây Tạng lưu vong tự thiêu ở New Delhi để phản đối chính sách của Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ này.
Đồng thời, Ấn Độ ngày càng giữ kẽ hơn trong quan hệ với Trung Quốc vì những quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc ngày càng dấn sâu và lộ liễu trong việc hỗ trợ các lực lượng an ninh Pakistan ở khu vực Kashmir.
Hơn nữa, tờ New York Times dẫn lời của C. Raja Mohan, một chuyên gia chiến lược ngoại giao hàng đầu của New Delhi, khẳng định việc Ấn Độ có vẻ như muốn hợp tác nhiều hơn về kinh tế với Trung Quốc không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ đạt được những điều kiện khác trong quan hệ, tương quan an ninh với Delhi.
Ông Mohan cho biết, việc Trung Quốc và những mối quan hệ đầy sóng gió với các nước láng giềng của họ như Nhật Bản, Việt Nam và Philippines đã gửi đi một thông điệp cảnh giác tương tự đối với Ấn Độ.
Có lẽ, đó chính là những lý do khiến Delhi đang rất từ tốn trong mối quan hệ với Bắc Kinh cho dù truyền thông nhà nước Trung Quốc đã và đang tỏ ra hết sức nồng nhiệt trong suốt thời gian qua.
Bài viết được thực hiện dựa trên tổng hợp các nguồn tin từ BBC, One India, Indiaexpress và New York Times.
Theo Infonet
Ấn Độ: Chơi với Trung Quốc có thể làm suy yếu quyền tự chủ chiến lược
Trước khi bắt tay hợp tác với Trung Quốc trong một giai đoạn mới, Ấn Độ cần thấy được kinh nghiệm của Đông Nam Á với Bắc Kinh có ý nghĩa như một bài học.
Học giả Nayan Chanda.
Ngày 7/6, học giả Nayan Chanda từ Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa đại học Yale bình luận trên tờ Times of India, khi Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ đến New Delhi vào Chủ Nhật này, người Ấn sẽ phải đứng trước một sự lựa chọn quan trọng.
Ấn Độ có nên nắm lấy đề nghị của Bắc Kinh để thúc đẩy đầu tư thương mại của Trung Quốc và tạm gác vấn đề tranh chấp lãnh thổ hay là New Delhi sẽ thận trọng tránh vướng vào cái bẫy kinh tế của Bắc Kinh có thể làm suy yếu quyền tự chủ chiến lược của mình?
Những lựa chọn này bình thường không cho thấy sự khắc nghiệt đến vậy, nhưng trong bối cảnh các động thái hung hăng quyết liệt của Trung Quốc ở Biển Đông sau một thời gian dài "giấu mình chờ thời" thì những câu hỏi làm thế nào để đối phó với chiến thuật "chơi bây giờ, đánh sau" không còn là lý thuyết.
Trong lúc các quốc gia Đông Nam Á còn đang tìm hiểu về các giải pháp làm dịu tranh chấp và tìm cách phát triển chung các nguồn tài nguyên, hoạt động thâm nhập kinh tế của Trung Quốc đã kéo họ vào một mớ bòng bong lệ thuộc.
Trước khi bắt tay hợp tác với Trung Quốc trong một giai đoạn mới, Ấn Độ cần thấy được kinh nghiệm của Đông Nam Á với Bắc Kinh có ý nghĩa như một bài học cảnh báo, mặc dù sự chào đón nhiệt tình của Trung Quốc với tân Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và sự háo hức của Bắc Kinh muốn tăng cường quan hệ với New Delhi là đáng hoan nghênh.
Đằng sau các hợp tác kinh tế luôn là một cái bẫy an ninh chiến lược mà Trung Quốc sẵn sàng giăng ra cho "đối tác".
Các câu hỏi đặt ra là liệu Ấn Độ có nên nhảy cả 2 chân vào hợp tác kinh tế trong khi Trung Quốc tiếp tục trì hoãn các vấn đề biên giới với New Delhi (nên nhớ, đã có 17 cuộc họp song phương không kết quả về vấn đề biên giới cho đến nay) và mang lại các hoạt động hợp tác an ninh khập khiễng với nước láng giềng Pakistan hay không.
Cần ghi nhớ rằng, Đặng Tiểu Bình đã chủ trương giấu mình chờ thời trong suốt 2 thập kỷ. Trong thời gian này Trung Quốc ký kết Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC để tránh xung đột, thậm chí ký kết các thỏa thuận cùng phát triển nguồn tài nguyên. Khi quan hệ hợp tác kinh tế tăng lên nhanh chóng và làm cho khu vực ASEAN ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, Bắc Kinh đã âm thầm phát triển sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải - không quân của mình.
Trung Quốc đang bỏ qua lời cam kết trước đó của họ (phát triển hòa bình hay trỗi dậy hòa bình), sử dụng sức mạnh quân sự và công nghệ (chế tạo giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981) để kiểm soát các vùng biển trong khi trước đó họ liên tục trì hoãn việc thảo luận (bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông COC).
Trong tranh chấp biên giới Trung - Ấn, từ năm 1984 Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát đối với các khu vực tranh chấp, xây dựng mạng lưới giao thông, sân bay và định kỳ phô diễn sức mạnh quân sự của họ. Ấn Độ và Trung Quốc đã phát triển quan hệ kinh tế mặc dù bị lệch về tích lũy thặng dư thương mại, Trung Quốc vẫn bảo vệ Pakistan (đối thủ của Ấn Độ có vũ khí hạt nhân) về mặt ngoại giao.
Dàn tên lửa Trung Quốc vẫn đang chĩa về phía Ấn Độ ở khu vực giáp biên.
Vì Trung Quốc có ảnh hưởng đặc biệt đối với Pakistan, Ấn Độ có thể nhấn mạnh rằng Bắc Kinh cần chứng minh thiện chí của mình bằng cách ký kết các thỏa thuận về biên giới Trung - Ấn và khuyến khích Pakistan ngừng sử dụng khủng bố như một công cụ của chính sách đối ngoại.
Với kế hoạch phái Rajnath Singh, Bộ trưởng Nội vụ và là Chủ tịch đảng Bharatiya Janata cầm quyền đến thăm khu vực Ladakh, Arunachal giáp biên với Trung Quốc, đồng thời công bố cuộc hội đàm với Barack Obama vào đêm trước chuyến công du New Delhi của Vương Nghị, Ấn Độ đã phát đi thông điệp quan trọng tới Bắc Kinh: An ninh biên giới là mối quan tâm trọng điểm của Ấn Độ và quan hệ Mỹ - Ấn vẫn rất mạnh mẽ.
Những hành động khiêu khích quân sự nước lớn của Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh đang gây ra mối lo ngại nhiều hơn là ngưỡng mộ từ các nước láng giềng. Bằng cách kết hợp linh hoạt trong hình thức và độ dẻo dai trong các nội dung an ninh, Ấn Độ có thể biến cuộc tìm kiếm của Trung Quốc thành cơ hội hợp tác có lợi cho mình.
Theo Giáo Dục
TQ tuyên án 55 nghi phạm khủng bố ở Tân Cương Với hơn 7000 người tham dự, phiên tòa xét xử các nghi can khủng bố ở Tân Cương đã phải diễn ra ở sân vận động. Các nghi phạm phải quỳ trong phiên tòa Truyền thông Trung Quốc hôm nay (28/5) đưa tin, trong phiên tòa được tổ chức vào ngày 27/5, chính quyền tỉnh Y Lê thuộc khu tự trị Tân Cương...