Truyền thông Triều Tiên dự báo có đột phá tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2
Truyền thông Triều Tiên đánh giá nước này đang đối diện “bước ngoặt lịch sử” trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 sắp tới ở Việt Nam.
Một bài báo trên trang thông tin của Chính phủ Triều Tiên đã đưa ra dự đoán sẽ có bước tiến mang tính đột phá trong cuộc gặp Thượng đỉnh sắp tới giữa Nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ. Bài báo được đăng tải ngay trước khi tờ báo chính thức của đảng Lao động Triều Tiên lên tiếng thúc giục người dân nước này “thắt chặt dây giày” chuẩn bị cho những thay đổi sắp tới của đất nước.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 dự kiến diễn ra ngày 27-28/2 tại Hà Nội. Những thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông cuối tuần qua và hôm 18/2 dường như là lần đầu tiên phía Triều Tiên thừa nhận các cuộc đàm phán chuẩn bị cho cuộc gặp Thượng đỉnh lần 2 đang diễn ra. Phía Mỹ cho đến nay không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về cuộc gặp đang được lên kế hoạch giữa hai nhà lãnh đạo, dù dự kiến, một trong những nội dung chính hai bên sẽ đề cập là chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Khó khăn vẫn còn đó
Ngay trước khi tới Hàn Quốc để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun thừa nhận rằng hai bên không có một định nghĩa cụ thể và còn bất đồng về khái niệm “phi hạt nhân hóa”, điều này khiến cho đàm phán hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên gặp khó khăn. Triều Tiên đã nhiều lần định nghĩa thuật ngữ này là loại bỏ hoàn toàn sự hiện diện quân sự của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên vì Mỹ là một cường quốc vũ trang hạt nhân.
Video đang HOT
Bài báo đăng tải trên trang web tuyên truyền của Chính phủ Triều Tiên Meari hôm 17/2 khẳng định, Bình Nhưỡng đang tìm kiếm một chế độ hòa bình ổn định lâu dài, không phát triển thêm vũ khí hạt nhân.
“Chẳng có bất kỳ lo do gì khiến mối quan hệ Mỹ-Triều không thể có bước đột phá lớn như những gì chúng ta đã thấy trong mối quan hệ liên Triều”, bài báo trên trang Meari nhận định.
Bài báo cho biết thêm: “Một phần quyết định chiến lược của chúng tôi là xây dựng chế độ hòa bình, ổn định lâu dài và tôn vinh trách nhiệm quan trọng mà chúng tôi có trước cộng đồng quốc tế. Nó cũng phản ánh quyết tâm mạnh mẽ của chúng tôi trong việc biến mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thành hiện thực”.
Tờ báo kết luận rằng Triều Tiên còn rất ít việc phải làm sau Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim lần đầu tiên. Tại Singapore, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí cùng nhau làm việc để hướng tới “phi hạt nhân hóa” mà không có giải thích cụ thể về thuật ngữ này. Triều Tiên cũng nghiêm túc thực hiện cam kết trao trả hài cốt lính Mỹ chết trận trong thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Trang web của Triều Tiên nhấn mạnh, việc trao trả hài cốt lính Mỹ cho thấy thiện chí của Bình Nhưỡng, đủ để Washington có các động thái đáp lễ xứng đáng. Trong khi Meari không nêu rõ những động thái được kỳ vọng chứng kiến từ Mỹ thì giới chức Triều Tiên đã nhiều lần yêu cầu chấm dứt các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào các ngành công nghiệp sinh lợi nhiều nhất của nước này, đặc biệt là xuất khẩu than và hải sản. Chính quyền Tổng thống Trump khẳng định sẽ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho đến khi Triều Tiên chứng minh được họ hoàn toàn dỡ bỏ chương trình hạt nhân bất hợp pháp của nước này.
Bước ngoặt lịch sử
Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên (WPK), trong bài xã luận ngày 18/2 tiếp tục nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng mong muốn tìm kiếm sự độc lập, hòa bình và kết giao với bạn bè.
“Phát triển quan hệ với tất cả các nước bạn bè là lập trường nguyên tắc, nhất quán của WPK và Chính phủ CHDCND Triều Tiên trong việc theo đuổi chính sách đối ngoại”, bài xã luận viết đồng thời khẳng định chính sách đối ngoại của Triều Tiên là một trong những yếu tố giúp thiết lập và phát triển quan hệ đối ngoại với tất cả các quốc gia tôn trọng chủ quyền của nước này, thân thiện với Bình Nhưỡng bất kể có sự khác biệt về tư tưởng và hệ thống xã hội.
Một bài báo khác trên tờ Rodong Sinmun thì kêu gọi: “Đất nước chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử. Đã đến lúc chúng ta buộc thật chặt dây giày, chạy thật nhanh, hướng đến mục tiêu cao xa hơn trong thời khắc mang tính quyết định này”.
Tuy nhiên, bài báo không đề cập cụ thể về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.
Trong thông điệp liên bang đọc trước Quốc hội Mỹ hôm 5/2, Tổng thống Donald Trump đã chính thức tuyên bố cuộc gặp giữa ông và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ được tổ chức ở Việt Nam vào ngày 27-28/2 sắp tới.
“Là một phần của nền ngoại giao mới táo bạo, chúng tôi tiếp tục các bước đi lịch sử thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Các con tin bị bắt đã trở về nhà, thử nghiệm hạt nhân đã dừng lại và không có vụ phóng tên lửa nào trong 15 tháng qua. Nếu tôi không được bầu làm Tổng thống Mỹ, tôi cho rằng, chúng ta có thể sẽ tham gia một cuộc chiến lớn với Triều Tiên”, ông Trump nói.
Theo Hùng Cường/VOV.VN
Triều Tiên "buộc chặt dây giày để tăng tốc"
Truyền thông Triều Tiên hôm 18-2 cho rằng nước này đang đứng trước "bước ngoặt lịch sử quan trọng" và kêu gọi người dân nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy kinh tế đất nước.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến diễn ra tại Việt Nam cuối tháng này, bài xã luận trên tờ Rodong Sinmun (Triều Tiên) cho rằng đã đến lúc nước này "cột chặt dây giày và tăng tốc hướng đến mục tiêu cao hơn trong thời khắc mang tính quyết định".
Giới quan sát đang theo dõi xem trong thượng đỉnh sắp tới, phía Mỹ có dỡ bỏ một số trừng phạt kinh tế để đổi lấy việc Triều Tiên tiến tới phi hạt nhân hóa hay không.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp phái đoàn Triều Tiên trở về sau cuộc họp tại Mỹ cuối tháng 1 Ảnh: REUTERS
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối tuần rồi tuyên bố không vội phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Ông tái khẳng định Mỹ sẽ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt Triều Tiên trong khi các quan chức khác, gồm đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun, cũng cho rằng phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng là điều kiện tiên quyết để dỡ bỏ trừng phạt.
Phát biểu của ông Trump hôm 15-2 làm dấy lên mối lo ngại hội nghị thượng đỉnh lần 2 sẽ tập trung vào việc vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên có khả năng tấn công Mỹ thay vì các biện pháp toàn diện hướng đến phi hạt nhân hóa.
"Nội dung chính của thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này không nhằm ngăn chặn các vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa của Bình Nhưỡng mà là phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon, điểm trọng yếu trong chương trình hạt nhân Triều Tiên và các biện pháp tiếp theo cũng như những bước đi tương xứng từ phía Mỹ" - ông Cheong Seong-chang, Phó Chủ tịch Viện Sejong (Hàn Quốc), nói với tờ Korea Herald.
Theo Nguoilaodong
Nga, Mỹ nhất trí đẩy nhanh nỗ lực trong vấn đề Triều Tiên Ngày 16/10, Bộ Ngoại giao Nga cho biết giới chức Nga và Mỹ đã nhất trí nỗ lực hơn nữa để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao và chính trị cho Bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả vấn đề hạt nhân. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov (trái) và ông Stephen Biegun (phải), đặc phái viên của Tổng thống Mỹ...