Truyền thông Mỹ say mê Giáo hoàng, lơ là ông Tập
Sự chú ý không đổ dồn về phía Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông thăm Mỹ, vì người dân và truyền thông địa phương còn mải mê theo sát nhất cử nhất động của Giáo hoàng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lắng nghe Tổng thống Mỹ Obama phát biểu trong cuộc họp báo hôm 25/9 tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sáng hôm 25/9 được tiếp đón long trọng trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ, với 21 loạt đại bác chào mừng trong lúc ông đứng cạnh ông Obama bên ngoài Nhà Trắng.
Tuy vậy, với hầu hết người Mỹ, sự kiện đó không phải điều đáng chú ý, khi mọi mạng lưới tin tức đều tập trung theo sát chuyến thăm Mỹ lịch sử của Giáo hoàng Francis.
Ít nhất là xét về mật độ đưa tin của truyền thông Mỹ, thì chuyến công du của ông Tập đã bị lu mờ trước sức hút của Giáo hoàng. Việc này khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi về khâu lựa chọn thời điểm, cũng như sự tương phản rõ nét giữa truyền thông Mỹ và Trung Quốc.
Trong suốt chuyến thăm, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin tức cập nhật từng giờ, tập trung nhấn mạnh sự long trọng, các nghi lễ và sự tôn trọng ông Tập nhận được, từ Seattle cho tới Washington D.C.
Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc bất ổn và kinh tế suy yếu, việc truyền thông trong nước đưa tin đậm nét và tích cực có ý nghĩa quan trọng với ông Tập, nhất là khi ông đang muốn củng cố quyền lực trước kỳ đại hội quan trọng của đảng Cộng Sản Trung Quốc năm 2017.
Trong chuyến thăm tới trường trung học ở Tacoma gần Seattle, nơi Chủ tịch Tập và phu nhân Bành Lệ Viện được đón chào bằng dàn hợp xướng của nhà trường, truyền hình nhà nước Trung Quốc đã chiếu cận cảnh những em nhỏ đang hát vang, thể hiện sự kính trọng với vợ chồng ông. Một ngày trước đó, ông Tập còn trích dẫn câu nói của nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King, cùng chút ít trích dẫn từ văn hóa đương đại Mỹ, trong bài phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ.
Trung Quốc cũng nhấn mạnh mối quan hệ cá nhân của ông Tập với Mỹ, khi hãng thông tấn nhà nước Xinhua đăng tải một đoạn video lên trang Facebook, cho thấy ông Tập rất thân thiện với người Mỹ.
“Từ khách tham quan Iowa tới khách mời Nhà Trắng”, đoạn video bằng tiếng Anh đề cập tới chuyến đi tới Iowa của ông Tập năm 1985, khi vẫn còn là một viên chức ngành chăn nuôi tại tỉnh Hà Bắc.
Ngược lại, chuyến thăm Mỹ của Giáo hoàng gần như không được truyền thông Trung Quốc đưa tin. Tòa thánh Vatican không có quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh kể từ năm 1949.
Video đang HOT
Lu mờ
Trong khi đó, Giáo hoàng Francis, người được tin là giáo hoàng gần gũi công chúng nhất, đã thu hút đám đông khổng lồ, và được chào đón nồng nhiệt như ngôi sao khi đến Mỹ. Các kênh truyền hình Mỹ đều đưa tin trực tiếp hầu như mọi phát biểu và hoạt động của Giáo hoàng.
Theo dữ liệu của MediaMiser, hãng chuyên theo dõi thông tin trực tuyến, trên truyền hình và đài phát thanh tại Mỹ, sự chú ý dành cho chuyến thăm của ông Tập “chìm nghỉm” giữa những bàn luận, tin tức về Giáo hoàng.
Ngày 26/8 – 25/9, lượng tweet về Giáo hoàng Francis tại Mỹ là hơn 765.000, so với con số 107.000 dành cho ông Tập. Các bài viết trên mạng ngày 20 – 24/9 đề cập tới Giáo hoàng nhiều gấp 4 lần so với ông Tập. Trên truyền hình, thời lượng phát sóng về Giáo hoàng cũng nhiều hơn gấp 25 lần.
Ngoài ra, buổi tiếp xúc giữa ông Tập với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ Mỹ cũng tương phản với sự kiện tương tự của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ông Modi đã có cuộc trao đổi đầy cảm xúc hôm 27/9, tại một diễn đàn với sự tham dự của ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg. Giọng của ông lạc đi khi kể về xuất thân khiêm tốn của mình.
Trong khi quan hệ giữa doanh nghiệp công nghệ Mỹ với Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn do vấn đề tấn công mạng và khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, chuyến thăm của ông Modi đã nêu bật tiềm năng khổng lồ mà ngành công nghệ nhận thấy ở Ấn Độ.
Quan hệ Mỹ – Trung đang ở mức thấp, do căng thẳng về vấn đề tin tặc và các động thái hung hăng của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp ở châu Á – Thái Bình Dương.
“Bị lu mờ bởi một người không có quân đội, không có sức mạnh kinh tế là điều tôi thấy thật khó tin. Tôi không nghĩ người Trung Quốc nhận thấy sự tương phản ấy trong thông điệp”, Jorge Guajardo, cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc, nay sống tại Washington, đánh giá.
Giới chức Trung Quốc thì bác bỏ mọi ý kiến cho rằng chuyến công du của ông Tập bị lu mờ bởi Giáo hoàng Francis. “Về chuyến thăm của Giáo hoàng, chúng tôi nhận thấy rằng ông rất được công chúng chào đón. Tuy nhiên, chuyến công du của Giáo hoàng và Chủ tịch Tập đều mang ý nghĩa riêng”, người phát ngôn của phái đoàn Trung Quốc Lu Kang nói.
Thông tin về chuyến thăm của ông Tập một lần nữa bị giảm bớt hôm 25/9, khi chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố từ chức. Các kênh truyền hình lớn tại Mỹ đều nhanh chóng cắt ngắn phát biểu của ông Tập tại buổi họp báo với Tổng thống Obama để đưa tin về cuộc họp báo của ông Boehner.
Ngoài ra, giới chức Trung Quốc luôn thắt chặt an ninh trong suốt chuyến thăm của ông Tập, khiến ông ít có khả năng phát biểu hoặc hành động ngoài dự kiến, và không tiếp xúc nhiều với công chúng. Ông Tập để cho vợ mình, bà Bành Lệ Viện, đảm đương nhiệm vụ đó. Đệ nhất phu nhân Trung Quốc đã đi cùng Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama tới đặt tên cho một chú gấu trúc mới chào đời tại vườn thú quốc gia Smithsonian, Washington.
Giới chức tại Tacoma cũng cho biết công tác chuẩn bị an ninh tại đây rất gắt gao. “Chúng tôi đã gặp các đội chuẩn bị 6 – 8 lần trong suốt mùa hè”, thị trưởng thành phố Tacoma, Marilyn Strickland chia sẻ về chuyến thăm của ông Tập tới trường trung học.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Mỹ bắt người mang dao và đạn đòi gặp Giáo hoàng
Một cựu lính cứu hỏa Mỹ dễ dàng đánh lừa lực lượng an ninh và mang theo dao cùng 5 viên đạn đến sân bay để tìm gặp Giáo hoàng.
Giáo hoàng Francis tại sân bay JFK ở New York hôm 26/9. Ảnh: NY Post
Christopher Cannella, 39 tuổi, lái chiếc Chevy Tahoe SUV đen vào đường băng của sân bay JFK ở New York vào chiều 26/9.
Theo New York Post, máy bay chở Giáo hoàng Francis đã cất cánh đến thành phố Philadelphia trước đó vài giờ. Tuy nhiên, dường như Cannella không biết điều đó. Ngoài dao và đạn, ông này còn mặc vest, trang bị cả tai nghe và bộ đàm.
Cannella đã nhập vào đoàn xe hộ tống Tổng thống Turkmenistan tham dự một hội nghị của Liên Hợp Quốc, vì nghĩ đó là đoàn xe chở Giáo hoàng Francis. Người đàn ông làm vườn và là cha của hai đứa con khai với các nhà điều tra rằng ông muốn gặp người đứng đầu Vatican vì "muốn thay đổi thế giới".
Ông hy vọng có thể "đưa cho Giáo hoàng danh thiếp của mình và muốn nói chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới để tạo ra sự thay đổi thực sự".
Cannella từng làm việc cho Sở Cứu hỏa New York (FDNY) từ năm 2006 đến 2012 trước khi nghỉ việc vì một "chấn thương" trên cơ thể.
Video giám sát sân bay cho thấy cựu lính cứu hỏa dễ dàng len vào đằng sau đoàn xe của Turkmenistan. Khi đến điểm kiểm soát an ninh, ông chỉ đưa ra "một thứ gì đó màu bạc trông như huy hiệu cảnh sát và sau đó lái qua", theo cáo trạng của tòa án.
Cannella vào đến đường băng, cách Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdimuhamedow chỉ vài mét, rồi nhận ra rằng mình đã nhầm. Sau đó, Cannella lái xe ngược trở lại và ra khỏi sân bay. Lần này, ông lại phát hiện một đoàn xe khác chở Thủ tướng Italy Matteo Renzi.
Nghĩ rằng mình đã gặp may, Cannella lại nối vào đuôi của chiếc xe sau cùng và cố gắng đi qua một điểm kiểm soát an ninh khác.
Ông đưa cho một bảo vệ bằng lái xe và huy hiệu của FDNY cùng chứng minh thư, nói rằng mật vụ đã cho phép ông đi vào. Cannella thậm chí cho bảo vệ xem một đoạn video trong điện thoại quay cảnh ông đi qua cổng an ninh đầu tiên.
Cannella chỉ bị bắt sau khi bị hỏi tên của một nhân viên mật vụ và không trả lời được.
Giới chức phát hiện 5 viên đạn đầu rỗng cho súng nòng 9 mm trong xe của Cannella cùng một viên đạn súng trường và nhiều vật dụng khác. Một túi trà và một điếu cần sa cũng được tìm thấy.
"Đây là thất bại không thể tin nổi về mặt an ninh ở mọi cấp độ", một quan chức hành pháp nói.
Nghi phạm Christopher Cannella. Ảnh: Facebook
Quan chức này cho hay nghi phạm khai rằng ông ta từng đến thủ đô Washington trong chuyến thăm của Giáo hoàng vài ngày trước và thậm chí tham gia buổi lễ phong thánh mà không cần vé.
Tại phòng thẩm vấn, Cannella lấy những chiếc đinh móc sắc nhọn ở ghế ngồi và đe dọa một thám tử. "Anh có nhìn thấy cái này không? Tôi có thể làm anh bị thương nặng bằng vật này đấy", Cannella nói.
Cannella đã bị buộc tội tại tòa án New York chiều qua và bị giam giữ với phí bảo lãnh là 500.000 USD.
Vợ ông này, bà Rosetta, từ chối bình luận. Tuy nhiên, một người hàng xóm bày tỏ sự bất ngờ khi nghe chuyện và mô tả Cannella là một người bình thường.
"Ông ấy rất thân thiện với láng giềng, chào hỏi mỗi buổi sáng và đi làm cùng vợ con".
Anh Ngọc
Theo VNE
Xe công du nước ngoài của Giáo hoàng Francis Giáo hoàng thường chọn những chiếc xe giản dị và thậm chí vẫn sử dụng xe diễu hành hở mui khi đến các nước Trung Đông bất ổn. Tháng 7/2013, khi trở về Mỹ Latin lần đầu tiên kể từ khi nhận chức vị giáo hoàng, ông di chuyển đến Rio de Janeiro trên một chiếc Fiat Idea màu bạc, loại tầng lớp...