Truyền thông Mỹ e ngại phát sóng trực tiếp phát biểu của ông Trump
Các hãng truyền thông Mỹ đã rơi vào tình huống khó xử khi đồng ý phát sóng trực tiếp bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump về vấn đề làn sóng nhập cư dự kiến diễn ra hôm nay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Theo hãng tin NBC, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ có bài phát biểu trên sóng truyền hình trực tiếp về vấn đề nhập cư vào “ khung giờ vàng” tối 8/1 theo giờ địa phương. Điều này đã đặt các hãng truyền thông của Mỹ vào tình huống khó xử khi cân nhắc có phát sóng trực tiếp bài phát biểu đó hay không – điều mà họ đã không làm đối với bài phát biểu tương tự năm 2014 của cựu Tổng thống Barack Obama.
Nhà Trắng đã đề nghị các hãng truyền hình phải dành ít nhất 8 phút lúc 9h tối ngày 8/1 (sáng nay theo giờ Việt Nam) để phát sóng trực tiếp bài phát biểu của Tổng thống Trump tại Phòng Bầu Dục về vấn đề nhập cư. Trong bài phát biểu này, Tổng thống Trump được cho là có thể sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây tường biên giới với Mexico nhằm ngăn người nhập cư trái phép – vấn đề bế tắc khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa gần 3 tuần qua.
Tính đến cuối ngày 7/1, các hãng gồm CBS, ABC, Fox và NBC đã quyết định đồng ý phát sóng bài phát biểu này của chủ nhân Nhà Trắng. Các hãng khác gồm PBS, MSNBC, CNN, Fox News được cho là cũng có kế hoạch phát sóng.
Quyết định được đưa ra sau khi mạng xã hội xuất hiện một cuộc tranh luận liệu các hãng truyền thông Mỹ có nên phát sóng bài phát biểu về nhập cư của ông Trump vào khung giờ vàng hay không và họ nên thận trọng điều gì nếu quyết định phát sóng trực tiếp những phát biểu về nhập cư vốn gây tranh cãi của ông Trump.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer đã ra một thông cáo chung đề nghị sự đối xử công bằng về thời gian phát sóng bởi họ lo ngại bài phát biểu của Tổng thống Trump sẽ có nhiều “thông tin sai lệch”.
Bốn hãng truyền hình lớn của Mỹ đã cho thấy sự không nhất quán về chính sách trong việc phát sóng bài phát biểu của tổng thống về vấn đề nhập cư. Họ phát sóng bài phát biểu về nhập cư của cựu Tổng thống George W. Bush vào khung giờ vàng năm 2006, nhưng không phát sóng bài phát biểu của cựu Tổng thống Barack Obama năm 2014.
Quyết định phát sóng bài phát biểu của ông Trump trong khi đó cũng khiến các hãng chịu sức ép lớn do lo ngại những phát biểu gây tranh cãi.
Video đang HOT
Minh Phương
Theo Dantri
Theo NBC
Tranh cãi việc ông Trump dọa "qua mặt" quốc hội để xây tường biên giới
Tổng thống Donald Trump ngày 6/1 tiếp tục khẳng định ông có thể ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm cho phép xây dựng bức tường ngăn biên giới với Mexico mà không cần sự phê chuẩn của quốc hội Mỹ.
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: AFP)
"Chúng ta phải xây dựng bức tường. Đó là vì sự an toàn, vì an ninh của đất nước chúng ta", Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên trước khi ông rời Nhà Trắng để tới Trại David hôm qua 6/1.
Nhà lãnh đạo Mỹ một lần nữa cảnh báo rằng ông có thể ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây dựng bức tường ngăn biên giới với Mexico mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội.
"Tôi có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, phụ thuộc vào những gì sẽ diễn ra trong vài ngày tới", ông Trump cho biết.
Tuyên bố của Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa một phần từ ngày 22/12/2018 do mâu thuẫn giữa quốc hội và tổng thống về ngân sách dành cho kế hoạch xây tường biên giới phía nam. Ông chủ Nhà Trắng và các nghị sĩ đã gặp bế tắc trong việc đạt được thỏa thuận xây tường biên giới. Trong khi Tổng thống Trump đề xuất khoản ngân sách 5,6 tỷ USD, các thượng nghị sĩ Dân chủ chỉ nhất trí chi 1,3 tỷ USD cho kế hoạch này.
Kế hoạch xây bức tường dọc biên giới dài 3.200 km giữa Mỹ và Mexico là ưu tiên trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, bức tường này sẽ ngăn dòng người nhập cư trái phép, tội phạm, tình trạng buôn lậu và buôn bán ma túy từ Mexico vào Mỹ.
Những người chỉ trích thuộc đảng Dân chủ cho rằng việc ông Trump muốn xây tường biên giới chỉ là cách để ông đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề nhập cư phức tạp hơn và để ông lôi kéo sự ủng hộ của phe bảo thủ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump khẳng định việc ông ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hoàn toàn vì an ninh của nước Mỹ.
Phát biểu hôm 4/1, Tổng thống Trump nói rằng việc đóng cửa chính phủ có thể kéo dài tới vài tháng, thậm chí vài năm. Ông cũng đưa ra đề xuất dựng tường biên giới bằng thép, thay vì bê tông.
"Hàng rào hay bức tường có thể làm bằng thép thay vì bê tông nếu điều đó hiệu quả hơn. Tôi có ý định gọi cho lãnh đạo hiệp hội thép Mỹ và một số công ty thép để nhờ họ cho xem những tấm thép hoặc bản thiết kế. Chúng tôi sẽ sử dụng chúng làm hàng rào của chúng tôi", ông Trump nói.
Việc chính phủ Mỹ đóng cửa đã khiến 800.000 nhân viên liên bang tạm thời nghỉ việc hoặc đi làm không lương. Nhiều nhà thầu liên bang cũng bị thiệt hại về tài chính trong đợt đóng cửa chính phủ Mỹ lần này.
Thẩm quyền của tổng thống
Tổng thống Trump đích thân tới kiểm tra các mẫu tường ngăn biên giới Mỹ - Mexico ở bang California hồi tháng 3/2018. (Ảnh: Reuters)
Bằng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, Nhà Trắng cho rằng cơ quan này có thể nhận được tiền để xây tường biên giới mà không cần thông qua quốc hội. Đạo luật Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia năm 1976 cho phép tổng thống Mỹ có quyền hành động đơn phương khi xảy ra khủng hoảng.
Tuy nhiên, đạo luật trên cũng quy định về sự kiểm tra của quốc hội và với việc đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện như hiện nay, bất kỳ nỗ lực nào của Tổng thống Trump nhằm qua mặt quốc hội để xây tường biên giới cũng sẽ vấp phải thách thức mạnh mẽ về mặt pháp lý, thậm chí có thể đẩy nước Mỹ vào cuộc khủng hoảng hiến pháp.
Về lý thuyết, Tổng thống Trump có thể huy động lực lượng quân sự xây dựng các dự án sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, khoản tiền để thực hiện các dự án này sẽ được lấy từ Bộ Quốc phòng và rốt cuộc đảng Dân chủ cũng sẽ vào cuộc để can thiệp về mặt pháp lý.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh ABC hôm 6/1, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Adam Smith, một thành viên của đảng Dân chủ, đã được hỏi rằng: "Liệu Tổng thống Trump có khả năng và thẩm quyền để ban bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu quân đội xây dựng bức tường hay không?".
"Đáng tiếc, câu trả lời cho câu trả lời trên là có. Có điều khoản trong luật cho phép tổng thống ban bố tình trạng khẩn cấp. Điều này đã được thực hiện nhiều lần trước đây, nhưng chủ yếu là để xây dựng các cơ sở tại Afghanistan và Iraq. Trong trường hợp này, tôi nghĩ tổng thống sẽ phải sẵn sàng đối mặt với câu hỏi đầy thách thức rằng, tình trạng khẩn cấp ở chỗ nào? Anh phải xác định xem thế nào là khẩn cấp thì mới ban bố được. Nếu không xác định được, việc sử dụng tiền của Bộ Quốc phòng sẽ trở thành điều khủng khiếp", ông Smith nói, đồng thời cảnh báo về việc Tổng thống Trump có thể đang chính trị hóa quân đội Mỹ.
Các nhà lập pháp ở cả hai đảng đều hoài nghi về khả năng Tổng thống Trump có thể giải quyết tình trạng bế tắc ngân sách hiện nay bằng việc qua mặt quốc hôi để ban bố tình trạng khẩn cấp. Một số nghị sĩ Dân chủ đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc ban bố tình trạng khẩn cấp, trong khi các nghị sĩ Cộng hòa cho rằng tổng thống không nên sử dụng quá nhiều quyền hành pháp để xây tường.
"Tôi không biết ông Trump đang dựa trên cơ sở nào, nhưng ông ấy sẽ phải đối mặt với nhiều vụ kiện nếu ông ấy phớt lờ pháp luật, phớt lờ truyền thống và một mực thực hiện kế hoạch của mình mà không suy tính. Ông ấy sẽ phải đối mặt với thách thức nếu ông ấy vượt quá giới hạn so với những gì pháp luật quy định về trách nhiệm của một vị tổng tư lệnh quân đội", Thượng nghị sĩ Dick Durbin nói với CBS.
Thượng nghị sĩ Dân chủ bang California Adam Schiff nhận định với CNN rằng ông không nghĩ Tổng thống Trump có thể sử dụng quyền lực khẩn cấp để xây dựng bức tường biên giới với Mexico.
"Nhìn xem, nếu (cựu tổng thống Mỹ) Harry Truman không thể quốc hữu hóa ngành công nghiệp thép trong thời kỳ chiến tranh, tổng thống bây giờ cũng không có thẩm quyền để ban bố tình trạng khẩn cấp và xây dựng bức tường hàng tỷ USD ở biên giới. Do vậy đây là ý tưởng bất khả thi", ông Schiff nói.
Trả lời phỏng vấn Fox News hôm qua, khi được hỏi lệnh tình trạng khẩn cấp của tổng thống có khả thi hay không, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sander nói: "Bất kể hành động nào của tổng thống chắc chắn cũng sẽ hợp pháp và chúng tôi sẽ xem xét mọi phương án có thể. Đây là những điều mà tổng thống xem là thực sự nghiêm túc, điều mà ông rất tâm huyết và sẽ không dừng lại cho tới khi ông tìm ra cách tốt nhất nhằm đảm bảo rằng chúng ta có thể làm cho nước Mỹ an toàn hơn".
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Chân dung ứng viên sáng giá cho chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Cựu thượng nghị sĩ Virginia và từng là tư lệnh hải quân Mỹ, ông Jim Webb, đang được coi là ứng viên sáng giá nhất cho chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong bối cảnh quân đội Mỹ đứng trước những thay đổi lớn về chính sách dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ông Jim Webb (Ảnh: Time) Hãng tin New York Times...