Truyền nhân giữ cột mốc nơi biên cương Tổ quốc
Gần 30 năm qua một cụ ông người dân tộc Dao ở xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) không ngại gian khó nơi núi rừng biên giới, làm nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc quốc gia. Khi tuổi đã xế chiều, ông lại bàn giao công việc trông coi cột mốc cho các con của mình.
Năm nay đã ngoài tuổi thất tuần, với dáng người mảnh khảnh, nhưng ông Phan Định Xiết đã có gần 30 năm lội suối, băng rừng để đến với cột mốc nơi biên cương của Tổ quốc.
Ông Xiết và người con trai thứ Phan Văn San trong ngôi nhà của mình
Một ngày cuối năm, chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với ông Phan Định Xiết trong căn nhà gỗ đơn sơ của gia đình ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện biên giới Mường Lát.
Người dân địa phương vẫn thường gọi ông là bố Xiết bảo vệ cột mốc. Ông tham gia bảo vệ cột mốc biên giới từ năm 1992. Đến nay, do tuổi đã cao, nên việc trông coi cột mốc được bố Xiết bàn giao lại cho hai người con trai là anh Phan Văn Cáu và Phan Văn San. Nhưng anh Cáu là Bí thư chi bộ nên thỉnh thoảng mới đi trông coi được, đa số việc trông coi cột mốc do anh San đảm nhiệm.
Mỗi khi nói chuyện về việc trông coi cột mốc, ông Xiết hồ hởi: “Bố bảo vệ cột mốc G6 từ năm 1992, giờ bố tuổi già sức yếu rồi không đi lại được nên đã giao lại cho các con. Là cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc nên mình phải trông coi”, ông Xiết chia sẻ.
Cột mốc G6 nằm trên đỉnh Poom Dưới (tiếng Thái nghĩa là đồi dưới), đây là vị trí phân định ranh giới giữa bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam với bản Suối Sạn, huyện Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Sau khi cột mốc G6 được chia thành các cột mốc 285, 286 và 287, ông Xiết lại tiếp tục nhận nhiệm vụ trông coi ba cột mốc trên.
Con đường từ trung tâm xã Quang Chiểu đến cột mốc G6 khoảng 5km, nhưng phải mất gần nửa ngày đi bộ và băng qua hơn đường rừng với vô số đèo cao, suối sâu. Ngày trước, mỗi lần đi kiểm tra, nếu thấy cột mốc bị sứt mẻ, ông Xiết lại cẩn thận cất mảnh vỡ vào túi áo rồi mang về giao lại cho cán bộ biên phòng.
Suốt 30 năm qua, cứ đều đặn mỗi tháng hai lần, ông Xiết lại băng rừng lên thăm cột mốc. Công việc chủ yếu của ông mỗi lần đến thăm cột mốc là phát quang cỏ dại, kiểm tra thông tin trên mốc giới và ghi chép những điều bất thường để về báo cáo lại cán bộ biên phòng.
Video đang HOT
Mỗi lần đi thăm cột mốc, hành trang mang theo của ông Xiết chỉ là con dao quắm nhỏ và đùm cơm nắm với muối vừng để ăn dọc đường. Nhưng với ông, việc trông coi cột mốc là một vinh dự lớn được Tổ quốc giao phó, nên suốt 30 năm qua, ông không ngại gian khó luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Giờ đây, khi đã bước sang tuổi xế chiều, sức khỏe không còn được như trước, ông Xiết vẫn luôn căn dặn các con về nhiệm vụ trông coi cột mốc. “Bố Xiết đã cao tuổi, không đi được nên bố lại giao việc trông coi cột mốc cho các con. Trông coi cột mốc là việc làm hết sức vinh dự, nó xuất phát từ tấm lòng, tinh thần tự nguyện và tình yêu với đất nước”, anh San chia sẻ.
Ông Xiết giúp gia đình làm các công việc thường ngày
Dù không còn thường xuyên đến với cột mốc, nhưng mỗi khi nhắc lại, ông Xiết vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm trong quãng thời gian làm nhiệm vụ thiêng liêng của mình. “Trước kia, việc trông coi là vất vả lắm, nhiều dốc, mùa mưa thì khó khăn. Nếu phát hiện xung quanh có lá cây sẽ tiến hành quét dọn, phát quang xem cạnh cột mốc có bị sứt, hư hỏng hay bị dịch chuyển. Nếu bị hư hỏng hoặc dịch chuyển, mình phải báo cho đồn để các anh biên phòng báo lên huyện, lên tỉnh”, ông Xiết cho biết thêm.
“Địa bàn quản lý của đồn dài 45 km với 22 cột mốc biên giới, trải dài qua hai xã Quang Chiểu và Mường Chanh. Hiện nay 22 cột mốc trên đang được giao cho 22 hộ dân tiến hành trông coi. Những người trông coi cột mốc nhiều năm bên cạnh cụ Xiết còn có cụ Lâu Văn Hự, ở bản Pù Đứa, các cụ giờ đã già yếu nên việc trông coi cột mốc được bàn giao lại cho con cháu”, Đại úy Lâu Văn Lâu – Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quang Chiểu, huyện Mường Lát, cho biết.
Việc người dân địa phương đứng ra trông coi cột mốc biên giới đã tạo ra những hiệu quả thiết thực, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh Quốc gia, tạo nên sự đoàn kết trong các bản làng ở hai tỉnh Thanh Hóa và Hủa Phăn của nước bạn Lào.
Duy Tuyên
Theo Dantri
Ở lại Hin Phăng giữ đất, giữ rừng
Thượng tuần tháng 7 vừa rồi, tôi bỗng nhận được một cuộc điện thoại của bạn đọc. Người gọi không xưng danh, mà chỉ nói là một người dân, muốn cung cấp thông tin, rằng; "Người Mông trên đỉnh Hin Phăng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đang phá rừng, bỏ bản di cư tự do". Nhận thông tin ấy, tôi đã không thể ngồi yên...
Hin Phăng xa ngái
Chặng đường dài từ TP. Thanh Hóa tới trung tâm huyện vùng cao biên giới Mường Lát đã "ngốn" mất của tôi hơn nửa ngày, giữa cái nắng bỏng rát. Với tôi, dù các địa danh ở vùng đất biên ải đầy rẫy những khó khăn ấy, như: Sài Khao (Mường Lý), Pha Đén (Pù Nhi), Tà Cóm (Trung Lý), Ón (Tam Chung), Con Dao, Suối Tút (Quang Chiểu)... hay các bản Chai, Lách xa xôi ở xã Mường Chanh... tôi đều đã đặt chân. Thế nhưng, lần này, Hin Phăng là lần đầu tiên tôi tới.
Bí thư Huyện ủy Mường Lát Lương Minh Thông hỏi tôi đã đi Hin Phăng lần nào chưa? Nghe tôi trả lời đây là lần đầu, ông Thông đề nghị: "Nếu là đi lần đầu, thì để mình gọi cán bộ xã Tam Chung dẫn đường cho anh em. Vì từ trung tâm xã Tam Chung lên Hin Phăng khoảng gần bốn chục cây số, mà đường đi vô cùng khó khăn". Sau đó, Bí thư Thông gọi điện cho Chủ tịch UBND xã Tam Chung, đề nghị cử cán bộ dẫn đường cho chúng tôi.
Sùng A Lù - ngồi thổi khèn Mông cho khách nghe ở nhà của mình. ảnh: Hồng Đức
Vào trụ sở xã Tam Chung, ông Hà Văn Đói - Phó Bí thư Đảng ủy xã, bảo chúng tôi chờ, vì cán bộ đang đi bản hết. Chúng tôi quyết định tự đi theo lối ông Đói chỉ. Lên tới bản suối Loóng, một chàng trai người Mông đã cười ngất khi nghe tôi hỏi đường đi Hin Phăng. "Lối này bị sạt lở, lấp mất đường từ lâu rồi. Muốn lên Hin Phăng, phải vượt qua đỉnh Sài Khao của xã Mường Lý, rồi vòng ngược về phía Tây Bắc, thì mới tới đỉnh Hin Phăng được". Theo hướng chỉ tay của chàng, tôi quay đầu xe, vượt qua con suối Loóng.
Mặt trời mỗi lúc một chói chang. Những quả đồi cao vót, trơ trọi, khô khốc không một bóng cây. Những tảng đá mồ côi đen sì như những chiếc thuyền lật úp tỏa nhiệt, bốc hơi nóng lên khiến tôi cảm thấy rát mặt. Suốt một chặng đường dài, vượt không biết bao quả đồi, ngọn núi, mà tuyệt nhiên không thấy một cây rừng nào để có thể ghé vào bóng mát của nó nghỉ ngơi lấy sức. Càng đi lên, lối mòn chỉ có đất pha cát càng hun hút, xe máy không thể trườn lên được vì lốp xe không bám mặt đường. Tôi phải đẩy xe giúp anh đồng nghiệp vượt qua các con dốc gần như dựng đứng.
Giữa cái nắng chang chang, mỗi lúc càng nóng, không một bóng mát giữa lưng chừng núi, tôi phải đi bộ một mình, còn bạn đồng nghiệp trườn được chiếc xe máy vượt lên đỉnh núi, ngồi đợi tôi. Lúc đó, cảm thấy không còn sức để leo lên nữa, bởi mồ hôi vã ra như tắm, miệng đắng ngắt, cổ họng khô khốc, tim đập loạn xạ. Tôi chỉ mong có được một lùm cây nào đó để chui vào nghỉ, nhưng không hề có...
Chúng tôi chạm đỉnh Sài Khao vào lúc 11 giờ trưa. Nắng mỗi lúc một chói chang. Ghé vào điểm trường Sài Khao xin nước uống, một thầy giáo bảo: "Từ đây đi Hin Phăng còn mất khoảng hơn một giờ chạy xe máy nữa. Các anh nên đi sớm, nếu không chốc nữa trời càng nắng, gió càng nóng".
Quyết giữ đất, giữ rừng
Mất bao công sức vượt đỉnh Hin Phăng, nhưng dù sao đó cũng là một cơ hội tốt cho tôi đặt chân đến nơi ấy, được gặp A Lù, A Phàng, A Vảng..., được nghe họ kể về cuộc sống, về công cuộc giữ đất, giữ rừng, về tâm huyết, quyết tâm gây dựng, bồi dưỡng những "hạt giống đỏ" cho Đảng... của đồng bào Mông ở đây.
Đến Hin Phăng, tôi "ngã ngửa" vì thông tin "kẻ thích đùa" nào đó gọi vào điện thoại của tôi cung cấp chỉ là bịa đặt!
Chúng tôi chạm đỉnh Hin Phăng cũng là lúc mặt trời đứng bóng. Đi dưới những tán rừng nguyên sinh tươi xanh, một cảm giác mát lạnh. Đứng trên đỉnh dốc, phóng tầm mắt quan sát, tôi thấy những nóc nhà của người Mông nằm nép dưới tán rừng. Hộ người Mông ở đây không còn nhiều, nhưng không có nghĩa là họ bỏ bản, di cư tự do đi nơi khác!
Gặp một cặp vợ chồng người Mông đi làm rẫy về, tôi hỏi thăm nhà trưởng cụm Hin Phăng. Anh chồng tỏ vẻ phấn khởi: "Cán bộ dưới xuôi lên chơi thăm à? Thằng A Lù là trưởng cụm. Nhà nó có lá cờ đỏ sao vàng đang bay phấp phới ở trước nhà đấy. Mày cứ đến nhà nó đi. Hôm nay, nó không đi rẫy đâu".
Trò chuyện với chúng tôi, Sùng A Lù bảo: "Cụm Hin Phăng bây giờ không còn nhiều dân như trước, vì bà con chuyển xuống bản suối Loóng cho gần trung tâm hơn. Ở trên này, bây giờ còn 8 hộ dân, nhưng thông tin mà nhà báo nhận được rằng bà con người Mông phá rừng, bỏ bản, di cư tự do là sai đấy! Bà con ta ở trên này không đi đâu cả. Chúng ta quyết tâm ở lại đây để giữ rừng, giữ đất và sinh sống như bấy lâu nay thôi!".
Trong câu chuyện A Lù kể, thì ở đỉnh Hin Phăng bây giờ vẫn còn nhiều cây gỗ rừng nguyên sinh quý hiếm. Những cây gỗ sến, táu, dổi... đang được bà con bảo vệ hàng ngày. "Cây gỗ quý trong rừng ở Hin Phăng đang còn nhiều lắm. Có nhiều lần, bọn lâm tặc cũng lăm le vào đây định khai thác gỗ, nhưng bà con người Mông ta quyết ngăn chặn bằng được. Nhất định, không thể để cho bọn người xấu làm chuyện không tốt. Ở Hin Phăng, trước kia người Mông sinh sống và lập nghiệp rất đông. Từ năm 2000, do điều kiện kinh tế khó khăn, địa hình vô cùng hiểm trở, nên Nhà nước có chủ trương vận động bà con di dời xuống khu Suối Loóng lập bản. Khi bản Suối Loóng được thành lập, cuộc sống của bà con thay đổi đáng kể. Số hộ còn lại ở cụm Hin Phăng hiện nay chủ yếu là những người có tâm nguyện ở lại để giữ rừng, giữ đất"- A Lù tâm sự.
Cũng tại nhà A Lù, chúng tôi gặp được Sùng A Phàng là công an viên của bản Suối Loóng lên chơi và ghé thăm A Lù. A Phàng bảo: "Cụm Hin Phăng bây giờ chỉ còn 8 hộ dân. Bà con không muốn chuyển đi nơi khác hay xuống khu vực bản Suối Loóng, vì muốn ở lại đây để giữ đất, giữ rừng. Thằng con trai cả của nhà A Lù là Sùng A Vảng, năm nay gần 30 tuổi. Năm ngoái, nó được Chi bộ bản Suối Loóng giới thiệu cho đi học lớp cảm tình Đảng rồi. Chi bộ và cấp trên đang động viên nó phấn đấu để sớm được kết nạp Đảng đấy nhà báo à!".
Đến bữa trưa, A Lù kêu A Vảng đi bắt gà, làm thịt để thết khách. Chỉ trong nháy mắt, hai thằng con trai của A Lù đã đuổi bắt được chú gà trống, dù nó chạy tung khắp khu đồi xung quanh nhà. Và cũng chỉ trong chốc lát, con gà đã được A Vảng chế biến thành hai món luộc và nấu canh bí Mông.
Trong lúc chờ cơm, A Lù lấy khèn Mông ra ngồi ở bậc thềm thổi cho tôi nghe những làn điệu nghe là lạ. Tôi hỏi A Lù thổi bài gì, A Lù bảo: Vài bài khèn tán gái Mông từ thuở còn là trai bản, rồi thì những bài nhạc mừng cây lúa mới, mừng mùa ngô non, mừng đàn trâu, bò, dê của bản sinh sôi... Và đặc biệt, là những bản tình ca mời gọi bạn tình của người người Mông. "Trong nhà có còn trữ súng để đi săn thú không?" - tôi hỏi A Lù. "Không có đâu! Súng săn bây giờ ở đây không còn nhà nào có nữa. Người Mông ta nghe theo vận động của cán bộ, nên giao nộp hết rồi. Thức ăn của bà con bây giờ chủ yếu là tự chăn nuôi và lấy măng, rau rừng thôi. Gạo, muối ăn và dầu thắp sáng thì bà con chúng tôi được Nhà nước cấp không hàng tháng rồi"- A Lù bảo.
Chia tay A Lù, chúng tôi xuống núi bằng một con đường khác mà A Lù chỉ dẫn. Khoảng hơn một giờ tụt dốc, con suối Lét của bản Poọng, xã Tam Chung đã hiện ra trước mặt. Đứng ngửa cổ nhìn về phía đỉnh Hin Phăng, tôi mới thấy "rùng mình" bởi những ngọn núi cao chót vót. Tôi thầm nghĩ, mình nhận thông tin bịa đặt của một "kẻ thích đùa" nào đó, mất bao công sức vượt đỉnh Hin Phăng, nhưng dù sao đó cũng là một cơ hội tốt cho tôi đặt chân đến nơi ấy, được gặp A Lù, A Phàng, A Vảng..., được nghe họ kể về cuộc sống, về công cuộc giữ đất, giữ rừng, về tâm huyết, quyết tâm gây dựng, bồi dưỡng những "hạt giống đỏ" cho Đảng... và được tận mắt nhìn thấy những cánh rừng đang còn nguyên sinh, còn tồn tại nhờ một phần công sức của đồng bào người Mông ở nơi ấy. Và nhớ tới lời hẹn với A Lù, nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ gặp nhau ở trung tâm huyện Mường Lát, để cùng nhau uống rượu và ăn thắng cố vào dịp Quốc khánh 2.9... /.
Theo Danviet
Di dời khẩn cấp trường học do sạt lở đất Hai điểm trường lẻ cấp tiểu học và mầm non ở xã Tam Chung (Thanh Hóa) xuất hiện nhiều vết nứt lớn, nguy cơ "nuốt" những lớp học tạm bợ xuống dòng suối sâu. Ngày 27/8, ông Hoàng Lê Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) cho biết, tình trạng mưa lớn, kéo dài sau bã đã...