Truyền hình Việt tháng 6: Nhã Phương “Trả Giá” để cứu trẻ em bị bắt cóc
Nhã Phương trở lại màn ảnh nhỏ bằng vai diễn trong phim tâm lý trinh thám “Trả Giá”.
Sau vài tháng vắng bóng trên màn ảnh nhỏ, Nhã Phương trở lại bằng vai diễn giỏi võ trong phim trinh thám Trả Giá. Cùng với Trả Giá là những bộ phim Việt khác sẽ được phát sóng trong tháng 6 tới.
Trả Giá
Trong Trả Giá, Nhã Phương vào vai một cô sinh viên năm cuối khoa tâm lý với tính cách sôi nổi, thích giúp đỡ mọi người xung quanh. Đây là nhân vật cá tính và đặc biệt giỏi võ. Tham gia phim, Nhã Phương tham gia những cuộc phiêu lưu mạo hiểm cùng những cuộc rượt đuổi để giải cứu các em nhỏ bị bắt cóc hay bị bóc lột sức lao động.
Trả Giá thuộc thể loại điều tra và tâm lý xã hội, đồng thời chứa đựng nhiều tình huống hài hước, dí dỏm. Trong 30 tập phim, Trả Giá đề cập đến những vấn đề nóng trong cuộc sống của giới trẻ, hướng tới những điều tốt đẹp và lý tưởng sống tích cực.
Trả Giá lên sóng giờ vàng phim Việt trên kênh VTV9 – 20h05 từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, bắt đầu từ ngày 26/5.
Lấy Chồng Sớm Làm Gì?
Chuyện phim xoay quanh Hương – cô gái không nhớ mình là ai, không biết khuôn mặt vốn dĩ của mình trông như thế nào. Sau tai nạn thảm khốc (khiến khuôn mặt bị biến dạng), cô được bác sĩ phẫu thuật cho gương mặt mới, nhưng không ai có thể cho lại cô những kí ức.
Khao khát muốn biết mình là ai, mình từ đâu tới, thân phận mình là gì, Hương trốn khỏi bệnh viện để tìm kiếm câu trả lời và rơi vào hàng loạt các biến cố vì bị kẻ xấu lợi dụng. May mắn cô được đội ngũ y bác sĩ tìm thấy, minh oan và đưa về viện điều trị. Cô làm những công việc lặt vặt ở bệnh viện và dần mang đến không khí sôi động cho bệnh viện. Nơi đây, Hương được bác sỹ Thành Nhân yêu mến dù anh đã có vị hôn thê là Hoàng Anh.
Video đang HOT
Hoàng Anh tìm cách chia rẽ Hương và Thành Nhân khiến hai người gặp nhiều sóng gió. Cuối cùng, Hương và Thành Nhân cũng đến được với nhau. Trong khi đắm chìm trong hạnh phúc với tình yêu mà khó khăn lắm mới có được, những kí ức vừa lạ vừa quen lần lượt tìm về với Hương. Cho đến ngày, cô phát hiện ra mình là gái đã có chồng và còn có một cô con gái xinh xắn, đáng yêu.
Lấy Chồng Sớm Làm Gì? chính thức lên sóng vào 13h, thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần trên kênh HTV7 từ ngày 28/5.
Đồng Tiền Quỷ Ám
Đồng Tiền Quỷ Ám đề cập đến những tệ nạn nhức nhối đã và đang xảy ra trên vùng biên giới như cờ bạc, đá gà, buôn bán phụ nữ, hoạt động của các tổ chức tội phạm trong giới xã hội đen…
Phim đi sâu vào đời sống tâm lý tội phạm; những cuộc tranh giành quyền lực, lãnh địa trong những phi vụ làm ăn đen tối của thế giới ngầm; những cuộc thanh toán băng nhóm hay công an truy bắt tội phạm xuyên quốc gia.
Đồng Tiền Quỷ Ám quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như Đức Sơn, Huỳnh Anh Tuấn, Công Hậu, Thân Thúy Hà, Công Dũng, Hà Việt Dũng, Thạch Kim Long, Cao Thái Hà, Kha Ly, Hoàng Anh…
Đồng Tiền Quỷ Ám phát sóng vào 20h40 các ngày thứ Hai, thứ Ba hàng tuần trên VTV1, bắt đầu từ 23/5/2016.
Cùng với đó, trong thời gian tới trên kênh VTV9 khung giờ vàng phim Việt 20h05 sẽ trình chiếu các bộ phim Nhân Tình Lạc Lối, Lấp Lánh Mưa Bay, Đánh Tráo Số Phận và Định Mệnh Trùng Phùng.
Theo Hàn Tiêu / Trí Thức Trẻ
Vì sao phim truyền hình Việt đi vào đường cùng?
Kịch bản nhàm chán, nội dung phi lý, lời thoại sáo rỗng... đó chỉ là bề nổi những bất cập khiến phim truyền hình Việt rơi vào thoái trào.
10 năm trước, phim truyền hình Việt phát triển cực thịnh: diễn viên nổi tiếng sau mỗi vai diễn, khán giả quan tâm, bàn tán sau mỗi tập phim... Nhưng hiện nay, phim truyền hình Việt đang đối diện với nhiều khó khăn cũng như chịu sự thờ ơ của khán giả.
Gameshow truyền hình - kẻ phá đám
Sự ra đời và du nhập của hàng loạt game show truyền hình đã trở thành "hung thần" với nhiều ngành nghệ thuật. Nếu game show thắng kịch, sân khấu ca nhạc nhờ sự đầu tư sân khấu hoành tráng, tham gia của nghệ sĩ nổi tiếng thì truyền hình thực tế lại đánh bật phim truyền hình ở thứ tưởng như phía sau nhưng lại có tính quyết định - doanh thu quảng cáo.
Chi Pu và Nhan Phúc Vinh trong phim Vẫn có em bên đời. Ảnh: ĐPCC
Kinh tế Việt Nam chưa khởi sắc sau cơn khủng khoảng nên thị trường quảng cáo năm 2016 tiếp tục giảm. Một miếng bánh bị chia nhỏ thành nhiều phần nên tất nhiên thị phần quảng cáo dành phim truyền hình giảm. Hiện nay, gameshow nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả vì vậy các nhãn hàng đổ xô vào quảng cáo. Họ thậm chí chấp nhận trả giá cao hơn để xuất hiện trong những chương trình hot.
Một nhà sản xuất phim lớn của TP HCM cho biết: "Nếu trước đây, một tập phim có thể thu về 700 triệu đồng quảng cáo thì bây giờ cao nhất là được 400 triệu đồng. Tuy nhiên con số này rất hiếm, đa số chỉ ở mức 200-300 triệu đồng".
Dịp Tết vừa qua, các hãng phim không sản xuất phim mới mà chiếu lại phim cũ bởi dịp này lượng quảng cáo sụt giảm mạnh. Không ai dám mạo hiểm bởi sản xuất phim Tết là nắm chắc phần lỗ.
Không những thế, sự thay đổi trong chính sách của nhà đài cũng khiến nhà sản xuất phim truyền hình lao đao. Trước đây, nhà làm phim được nhận đủ định mức nếu đạt rating và định mức quảng cáo nhưng từ 2015 tới nay, mỗi tập phim, nhà đài sẽ nhận trước hơn 200 triệu đồng. Sau đó, nhà sản xuất mới được nhận. Nhận đủ 180 triệu thì số tiền còn lại sẽ chia hai bên theo tỉ lệ trong hợp đồng.
Một nhà sản xuất giấu tên cảm thán: "Hiện nay, thu đủ kinh phí sản xuất 180 triệu đồng mỗi tập đã khó, nói gì đến việc được chia số dư. Vào những tháng sau Tết, quảng cáo giảm thê thảm, chúng tôi phải nhờ đài giảm định mức nếu không thì lỗ lớn".
10 năm, 1 giá tiền mỗi tập phim
Không chỉ bị khán giả quay lưng, doanh thu quảng cáo sụt giảm, nhà sản xuất phim truyền hình còn gặp khó khăn từ các đài truyền hình. 10 năm nay, trong khi chi phí cho bối cảnh, diễn viên ngày càng tăng thì số tiền đài trả cho mỗi tập phim vẫn giữ giá 180 triệu đồng với HTV, VTV và THVL1 cao hơn một chút. Vì vậy, đơn vị sản xuất phải liệu cơm gắp mắm, tiết kiệm tối đa mọi thứ.
Siêu mẫu Đức Hải trong phim Biệt thự Pensse. Ảnh: ĐPCC
Bà Thu Thủy, giám đốc Senafilm cho biết: "Đài phải cam kết ngân sách với nhà nước. Yêu cầu nộp ngân sách của nhà đài mỗi năm tăng đều đặn 10%. Nguồn thu của đài lại chỉ dựa vào quảng cáo do đó, đài phải đảm bảo nguồn thu cho mình trước. Những đơn vị như chúng tôi chỉ biết làm phim, không làm truyền thông, quảng cáo nên khó đủ chỉ tiêu như đài đặt ra. Bây giờ chỉ làm vì đam mê. Đến khi nào không duy trì được thì đành chịu".
Chính vì số tiền đài trả cho mỗi tập phim không quá 200 triệu đồng, nhà sản xuất rất e dè đầu tư cho phim. Các dự án phim hiện nay đã bị cắt giảm 50-60%.
TP HCM vốn là thị trường sản xuất phim của hàng chục công ty sản xuất nhưng đến nay ngay cả những tên tuổi lớn đều sản xuất cầm chừng. M&T Picture đã giảm từ 600 tập phim mỗi năm xuống 300 tập. Công ty Sóng Vàng cũng giảm 50% số lượng tập phim và chuyển hướng sang đầu tư phim điện ảnh.
Bà Bích Liên giám đốc đơn vị này từng chia sẻ: "Đầu tư phim truyền hình cũng tốn gần 5 tỷ đồng, con số này tương đương với phim điện ảnh kinh phí thấp. Số tiền dành cho phim truyền hình lại bị chôn khá lâu. Trong khi đó phim điện ảnh ra rạp, lời lỗ biết ngay trong 1 tuần".
Kịch bản nhàm chán vì bị bó hẹp trong khuôn khổ
Gần đây phim Hậu duệ mặt trời gây sốt khắp châu Á. Điều này chứng tỏ phim truyền hình vẫn là mảnh đất màu mỡ với các nhà làm phim. Nhìn người, nghĩ đến ta, phim Việt cho đến bao giờ mới khởi sắc?
Ngọc Lan trong phim Mặn hơn muối. Ảnh: ĐPCC
So với nước ngoài, diễn viên Việt Nam đẹp và diễn xuất không thua kém nhưng phim Việt thua ngay từ khâu đầu tiên là kịch bản. Một nhà làm phim nổi tiếng từng cho rằng: "Một bộ phim hay trước tiên phải là một kịch bản hay". Đề tài phim truyền hình Việt khá nhàm chán vì quanh quẩn chỉ là những câu chuyện về mâu thuẫn gia đình, tình tay ba...
Lời thoại phim rơi vào sáo rỗng, tình tiết, nội dung phi logic... đó là những nhận xét quen thuộc khi xem phim. Đội ngũ viết kịch bản của Việt Nam đa số là các bạn trẻ, ít có kinh nghiệm sống.
Một đại diện nhà sản xuất M&T Picture cho rằng: "Kịch bản phim tốt đã khó nhưng đươc kiểm duyệt lại càng khó hơn. Chúng tôi tìm tòi đề tài mới, kinh dị hơn hoặc bay bổng hơn như phân thân, đồng tính thì bị cho rằng không sát thực tế. Tiêu chí của đài, nội dung phim truyền hình phải là thực tế như đời sống và có tính tuyên truyền.
Về chất lượng càng không thể so sánh với phim Hàn Quốc. Biên kịch phim Hậu duệ mặt trời nhận 7 nghìn USD/tập phim, còn chi phí sản xuất là 500 nghìn USD/tập. Những con số này gấp 100 lần phim Việt".
Phim truyền hình Việt đang thoái trào, đối diện với nhiều khó khăn song chưa có giải pháp tháo gỡ. Bởi vậy, các nhà sản xuất đang làm phim với tâm thế: còn nước còn tát, khi sức cùng lực kiệt thì... đầu hàng.
Theo Zing
'Ngôn tình' tấn công màn ảnh Việt Nhận thấy nhu cầu của khán giả, các nhà làm phim đã nhanh nhạy đáp ứng thị hiếu, đưa yếu tố "ngôn tình" xuất hiện nhiều trên màn ảnh, gây lo lắng cho các nhà tâm lý, xã hội. Nhiều phim Việt, cả điện ảnh lẫn truyền hình, đang xuất hiện các yếu tố "ngôn tình", lãng mạn hóa chuyện tình yêu trên...