Truyền hình Việt chưa thoát lồng tiếng vì giọng diễn viên
Tình trạng diễn viên đài từ kém khiến phim truyền hình Việt Nam vẫn phải bấu víu vào việc lồng tiếng cũ kỹ, lạc hậu. Có những trường hợp người lồng tiếng phải cứu cả bộ phim.
Thời gian gần đây, phim truyền hình Việt được đánh giá là có sự chuyển mình về chất lượng. Nhiều bộ phim gây chú ý, thậm chí được khán giả chờ đón từng tập trong thời gian phát sóng như Tuổi thanh xuân, Khúc hát mặt trời, Hôn nhân trong ngõ hẹp, Zippo, mù tạt và em…
Tuy nhiên, bên cạnh những nhận xét tích cực, điểm trừ của phim truyền hình Việt hiện nay vẫn là lồng tiếng. Trong khi nhiều nước trên thế giới đều thu âm đồng bộ cho các dự án phim truyền hình, ngay cả nước bạn trong khu vực Đông Nam Á là Myanmar, việc lồng tiếng cũng đã đi vào quá vãng tới hơn một thập kỷ thì Việt Nam vẫn hiếm có phim truyền hình thu âm đồng bộ.
Dàn diễn viên Zippo, mù tạt và em được chia làm hai phần nhưng một diễn viên lồng tiếng phụ trách hai diễn viên cùng đóng một nhân vật.
Lồng tiếng khiến phim truyền hình Việt “mất điểm”
‘Đài từ’ là thuật ngữ chỉ cách nói, cách phát âm liên quan đến khẩu hình và chất giọng của người nói. Trong trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh có một môn học là môn Đài từ.
Tuy nhiên, tác phẩm Zippo của đạo diễn Trọng Trinh nhận nhiều ý kiến trái chiều về việc lồng tiếng. Bối cảnh phim được quay tại miền Trung nhưng việc toàn bộ diễn viên của phim đều nói giọng Bắc khiến nhiều người xem có cảm giác không thật.
Video đang HOT
Ngoài ra, để thống nhất giọng nói, đoàn làm phim chọn một người lồng tiếng cho hai diễn viên cùng đóng một nhân vật. Nhân vật Sơn (Bình An – Mạnh Trường), Lam (Nhã Phương -Lã Thanh Huyền) hay Huy (Anh Tuấn – Hồng Đăng) cùng một giọng nói. Chính điều này khiến người xem, trong một số trường hợp, có cảm giác giọng nói của nhân vật vừa già, vừa giả.
Trường hợp tương tự là phim Tuổi thanh xuân của đạo diễn Khải Anh. Phần 1 của phim nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả xem truyền hình nhờ ý tưởng mới mẻ, kịch bản chặt chẽ, câu chuyện hấp dẫn nhưng một trong những điểm trừ lớn nhất của phim tiếp tục là câu chuyện về lồng tiếng.
Nhiều người cho rằng việc lồng tiếng không khớp miệng, không cảm xúc thậm chí làm giảm thành công của Tuổi thanh xuân. Phần 2, đang phát sóng trên truyền hình, được đánh giá là đã chỉn chu hơn trong lồng tiếng nhưng nhiều khán giả vẫn không thể chấp nhận việc hai nhân vật chính sử dụng hai ngôn ngữ khác nhau trong giao tiếp.
Ngoài ra, giọng nói của Linh trong Tuổi thanh xuân 2 tiếp tục không phải là giọng thật của Nhã Phương. Nhiều phân cảnh, người xem có thể dễ dàng nhận thấy, bạn gái của Trường Giang chỉ tập trung vào diễn xuất, đài từ trở nên mờ nhạt và hoàn toàn phụ thuộc vào diễn viên lồng tiếng.
Một trong những điểm trừ của phần 1 Tuổi thanh xuân là lồng tiếng.
Thu âm đồng bộ, diễn viên phải có giọng tốt
Không chỉ khán giả nhận thấy phim truyền hình Việt mất điểm vì lồng tiếng mà chính người trong nghề cũng hiểu rõ thực trạng này. Trong buổi ra mắt phim Hợp đồng hôn nhân, đạo diễn – NSND Khải Hưng phải thốt lên: “Chẳng có nước nào trên thế giới này còn làm phim kiểu lồng tiếng nữa cả nhưng chúng ta vẫn phải làm vì chúng ta làm gì có trường quay như ở Hoành Điếm (Trung Quốc), hay ở Hollywood”.
Trao đổi với Zing.vn, đạo diễn – NSƯT Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC, cũng thắng thắn cho biết câu chuyện về lồng tiếng là nỗi trăn trở của những người làm phim. Để giải quyết vấn đề này, cần thay đổi quy trình làm phim hiện nay bằng cách thay vì lồng tiếng sẽ thu âm tiếng trực tiếp khi quay.
“Muốn thế thì phải có phim trường để tác nghiệp, đảm bảo thu âm tiếng hiện trường. Hiện nay, VTV đang thực hiện xây dựng phim trường để làm phim và phải một vài năm nữa mới hoàn thành. Khi thu tiếng đồng bộ, chúng ta cũng cần những diễn viên ngoài diễn xuất còn phải có chất giọng tốt, không mắc tật phát âm” – nam đạo diễn chia sẻ.
Yêu cầu mà đạo diễn Đỗ Thanh Hải đặt ra thực chất cũng là thực trạng về năng lực của diễn viên truyền hình Việt Nam hiện nay. Công bằng mà nói, nhiều diễn viên trẻ có ngoại hình ưa nhìn, diễn xuất tốt nhưng khả năng về đài từ và giọng nói lại không được đánh giá cao, nếu không muốn nói là ở mức kém.
Không ít người mẫu, ca sĩ lấn sân sang phim ảnh, tuy được chú ý về độ nổi tiếng nhưng lại gây thất vọng về đài từ, nói như đọc, không linh hoạt trong ngữ âm, ngữ điệu. Nhiều diễn viên chuyên nghiệp được đào tạo nhưng giọng vẫn còn nặng vùng miền.
Ngay cả Nhã Phương – người được biết như một “ngôi sao” phim truyền hình Việt – cũng không được đánh giá cao về khả năng đài từ. Diễn xuất tốt nhưng giọng nói vừa yếu vừa mỏng chính là điểm trừ của bạn gái Trường Giang.
Phần 2 của Tuổi thanh xuân, hai diễn viên tiếp tục thoại bằng hai ngôn ngữ khác nhau tại trường quay.
Khi diễn viên lồng tiếng vẫn có thể ‘cứu’ vai diễn
Khả năng đài từ, giọng nói của diễn viên cũng được xem là một trong những yếu tố cản trở việc thu âm đồng bộ phim truyền hình Việt. Chính thế, việc lồng tiếng, ở một khía cạnh nào đó vẫn có vai trò quan trọng và được đánh giá cao.
NSND Lan Hương cho biết thu đồng bộ thì cần có trường quay hiện đại, bối cảnh yên tĩnh thì tiếng thu mới hiệu quả. Công nghệ này thế giới có rất lâu rồi nhưng Việt Nam gần đây mới bắt đầu có. Trong điều kiện chưa thể thu đồng bộ hoàn toàn thì bắt buộc vẫn phải cần đến lồng tiếng.
“Lồng tiếng là một công việc thú vị. Tôi từng lồng tiếng cho nhiều diễn viên như NSND Như Quỳnh, NSND Minh Châu, NSƯT Thanh Quý, NSƯT Thu An, NSƯT Thanh Hiền. Mỗi diễn viên lại có một cái e riêng, người lồng tiếng vừa phải hiểu nhân vật vừa phải hiểu diễn viên mà mình lồng tiếng cho. Tôi thấy công việc này bổ trợ cho diễn xuất của mình rất nhiều” – nữ nghệ sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong việc lồng tiếng phim truyền hình tiết lộ.
NSND Lan Hương cũng cho biết nhiều trường hợp người lồng tiếng khiến vai diễn thành công hơn, góp phần đẩy cảm xúc của người xem đến cao trào. Ví dụ tiêu biểu chính là vai diễn của Nhã Phương trong phần 1 của Tuổi thanh xuân.
Nhân vật Linh trải qua hai giai đoạn, lúc gia đình chưa gặp biến cố thì hồn nhiên, vui vẻ và sau khi gia đình gặp biến cố là lúc nhân vật có diễn biến tâm trạng đa chiều, sâu sắc hơn. Nhân vật Linh phải khóc rất nhiều.
Nhã Phương là diễn viên diễn xuất tốt nhưng lại không có thế mạnh về đài từ. Và chính diễn viên lồng tiếng Huyền Lizzie là người giúp khán giả có thể khóc cùng nhân vật của Nhã Phương.
Theo Zing