Truyền hình Mỹ đã góp công vào chiến thắng của Donald Trump
Chiến thắng của Donald Trump trong cuộc đua tới chiếc ghế Tổng thống Mỹ 2016 hiện gây ra nhiều tranh cãi. Các kênh truyền hình giờ là mục tiêu chỉ trích tiếp theo của phe phản đối.
Tạp chí Variety gọi mối quan hệ giữa tân Tổng thống Mỹ Donald Trump và các kênh truyền thông là “đồng phụ thuộc” (codepedent).
Trước khi đắc cử, Trump thường xuyên chỉ trích những kênh truyền thông đưa tin bất lợi cho bản thân, sử dụng Twitter để sỉ nhục họ, đồng thời cấm một số báo đài có mặt tại các cuộc vận động tranh cử của mình.
Nhưng sự thật là đã có quá nhiều kênh truyền thông, đặc biệt là truyền hình, đưa tin miễn phí cho Donald Trump và “góp công” vào thắng lợi vang dội của ông trong ngày 8/11.
Rất nhiều buổi vận động tranh cử của Donald Trump trong thời gian đầu đã được phát sóng miễn phí trên các kênh truyền hình lớn. Ảnh: Politico.
Video đang HOT
Theo thống kê của tờ Variety, trong bốn tuần lễ từ 10/10 tới 6/11, các kênh CNN, Fox News và MSNBC có lượng người xem giờ vàng tăng đến 84% so với thời điểm cùng kỳ năm 2015. Điều đó đồng nghĩa với việc họ kiếm được nhiều hơn từ mảng quảng cáo.
Nhà báo kỳ cựu Daniel Holloway chỉ ra rằng cũng chính nhóm kênh này đã dành rất nhiều thời lượng phát sóng để truyền trực tiếp các cuộc vận động tranh cử của Donald Trump.
Bill Carroll, chủ tịch tập đoàn truyền hình Katz, nhận xét: “Tôi nghĩ tất cả phải xác định lại xem họ đã dành bao nhiêu thời lượng phát sóng cho tổng thống mới đắc cử. Một trong những cụm từ được lặp đi lặp lại nhiều lần trên TV suốt một năm qua là &’Giờ chúng ta sẽ đến với hình ảnh từ cuộc vận động của Donald Trump’”.
Trên thực tế, luồng ý kiến chỉ trích dành cho các kênh truyền hình đã xuất hiện từ tháng 10. Khi đó, giám đốc kênh CNN là Jeff Zucker phản biện: “Năm ngoái, chúng tôi mắc sai lầm khi cho phát sóng quá nhiều hình ảnh chưa biên tập từ các cuộc vận động tranh cử của ông ấy ở thời điểm bắt đầu. Nhưng tôi tin rằng truyền hình không phải là lý do giúp Donald Trump trở thành người đại diện cho Đảng Cộng hòa”.
Nhưng ê-kíp đứng sau chiến dịch của Donald Trump lại có suy nghĩ khác và họ đã tận dụng tối đa việc ông chủ của mình vốn là ngôi sao truyền hình thực tế với chương trình The Apprentice.
Kinh nghiệm từ chương trình The Apprentice giúp Donald Trump dễ lấy lòng người xem khi mới ra tranh cử. Ảnh: NBC.
Hồi tháng 4, trên kênh Fox News, cựu cố vấn của Trump là Barry Bannett khoe rằng họ “đã tiết kiệm tới hàng trăm triệu USD nhờ được truyền thông miễn phí”. Ngay từ buổi đầu tham gia tranh cử và nhắm đến vị trí đại diện cho Đảng Cộng hòa, Donald Trump đã chứng tỏ khả năng ứng biến của mình trước đám đông.
Al Tompkins của Phân viện Báo chí Poynter chỉ ra rằng: “Trump có nhiều sóng hơn các ứng viên khác của Đảng Cộng hòa bởi ông ấy mang đến yếu tố giải trí, điều rất thiếu trong những sự kiện chính trị kiểu này.
Nhóm nhà báo có cơ hội di chuyển cùng các ứng viên luôn phải nghe đi nghe lại một điều hết lần này qua lần khác. Trump thì không như thế và ông ấy luôn giúp các phóng viên truyền hình sản xuất được những bản tin mới mẻ”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 10, Jeff Zucker của CNN còn nêu lên một chi tiết thú vị khác: “Chúng tôi gửi lời yêu cầu phỏng vấn Donald Trump, ông ấy lập tức gật đầu đồng ý. Những ứng cử viên khác từng tranh cử chức tổng thống của Đảng Cộng hòa thì thường không như vậy”.
Song, càng đến gần ngày tranh cử, Donald Trump càng khép kín hơn với báo chí Mỹ. Ông chỉ còn trả lời những nhà báo thân cận như Sean Hannity và Bill O’Reilly của kênh Fox News. Những cuộc tấn công liên tục từ báo giới buộc Donald Trump phải cẩn trọng, đồng thời đưa ra nhiều phát ngôn mang tính đe dọa tại các buổi vận động trước giờ G.
Trump đã có lần tuyên bố trước đám đông rằng: “Tôi sẽ tìm cách thông qua luật phỉ báng, để khi họ chủ đích viết ra những bài báo tiêu cực và sai sự thật, chúng ta có thể kiện họ và thắng một số tiền lớn”.
Giờ thì Donald Trump đã vượt qua Hillary Clinton trước sự ngỡ ngàng của toàn bộ giới truyền thông và hiện chưa rõ liệu ông có thực hiện lời hứa trước đây, hay mối quan hệ giữa hai bên trong thời gian tới sẽ ra sao.
Hiện mối quan hệ giữa Donald Trump với giới truyền thông vẫn còn là dấu hỏi lớn sau khi ông đắc cử vào ngày 8/11. Ảnh: AP.
Dù thế nào, những gì mà các kênh truyền hình lớn tại nước Mỹ đã phát sóng trong suốt một năm qua cũng không thể rút lại nữa. Nikko Mele, đại diện của trường Chính trị Harvard’s Kennedy, phát biểu: “Tôi không rõ giới truyền thông có bao nhiêu lựa chọn. Donald Trump đúng là chủ đề sốt dẻo. Nhưng chất lượng của các bản tin thì cần phải xem xét lại”.
Một nghiên cứu của Mele cho thấy phản ứng tích cực của khán giả tại một số bang cao hơn rất nhiều so với các đối thủ khác thuộc Đảng Cộng hòa như Ted Cruz, John Kasich hay Marco Rubio. “Có quá ít bản tin nói đến chính sách hay con người ông ấy. Tất cả chỉ mang đúng một thông điệp rằng, &’Donald đang giành chiến thắng!’”.
Bill Carroll của Katz kết luận: “Đúng là áp lực rating đã khiến hàng loạt các kênh truyền hình liên tục đưa tin về Donald Trump. Giờ chúng ta cần phải xem lại cách làm việc và đưa tin về cuộc bầu cử vừa qua. Rõ ràng, Donald Trump là sản phẩm của chính giới truyền thông”.
Theo Zing