Truyền hình Hàn Quốc nức lời khen hai danh thắng của Việt Nam
Hai ngôi sao Hàn Quốc không giấu được kinh ngạc trước cảnh vật hùng vỹ của non nước vùng đất cố đô Việt Nam. Và ngay sau đó, cư dân mạng xứ kim chi cũng để lại vô số bình luận khen ngợi cảnh đẹp này.
Toàn cảnh hang Múa nhìn từ trên cao. (Ảnh: CTV/Vietnam )
Nhiều danh thắng đẹp và nổi tiếng của Việt Nam như Phong Nha Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long, Tràng An… từng xuất hiện trên các bộ phim bom tấn thế giới mà nổi tiếng nhất là “King: Skull Island.”
Khi sức nóng của “King: Skull Island” nguội dần thì chương trình truyền hình nổi tiếng Battle Trip của Hàn Quốc với sự tham gia của hai ngôi sao Eun Kyung và Ahn Sun Yeong lại ghé thăm Hang Múa và Động Thiên Hà của Ninh Bình.
Hai địa danh này của Ninh Bình có gì hot khiến cả chương trình nổi tiếng của Hàn Quốc lựa chọn làm điểm quay hình?
Động Thiên Hà
Động Thiên Hà là danh thắng nổi tiếng của vùng đất cố đô, nằm ẩn mình trong dải núi Tướng, một ngọn núi thuộc dãy Tràng An. Núi Tướng được xem như một vọng gác tiền tiêu bảo vệ thành Hoa Lư thời vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành.
Do cửa động rất nhỏ và bị cây cối che phủ rất khó tìm nên phải tới 2007 các nhà khoa học mới phát hiện ra. Động có chiều dài 700 mét bao gồm động khô dài 200 mét và động nước dài 500 mét.
Bên trong động Thiên Hà. (Ảnh: CTV/Vietnam )
Không gian động lên đến 12.000 m2 tương đương hang Sửng Sốt của vịnh Hạ Long, với vô số nhũ đá có hình thù kỳ lạ. Theo đánh giá của các chuyên gia Mỹ, hệ thống nhũ đá trong động Thiên Hà vẫn còn “sống” và đang trong quá trình phát triển.
Video đang HOT
Hang Múa
Tọa lạc ở thôn Khê Đầu Hạ (xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư), hang Múa, “Vạn lý trường thành” của Việt Nam vài năm trở lại đây bỗng nổi lên là một địa điểm “check in” được giới trẻ yêu thích nhất hiện nay.
Điểm đặc biệt nơi đây là cảnh sắc bốn mùa biến đổi đều khiến bất cứ ai khi đến chiêm ngưỡng cũng phải mê mẩn. Lên với hang Múa có vô số góc sống ảo như đỉnh núi Múa với tầm nhìn ôm trọn vùng Tam Cốc, hồ sen rộng tới 1ha… đang rất hot.
Theo truyền thuyết, vua Trần khi về vùng Hoa Lư lập Am Thái Vi thường tới đây để nghe các mỹ nữ, cung tần múa hát. Vì vậy, nơi đây được đặt tên là hang Múa.
‘Vạn lý trường thành’ Việt Nam trên truyền thông Hàn Quốc. (Ảnh: CTV)
Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Vietnamplus trước đây, ông Hoàng Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch, tỉnh Ninh Bình cho biết: “Không chỉ là điểm đến du lịch sinh thái kết hợp tâm linh, thời gian tới đây Ninh Bình sẽ tập trung khai thác và phát triển du lịch hang động dựa vào tiềm năng sẵn có.”
Bởi theo ông Phong, Ninh Bình hiện có khoảng hơn 230 hang động lớn, nhỏ, trong đó trên 60% là hang động nước và đó chính là đặc trưng của sản phẩm du lịch Ninh Bình.
“Chúng tôi đã và đang tập trung khai thác du lịch hang động, nhất là trong quần thể danh thắng Tràng An, nằm trong quần thể di sản thế giới,” ông Phong khẳng định./.
(Ảnh: CTV/Vietnam )
M.Mai
Theo vietnamplus.vn
Bí ẩn đường hầm trong ngôi đình cổ 200 năm ở Bình Dương
Một ngôi đình có tuổi đời gần 200 năm mang tên đình Dĩ An, ở tỉnh Bình Dương không chỉ cuốn hút bởi cảnh sắc thiên nhiên mà còn lưu giữ đường hầm bí ẩn của các nhà hoạt động cách mạng để lại.
Chúng tôi tìm về ngôi đình Dĩ An tọa lạc tại khu phố Nhị Đồng 1, phường Dĩ An, Thị xã Dĩ An (Bình Dương) và bị mê hoặc bởi nét đẹp xưa của đình và cảnh vật thiên nhiên nơi đây. Ngôi đình được bao phủ bởi những cây cổ thụ quý hiếm có tuổi thọ trên trăm tuổi, như: sao, giá tỵ, gõ mật, cám, dầu...
Cổng đình được xây theo kiểu cổng tam quan, mái bậc thang
Bước qua khỏi cổng tam quan là một khuôn viên rộng lớn, với Trong khuôn viên đình còn có: miếu bà Ngũ Hành, đền Ngọc Hoàng, Sơn Quân, đền Mẫu, hữu Bạch Hổ, Thần Nông và bia mộ liệt sĩ... ẩn mình dưới những tán lá xanh tươi như tạo thêm vẻ yên tĩnh và linh thiêng cho đình. Phần thờ tự chính (đình thần) là một dãy nhà được thiết kế theo kiểu hình chữ nhật, gồm: võ ca, chánh điện, nhà khách và nhà túc...
Theo lời kể của các vị cao niên, đình Dĩ An được xây dựng vào khoảng thập niên 80 thế kỷ XIX. Lúc mới xây dựng, đình được gọi là cổ miếu. Theo các tài liệu ghi lại, vùng đất Dĩ An xưa kia vốn là những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, dân cư thưa thớt. Trong quá trình khai phá thiên nhiên, người dân nơi đây đã dựng lên một cái chòi lợp bằng lá cây để làm nơi thờ tự và cầu mong thần linh phù hộ cho người dân trong làng được bình an, mạnh khỏe. Người dân gọi chòi lá này là miếu thờ (hay cổ miếu).
Khoảng năm 1838, khi người dân đã đến đây sinh sống đông hơn, để có nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa liên quan đến đời sống tinh thần, mọi người cùng nhau góp công, góp của xây dựng lại ngôi miếu. Từ đó, tên gọi đình cũng ra đời thay thế cho tên gọi miếu bấy lâu. Vào năm 1852, vua Tự Đức ban sắc phong cho vị thành hoàng thờ tự nơi đây là thần "Bảo An Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng" để ghi nhớ công lao giúp nước, cứu dân của vị thần này. Cũng từ đó, đình được gọi là đình thần Dĩ An.
Ngôi đình được bao phủ bởi những cây cổ thụ quý hiếm
Theo Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh, ngoài là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân trong làng, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình còn là nơi hoạt động cách mạng của bộ đội Đào Sơn Tây. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình còn là nơi dừng chân và trú quân của lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một. Trong khuôn viên đình hiện vẫn còn lưu dấu một số hầm hoạt động bí mật của lực lượng vũ trang và bộ đội Đào Sơn Tây.
Hàng năm, vào ngày 16/6 âm lịch, tại đình diễn ra lễ cúng tiên sư, tổ nghiệp cầu huệ, cầu lợi. Ngày 15 và 16/11 âm lịch, tổ chức lễ cầu an, cầu cho quốc thái dân an. Ngoài ra, đình Dĩ An còn là nơi dung hợp nhiều tín ngưỡng: Thờ Thành Hoàng, Nữ Thần (Ngũ hành nương nương, Diêu Trì Địa Mẫu, Kim Hoa nương nương..); đền thờ Vua Hùng, đền thờ các anh hùng liệt sĩ và các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng...thể hiện truyền thống tốt đẹp bao đời của người Việt Nam "uống nước nhớ nguồn". Bên cạnh đó, với hệ thống cây xanh cổ thụ, phủ bóng mát quanh năm làm cho cảnh đình tĩnh lặng, thoáng mát.
Đình Dĩ An là một ngôi đình cổ, nơi bảo lưu những giá trị lịch sử - văn hóa, nổi bậc về kiến trúc nghệ thuật và danh thắng của vùng đất Dĩ An nói riêng và Bình Dương nói chung. Đình được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 814/QĐ-UBND ngày 18/3/2011. Ngày 28/3/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1185/QĐ-BVHTTDL xếp hạng đình Dĩ An là di tích cấp quốc gia.
Bước vào cổng đình là dãy bia ghi khu di tích được công nhận di sản văn hóa
Bia di tích lịch sử văn hóa đình Dĩ An
Đình Dĩ An là di sản cấp quốc gia
Đình là nơi hoạt động cách mạng, được ghi danh các Anh hùng liệt sĩ trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ
Hoa văn được thiết kế tinh xảo
Ngôi nhà nơi hoạt động cách mạng
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình còn là nơi dừng chân và trú quân của lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một cũ.
Trong khuôn viên đình hiện vẫn còn lưu dấu một số hầm hoạt động bí mật của lực lượng vũ trang và bộ đội Đào Sơn Tây
HƯƠNG CHI
Theo tienphong.vn
Đánh thức không gian du lịch phía tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn Ngày 21-11, UBND Q. Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) tổ chức hội thảo "Đề án mở rộng không gian du lịch phía tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn". Tại hội thảo, đại diện các sở ngành, đơn vị, địa phương đã góp ý và phản biện cho các nội dung của Đề án, trong đó tập trung nhiều nhất vào 10 hạng...