Truyền bí kíp bàn xoay ‘ma thuật’
Chỉ cần đặt hai bàn tay lên mặt bàn, tập trung suy nghĩ, bàn sẽ tự xoay vòng và dừng lại hoặc quay ngược khi có lệnh. Những người thợ ở làng mộc Văn Hà (xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, Quảng Nam), nơi khởi nguồn và duy nhất hiện nay sản xuất loại bàn độc đáo này, đang truyền nhau bí kíp của tổ nghề.
Nghệ nhân Đinh Thạch bên chiếc bàn xoay do cụ chế tác. Ảnh: H. Văn.
Làng mộc Văn Hà đã có hơn 300 năm tuổi ở Quảng Nam. Ngoài nổi tiếng với những tạo dựng, điêu khắc nhà cổ, nơi đây còn gắn với thương hiệu của chiếc bàn xoay theo ý nghĩ mà đến nay nhiều người vẫn còn tranh cãi về nguyên lý vận hành của nó.
Truyền bí kíp
Ngôi làng yên bình cách TP Tam Kỳ gần 10 km. Biết khách tìm đến để mục sở thị chiếc bàn xoay độc đáo của làng, người già chỉ đường, trẻ con cầm tay dẫn đến tận nhà cụ Đinh Thạch (hay còn gọi là cụ Thẩm) – nghệ nhân duy nhất và lớn tuổi trong làng đang lưu giữ những bí mật về chiếc bàn xoay. Cụ cũng là một trong 7 nghệ nhân ở Quảng Nam vừa được công nhận là nghệ nhân ưu tú. 97 tuổi, những nếp nhăn đã hằn trên khuôn mặt và đôi bàn tay gân guốc, tóc đã bạc, chỉ có ánh mắt tinh anh vẫn sáng lên khi nói chuyện nghề. Vì lý do sức khỏe nên cụ đã nghỉ làm nghề gần một năm nay, nhưng mỗi ngày vẫn đạp xe đến các xưởng vừa xem vừa bày dạy cho những thợ trẻ mê nghề.
Theo cụ Thạch, cổ nhân của làng vốn có gốc gác từ vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh theo cuộc di dân về đây lập nghiệp. Ruộng nương ít, nên hầu hết người trong làng làm nghề mộc để sinh sống. Với đôi bàn tay tài hoa, những người thợ trong làng từng đi khắp nơi để hành nghề. Người ta vẫn truyền nhau giai thoại về một cuộc đấu xảo làm trụ đèn tại kinh đô Huế thời vua Thành Thái giữa hai phường thợ Văn Hà và Kim Bồng. Tổ thợ làng Văn Hà đã thắng; 27 nghệ nhân Văn Hà được triều đình trao sắc phong, đến giờ, những sắc phong đó vẫn còn được lưu giữ trong từ đường họ Đinh. Cụ Thạch là đời thứ 10 dòng họ Đinh. Năm 16 tuổi theo cha là Đinh Văn Kiều đi làm mộc. Chăm làm, lại có năng khiếu nên đến năm 22 tuổi đã trở thành thợ chính. Cuối năm 2011, nghệ nhân Đinh Thạch phục chế thành công hai chiếc bàn xoay. Đó cũng là cơ sở để Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam đề nghị xét tặng nghệ nhân ưu tú cho cụ.
“Không mê tín, nhưng phải công nhận rằng, làm ra chiếc bàn xoay phải là những thợ cao tay và có điều gì đó rất bí ẩn” Thợ mộc Lê Thanh Toàn (63 tuổi)
Trong nhà, cụ vẫn giữ một chiếc bàn xoay do cụ tự chế tác. Cụ hướng dẫn chúng tôi đặt hai bàn tay lên mặt bàn, tập trung suy nghĩ, chỉ sau khoảng hai phút, chiếc bàn tự xoay theo chiều kim đồng hồ, xoay mỗi lúc một nhanh hơn. Đặt ngửa bàn tay, chiếc bàn xoay theo chiều ngược lại, và dừng hẳn sau tiếng hô của người tham gia. Kết cấu của chiếc bàn gồm 3 chân và 1 trụ, mặt bàn hình tròn, được làm từ gỗ mít lâu năm. Theo cụ Thạch, về kỹ thuật, mấu chốt nằm ở trụ và mặt bằng, người thợ phải tính toán sao cho độ ma sát giữa trụ và mặt bằng phải tuyệt đối chính xác.
Ngoài kỹ thuật chuẩn xác tuyệt đối, người thợ Văn Hà còn có bí kíp riêng. Bí kíp được truyền lại qua các đời nhưng không phải ai cũng có thể tiếp nhận và thẩm thấu được. Không ít lần cụ Thạch mở lớp truyền nghề cho thợ trẻ trong làng nhưng những người làm được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thợ mộc kỳ cựu Lê Thanh Toàn (63 tuổi) với hơn 30 năm trong nghề cũng đành lắc đầu, bó tay sau nhiều bận thử nghiệm làm bàn xoay. “Không mê tín, nhưng phải công nhận rằng, làm ra chiếc bàn xoay phải là những thợ cao tay và có điều gì đó rất bí ẩn”, ông nói.
Video đang HOT
Hiện trong làng, ngoài cụ Thạch, chỉ có hai người có thể làm được bàn xoay là anh Phạm Miên và anh Trần Ngọc Tuấn. “Đó là thương hiệu, hồn cốt của làng nghề nên phải lưu giữ và truyền lại cho đời sau, không thể để mai một đi. Thợ trẻ lành nghề giờ hiếm, giờ tìm được người có thể trao lại bí kíp này xem như đã hoàn thành trách nhiệm với tiền nhân”, nghệ nhân Đinh Thạch chia sẻ.
Anh Trần Ngọc Tuấn, một trong hai thợ trẻ trong làng, học được bí kíp làm bàn xoay.
Biến đồ cũ thành hàng “độc”
Anh Trần Ngọc Tuấn (43 tuổi), một trong hai học trò xuất sắc của cụ Thạch, nay đã có thể tự chế tác bàn xoay. Anh Tuấn vốn là thợ cắt tóc, cách đây khoảng chục năm, anh tham gia lớp dạy nghề mộc trong làng do cụ Đinh Thạch đứng lớp và được đánh giá là rất có “hoa tay”. Càng học, càng tìm hiểu, anh càng mê mẩn với những hoa văn chạm trổ, với những chiếc bàn xoay kỳ diệu, độc đáo. “Tôi nghĩ đó là cái duyên khi tiếp nối nghề truyền thống của ông bà”, anh Tuấn nói.
Nhớ lại câu chuyện vào nghề cách đây 7 năm, anh bắt đầu thử sức làm bàn xoay từ chiếc bàn gỗ cũ. Ròng rã một tháng trời mày mò, ngày cũng như đêm, anh bị hút vào việc chạm, khắc… Dốc toàn tâm toàn lực vận dụng những điều mình tìm tòi học hỏi, cuối cùng, anh cũng tạo được chiếc bàn xoay vận hành đúng như mong muốn. Anh mừng ứa nước mắt, làm lễ thành tâm cảm tạ. Sau đó, anh tiếp tục sang học thêm ở cụ Thạch để hoàn thiện tay nghề, có thể chế tác hoặc sửa những chiếc bàn bình thường thành bàn xoay độc đáo. Từ đó, anh không ngừng quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm.
Nhiều người biết đến tìm về tận làng để xem và đặt mua với giá 20-40 triệu đồng/chiếc. Nhiều người gọi điện nhờ anh chỉnh sửa “hô biến” những chiếc bàn gỗ hình tròn thành bàn xoay. Câu chuyện về chiếc bàn xoay được đẩy lên mức thần bí khi có trường hợp chủ nhân mua bàn về đặt tay lên, bàn không xoay, nhưng khách đến nhà chơi đặt tay lên thì bàn lại xoay. Nhiều người cũng đến tìm hiểu thông tin nhằm lý giải nguyên lý vận hành của loại bàn độc nhất vô nhị này.
Chiếc bàn xoay mang thương hiệu của nghệ nhân làng mộc Văn Hà.
Nguy cơ mai một
Bàn xoay mang thương hiệu làng mộc Văn Hà hiện có mặt ở nhiều thành phố lớn. Theo anh Tuấn, giá bàn khá cao, khách giàu có mua chủ yếu để trưng tại nhà riêng hoặc ở các điểm du lịch. Ngoài những đơn đặt hàng trực tiếp do khách tìm đến, chưa có đơn vị, địa chỉ nào đặt hàng theo hợp đồng lâu dài. Đó cũng là lý do khiến giới trẻ không mặn mà với nghề truyền thống và nghề có nguy cơ mai một theo thời gian.
Ông Bùi Ngân Tùng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thành, nói rằng, bàn xoay là sản phẩm độc đáo gắn với thương hiệu của làng mộc Văn Hà; sau khi nghệ nhân Đinh Thạch thôi làm, hiện chỉ còn hai thợ có khả năng làm bàn xoay. Trong tổng số 450 hộ của làng Văn Hà hiện chỉ có 15 hộ theo nghề mộc. “Địa phương thực hiện nhiều hạng mục đầu tư theo hướng dẫn như mở các lớp tập huấn, mở đường vào làng nghề, đầu tư máy móc… nhưng phải nói thật là đến bây giờ vẫn chưa phát huy hiệu quả. Sẽ còn là câu chuyện dài trong giữ gìn và phát huy nghề truyền thống”, ông Sơn nói.
Theo Hoài Văn (Tiền Phong)
Lúa kim cương 111 giỏi chống chịu thời tiết bất lợi
Theo báo cáo tại hội nghị đầu bờ "Đánh giá kết quả mô hình giống lúa năng suất, chất lượng kim cương 111" tổ chức ở Hợp tác xã (HTX) Tam Thanh (xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), giống lúa này cho thấy những ưu điểm vượt trội về chống chịu thời tiết bất lợi so với các giống lúa truyền thống.
Sinh trưởng nhanh, chống chịu tốt
Kim cương 111 là giống lúa mới của Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC). Giống lúa này đang được trồng thử nghiệm tại rất nhiều địa phương, bước đầu cho thấy những đặc tính vượt trội so với các giống lúa thuần chủng khác.
Giống lúa kim cương 111 được nông dân Nam Định đánh giá cao. Ảnh: T.T
Ông Vũ Công Khoái- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Nam Định, cho biết: Giống lúa kim cương 111 được đưa vào khảo nghiệm trên địa bàn tỉnh từ vụ mùa 2013. Giống lúa này cho năng suất cao, chất lượng gạo khá, chống sâu bệnh tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu vào giảm. Trong vụ xuân 2017, tỉnh Nam Định nói chung và Vụ Bản nói riêng sẽ tiếp tục nhận rộng các mô hình cánh đồng giống kim cương 111 để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Cây lúa kim cương 111 có chiều cao trung bình khoảng 108cm, dạng hình gọn lá, cứng màu xanh đậm, góc lá đòng hẹp, chịu thâm canh tốt, đẻ nhánh nhanh, cây cứng chống đổ tốt, trổ thoát cổ bông, bông to, hạt tròn dài, tỷ lệ bông hữu hiệu cao. So với các giống lúa khác, kim cương 111 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn 10 ngày.
Quá trình trồng thử nghiệm Kim cương 111 tại HTX Tam Thanh gặp phải điều kiện thời tiết khó khăn. Đầu vụ, cơn bão số 1 đổ bộ vào Nam Định, gây mưa to và dông gió mạnh, nhiều diện tích lúa mùa vừa cấy bị ngập úng, mất trắng. Sau đó, cơn bão số 3 gây tổn thương nặng cây lúa, làm bệnh bạc lá phát sinh và gây hại nặng trên diện rộng. Đến khi lúa trổ, mưa không ngớt, độ ẩm cao làm sâu bệnh bùng phát mạnh, đặc biệt là sâu cuốn lá.
Tuy sinh trưởng trong điều kiện thời tiết khó khăn, kim cương 111 vẫn phát triển tốt. Sau bão số 1, diện tích lúa tái sinh rất lớn, lá đòng đứng, khả năng đẻ nhánh mạnh, độ thuần đồng ruộng cao, không nhiễm bạc lá.
Đặc biệt, giống lúa kim cương 111 được tích hợp gen Pita - loại gen kháng bệnh đạo ôn và gen Xa21 - gen kháng bệnh bạc lá, nhiễm nhẹ rầy nâu nên chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh. Khi trồng giống lúa này, người nông dân chỉ cần phun thuốc trừ sâu 3 lần, ít hơn 1 - 2 lần với các giống lúa thuần khác.
Theo ông Đinh Xuân Đức- Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Tam Thanh, đây là vụ thứ 2 HTX triển khai sản xuất giống kim cương 111. HTX đã vận động bà con đưa vào sản xuất 1 vùng, 1 trà giống lúa kim cương 111. "Giống lúa này kháng bệnh rất tốt, đặc biệt là các bệnh bạc lá và rầy, dù các giống đại trà nhiễm rất nặng nhưng kim cương 111 tuyệt nhiên không bị. Cây cứng, chống đổ tốt"- ông Đức cho biết thêm.
Gạo dẻo thơm cho năng suất cao
Qua quá trình trồng thử nghiệm, năng suất suất bình quân của giống lúa kim cương 111 đạt 64 tạ/ha, cao hơn giống lúa bắc thơm số 7 (giống đối chiếu) là 12,5 tạ/ha. Dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, các giống khác có tỷ lệ lép rất cao nhưng riêng giống kim cương 111 lại rất mẩy. Các đại biểu tham dự hội nghị đều rất bất ngờ với tỷ lệ hạt chắc của giống lúa này, nhất là trong khi điều kiện thời tiết khó khăn.
Ông Lê Trung Quang - một nông dân tham gia trồng thử nghiệm Kim cương 111 tại HTX Tam Thanh, nhận định: Giống Kim cương 111 khi gieo sạ xong gặp bão, mưa lớn, cánh đồng ngập như sông nhưng cây lúa phục hồi rất mạnh, đến nay cho thu hoạch như những hộ khác. Đặc biệt, gia đình chỉ phun phòng sâu cuốn lá 1 lần, vừa tiết kiệm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật, vừa tiết kiệm được thời gian và công sức.
Theo nhiều người dân HTX Tam Thanh, gạo Kim cương 111 dài, bóng, mẩy, cơm mềm, dẻo, vị thơm đậm. Ông Quang bày tỏ hài lòng với chất lượng hạt gạo: "Hạt gạo kim cương 111 ngon hơn so với các loại gạo truyền thống. Cơm thơm, ngon, dẻo, ăn rất vừa miệng. Tôi tin chắc rằng gạo kim cương 111 nếu đưa ra thị trường sẽ rất được người tiêu dùng ưa chuộng".
Qua kết quả khảo nghiệm, Trạm khuyến nông Vụ Bản nhận định, giống lúa kim cương 111 là giống lúa có khả năng chống chịu thời tiết bất lợi và sâu bệnh rất tốt, tốc độ sinh trưởng nhanh. "Đây là giống lúa thuần mới và chất lượng đã hội tụ đủ các tiêu chí đặt ra từ năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu đến chất lượng cơm gạo. Đây sẽ là lợi thế lớn của giống lúa mới này so với nhiều giống đang phổ biến khác" - đại diện Trạm khuyến nông Vụ Bản cho biết.
Theo Danviet
Tài xế cố thủ trong ôtô khi cảnh sát đo nồng độ cồn Cảnh sát yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, nhưng tài xế có hành vi chống đối, khi bị tạm giữ phương tiện thì đóng cửa cố thủ bên trong. Cảnh sát giải thích nhưng lái xe Ngọc cố thủ trong xe không chịu hợp tác. Ảnh: Công an cung cấp. Khoảng 20h50 ngày 27/10, Đội trưởng Cảnh sát giao thông số 1...