Truy xuất nguồn gốc thực phẩm ở TPHCM: Vì sao người tiêu dùng còn thờ ơ?
Theo ghi nhận thực tế tại những nơi đang thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm thời gian gần đây cho thấy, người tiêu dùng không còn mặn mà với việc dùng điện thoại thông minh để dò “đường đi” của thực phẩm.
Điểm bán thịt có truy xuất nguồn gốc tại TPHCM. Ảnh: PV
Nhưng theo ghi nhận thực tế tại những nơi đang thực hiện thời gian gần đây cho thấy, người tiêu dùng không còn mặn mà với việc dùng điện thoại thông minh để dò “đường đi” của thực phẩm.
Tin vào siêu thị
PV Báo Lao Động đã làm 1 cuộc khảo sát nhỏ với người tiêu dùng khi họ đến mua thịt lợn tại một số điểm như siêu thị, cửa hàng bán thịt lợn của Vissan và cả tại các chợ đầu mối. Phần lớn người tiêu dùng không mấy quan tâm đến con tem truy xuất cũng như những thông tin liên quan đến việc lợn đeo vòng nhận diện.
Tại cửa hàng của Vissan (Q. Bình Thạnh), theo quan sát của PV, gần như người vào mua không còn nhớ đến việc dán tem và truy xuất nguồn gốc thịt heo thông qua tem nữa. Họ mua cái mình cần và thanh toán ngay sau đó, người bán cũng không đưa tem cho người mua. Khi được hỏi tại sao không truy xuất nguồn gốc, 1 người mua hàng trả lời, mua vì tin tưởng thương hiệu và cam kết của doanh nghiệp, chứ truy xuất liệu có giải quyết được vấn đề hay không.
Tại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, nơi người mua chủ yếu để mang ra bán lẻ tại các chợ truyền thống, chợ cóc lại càng không quan tâm đến chiếc vòng nhận diện của những con heo.
Không chỉ thịt lợn mà ngay cả rau, củ, quả hay thịt, trứng gia cầm, người dân cũng không còn mặn mà truy xuất nguồn gốc. Bà Nguyễn Thúy Anh (quận Bình Thạnh) cho rằng, khi mua rau củ, quả, ba chỉ tập trung vào viêc xem mặt hàng đó có tươi, còn nguyên vẹn hay không, kế đến là giá cả. Còn việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thì chỉ nghe nói để biết, chứ chưa có ý định “truy”.
Video đang HOT
Nhiều người nội trợ cho rằng, đã chọn siêu thị mua hàng mà còn phải truy xuất, “soi” nguồn gốc thì thật phiền phức.
“Khi người tiêu dùng mua sắm ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nghĩa là họ đã đặt niềm tin vào nơi bán hàng. Hơn nữa, giá cả ở đây cao hơn so với chợ lẻ, hàng cũng có nguồn gốc thông qua các khâu kiểm dịch thì còn kiểm tra làm gì? Nơi cần phải “soi” là chợ truyền thống, chợ công nhân… thì lại chưa thấy cơ quan nào quan tâm” – chị Phạm Thị Phương (quận 3) – đặt vấn đề.
Truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm bằng mã QR. Ảnh: TL
Truy xuất từ ngọn
Lâu nay, dư luận cho rằng, thịt heo hay rau, củ, quả và thịt, trứng gia cầm có “chứng minh thư” liệu đã an toàn? Mà cụ thể là vụ khoảng 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần tại lò giết mổ Xuyên Á – lò mổ lớn nhất TPHCM – được các cơ quan chức phát hiện vào gần cuối năm 2017.
Đáng nói, trong số gần 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần tại lò mổ này, có rất nhiều con lợn có đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, cái mã QR (tem truy xuất) chỉ cần dùng phần mềm có sẵn là tạo ra được, sau đó muốn in bao nhiêu thì in.
Đáng lo ngại, mã đó dán lên bất kỳ vật nào hay con vật nào cũng cho ra 1 kết quả. Có nghĩa là, hoàn toàn có khả năng mã là thật, còn con vật/sản phẩm kia có trời mới biết có “đúng là nó” hay không.
Ngay cả các cơ quan chức năng của TPHCM cũng phải thừa nhận, nhiều thương lái hiện chỉ đeo vòng truy xuất cho lợn một cách đối phó. Thậm chí, người ta còn làm giả các vòng truy xuất, có vòng nhưng khi kiểm tra thì không kích hoạt được. Chuyện tương tự cũng xảy ra ở thị trường rau quả ở TPHCM.
Có tem truy xuất nguồn gốc, nhưng mạnh ai nấy dán, thậm chí, nhiều siêu thị còn yêu cầu các cơ sở sản xuất rau cung cấp tem (tự in) để siêu thị dán cho nhanh. Ai đảm bảo trong những bó rau được ghi là rau an toàn kia, có bao nhiêu phần trăm là rau “bẩn” trà trộn nhằm mang lại lợi nhuận lớn hơn cho những đối tượng làm ăn gian dối?
* Theo TS. Đào Hà Trung – Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM – đơn vị cung cấp ứng dụng truy xuất nguồn gốc thịt lợn, thịt và trứng gia cầm: “Việc dán tem truy xuất nguồn gốc thực ph ẩm thực ra là công cụ để người tiêu dùng biết được nguồn gốc sản phẩm, quan trọng nhất vẫn là vai trò của Ban An toàn Thực phẩm và Thú y – những đơn vị kiểm soát, kiểm tra trực tiếp thực phẩm. Ngoài ra, với quy trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm, chúng ta sẽ biết sản phẩm bị lỗi ở khâu nào? Bị can thiệp như thế nào mà từ đó khoanh vùng để xử lý”.
* Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM: Muốn biết thịt lợn có thực sự sạch, an toàn hay không thì phải chờ đến giai đoạn 2. Còn bây giờ, người tiêu dùng chỉ mới biết nguồn gốc thịt từ đâu, còn lợn được cho ăn gì thì bây giờ chưa truy xuất được.
Điểm bán thịt có truy xuất nguồn gốc tại TPHCM. Ảnh: PV
Theo LĐO
Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM: Hàng giả tồn tại do... người dân biết mà cứ mua
Vì sao nhiều loại sản phẩm hàng hóa được cho là hàng hiệu nhưng thực chất không phải, vậy khả năng kiểm soát thị trường thế nào để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng? Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho rằng, người dân... góp phần làm cho hàng giả tồn tại.
Tối 2-8, trong buổi họp báo định kỳ của UBND TPHCM, ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM cho biết, Chi cục đang phối hợp cùng tổ công tác của Bộ Công thương và các đơn vị liên quan kiểm tra toàn diện đối với Công ty cổ phần Con Cưng tại TPHCM.
Đến thời điểm này, cơ quan chức năng đang tạm giữ (chưa tịch thu) gần 120.000 sản phẩm trong hệ thống cửa hàng Con Cưng để tiếp tục làm rõ các dấu hiệu vi phạm. Cụ thể là các dấu hiệu: ghi nhãn hàng hóa chưa đúng quy định, chưa xuất trình đầy đủ hóa đơn chứng từ về hàng hóa...
Trả lời câu hỏi về tình trạng nhiều loại sản phẩm hàng hóa được cho là hàng hiệu nhưng thực chất không phải, vậy khả năng kiểm soát thị trường thế nào để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và môi trường cạnh tranh lành mạnh? Ông Nguyễn Văn Bách cho rằng, người dân đã... góp phần làm cho hàng giả tồn tại.
Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM
Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM cũng cho hay, hiện nay có tình trạng làm giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Chi cục đã phối hợp với chợ Bến Thành, chợ An Đông... kiểm tra nhiều đợt, sau đó tạm lắng, rồi trở lại như cũ. Mới đây, tại chợ Bến Thành, cơ quan chức năng đã phát hiện, tịch thu nhiều đồng hồ nhái thương hiệu nổi tiếng thế giới.
"Nguyên nhân sâu xa là thị hiếu, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn chưa cao, chưa quan tâm chống hàng giả. Người dân biết là giả, nhưng vẫn mua, góp phần làm cho hàng giả tồn tại", Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM lý giải. Câu trả lời này đã khiến báo giới TPHCM trong buổi họp báo ngỡ ngàng.
Trong khi đó, chủ trì buổi họp báo, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan lên tiếng khẳng định: "Hành vi làm hàng giả, hàng nhái là không thể chấp nhận được, không chỉ ảnh hưởng sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, mà còn làm mất uy thế của TPHCM, của Việt Nam".
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh là vấn đề báo giới TPHCM quan tâm
Về nguyên nhân, tâm lý "sính ngoại, giá rẻ" là một phần. Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Võ Văn Hoan cho rằng, phải thừa nhận, công tác quản lý chưa tốt. Điều này thể hiện ở 3 điểm: chưa chống tận gốc; xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe và quan trọng nhất, chính lực lượng QLTT và các lực lượng khác tham gia chống hàng gian, hàng giả cũng chưa đủ lực, chưa mạnh mẽ trong thực thi nhiệm vụ. Vì thế, TP đã tồn tại các "trung tâm chuyên tiêu thụ hàng gian, hàng giả lừa dối người tiêu dùng" và thường hàng gian, hàng giả chỉ bị phát hiện khi báo chí, người dân phản ánh, cơ quan chức năng sau đó vào cuộc xử lý.
Chánh văn phòng UBND TPHCM yêu cầu chính lực lượng QLTT và các cơ quan liên quan cần tự nhận thấy trách nhiệm của mình, chủ động làm sớm, làm tốt hơn; điểm mặt cụ thể và xử lý tới nơi tới chốn các trường hợp vi phạm.
KIỀU PHONG - MẠNH HÒA
Theo sggp
Từ Khaisilk, Mumuso đến Con Cưng... "Treo đầu dê bán thịt chó" phải chăng đã trở thành một "mô hình kinh doanh" phổ biến và "đặc trưng" ở Việt Nam? Trong những năm gần đây, người tiêu dùng chẳng còn biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả và luôn khuyên nhau hãy là người tiêu dùng thông minh! Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,...