Truy trách nhiệm liên đới trong các vụ tai nạn giao thông chết người
Tại hội nghị sơ kết Công tác đảm bảo an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2015, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín yêu cầu không chỉ khởi tố lái xe mà phải xác định trách nhiệm liên đới của chủ doanh nghiệp, đơn vị cấp phép bằng lái, đơn vị đăng kiểm…
Hiện trường vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết 5 người vừa xảy ra ngày 31/5 tại quận Thủ Đức (ảnh Đình Thảo)
Xác định trách nhiệm liên đới
Theo báo cáo của Ban ATGT TPHCM, từ tháng 12/2014 đến ngày 15/5/2015, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.454 vụ tai nạn giao thông, làm chết 293 người và bị thương 1.270 người. So với cùng kỳ năm 2014, số vụ giảm 328 vụ; số người chết không tăng – không giảm và số người bị thương giảm 335 người.
Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn thành phố lại xảy ra liên tiếp nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến container, xe rơ-moóc và xe tải gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. Về vấn đề này, lãnh đạo UBND TP yêu cầu phải mở rộng điều tra, xác định trách nhiệm liên đới của các đối tượng khác chứ không chỉ của lái xe.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cơ quan kiểm định, không để xảy ra tình trạng xe mất thắng, hư hỏng mà vẫn được phép lưu thông, gây tai nạn giao thông. “Cơ quan đăng kiểm không chỉ có việc nhận tiền rồi cấp giấy”, ông Lê Hoàng Quân đặt ra câu hỏi liệu cơ quan kiểm định có làm việc nghiêm túc, chủ doanh nghiệp có móc ngoặc với cơ quan đăng kiểm để kiểm tra sơ sài?
Để có cơ sở pháp lý làm việc này, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở – ngành liên quan sớm ban hành quy chế quản lý các hình thức vận tải. Đặc biệt, HTX phải chịu trách nhiệm khâu tuyển chọn lái xe, không thể để “lọt” các tài xế sức khỏe yếu, dùng chất kích thích (ma túy, chất gây nghiện), nghiện bia rượu hoặc sử dụng bia rượu trong khi điều khiển phương tiện, không thể sử dụng lao động mà không biết, không thể phủi trách nhiệm.
Triển khai cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo Sở Tư pháp cùng các sở ngành liên quan xây dựng quy chế quản lý hình thức vận tải, các phương tiện tham gia giao thông để trình UBND TP ban hành ngay trong tháng 7. Trong đó, quy định rõ chế tài cụ thể, trách nhiệm của đối tượng liên quan như đăng kiểm, doanh nghiệp, đơn vị cấp giấy phép lái xe.
Video đang HOT
Không có tình trạng “xe vua”
Cũng theo báo cáo của Ban ATGT TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2015, tình trạng ùn ứ giao thông hiện nay diễn biến hết sức phức tạp, đã xảy ra 13 vụ ùn ứ (tăng 5 vụ so với cùng kỳ 2014). Hiện tượng xe “dù”, bến “cóc” và tình trạng xe quá tải chưa được giải quyết triệt để.
Liên quan đến phản ánh của báo chí về hiện tượng “xe vua” được bảo kê, gắn logo thương hiệu để né trạm cân, thách thức công luận, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín yêu cầu Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (PC67), Công an thành phố làm rõ vấn đề này.
Đại tá Trần Thanh Trà – Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC67), Công an TPHCM khẳng định không có bảo kê hay “xe vua” nào cả. Theo ông, ở TPHCM không có “vùng cấm”, tất cả các phương tiện vi phạm đều bị xử lý, xe quá tải thì đều bị bắt, buộc hạ tải, giữ giấy tờ, không có chuyện có logo thì cho qua. Ông cũng khẳng định thời gian qua, xe quá tải tại các cửa ngõ đã giảm nhiều, thời gian tới sẽ tiếp tục mua thêm cân để xử lý xe quá tải tại cửa ngõ ra vào thành phố.
Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Hữu Tín yêu cầu các đơn vị, cơ quan chức năng có thẩm quyền trong tay thì phải biết phát huy để xử lý sai phạm. Ông Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh: “Ban ATGT TP cùng các đơn vị lập đoàn đi kiểm tra cụ thể để xác định lỗi của ai, xử lý rồi xem xét trách nhiệm. Trong năm 2015 phải dứt điểm xe quá tải, tình trạng bến “cóc”, xe “dù”.
Quốc Anh
Theo Dantri
Thứ trưởng Bộ Công an: Thuốc độc rất đắt nên tử hình bằng tiêm thuốc tốn kém
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Thứ trưởng thường trực Bộ Công an cho biết Bộ đang nghiên cứu 2 phương án, đầu tư trang bị các xe thi hành án tử hình lưu động hoặc xây dựng những trại giam chuyên để quản thúc các bị án tử hình để thuận lợi khi tiêm thuốc.
Việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc như nhiều đại biểu Quốc hội thông tin tại các phiên thảo luận tuần trước là hiện đang rất khó khăn. Cả nước hiện mới xây dựng được 5 nhà thi hành tập trung do chi phí tốn kém nên lượng bị án (người bị kết án, bản án đã có hiệu lực pháp luật) tồn đọng lớn chưa thể thi hành được?
Cơ bản không còn gì khó khăn cả, việc này chỉ vướng trong thời gian đầu áp dụng quy định vì thiếu nguồn thuốc nhưng hiện hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc đã thực hiện suôn sẻ. Nguồn thuộc độc hiện tại có cả tự sản xuất và có phần nhập khẩu và có thể khẳng định là có đủ để đảm bảo yêu cầu giải quyết án.
Còn đúng là cả nước mới chỉ có 5 nhà thi hành án nhưng vẫn đủ để thực hiện, chỉ có điều, việc di chuyển các bị án từ trại giam đến nơi thi hành án xa quá.
Ý kiến nói việc vận chuyển gây ra nhiều chi phí tốn kém thì cũng phải chịu thôi. Việc làm một trung tâm thi hành án tử hình đâu phải dễ, đương nhiên tốn kém không nhỏ. Chúng ta cũng định làm đồng loạt 15 trung tâm trên cả nước nhưng thực tế hiện tại mới chỉ làm được 5 điểm. Tuy nhiên, chúng tôi thấy như vậy cũng tạm đáp ứng được yêu cầu, chưa có gì phải bức xúc quá.
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Thứ trưởng thường trực Bộ Công an trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội chiều 8/6.
Mục tiêu ban đầu đề ra của việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc, bên cạnh khía cạnh nhân đạo thì còn một tiêu chí khác là để giảm thiểu chi phí nhưng nhiều đại biểu Quốc hội lại thông tin, thực tế việc xử bắn ngốn khoảng 15 triệu đồng/trường hợp, còn tiêm thuốc độc, chi phí cao hơn. Chuyện này có nằm trong dự liệu, thưa Thứ trưởng?
Giữa 2 hình thức này chúng tôi chưa so sánh được là tốn kém hơn bao nhiêu nhưng đúng là tử hình bằng tiêm thuốc độc có thể chi phí cao hơn xử bắn vì thuốc độc mua cũng đã rất đắt. Sau nữa, chi phí để đầu tư cơ sở giam giữ, thi hành cũng phải có máy móc, có con người, có hoạt động...
Nhưng luật đã ban hành rồi thì phải thực hiện, không có cách nào khác, trừ khi Quốc hội lại thay đổi luật, đồng ý quay trở lại hình thức xử bắn. Còn giờ luật vẫn quy định hình thức tiêm thuốc độc thì chỉ có chấp hành thôi, dù việc này đúng là có thể tốn kém hơn một chút.
Thực tế thì số người bị kết án tử hình, án đã có hiệu lực mà chưa được thi hành hiện vẫn tồn đọng lớn, lên đến hàng trăm trường hợp, gây nhiều hệ luỵ phức tạp. Nếu không phải do các trung tâm thi hành án quá tải thì lý do là gì, thưa ông?
Không phải do thiếu cơ sở vật chất mà số bị án tử hình tồn đọng, chưa thi hành được. Bây giờ thuốc độc cũng không còn thiếu nữa. Lý do cơ bản nhất khiến số bị án tồn đọng lớn là vướng mắc về thủ tục. Việc thi hành án tử hình thường liên quan đến rất nhiều khâu, nhiều vấn đề mà thủ tục chủ yếu phải do toà án lo chứ không phải cơ quan thi hành án. Xử xong, không phải toà tuyên phạt tử hình là thực hiện được ngay mà còn phải qua rất nhiều khâu, còn phải chờ xem có kháng án, kháng nghị gì không nữa.
Nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu các dẫn chứng cho thấy, từ khi một người bị kết án tử hình đến khi thi hành án được thời gian kéo dài rất lâu, có khi từ 3-4 năm. Việc này hiện đang gây áp lực lớn với cơ quan giam giữ, quản lý?
Cũng tuỳ từng vụ án thôi, không phải vụ nào cũng thế. Việc này liên quan đến rất nhiều thủ tục phải thực hiện, thậm chí có việc này việc kia tác động dẫn đến hiện tượng đó. Nhưng cũng có vụ việc thi hành án làm rất nhanh, ngược lại, có vụ phải kéo dài thời hạn xét xử, thi hành án.
Áp lực với chúng tôi thì đúng là rất lớn vì thông thường, người bị kết án tử hình đều biết chắc chắn bản thân sẽ phải "đền mạng" rồi nên những ngày chờ đợi để thi hành án rất tâm lý, hay có chuyện nọ chuyện kia, ẩu đả, hành hung cũng có, vi phạm các quy định của nhà tù cũng có. Thậm chí, giữa các bị án với nhau cũng nảy sinh chuyện này chuyện khác. Áp lực quản lý nhóm bị án phải thi hành án tử hình thực sự rất nặng nề.
Còn thông tin để thi hành một án tử hình có khi cần huy động đến lực lượng cả trăm người tham gia thì đó là một thực tế, một khó khăn, áp lực với ngành bởi nếu không, để xảy ra việc gì thì chúng tôi là người phải chịu trách nhiệm. Rất dễ xảy ra chuyện này chuyện khác như đánh nhau gây thương tích, tự vẫn... trong quá trình dẫn giải, hoặc giam giữ trong trại. Mà khi xảy ra sơ suất, trách nhiệm thuộc chúng tôi. Vì vậy, phải bố trí công tác bảo vệ nghiêm ngặt.
Báo cáo thẩm tra mới đây của UB Tư pháp về luật tạm giam tạm giữ có đưa ra yêu cầu Bộ Công an sớm nghiên cứu sử dụng xe thi hành án tử hình lưu động thay vì đầu tư những trung tâm thi hành án tập trung để giảm chi phí?
Phương án này chúng tôi đang nghiên cứu, cũng như hướng nghiên cứu phương án khác là thành lập cả một trung tâm giam giữ các bị án tử hình, tập trung ở một số vùng để đỡ việc khi thi hành án phải đưa phạm nhân đi lại, tốn kém. Những nội dung này đang trong nghiên cứu trước khi đề xuất, báo cáo với nhà nước để thực hiện thành công. Mỗi phương pháp đều có ưu điểm cũng như có những nhược điểm riêng của nó.
Việc tập trung bị án tử hình tại một trại, khác với việc để phân bố tại một số trại có quyền giam án tử hình như hiện nay. Sắp tới, nếu phương án này được chấp nhận thì Bộ Công an có thể sẽ xây dựng một số khu trại ở các vùng miền, các bị cáo có án tử hình thì sẽ giam giữ tập trung ở những trại này để lúc xét xử, thi hành án thuận tiện hơn. Nếu thực hiện quản lý tập trung, chắc chắn những điều kiện đảm bảo an toàn sẽ tốt hơn.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
P.Thảo (thực hiện)
Theo Dantri
Va chạm với xe tải vừa mua, người phụ nữ chết thảm Đang di chuyển trên đường, không may chiếc xe máy va chạm với chiếc xe tải chạy cùng chiều, người phụ nữ ngồi phía sau xe rơi xuống đường và bị chính chiếc xe tải cuốn vào gầm xe tử vong tại chỗ. Vào khoảng 17h30' ngày 26/5, trên Quốc lộ 1A, đoạn đi qua công viên Nam Cao, thành phố Phủ Lý,...