“Truy” trách nhiệm Cục Thuế TPHCM việc không truy thu được 239 tỷ đồng
Cục Thuế TPHCM đã biết vi phạm của 4 công ty trong việc hạch toán khoản chi phí hoa hồng dầu khí nhưng không kiểm tra, xử lý vi phạm kịp thời, dẫn tới số tiền thuế không truy thu được do quá thời hạn lên tới trên 239 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ Tài chính kiểm tra trách nhiệm Cục Thuế TPHCM.
Trụ sở Cục Thuế TPHCM (Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách nhà nước đối với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP Hà Nội của Thanh tra Chính phủ, năm 2012 Cục Thuế TPHCM tiến hành thanh tra đối với 4 công ty (Công ty Conoco Philips (UK) Cửu Long, Công ty SK Corporation, Công ty Geopetrol Việt Nam S.A, Công ty TNHH Korea National Oil Corporation). Quá trình thanh tra phát hiện các công ty đã hạch toán khoản chi phí hoa hồng dầu khí (hoa hồng chữ ký, hoa hồng phát hiện thương mại, hoa hồng sản xuất) vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế từ năm 2003-2012 là sai quy định, làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cục Thuế TPHCM đã ra quyết định xử lý truy thu với tổng số tiền trên 301 tỷ đồng. Các công ty đều khiếu nại và Cục Thuế TPHCM ban hành 4 quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung không công nhận nội dung đơn khiếu nại của cả 4 công ty này.
Không đồng tình, 4 công ty trên tiếp tục khiếu nại lên Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính). Sau đó, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xung quanh vướng mắc hoa hồng dầu khí.
Khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25/11/2013, Bộ Tài chính có công văn số 16282/BTC-TCT hướng dẫn thực hiện. Từ đây, Tổng cục Thuế đã ban hành 4 quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp do hạch toán chi phí hoa hồng dầu khí từ năm 2007-2010 (không truy thu giai đoạn từ năm 2003-2006); không xử phạt vi phạm hành chính và phạt chậm nộp.
Tiến hành kiểm tra hồ sơ sự việc, Thanh tra Chính phủ nhận thấy, ngày 3/10/2013 Công ty liên doanh điều hành Cửu Long (đại diện cho các nhà thầu trong liên doanh trên) có công văn gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đề nghị hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế.
Sau đó, Bộ Tài chính đã có công văn 2675/BTC-TCT trả lời: “Theo quy định tại Luật Dầu khí, chi phí được phép thu hồi trong năm tính thuế là các thi phí thực tế phát sinh, liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trong phạm vi hợp đồng dầu khí đã được kiểm toán”.
Video đang HOT
Như vậy, ngay từ năm 2004 các công ty trên đã biết được trách nhiệm của mình không được phép hạch toán các khoản hoa hồng dầu khí vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng trong suốt một thời gian dài (từ năm 2003 đến khi bị phát hiện qua thanh tra) không chấp hành, không nộp thuế đầy đủ.
“Cơ quan quản lý thuế (Cục Thuế TPHCM) đã biết vi phạm của 4 công ty trong việc kê khai thuế nhưng không kiểm tra, xử lý vi phạm kịp thời là việc làm thiếu trách nhiệm”- Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Theo số liệu giải quyết khiếu nại của Tổng cục Thuế, số tiền thuế không truy thu được do quá thời hạn lên tới trên 239 tỷ đồng. Cụ thể, của Công ty Geopetrol Việt Nam S.A trên 16,4 tỷ đồng; Công ty SK Corporation trên 42,1 tỷ đồng; Công ty Korean National Oil Corporation gần 66,8 tỷ đồng; Công ty Conoco Phillips (UK) Cửu Long trên 114 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính kiểm tra trách nhiệm Cục Thuế TPHCM về việc không kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm trong việc kê khai chi phí hoa hồng dầu khí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp của 4 công ty dầu khí nói trên.
“Căn cứ kết quả kiểm tra để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật”- Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Như Dân trí phản ánh trước đó, vào tháng 10/2016 khi công bố Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách nhà nước tại Cục Thuế TPHCM, Thanh tra Chính phủ cũng đã yêu cầu Cục Thuế TPHCM chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định đối với 18 doanh nghiệp (bên mua) sử dụng 349 tờ hoá đơn của doanh nghiệp bỏ trốn, với tổng số tiền trên 201,6 tỷ đồng, tiền thuế giá trị gia tăng trên 19,7 tỷ đồng có dấu hiệu của việc mua bán hoá đơn, vi phạm pháp luật hình sự.
Một số doanh nghiệp chây ì, cố tình trốn tránh nghĩa vụ tài chính
Căn cứ vào số liệu kê khai thuế đầu vào qua mạng của Tổng cục Thuế cung cấp về các đối tượng đã được ngành thuế thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh, giải thể, phá sản, đóng mã số thuế,… Thanh tra Chính phủ yêu cầu 9 Cục Thuế (Hải Dương, Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Bình Dương và Đồng Nai) rà soát trên 54.000 hoá đơn, tổng giá trị hoá đơn gần 7.400 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cũng tiến hành kiểm tra, xác minh về việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, phát hiện thấy các doanh nghiệp đã vi phạm quy định của nhà nước về lĩnh vực thuế. Hành vi vi phạm về thuế của các doanh nghiệp được diễn ra dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi: Kê khai thuế không đúng, sử dụng hoá đơn hàng hoá, dịch vụ mua vào không đúng để hoàn thuế giá trị gia tăng, kê khai chậm doanh thu (thường diễn ra với hoạt động kinh doanh bất động sản)…
Một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của cơ chế nhà nước để trốn thuế, không nộp thuế giá trị gia tăng đối với thu nhập đối với lãi cho vay, hạch toán các khoản dự phòng đầu tư chứng khoán, đầu tư tài chính dài hạn…
“Đặc biệt là một số doanh nghiệp đã chây ì, cố tình trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước (Công ty CP Đại Thanh, Công ty Cổ phần Sản xuất- Xuất nhập khẩu Bemes, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên…”-kết luận thanh tra nêu rõ.
Thế Kha
Theo Dantri
Thanh tra Chính phủ kiến nghị kiểm điểm, xử lý lãnh đạo Cục Thuế TPHCM
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với lãnh đạo Cục Thuế TPHCM có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm đã được phát hiện qua thanh tra.
Trụ sở Cục Thuế TPHCM (Ảnh: Pháp luật TPHCM)
Theo thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách nhà nước tại Cục Thuế TPHCM do ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ ký duyệt hôm qua (11/10), việc xây dựng, giao chỉ tiêu và thực hiện kế hoạch thanh tra tại Cục Thuế TPHCM còn nhiều bất cập, thiếu sót; công tác quản lý thuế thông qua việc kiểm tra thường xuyên hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế (kiểm tra tại bàn) thực hiện không đầy đủ. Trong 2 năm 2012-2013 tỷ lệ kiểm tra chỉ đạt 31-34%/số phải kiểm tra theo quy định nên chưa phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm, nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước thông qua công tác kiểm tra.
Công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng tại Cục Thuế TPHCM còn có khuyết điểm như: Tỷ lệ hồ sơ giải quyết chậm, thời gian chiếm tỷ lệ cao (20%); tính tiền chậm nộp đối với người nộp thuế bị xử lý qua thanh tra, kiểm tra chưa đúng theo quy định của Bộ Tài chính đối với 21.377 trường hợp, tổng số tiền tính thiếu trên 22 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện tại Cục Thuế TPHCM chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý với 61,4% hồ sơ quá hạn 1 năm chưa kiểm tra, nên chưa phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm thông qua công tác kiểm tra sau hoàn thuế. Xác minh hóa đơn phát hiện 13 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn không đủ điều kiện để hoàn thuế, số tiền phải truy hoàn trên 1 tỷ đồng. Nợ thuế trên địa bàn TPHCM hàng năm đều tăng, nhất là các khoản nợ trên 90 ngày. Tuy nhiên, Cục Thuế TPHCM chưa làm hết trách nhiệm, thiếu kiên quyết trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế.
Điển hình là việc không áp dụng biện pháp cưỡng chế phong tỏa, trích tiền từ tài khoản 25 doanh nghiệp nợ thuế gần 322 tỷ đồng; không áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế 82 doanh nghiệp với số tiền trên 457 tỷ đồng. Điều này dẫn đến số tiền nợ thuế không giảm mà ngày càng tăng, nhất là các khoản nợ quá hạn trên 90 ngày; tính đến thời điểm 30/9/2014 là 10.626 tỷ đồng, chiếm 60% tổng số tiền nợ thuế.
Công tác quản lý nợ tiền đất của Cục Thuế TPHCM cũng bị Thanh tra Chính phủ kết luận "có biểu hiện buông lỏng". Việc thông báo thu nợ và cưỡng chế thu hồi nợ tiền đất chưa được cơ quan thuế chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Quá trình tiếp nhận và xử lý hóa đơn bất hợp pháp theo thông báo của công an chuyển đến, Cục Thuế TPHCM cũng làm không kịp thời, có biểu hiện buông lỏng. Có 7 trường hợp (14 tờ hóa đơn) doanh nghiệp mua hóa đơn chuyển địa điểm kinh doanh nhưng cơ quan thuế không thông báo đến cơ quan quản lý thuế mới để xử lý; 421 tờ hóa đơn bất hợp pháp do cơ quan công an chuyển đến nhưng Cục Thuế TPHCM xử lý chậm, không triệt để, dẫn đến quá thời hiệu xử phạt.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với lãnh đạo Cục Thuế TPHCM có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm đã được phát hiện. Cục Thuế TPHCM tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo kiểm điểm theo thẩm quyền với trưởng các phòng nghiệp vụ tại Văn phòng Cục Thuế TPHCM và Chi cục trưởng các Chi cục thuế quận, huyện; yêu cầu các đơn vị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân lãnh đạo, công chức thuế để xảy ra các thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Đối với vi phạm về thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco, Thanh tra Chính phủ kiến nghị truy thu nộp bổ sung ngân sách nhà nước số thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh tăng phát hiện qua thanh tra từ năm 2010 đến năm 2014 (do thay đổi giá tính thuế từ Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn sang Công ty cổ phần thương mại khu vực) là 2.479 tỷ đồng (đã trừ số kiến nghị truy thu năm 2013 của Kiểm toán Nhà nước). Cơ quan thanh tra đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế, Cục Thuế TPHCM thực hiện.
Như Dân trí đã phản ánh trước đó, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Cục Thuế TPHCM chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xác minh, xử lý 18 doanh nghiệp (bên mua) sử dụng 349 tờ hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn, với tổng số tiền trên 201,6 tỷ đồng, tiền thuế giá trị gia tăng trên 19,7 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này tiếp tục bỏ trốn, có dấu hiệu của việc mua bán hóa đơn, vi phạm Điều 161 Bộ luật Hình sự và Điều 76 Luật Quản lý thuế 2006.
Thế Kha
Theo Dantri
Sẽ xử lý nếu cán bộ thuế chặn quán ăn để truy thu tiền Đó là khẳng định của ông Trần Nghị - Chi cục trưởng Chi cục thuế Tp Hà Tĩnh khi trao đổi với phóng viên Dân trí chiều 29/9 về clip cán bộ thuế phường Bắc Hà "chặn" khách không cho quán kinh doanh do chậm nộp thuế trong 3 tháng được đăng tải trên mạng. Như Dân trí đã đưa tin trước đó,...