Truy trách nhiệm của Agribank Việt Nam trong đại án thiệt hại 966 tỷ
Để làm rõ trách nhiệm của Agribank trong việc nâng quyền phán quyết cho Agribank Chi nhánh 6 lên 700 tỷ đồng dẫn tới thiệt hại, HĐXX hoãn tuyên án, quay lại phần xét hỏi.
Ngày 4/11, theo dự kiến TAND TP HCM tuyên án vụ làm thất thoát 966 tỷ đồng tại Agribank Chi nhánh 6, TP HCM. Tuy nhiên, cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Agribank Việt Nam trong việc nâng quyền phán quyết cho vay đối với Agribank Chi nhánh 6, HĐXX quyết định quay lại phần xét hỏi.
Trong những ngày xét xử trước đó, bị cáo Hồ Đăng Trung (nguyên giám đốc Agribank Chi nhánh 6) cho rằng, việc quyết định cho công ty của Dương Thanh Cường vay 628 tỷ đồng đã trình lên cấp trên và được lãnh đạo Agribank Việt Nam chỉ đạo. Do tin tưởng vào sự chỉ đạo này cũng như việc thẩm định của các thuộc cấp nên ông mới quyết định cho vay.
Ông Nguyễn Thế Bình trả lời tòa sáng nay. Ảnh: Hải Duyên.
Được triệu tập đến tòa, ông Nguyễn Thế Bình – nguyên tổng giám đốc Agribank Việt Nam – cho biết, thời điểm năm 2007, sau khi nhận được tờ trình của giám đốc Agribank Chi nhánh 6 về việc nâng quyền phán quyết cho vay để giải ngân cho công ty của Dương Thanh Cường, ông đã trình lên HĐQT của ngân hàng.
Là người ký duyệt quyết định nâng quyền phán quyết, nhưng ông Bình cho rằng, trách nhiệm trong việc để xảy ra thất thoát tại Agribank Chi nhánh 6 là do giám đốc chi nhánh. Bởi, giám đốc chi nhánh là người có quyết định cuối cùng sau khi nghiên cứu và thẩm định hồ sơ.
“Nhưng nếu không có quyết định nâng quyền phán quyết cho vay đến 700 tỷ thì cấp dưới không thể xuất tiền ra”, chủ tọa nói.
Ông Bình trả lời: “Việc quyết định cho phép nâng quyền phán quyết chỉ là quyết định cho chi nhánh một cái khung. Còn sau đó dựa vào tình hình hoạt động kinh doanh và kết quả thẩm định, giám đốc chi nhánh sẽ quyết định cho vay hay không”.
Liên quan đến việc Agribank Chi nhánh 6 đã nhiều lần giải ngân hàng trăm tỷ đồng cho công ty của Dương Thanh Cường, ông Bình nói “không biết vấn đề này” cũng như việc Agribank Chi nhánh 6 cho Dương Thanh Cường dùng 13 tài sản khác thay cho 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã mượn lại rồi mang đi thế chấp ngân hàng khác.
Trả lời HĐXX về việc căn cứ vào quy định, văn bản nào của Ngân hàng Nhà nước mà Agribank Việt Nam nâng quyền phán quyết cho vay đối với Agribank Chi nhánh 6 lên đến 700 tỷ đồng (trong hợp đồng tín dụng với công ty của Dương Thanh Cường), đại diện của Agribank Việt Nam đã viện dẫn một số quy định trong văn bản 1627 và 127 của Ngân hàng Nhà nước.
Video đang HOT
Tuy nhiên, vị chủ tọa khẳng định: “Tòa đã nghiên cứu rất kỹ các văn bản này nhưng không thấy quy định nào và cũng không biết việc Chi nhánh 6 được quyền cho vay đến 700 tỷ đồng là căn cứ vào đâu”.
Đại diện Agribank sau đó lý giải, việc này không được quy định cụ thể. Nhưng trong quyết định của Ngân hàng Nhà nước cho phép Agribank được tự chủ trong hoạt động kinh doanh.
“Việc nâng quyền cho vay là để tăng tính tự chủ cho chi nhánh. Với hàng nghìn chi nhánh khắp cả nước, nếu không nâng quyền thì không thể hoạt động kinh doanh được”, đại diện Agribank nói và tiếp tục viện dẫn quyết định 555 do Agribank ban hành. Theo quyết định này, giám đốc chi nhánh là người chịu hoàn toàn trách nhiệm về các quyết định cho vay đã xin nâng quyền phán quyết.
Quá trình thẩm vấn tại tòa, nguyên giám đốc Trung khai việc cho công ty của Dương Thanh Cường vay là “theo chỉ đạo của cấp trên”. Ảnh: Hải Duyên.
Theo cáo buộc của cơ quan công tố, Dương Thanh Cường (nguyên tổng giám đốc và giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tấn Phát) thành lập nhiều công ty, sau đó thuê người làm giám đốc để sử dụng những pháp nhân này đi vay ngân hàng. Thanh Cường đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ vay 170 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6 để thực hiện dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ và chung cư cao tầng tại số 10 Âu Cơ cùng với Công ty Dệt kim Đông Phương do Lê Thành Công làm giám đốc. Tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời của dự án này.
Thanh Cường sau đó tiếp tục chỉ đạo Lê Thanh Tuấn (nguyên phó giám đốc Công ty Thanh Phát) thế chấp 3 quyền sử dụng đất tại quận 12, quận 8 và 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Bình Chánh để vay 628 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6, nhằm thực hiện dự án Khu biệt thự vườn Thanh Phát tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.
Sau khi thế chấp cho Agribank vay tiền, Thanh Cường mượn lại giấy chứng nhận tài sản để hoàn thiện thủ tục. Tuy nhiên, ông ta không trả lại mà mang sang ngân hàng khác thế chấp vay hàng trăm tỷ đồng. Cường sau đó dùng 13 tài sản khác bù cho Agribank để thay thế cho 23 bất động sản đã lấy ra.
Dù biết các dự án của Thanh Cường chưa được cấp phép, tài sản thế chấp không đủ điều kiện bảo đảm, nhưng giám đốc Agribank Chi nhánh 6 – Hồ Đăng Trung và thuộc cấp đã bỏ qua các quy định, cho vay gần 800 tỷ đồng để cho Cường chiếm đoạt.
VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Trung 18-20 năm tù, các nhân viên tín dụng của Agribank Chi nhánh 6 mức án từ 8-18 năm tù về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Là người cầm đầu vụ án, Dương Thanh Cường bị đề nghị tù chung thân về các tội Lừa đảo, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo Thái Cường, Lê Sơn Hùng, Phạm Hoàng Thọ (nguyên phó giám đốc Công ty Thanh Phát) bị đề nghị mức án 16-20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến vụ án, bị cáo Lê Thành Công bị đề nghị 23-25 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Với vai trò đồng phạm, bị cáo Nguyễn Trọng Nhân bị đề nghị 11-12 năm tù.
Thời gian tuyên án sẽ được lùi đến 15h chiều 5/11.
Hải Duyên
Theo VNE
Đại án thất thoát 966 tỉ ở Agribank chi nhánh 6: Ngân hàng tranh tài sản thế chấp
Dương Thanh Cường dùng 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm tài sản thế chấp để vay tiền ở cả hai ngân hàng. Tại phiên tòa, cả Agribank và ngân hàng Phương Nam đều muốn lấy lại 23 giấy chứng nhận này.
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: Ngọc Lê
Theo cáo trạng, ngày 4.2.2007, Agribank chi nhánh 6 ký hợp đồng tín dụng cho công ty Thanh Phát vay 700 tỉ đồng. Ngày 19.9.2008, ngân hàng đã giải ngân 628 tỉ đồng.
Trong số các tài sản thế chấp để đảm bảo khoản vay, công ty Thanh Phát có thế chấp cho Agribank 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Ngày 10.4.2008, Dương Thanh Cường ký văn bản gửi Agribank chi nhánh 6 "xin mượn" toàn bộ 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên trong thời hạn 30 ngày để hoàn tất thủ tục pháp lý quyền sử dụng đất. Lãnh đạo Agribank ký duyệt cho mượn.
Lấy ra được 23 giấy chứng nhận này, Cường và Lê Thanh Hùng đem đến ngân hàng Phương Nam làm thủ tục thế chấp vay 190 tỉ đồng. Ngày 31.5.2008, Cường ký vay tiếp của ngân hàng này 130 tỉ đồng và 5.000 lượng vàng SJC. Với hai hợp đồng tín dụng trên, ngân hàng Phương Nam đã giải ngân tổng cộng 187,3 tỉ đồng và 9.000 lượng vàng.
Ngày 17.2.2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định thu giữ tang vật của vụ án gồm bản chính của 23 giấy chứng nhận do ngân hàng Phương Nam đang giữ.
Ngân hàng tranh sản
Trong phiên tòa diễn ra trong ngày 30.10, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho Agribank chi nhánh 6 và ngân hàng Phương Nam đều đề nghị tòa tuyên trả 23 giấy chứng nhận này để đảm bảo khoản vay.
Tại tòa, luật sư Lưu Văn Tám (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Phương Nam, nay đã sáp nhập vào ngân hàng Sacombank) cho rằng trên thực tế ngân hàng Phương Nam không hề biết 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp tại Agribank chi nhánh 6.
Luật sư Lưu Văn Tám trình bày quan điểm bảo vệ quyền lợi của ngân hàng Phương Nam - Ảnh: Ngọc Lê
"Pháp luật không hạn chế quyền nhận thế chấp 23 giấy chứng nhận của ngân hàng Phương Nam bởi vào thời điểm Agribank ký hợp đồng thế chấp, 23 giấy chứng nhận vẫn đứng tên các hộ dân, nhưng trong các hợp đồng thế chấp không có chữ ký cam kết thế chấp bảo lãnh cho công ty Thanh Phát của các hộ dân này; và không có giấy ủy quyền của các hộ dân này cho công ty Thanh Phát ký hợp đồng thế chấp tại Agribank chi nhánh 6", luật Tám phân tích.
Luật sư Tám cho rằng Agribank chi nhánh 6 đã nhận thế chấp 23 giấy chứng nhận nhưng không thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định nên Agribank không có quyền hạn chế và ngăn cản bên thứ ba nhận thế chấp 23 tài sản đảm bảo này.
Từ đó, LS Tám khẳng định nếu Agribank không thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định thì giao dịch bảo đảm của Agribank không có giá trị pháp lý.
Tuy nhiên, vị luật sư đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Agribank chi nhánh 6 kiến nghị Hội đồng xét xử tuyên trả 23 giấy chứng nhận mà công ty Thanh Phát đã thế chấp cho Agribank để đảm bảo số tiền vay.
Theo vị luật sư này, 23 giấy chứng nhận đã được công ty Thanh Phát thế chấp cho Agribank, sau đó Cường mượn lại nhưng không trả rồi mang thế chấp để vay tiền tại ngân hàng Phương Nam.
Ngọc Lê
Theo Thanhnien
Sếp ngân hàng làm mất 966 tỷ đồng bị đề nghị đến 20 năm tù Với cáo buộc cho vay sai quy định gây thất thoát gần 1.000 tỷ đồng, nguyên giám đốc Agribank Chi nhánh 6 bị đề nghị 18-20 năm tù. Ngày 28/10, phiên xử đại án làm thất thoát hơn 966 tỷ đồng tại Agribank Chi nhánh 6 (TP HCM) bước sang phần tranh luận. Phát biểu quan điểm về vụ án, VKS cho rằng,...