Truy tố nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông
Mặc dù có nhiều hạng mục chưa thi công nhưng ông Mai Vinh Quang, nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông, vẫn đồng ý nghiệm thu khống cho đơn vị thi công, gây ảnh hưởng đến tiến độ công trình, lãng phí vốn đầu tư.
Ngày 27/5, tin từ VKSND tỉnh Đắk Nông cho biết đã ban hành cáo trạng, truy tố ông Mai Vinh Quang (SN 1957- nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông, nguyên Giám đốc Sở Thông tin truyền thông tỉnh Đắk Nông) và ông Vũ Văn Tân (SN 1971- nguyên là Phó giám đốc Công ty TNHH TVXD Đại Nguyên) về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 224 Bộ luật Hình sự.
Ông Mai Vinh Quang, nguyên Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông, nguyên Giám đốc Sở Thông tin truyền thông tỉnh Đắk Nông.
Theo cáo trạng, năm 2004, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông được giao làm chủ đầu tư công trình Kho lưu trữ tài liệu tỉnh Đắk Nông với mức tổng đầu tư gần 20 tỷ đồng. Năm 2008, đơn vị này đã ký hợp đồng tư vấn quản lý dự án với công ty TNHH TVXD Đại Nguyên (trụ sở tại phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông). Ông Vũ Văn Tân-lúc này là Phó giám đốc Công ty Đại Nguyên được ủy quyền đại diện giám sát thi công công trình này.
Cuối năm 2010, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông đã ký hợp đồng thi công gói thầu số 02 (xây dựng nhà kho lưu trữ, thi công phòng cháy chữa cháy, hệ thống điều hòa…của Kho lưu trữ tài liệu tỉnh Đắk Nông) có giá trị hơn 14,9 tỷ đồng với công ty TNHH MTV Thành Long (trụ sở tại thị xã Gia Nghĩa- do ông Nguyễn Xuân Vinh làm Giám đốc).
Theo hợp đồng, thời gian hoàn thành gói thầu số 2 vào đầu năm 2012. Tuy nhiên, do không thể hoàn thành theo kế hoạch, nên đơn vị thi công xin gia hạn đến cuối năm 2012. Thời điểm này, ông Quang được bổ nhiệm ông làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; được bàn giao toàn bộ công việc tại Văn phòng Tỉnh ủy trong đó có việc quản lý xây dựng công trình Kho lưu trữ tài liệu tỉnh Đắk Nông.
Sau khi gia hạn hợp đồng, Công ty Thành Long lại thiếu vốn thi công nên Giám đốc Vinh đã gặp ông Quang và ông Tân đề nghị cho nghiệm thu, thanh toán trước khối lượng một số hạng mục công trình chưa thi công để lấy kinh phí tiếp tục thi công.
Được 2 người này đồng ý, ông Vinh đã lập hồ sơ nghiệm thu, thanh toán hơn 8,2 tỷ đồng. Trong đó, có 2,1 tỷ đồng là tiền thanh toán đối với các hạng mục chưa thi công.
Ngày 14/12/2012, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông có quyết định về việc điều chỉnh dự toán gói thầu số 2 lên 17,9 tỷ đồng. Đến ngày 20/6/2013, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông đã làm thủ tục, rút vốn đầu tư và thanh toán hơn 17,7 tỷ đồng cho công ty TNHH MTV Thành Long.
Tuy nhiên, sau khi được thanh toán, công ty Thành Long không tiếp tục thi công công trình mà sử dụng tiền vào mục đích khác. Ngày 29/4/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định thanh tra toàn bộ công trình Kho lưu trữ tài liệu tỉnh Đắk Nông. Tại thời điểm thanh tra, công trình đang dừng thi công, một số hạng mục chưa thi công và một số hạng mục còn dở dang.
Đến tháng 4/2017, công ty Thành Long mới thi công trở lại gói thầu xây lắp thuộc dự án Kho lưu trữ tài liệu tỉnh Đắk Nông. Đến ngày 28/5/2018, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông đồng ý cho nghiệm thu công trình này để đưa vào sử dụng.
Công an tỉnh Đắk Nông xác định, việc ông Quang và ông Tân ký xác nhận hồ sơ nghiệm thu, thanh toán đối với các hạng mục chưa thi công tại công trình Kho lưu trữ tài liệu tỉnh Đắk Nông có giá trị hơn 2,1 tỷ đồng là trái với quy định. Sai phạm này dẫn đến việc công trình chậm tiến độ hơn 5 năm so với hợp đồng đã ký kết, gây lãng phí vốn đầu tư công…Theo kết luận giám định của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông, thiệt hại do hành vi của Quang và Tân gây ra là hơn 111 triệu đồng.
Ngày 2/10/2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vinh về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, xét thấy hành vi của ông Vinh không có dấu hiệu phạm tội nên VKSND tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can đối với Vinh.
Liên quan đến việc này, vào tháng 3.2018, UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông đã thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Quang. Tháng 11.2017, UBKT Trung ương cũng đã kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông (nhiệm kỳ 2010-2015)- ông Nguyễn Văn Thử.
Theo Danviet
Gian lận thi cử ở Sơn La : Luật sư đề nghị xem xét khởi tố Giám đốc Sở GD-ĐT 'gửi gắm' 8 thí sinh
Luật sư cho rằng cần phải xem xét khởi tố ngay Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La để điều tra dấu hiệu nhận hối lộ khi "gợi ý" cấp dưới nâng điểm cho 8 thí sinh.
Liên quan đến vụ án gian lận thi cử ở Sơn La, theo cơ quan điều tra, bị can Trần Xuân Yến (khi bị bắt là Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La) khai trong số 13 thí sinh ông này nhận nâng điểm, có 8 trường hợp do chính Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La Hoàng Tiến Đức "nhờ vả".
Bình luận về thông tin này, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, cần thiết phải xem xét khởi tố Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La để điều tra.
"Cần phải xem xét điều tra, khởi tố ngay đối với Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La để điều tra có hay không hành vi nhận hối lộ để thực hiện việc chỉ đạo nâng điểm cho 8 trường hợp.
Vụ việc này gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục và các trường danh giá, làm ảnh hưởng đến tương lai cuộc đời của các cháu nhỏ.
Nếu những bị can này lại nhận một số tiền rất lớn nên mới chấp nhận đánh đổi để thực hiện thì cần phải xử lý nghiêm minh những người đưa, nhận và môi giới hối lộ", luật sư Bình nói.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La Trần Xuân Yến bị bắt do liên quan đến vụ gian lận thi cử gây chấn động dư luận cả nước.
Ngoài ra, luật sư Bình cho rằng, việc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La chuyển hồ sơ vụ án sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điểm a, Khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự là chưa hợp lý.
Cần phải xem xét điều tra, khởi tố ngay đối với Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La để điều tra có hay không hành vi nhận hối lộ để thực hiện việc chỉ đạo nâng điểm cho 8 trường hợp.
Luật sư Diệp Năng Bình
"Theo tôi, việc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là chưa đúng bản chất của vụ việc, chưa đúng với việc định tội danh.
Việc định tội danh này theo Điều 356 là rất có lợi cho các bị can bởi khung hình phạt cho tội danh này chỉ ở mức từ 5 năm đến 10 năm tù, do vậy không đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.
Nếu chứng minh được thì ở đây phải đề nghị truy tố các bị cáo và những người đưa tiền tội danh "đưa và nhận hối lộ" theo Điều 354 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình khi của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên", luật sư Bình cho hay.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, các hành vi của bị cáo có đầy đủ yếu tố để cấu thành tội danh "đưa và nhận hối lộ". Ở đây không phải ngẫu nhiên mà các thí sính được nâng điểm mà có sự chuẩn bị và nhận tiền để thực hiện hành vi.
"Giá của mỗi trường hợp nâng điểm trung bình là 1 tỷ đồng nên nó không còn là việc lợi dụng chức vụ quyền hạn nữa. Do đó cần phải thay đổi tội danh thì mới đúng tội", luật sư Bình nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với luật sư Diệp Năng Bình, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, vụ án thể hiện rất rõ dấu hiệu của hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ.
Liên quan đến thông tin các bị cáo khai "chi phí" để giúp rút bài, sửa nâng điểm trung bình mỗi trường hợp là 1 tỷ đồng, luật sư Cường cho rằng phải làm rõ ai là người đưa số tiền đó, đưa cho ai và với mục đích gì.
Video: 'Điểm danh' nhiều lãnh đạo Sơn La có con được nâng điểm
Luật sư Đăng Văn Cường phân tích 3 trường hợp:
Trường hợp thứ nhất, người đưa tiền đưa trực tiếp cho người có chức vụ quyền hạn để sửa điểm thì người đưa đó phạm tội đưa hối lộ, còn người nhận tiền có chức vụ quyền hạn để sửa là người nhận hối lộ. Trường hợp này phải khởi tố về tội "đưa và nhận hối lộ", với mức phạt cao nhất có thể lên đến tử hình.
Trường hợp thứ 2, người đưa tiền không đưa cho người có chức vụ quyền hạn mà đưa cho bên trung gian để nhờ can thiệp. Trường hợp này người trung gian sẽ bị xử lý về tội "môi giới hối lộ".
Trường hợp thứ 3, nếu người đưa tiền đưa cho người có chức vụ quyền hạn nhưng người đó không phải là người trực tiếp sửa điểm, không phải là người có chức vụ liên quan đến việc sửa điểm thì người nhận đó sẽ bị xử lý vì tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
"Về nguyên tắc, khi xác định có người nhận tiền và có người đưa tiền thì sẽ phải xem xét tội "đưa và nhận hối lộ". Trong trường hợp chưa xử lý ngay thì buộc phải tách, rút tài liệu để xử ý sau.
Cơ quan tố tụng bắt buộc phải có kết luận động cơ mục đích ở đây là gì. Nếu động cơ là đưa tiền thì tiền đấy là ai đưa, đưa cho ai và phải có kết luận xử lý thế nào đối với việc đưa tiền này", luật sư Cường cho hay.
XUÂN TRƯỜNG
Theo VTC
Bắt nữ phạm nhân đang hoãn thi hành án giấu ma túy trong áo ngực Được hoãn thi hành án để nuôi con nhỏ, Nguyên Ngoc Diêm tiếp tục có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Ngày 25/5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyên Ngoc Diêm (35 tuôi, trú huyên Đăk R'lâp, Đăk Nông)...