Truy tố đối tượng giết người khiến ông Huỳnh Văn Nén bị tù oan
Sau khi gây án, nghi phạm Nguyễn Thọ bỏ trốn qua nhiều nơi, sống với nhiều phụ nữ, từng ở tù dưới tên mới, cuối cùng, anh ta tự khai ra danh tính thật cùng hành vi phạm tội của mình khi bị… CSGT thổi phạt.
Ngày 9.8, VKSND tỉnh Bình Thuận đã hoàn tất cáo trạng, truy tố Nguyễn Thọ (40 tuổi) ra TAND tỉnh này để xét xử về hai tội giết người và cướp tài sản của công dân theo Điều 101 và 151 BLHS năm 1985. Thọ bị khởi tố ngày 10.10.2015 sau 17 năm bỏ trốn sau khi gây ra án mạng và khiến “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén bị kết án oan chung thân.
Bàn cướp của con gái nhưng thay đổi kế hoạch
Theo cáo trạng, chiều 23.4.1998, Thọ cùng Hồ Thanh Việt (đều ngụ thôn 2, xã Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận) và hai người bạn mua rượu uống. Đến 22h cùng ngày, sau khi tàn cuộc nhậu, Thọ và Việt đi dạo trên đường đến trước nhà bà Lê Thị Bông ở cùng thôn. Tại đây Việt nói với Thọ thấy con gái bà Bông đeo sợi dây chuyền khá lớn và cả hai thống nhất phục sẵn trên đường chờ con gái bà Bông đi buôn bán về khuya sẽ ra tay giật dây chuyền. Cả hai cũng thống nhất tìm dây trói nạn nhân để không bị phát hiện và ra giếng nước sau nhà bà Bông để tìm dây.
Sau khi thủ sẵn dây trói chờ nạn nhân về, Thọ bàn với Việt sợ bị lộ vì con gái bà Bông biết mặt nên cả hai thống nhất vào nhà bà Bông trộm đầu máy video. Đầu máy video nhà bà Bông để trong tủ khóa chặt nên Thọ và Việt vào căn nhà gỗ cạnh đó để tìm dụng cụ cạy tủ.
Khi Thọ vừa bước vào nhà thì bất ngờ thấy bà Bông đang nằm trên giường nhổm người dậy. Sợ bà Bông la, Thọ nhào tới cùng với Việt tấn công, khống chế rồi siết cổ bà Bông đến chết, lột lấy chiếc nhẫn vàng trên tay bà Bông.
Đại tá Phạm Thật, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, đang lấy lời khai Nguyễn Thọ (phải) trước sự chứng kiến của luật sư. (Ảnh do CQĐT cung cấp)
Phó công an xã nói đùa, hai hung thủ bỏ trốn
Sau đó, cả hai đến một quán cà phê nằm ngủ và Việt đưa nhẫn vàng cho Thọ giữ. Đến 5h sáng hôm sau (24.4.1998), cả hai đi bộ về nhà Việt cạnh đó rửa mặt rồi sang nhà anh Nguyễn Phúc Thành ở gần đó. Tại đây, Thọ lấy nhẫn vàng trong túi ra khoe với anh Thành, cho biết vừa trộm được.
Trong lúc cả ba đang nói chuyện thì anh Trần Văn Sáng, Phó Công an xã Tân Minh (đồng thời là dượng của anh Thành), chạy xe vào sân hỏi: “Tụi mày sáng sớm đi đâu về? Tụi mày biết không, bà Bông bị giết tối qua rồi, tụi mày làm phải không? Tao khám nghiệm nhìn trong mắt bả thấy bóng của tụi mày, ngày mai tụi mày lên xã trình diện”.
Video đang HOT
Nghe anh Sáng nói, Thọ tưởng thật nên hoảng sợ và có ý định bỏ trốn. Khi anh Sáng đi khỏi, Thành hỏi: “Có phải tụi mày làm không?” thì Thọ thừa nhận và nhờ Thành gọi xe ôm chở đi trốn. Việt thì nói với Thọ cứ bán nhẫn vàng trốn trước, còn Việt đã có tiền sẽ đi trốn sau.
Sau khi bán chỉ vàng ở xã Xuân Hòa (Xuân Lộc, Đồng Nai), Thọ dùng tiền mua bẫy thú rừng rồi đón xe vào hướng TP.HCM.
Toàn bộ chi tiết trên đây sau khi ông Huỳnh Văn Nén bị bắt giam, truy tố, kết án oan, anh Thành đã làm đơn tố giác người giết bà Bông không phải là ông Nén nhưng đã không được xác minh làm rõ.
Thực nghiệm điều tra khớp với diễn biến vụ án
Theo cáo trạng, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã cho Thọ thực nghiệm lại hành vi phạm tội như lời khai. Kết quả Thọ đã mô tả đúng hiện trường vụ án và diễn lại hành vi phạm tội của mình đúng như lời khai nhận tội.
Quá trình thực nghiệm điều tra, CQĐT đã đưa ra ba sợi dây cùng chiều dài nhưng bản rộng khác nhau để Thọ lựa chọn là sợi dây mà Thọ đã dùng siết cổ nạn nhân. Kết quả Thọ chọn sợi dây có bản rộng 1,2cm và xác định sợi dây này có đặc điểm tương đồng với sợi dây mà Thọ đã sử dụng gây án từ 17 năm trước (đã được giám định pháp y kết luận). Cụ thể, pháp y kết luận nguyên nhân cái chết của bà Bông là do bị ngạt vì siết cổ bằng dây mềm có bản rộng 1,2cm theo hướng từ trước ra sau và lên phía trên.
CQĐT cũng đưa Thọ đi chỉ lại các địa điểm mà Thọ khai đã bán nhẫn vàng và mua bẫy thú rừng. Kết quả Thọ đã chỉ đúng địa điểm, vị trí của hai nơi trên ở xã Xuân Hòa và Xuân Hưng (Xuân Lộc, Đồng Nai).
CQĐT cũng đã trưng cầu giám định chỉ bản (dấu vân tay) của Nguyễn Thọ khi làm CMND và chỉ bản của Thọ dưới tên tự khai là Phạm Văn Khanh khi chấp hành án hai năm tù tại Trại giam Cái Tàu, Cà Mau. Theo kết luận giám định, đây là dấu vân tay của cùng một người.
Trong vụ án này, ngoài việc khai nhận mình trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, Thọ còn khai có Hồ Thanh Việt cùng tham gia với vai trò giúp sức và là người trực tiếp tháo chiếc nhẫn của nạn nhân đưa cho Thọ bán lấy tiền bỏ trốn.
Theo CQĐT, có căn cứ xác định Việt là nghi can trong vụ án nhưng do Việt đã chết nên chưa đủ cơ sở để xem xét vai trò đồng phạm của Việt trong vụ án như Thọ đã khai.
Đại diện hợp pháp của bị hại là con gái bà Bông yêu cầu Thọ phải bồi thường một chỉ vàng, chi phí mai táng, thiệt hại do tổn thất về tinh thần và các khoản lãi phát sinh hơn 17 năm qua, tổng cộng hơn 630 triệu đồng.
Bị CSGT “vịn”, Nguyễn Thọ tự khai mình là hung thủ Ngày 24.4.1998, sau khi gây án, Thọ đón xe vào huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Tại đây, Thọ thuê người dẫn sang Campuchia và đi xẻ gỗ thuê. Hơn một năm sau, Thọ bị sốt rét nên đón xe đi Cần Thơ, tự đặt cho mình tên Phạm Văn Khanh và xin vào làm thuê cho một cơ sở sản xuất kem. Khoảng một tháng sau, Thọ đón xe đi Vũng Tàu và làm thuê cho một tiệm kem trên đường Lê Lai. Tại đây, Thọ quen chị S là người nấu ăn cho tiệm kem. Sau đó Thọ về quê của chị S và sống như vợ chồng tại huyện Long Phú, Sóc Trăng. Năm 2002, Thọ và chị S có một con trai chung và đến năm 2010, Thọ bỏ chị S theo chị H sang Cù Lao Dung, Sóc Trăng. Ngày 8.7.2012, Thọ dùng kéo đâm người yêu cũ của chị H gây thương tích và bị TAND huyện Cù Lao Dung xử phạt hai năm tù. Ra tù, Thọ lần lượt đến Kiên Lương (Kiên Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp) làm thuê và sau đó sống như vợ chồng với chị P ở Hồng Ngự. Ngày 10.10.2015, trong khi điều khiển xe mô tô, Thọ bị CSGT Hồng Ngự dừng xe kiểm tra. Do không có giấy tờ xe và giấy tờ tùy thân nên Thọ được đưa về trụ sở. Tại đây, Thọ bất ngờ khai nhận tên tuổi thật của mình cùng hành vi phạm tội nên Công an huyện Hồng Ngự đã lập biên bản đầu thú và báo cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận. 12 ngày sau, ngày 22.10.2015, ông Huỳnh Văn Nén, người bị kết án oan chung thân vì bị cáo buộc sát hại bà Bông, được cho tại ngoại sau 17 năm thụ án. Trước đó, tháng 11.2014, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao, tuyên hủy hai tội danh giết người và cướp tài sản của công dân trong bản án sơ thẩm kết tội ông Nén. Không lâu sau, ông Nén chính thức được đình chỉ và minh oan.
Theo Phương Nam ( Pháp luật TP.HCM)
Ai phải bồi thường cho "người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén?
Ông Huỳnh Văn Nén, người bị kết 2 bản án oan và ngồi tù oan 17 năm đã gửi đơn yêu cầu bồi thường 18 tỷ đồng. Vậy cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm bồi thường và ai sẽ trả tiền bồi thường cho "người tù thế kỷ" này?
"Người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén (Ảnh: Pháp luật TP.HCM)
Như đã thông tin, hôm qua (11.4), ông Huỳnh Văn Nén, người duy nhất tại Việt Nam 2 lần bị kết án oan trong 2 vụ giết người và ngồi tù oan hơn 17 năm đã chính thức tới Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền là 18 tỷ đồng.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Sơn Hải, Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý (Đoàn Luật sư Hà Nội) để tìm hiểu những vấn đề xung quanh hành trình đòi bồi thường của ông Huỳnh Văn Nén.
Thưa luật sư, "người tù thế kỉ" Huỳnh Văn Nén vừa đệ đơn yêu cầu đòi bồi thường 18 tỷ đồng, vậy cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Nén?
Luật sư Nguyễn Sơn Hải: Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTNN), cơ quan nào sau cùng làm sai thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong vụ việc của ông Nén, TAND tỉnh Bình Thuận là cơ quan tiến hành tố tụng cuối cùng gây oan sai cho ông Nén nên cơ quan này phải thực hiện giải quyết bồi thường.
Mất bao lâu để ông Nén có thể được giải quyết bồi thường thưa luật sư?
Quá trình giải quyết bồi thường sẽ rất phức tạp bởi vì số tiền bồi thường 18 tỷ theo yêu cầu của ông Nén rất lớn. Việc xác minh các thiệt hại của ông Nén có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.
Chính luật sư Phạm Công Út (luật sư hỗ trợ tư vấn pháp lý cho ông Nén - PV) cũng đã cho biết, không phải tài sản nào gia đình ông Nén bán lấy tiền đi kêu oan cũng lưu lại giấy tờ, hóa đơn.
Thời gian giải quyết bồi thường ông Nén còn phụ thuộc vào cách thức giải quyết. Nếu ông Nén và TAND tỉnh Bình Thuận thương lượng được mức tiền bồi thường thì có thể sớm nhận được tiền bồi thường. Còn nếu không thỏa thuận được, ông Nén khởi kiện ra tòa, quá trình giải quyết bồi thường sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Giả sử cơ quan chức năng chấp thuận mức bồi thường 18 tỷ đồng như yêu cầu của ông Nén thì số tiền này sẽ lấy từ đâu, thưa luật sư?
Theo quy định tại Luật TNBTNN và các văn bản hướng dẫn thi hành, kinh phí bồi thường cho ông Nén trước hết sẽ được lấy từ ngân sách Nhà nước để chi trả. Sau đó, những người gây oan sai cho ông Nén sẽ phải hoàn trả lại số tiền trên cho Nhà nước tùy vào mức độ lỗi.
Cụ thể, nếu những người gây oan sai cho ông Nén có lỗi cố ý và bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ phải bồi thường toàn bộ theo quyết định của Tòa án giải quyết vụ án hình sự. Nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thi hành công vụ chỉ phải hoàn trả tối đa không quá 36 tháng lương của họ tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.
Tuy nhiên, theo quy định, những người làm oan sai cho người khác trong tiến hành tố tụng hình sự sẽ không phải chịu trách nhiệm hoàn trả nếu họ có lỗi vô ý hoặc hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 3 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.
Nếu xảy ra trường hợp này, phần lớn hoạc toàn bộ số tiền bồi thường cho ông Nén chính là của người dân, bởi số tiền chi trả cho ông Nén lấy từ ngân sách của Nhà nước do dân đóng góp.
Xin cảm ơn ông!
Bộ Tài chính sẽ cấp tiền bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén Trao đổi với PV sáng 12.4, ông Nguyễn Văn Bốn - Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết: Việc giải quyết bồi thường oan sai trong tố tụng, tất cả thẩm quyền thuộc về phía Tòa án. Trong vụ án của ông Huỳnh Văn Nén thẩm quyền thuộc TAND tỉnh Bình Thuận. Về góc độ quản lý, Cục sẽ phối hợp với phía Tòa án trong công tác quản lý bồi thường oan sai. "Trong quá trình giải quyết bồi thường với ông Nén nếu có vướng mắc thì TAND tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm xin ý kiến TAND Tối cao. Sau đó, TAND Tối cao có thể phối hợp với Cục Bồi thường Nhà nước để xem xét", ông Bốn cho biết. Ông Bốn cũng cho biết thêm, nếu ông Nén và Tòa án thượng lượng được mức bồi thường, không có vướng mắc gì thì Tòa án sẽ trực tiếp làm việc với Bộ Tài chính để lấy tiền chi trả cho ông Nén, việc bồi hoàn tiền cho Nhà nước sẽ tính sau.
Theo Danviet
"Người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm Ngày 8.3, ông Huỳnh Văn Nén đã có đơn gửi tới Viện trưởng VKS Nhân dân Tối cao để đề nghị xem xét theo trình tự giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm ngày 31.8.2000. Ông Huỳnh Văn Nén cho rằng mình vẫn còn bị một bản án oan. Theo cơ quan điều tra vào tháng 6.1998, ông Nén đã từng...