Truy tố điều tra viên trong vụ án Năm Cam
Viện KSND Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố bị can đối với ông Nguyễn Tuyến Dũng (trú tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) về “hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.
Ông Dũng trước đó nguyên là điều tra viên cao cấp Cơ quan CSĐT CA tỉnh Tiền Giang và là điều tra viên chuyên án Năm Cam.
Cùng liên quan đến vụ án này còn có ông Nguyễn Văn Nên (nguyên phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang) cũng bị VKSND Tối cao truy tố về hành vi trên. Nhưng hiện nay ông Nên đang được tạm thời đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can để xử lí sau do ông Nên đang phải điểu trị bệnh tâm thần.
Theo tài liệu điều tra, năm 2002, hai ông Nguyễn Văn Nên và ông Nguyễn Tuyến Dũng được Bộ CA điều động tham gia chuyên án Z.501 điều tra băng nhóm tội phạm do Trương Văn Cam (tức Năm Cam) cầm đầu.
Khi chuyên án kết thúc, Cơ quan CSĐT Bộ CA tiếp tục điều tra một số vụ án có dấu hiệu liên quan đến các băng nhóm tội phạm có tổ chức, trong đó có vụ án “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại Công ty gas Bình Dương (trụ sở tại Khu công nghiệp Đồng An, tỉnh Bình Dương do Công ty cổ phần Hưng Thịnh làm chủ đầu tư) được khởi tố ngày 3/4/2003. Vụ án này, ông Nên và ông Dũng cùng tham gia điều tra.
Ngày 29/4/2003, ông Nên ký lệnh bắt khẩn cấp ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, và ông Phạm Văn Hướng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hưng Thịnh, về hành vi “gây rối trật tự công cộng” xảy ra từ năm 2000 tại Khu công nghiệp Đồng An.
Theo tài liệu điều tra, lợi dụng việc tham gia điều tra vụ án này, ông Nên và ông Dũng đã giải quyết tranh chấp dân sự giữa vợ chồng ông bà Huỳnh Thị Thu, Nguyễn Văn Cư (trú tại TPHCM) và Công ty cổ phần Hưng Thịnh trong khi vụ tranh chấp này đang được TAND huyện Dĩ An (nay là thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) thụ lý giải quyết.
Viện KSND tối cao xác định ông Nên và ông Dũng biết tranh chấp này là tranh chấp dân sự đã được khởi kiện theo thủ tục dân sự, không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan công an, không liên quan đến vụ án “gây rối trật tự công cộng” nhưng vẫn giải quyết vụ việc này.
Video đang HOT
Trong vụ án này, Viện KSND tối cao còn xác định khi Bùi Mạnh Lân bị bắt tạm giam, ban chuyên án nhận được tin báo về việc phạm nhân Liên Khui Thìn (bị can trong vụ Epco – Minh Phụng) tố cáo ông Lân có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 50-60 tỉ đồng của Công ty Epco.
Sau đó, ông Nên và ông Dũng “ép” ông Bùi Mạnh Lân khai nhận có chiếm đoạt của Liên Khui Thìn khoảng 8 tỉ đồng và “bảo” ông Lân bán nhà riêng tại TP.HCM với mục đích chi trả.
Chịu áp lực của ông Nên và ông Dũng, ông Lân đã phải khai nhận hành vi phạm tội chiếm đoạt hơn 8 tỉ đồng của Liên Khui Thìn. Sau đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã xác định Liên Khui Thìn nhầm lẫn và không có chuyện Bùi Mạnh Lân chiếm đoạt tiền.
Viện KSND tối cao cũng làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án “gây rối trật tự công cộng”, ông Nguyễn Văn Nên đã ký lệnh bắt khẩn cấp ông Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng, Đỗ Cao Bằng cùng một số người khác trái thẩm quyền và để kéo dài thời gian tạm giam thêm từ 5-26 ngày đối với mỗi người.
Cơ quan tố tụng xác định Hành vi trên của ông Lân có dấu hiệu vi phạm Bộ luật hình sự, nhưng do thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết nên cơ quan điều tra không xem xét hành vi này.
Hồng Ngân
Theo Dantri
Luật sư đầu tiên của gia đình Năm Cam tiết lộ về ông trùm
"Đến tận giờ tôi vẫn nhớ và tiếc cho vụ án này vì trong quá trình nghiên cứu tài liệu, tôi phát hiện ra rất nhiều chứng cứ gỡ tội cho bị can, bị cáo...", luật sư Nguyễn Cẩm nói.
Dù vụ án Năm Cam (Trương Năm Cam) và đồng bọn đã được đưa ra xét xử cách đây hơn chục năm và Năm Cam đã bị thi hành án tử, người vợ yêu của ông trùm cũng đã theo ông ta đi xa, nhưng đến giờ, vẫn còn rát nhiều điều bí ẩn về ông trùm này. Và cả chuyện, mời luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những thành viên trong gia đình giang hồ này.
Phóng viên có cuộc gặp gỡ với vị luật sư đầu tiên được gia đình ông trùm mời bảo vệ quyền và lợi ích cho chính ông trùm tại phiên tòa. Đó là luật sư Nguyễn Cẩm, hiện đang là Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP Hải Phòng, Ủy viên thường vụ ban chấp hành liên đoàn luật sư Việt Nam.
Con số khủng
Nhấp ngụm nước chè, luật sư Nguyễn Cẩm chầm chậm hồi tưởng, không giấu vẻ hào hứng khi nhắc vụ án Năm Cam. Hồi đó, thời điểm 2002-2003, để xét xử vụ án này, ngoài lực lượng tư pháp như lãnh đạo, cán bộ của ngành tòa án, viện kiểm soát, công an... thì số lượng luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích cho các bị can, bị cáo với số lượng khủng nhất (khoảng 70 luật sư tham gia bảo vệ cho các thân chủ).
Số lượng bị can bị cáo cùng nhiều nhất (lên tới 155 bị can, bị cáo). Họ bị truy tố về 24 tội danh. Trong suốt khoảng thời gian kéo dài hàng tháng, TP.HCM và trại tạm giam công an tỉnh Tiền Giang là nơi hội họp của các luật sư. Riêng văn phòng luật sư của ông, có rất nhiều luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị can, bị cáo trong vụ án này.
Năm Cam và các đệ tử ra hầu tòa.
Luật sư Cẩm cho biết: "Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người thân, gia đình bị can Trương Năm Cam đã mời tôi bảo vệ cho ông ta. Sau đó, tòa án đã cấp giấy phép cho tôi được vào gặp bị can trong trại tạm giam. Thế nhưng, khi vào trại giam, tôi bị gây khó khăn. Rất lâu sau, mới thấy bị can Trương Năm Cam ra gặp".
Luật sư chỉ định cho Trương Năm Cam lại là luật sư Nguyễn Đăng Trừng. Dù đã có luật sư chỉ định nhưng gia đình Năm Cam vẫn chưa yên tâm, nên nhờ các mối quan hệ giới thiệu luật sư có uy tín, giỏi nghiệp vụ để giúp gia đình bào chữa nhằm mục đích giảm nhẹ tội cho Năm Cam.
Luật sư Nguyễn Cẩm nhớ lại: "Đúng là có luật sư muốn oai thật. Tôi được gia đình mời vì họ thích luật sư Bắc. Văn phòng của tôi có đến 4 luật sư được mời tham gia vụ này. Tôi đã vào đó cùng với hai cộng sự khác, bỏ hơn 1 triệu đồng photo tài liệu, rồi phải thuê nhà để ở với mục đích rất nghiêm túc của nghề nghiệp".
Sự từ chối bất ngờ
Vì sao luật sư lại bị Năm Cam từ chối? Luật sư Cẩm cho biết: "Trước đó chính Năm Cam đồng ý để gia đình mời tôi tham gia bào chữa. Khi mời được rồi, các thủ tục tòa đã cấp cho tôi đầy đủ, tôi bất ngờ lần thứ hai gặp Năm Cam ở trại tạm giam công an Tiền Giang, bị Năm Cam từ chối không hợp tác.
Trước khi xuống tại gặp Năm Cam, tôi cũng lờ mờ hiểu ra sự việc nên trong quá trình làm việc, tôi luôn hỏi tâm tư, nguyện vọng của Năm Cam xem ý định của các bên thế nào. Sau vài tiếng đồng hồ gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp với "ông trùm" này (từ đầu giờ đến gần cuối giờ - PV), nhưng không đưa lại kết quả như mong muốn.
Lúc này, không biết vì lý do gì, hay có sự tác động từ đâu, nhưng Năm Cam đã từ chối và không muốn tôi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Năm Cam trả lời rằng, đã có luật sư chỉ định rồi thì để luật sư chỉ định thực hiện, rất cảm ơn tôi vì đã vất vả những ngày qua.
Nói rồi Năm Cam đi vào trong rất nhanh, có vẻ không bình thường hay tiếc nuối gì đó. Chiều đó, tôi về TP.HCM, gặp gỡ người nhà Năm Cam và đề nghị thanh lý hợp đồng. Tôi không muốn trong lúc lao đao, họ lại phải vướng bận vì mình.
Lúc này, mọi người trong gia đình Năm Cam đã thi nhau thuyết phục và mong muốn tôi hay chờ đợi thêm một thời gian nữa để người nhà nhắn tin vào trong trại nói, Năm Cam chấp nhận, tiếp tục đề xuất với cơ quan điều tra, TAND cho tôi tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Năm Cam. Tuy nhiên, mọi thứ đều bất lực.
"Tôi hiểu, Năm Cam rất muốn tôi tham gia nhưng sau đó chắc là có sự chỉ đạo ngầm, hoặc một sự thỏa thuận ngầm đằng sau nên Năm Cam kiên quyết từ chối. Điều bất ngờ là Năm Cam không nói rõ lý do thay đổi của mình làm gia đình họ thời điểm này rất rối. Chính tôi phải an ủi và thuyết phục họ để họ không bị áp lực về tâm lý".
Dừng lại một phút, luật sư Cẩm hồi tưởng: Lúc đó tôi đã rất mất nhiều thời gian, công sức từ việc gặp gỡ, xin tòa án cấp giấy, tiếp tới phải làm hàng loạt các thủ tục theo quy định của pháp luật mới được gặp gỡ Năm Cam.
Thế nhưng, do người ta không cần thuê luật sư nên ngay sau đó, tôi đã trả lại toàn bộ giấy tờ cho tòa án. Tuy nhiên, đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ và tiếc cho vụ án này vì trong quá trình nghiên cứu tài liệu, tôi phát hiện ra rất nhiều chứng cứ gỡ tội cho bị can, bị cáo và thấy rõ một số tình tiết chưa được điều tra rõ ràng...
Chẳng hạn, cáo trạng truy tố tội giết người, nhưng tìm hiểu có nhiều chứng cứ buộc tội chưa chặt chẽ trong hồ sơ hay như cáo trạng truy tố tội Năm Cam chỉ đạo đối tượng Việt (đàn em Năm Cam) trốn đi Campuchia... là những tình tiết chưa thật sự thuyết phục.
Theo Đời sống & Pháp luật
Ông trùm Năm Cam qua lời của luật sư đầu tiên được 'nhờ cậy' Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ và tiếc cho vụ án này vì trong quá trình nghiên cứu tài liệu, tôi phát hiện ra rất nhiều chứng cứ gỡ tội cho bị can, bị cáo... Năm Cam và các đệ tử ra hầu tòa Mặc dù vụ án Năm Cam (Trương Năm Cam) và đồng bọn đã được đưa ra xét xử...