Truy tố đến cùng rồi né bồi thường oan
Sau năm phiên tòa, hai lần đình chỉ, xác định bị can bị oan, cuối cùng VKS đã dùng “chiêu” miễn trách nhiệm hình sự để né bồi thường oan rất ngoạn mục!
Đó là trường hợp của anh Lý Quốc Nghiệp ở phường 6, TP Trà Vinh, Trà Vinh. Anh Nghiệp được xác định vô tội hai lần nhưng sau khi đòi bồi thường oan thì anh thành “có dấu hiệu tội phạm nhưng không còn nguy hiểm”.
Bản án bốn năm tù và 600 ngày tạm giam
Năm 2004, anh Lý Quốc Nghiệp khi ấy mới 23 tuổi, đang làm chủ DNTN Quốc Nghiệp ở phường 6, TP Trà Vinh. Doanh nghiệp của anh chuyên kinh doanh gas, xăng dầu và điện máy.
Ông Lê Văn Tài (chủ DNTN điện máy ở phường 3, TP Trà Vinh) sau khi thỏa thuận hợp đồng miệng đã chở một số hàng điện máy đến cửa hàng của anh Nghiệp trưng bày để giới thiệu với khách hàng. Tuy nhiên, khi giao hàng, ông Tài không yêu cầu anh Nghiệp ký nhận và xác nhận nợ. Việc giao dịch giữa hai bên không tuân theo các quy định trong hoạt động thương mại, không ghi hóa đơn, chứng từ…
Cuối năm 2005, sau một năm, ông Tài lấy 18 cái tivi không bán được đem về. Tuy nhiên, sau khi chuyển về thì ông chở hàng quay lại bỏ trước nhà anh Nghiệp. Hai bên phát sinh mâu thuẫn trong giải quyết công nợ, ông Tài làm đơn tố cáo.
Tháng 5-2007, anh Nghiệp bị khởi tố, hai lần bị bắt, tổng cộng bị tạm giam hơn 600 ngày.
Cáo trạng của VKSND TP Trà Vinh cho rằng anh Nghiệp chiếm đoạt hơn 186 triệu đồng. Xử sơ thẩm và phúc thẩm, TAND TP Trà Vinh và TAND tỉnh Trà Vinh kết án anh Nghiệp bốn năm tù, buộc bồi thường trách nhiệm dân sự.
Tháng 5-2009, VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm này.
Ngày 30-9-2009, TAND Tối cao hủy cả hai bản án để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung. Quyết định giám đốc thẩm cũng lưu ý: “Nếu không điều tra, xác minh được anh Nghiệp thực sự có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của ông Tài thì đây chỉ là giao dịch dân sự”.
Video đang HOT
Anh Lý Quốc Nghiệp kiên trì gõ cửa các cơ quan để minh oan cho mình. Ảnh: PHƯƠNG LOAN
Đình chỉ rồi truy tố
CQĐT Công an TP Trà Vinh điều tra lại, không chứng minh được hành vi phạm tội. VKSND TP Trà Vinh bốn lần trả hồ sơ. Sau đó VKSND tỉnh rút hồ sơ lên rồi gửi công văn thỉnh thị VKSND Tối cao cho ý kiến về vụ án. Sau đó VKSND Tối cao có công văn phúc đáp, đại ý không đủ căn cứ truy tố anh Nghiệp tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Giữa năm 2011, VKSND TP Trà Vinh ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can (lần thứ nhất) với lý do việc giao dịch giữa hai bên là giao dịch dân sự.
Tuy nhiên, một tháng sau, viện trưởng VKSND tỉnh Trà Vinh khi đó là ông Nguyễn Trọng Khỏe đã ra quyết định hủy hai quyết định đình chỉ này, đồng thời yêu cầu cấp dưới ra quyết định truy tố vì anh Nghiệp “có thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của ông Tài được thể hiện trong hồ sơ vụ án”.
Anh Nghiệp tiếp tục bị truy tố. Số tiền mà VKS cáo buộc anh chiếm đoạt lúc này còn 31 triệu đồng thay vì 186 triệu như trước đây.
Ngày 3-10-2011, TAND TP Trà Vinh xử sơ thẩm lần hai, kết tội và tuyên án anh Nghiệp hai năm tù theo điểm a khoản 1 Điều 140 BLHS (vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó).
Tháng 7-2013, TAND tỉnh Trà Vinh hủy án để điều tra, xét xử lại.
Đòi bồi thường oan thì bị xác định có tội
Điều tra lại, CQĐT Công an TP Trà Vinh vẫn không chứng minh được hành vi phạm tội nên ngày 2-1-2014, VKSND TP Trà Vinh đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với anh Nghiệp vì không đủ căn cứ để truy tố.
Sau đó, anh Nghiệp yêu cầu TAND TP Trà Vinh xin lỗi công khai và bồi thường gần 8,3 tỉ đồng do làm oan.
Ngày 29-7-2015, ông Phan Hoàng Hải, Viện trưởng VKSND tỉnh Trà Vinh, ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án và quyết định đình chỉ bị can đối với anh Nghiệp. Lý do: Hai quyết định này không có căn cứ vì anh Nghiệp có thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Viện trưởng yêu cầu VKSND TP Trà Vinh thực hiện giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật.
Hai ngày sau, ngày 31-7-2015, ông Nguyễn Thanh Bình, Viện trưởng VKSND TP Trà Vinh, ra quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh Nghiệp “do chuyển biến tình hình” theo khoản 1 Điều 25 BLHS.
Trong quyết định, VKS ghi rõ: “Xét thấy hành vi của ông Nghiệp đã cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền 31 triệu đồng… Xét thấy vụ án xảy ra đã quá lâu, hậu quả không lớn, từ khi có hành vi phạm tội từ năm 2004 đến nay, Lý Quốc Nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ công dân nên cũng cần áp dụng chính sách hình sự để xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS là phù hợp”.
Anh Nghiệp khiếu nại hai quyết định cuối cùng của VKSND tỉnh Trà Vinh và VKSND TP Trà Vinh vì cho rằng nó trái pháp luật và có dấu hiệu né bồi thường oan nhưng không được hai VKS này hồi âm.
Ngày 6-4-2016, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội yêu cầu viện trưởng VKSND tỉnh Trà Vinh xem xét, giải quyết, trả lời anh Lý Quốc Nghiệp và báo cáo kết quả giải quyết đến Ủy ban Tư pháp. “Tuy nhiên, đến nay hai cấp VKS Trà Vinh vẫn chưa trả lời khiếu nại của tôi” – anh Nghiệp cho biết.
VKSND tỉnh Trà Vinh từ chối trả lời phỏng vấn PV Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với VKSND tỉnh Trà Vinh để tìm hiểu, trao đổi một số vấn đề xung quanh vụ án. Đó là tình hình chuyển biến trong vụ án này là tình hình gì, số tiền 31 triệu đồng VKS cho rằng anh Nghiệp chiếm đoạt sao gọi là hậu quả không lớn, có phải việc đình chỉ theo khoản 1 Điều 25 BLHS là để né việc bồi thường oan cho anh Nghiệp… Sáng 1-8, qua điện thoại, ông Bùi Thanh Hận, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn VKSND tỉnh Trà Vinh, cho biết Viện trưởng Phan Hoàng Hải từ chối cuộc phỏng vấn vì quan điểm của VKS đã thể hiện trong quyết định đình chỉ anh Nghiệp. Chiều 2-8, PV đến VKSND tỉnh Trà Vinh tiếp tục liên hệ nhưng ông Hận nói viện trưởng đi khám bệnh (từ tuần trước) chưa về. “Một phó viện trưởng phụ trách hình sự được ủy quyền nhưng không trả lời vì không biết vụ việc” – ông Hận thông tin. Không đủ căn cứ truy tố anh Nghiệp Sau khi nghiên cứu hồ sơ và trao đổi với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan, thấy kết quả điều tra lại không đáp ứng yêu cầu của quyết định giám đốc thẩm, không xác định được số tiền hay tài sản mà anh Nghiệp chiếm đoạt, cũng không chứng minh được anh Nghiệp dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản. Do vậy không đủ căn cứ để truy tố anh Nghiệp tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.VKSND Tối cao đề nghị VKSND tỉnh Trà Vinh nghiên cứu, có đường lối xử lý vụ án theo đúng quy định pháp luật. (Trích công văn ngày 28-1-2011 của VKSND Tối cao trả lời VKSND tỉnh Trà Vinh)
PHƯƠNG LOAN
Theo PLO
Cơ quan làm oan phải chủ động xin lỗi, cải chính công khai
Theo Điều 51 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (LTNBTCNN), người bị oan có quyền yêu cầu khôi phục danh dự trong thời hạn ba tháng kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực.
Trong thời hạn30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản về việc khôi phục danh dự của người bị oan hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý vụ việc phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai.
Như vậy, cơ quan có trách nhiệm bồi thường chỉ phải xin lỗi, cải chính công khai sau khi người bị oan có yêu cầu bằng văn bản trong thời hạn ba tháng kể từ ngày có quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực. Điều này cho thấy việc khôi phục danh dự cho người bị oan chưa được coi trọng, chưa được đưa lên hàng đầu. Luật định như vậy nên hiếm thấy cơ quan nào chủ động khôi phục danh dự cho người bị oan.
Chậm khôi phục danh dự cho người bị oan chừng nào càng gây bức xúc, oán thán cho người bị oan và gia đình của họ chừng ấy, dẫn đến khiếu kiện kéo dài không đáng có. Trên thực tế, gần đây có một vụ hiếm hoi là CQĐT, VKS, TAND tỉnh Bình Thuận đã cùng xin lỗi công khai ông Huỳnh Văn Nén tại địa phương ngay sau khi có kết luận ông Nén bị oan mà không đợi có quyết định giải quyết bồi thường. Việc này đã phần nào giảm bớt nỗi đau của ông Nén và gia đình.
Theo tôi, quy định như LTNBTCNN hiện hành là hạn chế quyền con người, quyền công dân đã được hiến định. Bởi lẽ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân được tôn trọng, được Hiến pháp và các đạo luật bảo vệ. Đối với những vụ án oan, trách nhiệm khôi phục danh dự và các quyền lợi cho người bị oan là việc cần phải làm ngay với sự chân thành, cầu thị.
Vì vậy, LTNBTCNN cần sửa đổi, bổ sung theo hướng: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện ngay việc xin lỗi, cải chính công khai, trừ trường hợp người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có văn bản không yêu cầu.
HỒNG HÀ
Theo_PLO
Bắt được kẻ xông vào nhà dân, cướp giật táo tợn iPad của trẻ em Diễn biến vụ cướp giật bị 2 camera tại ngôi nhà ghi nhận lại được. Từ hình ảnh trích xuất, công an dễ dàng xác định BKS xe gắn máy của đối tượng gây án và nhanh chóng truy xét, bắt giữ. Liên quan đến vụ "clip xông vào nhà dân, giật iPad từ tay trẻ em" như Báo Điện tử ANTĐ đã...