Truy tố cựu chủ tịch ngân hàng cùng các đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.100 tỉ đồng
Ngày 13-5, Viện KSND tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 36 bị can về 2 tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, và tội danh Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Một số nhân vật đáng chú ý trong số các bị can là Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh; Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB; Mai Hữu Khương, nguyên thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn; Hoàng Đình Quyết, nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB Chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang; Nguyễn Quốc Viễn, nguyên Trưởng Ban kiểm soát VNCB;
Viện KSND Tối cao truy tố 11 bị can về tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; trong đó 7/11 bị can còn bị truy tố thêm tội danh Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo cơ quan tố tụng, ngày 6-9-2012, ngân hàng TrustBank (sau này đổi tên là Ngân hàng VNCB) được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương tái cơ cấu. Ngân hàng này bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỉ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát- Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, bằng việc lợi dụng nắm quyền chi phối và giữ vị trí Chủ tịch HĐQT VNCB, Phạm Công Danh đã chỉ đạo thuộc cấp thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỉ đồng.
Video đang HOT
Về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho VNCB tổng số tiền hơn 7.000 tỉ đồng.
Đối với tội danh Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; cơ quan tố tụng làm rõ trong thời gian từ ngày 28-12-2012 đến ngày 11-3-2014, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho VNCB tổng số tiền gần 2.100 tỉ đồng.
Cụ thể, ông Danh đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân của 14 công ty, thực hiện hành vi gian dối, từ đó chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng. Khi bị bắt, Phạm Công Danh khai nhận đã dùng tiền trả nợ và chi chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, nhiều khoản chi ông Danh đã không giải trình được cụ thể.
Vụ án đã được Viện KSND Tối cao uỷ quyền cho Viện KSND TP Hồ Chí Minh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử trong thời gian tới.
Theo_An ninh thủ đô
Bầu Kiên có được giảm án theo luật mới?
Bộ luật Hình sự 2015 vừa được thông qua sẽ bỏ một số tội danh ở Bộ luật Hình sự hiện hành. Vậy những "tội danh đã được bỏ" trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ như thế nào?
Nhiều người quan tâm tới một số vụ án lớn, các bị cáo lĩnh án nặng liệu có thay đổi gì khi thi hành luật mới. Cụ thể, với trường hợp Bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên - nguyên Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) sẽ có thay đổi gì không?
Bầu Kiên tại phiên tòa phúc thẩm
Trước đó, ngày 15/12/2014, TANDTC, phiên Phúc thẩm đã tuyên y án Sơ thẩm với Nguyễn Đức Kiên như sau: 20 tháng tù về tội "Kinh doanh trái phép"; 6 năm tù về tội "Trốn thuế"; 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; 18 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng". Tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên là 30 năm tù.
Như vậy, trong 4 tội danh mà Bầu Kiên phạm phải có 2 tội không có trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo điểm d khoản 2 điều 1 Nghị quyết thi hành Bộ luật Hình sự, tính từ thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 được công bố, sẽ không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự 2015 không quy định là tội phạm. Bao gồm: tảo hôn; kinh doanh trái phép; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính.
Nghị quyết cũng quy định, trong trường hợp, vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
Trao đổi với PV Infonet, Ls Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) cho rằng "Nếu theo Nghị quyết, với tội danh kinh doanh trái phép mà TANDTC tuyên bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch HĐ sáng lập ACB, với 20 tháng tù về tội kinh doanh trái phép có thể được xem xét theo nghị quyết, nếu chưa thi hành sẽ được miễn thi hành, nếu đang thi hành sẽ miễn chấp hành hình phạt phần còn lại".
Theo luật sư Đặng văn Cường, còn đối với tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, mà TANDTC kết án Nguyễn Đức Kiên với hình phạt 18 năm tù sẽ theo điểm e , khoản 1, điều 1 của Nghị quyết thi hành Bộ luật Hình sự, trong trường hợp người bị kết án đang chấp hành án về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã chấp hành xong bản án thì vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2016 để giải quyết;
"Mặt khác, tổng hợp hình phạt mà Nguyễn Đức Kiên bị tuyên là 30 năm, thấp hơn tổng số năm tù của 4 tội danh (44 năm 20 tháng). Do đó, có thể thấy, về cơ bản, với việc thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) 2015, thời gian tù của Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) khó có thể được đoán trước. Bản án của Nguyễn Đức Kiên và những bản án tương tự phải có văn bản, quyết định cụ thể của cơ quan có thẩm quyền"- Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Theo_VietNamNet
Có bỏ án tử hình với tội tham ô, tham nhũng? Bộ luật Hình sự sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua cuối tuần này. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều ý kiến băn khoăn khi bỏ tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và không thi hành án tử hình đối với tội tham ô, nhận...