Truy tìm táo gây chết người
Táo Gala và táo Granny Smith – 2 mặt hàng có nhiều nghi vấn liên quan đến vụ táo nhiễm độc gây chết người ở Mỹ – vẫn được bán phổ biến tại TPHCM.
Dự kiến chiều 22/1, Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) làm việc với Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam về việc phối hợp cung cấp thêm thông tin để Việt Nam nhanh chóng truy xuất, thu hồi táo của Mỹ nhiễm khuẩn (nếu có).
Siêu thị rút hàng để kiểm tra
Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế vừa nhận được cảnh báo từ Mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) về việc thu hồi quốc tế đối với táo Granny Smith và táo Gala của Công ty Bidart Bros ở Bakerfield, California cùng các sản phẩm táo caramel chế biến và đóng gói sẵn nhập khẩu từ Mỹ do nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes. Theo thông tin từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), sản phẩm bị thu hồi đã được xuất khẩu sang Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á.
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 21/1, tại nhiều điểm bán trái cây nhập khẩu của TP HCM vẫn bày bán 2 loại táo này. Tuy nhiên, để biết các sản phẩm trên thị trường có thuộc diện phải thu hồi hay không thì chỉ nhà nhập khẩu và cơ quan chức năng mới xác định được.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP HCM), cho biết sau khi có thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, siêu thị này đã rút toàn bộ táo Gala Mỹ ra khỏi kệ hàng từ chiều 20/1.
Ngày 21/1, tại siêu thị cùng chuỗi hệ thống là Maximark 3 Tháng 2 (quận 10), phóng viên nhận thấy khu vực trái cây nhập khẩu không còn bày bán táo Gala Mỹ trên kệ mà có những loại khác như: táo đỏ, táo Envy, táo Ambrosia và táo xanh cùng xuất xứ Mỹ. Đáng chú ý, khi quan sát kỹ, trên mỗi quả táo xanh Mỹ đều có tem in mã vạch có dòng chữ Granny Smith USA, trùng tên với loại táo bị thu hồi. Trên khay hàng này chỉ có bảng ghi logo siêu thị, tên sản phẩm là “táo xanh Mỹ”, giá bán 82.300 đồng/kg cùng mã số “175″ chứ không hề có thông tin về nhà cung cấp hay nhà nhập khẩu lẫn nhà sản xuất bên Mỹ.
Táo Granny Smith (Mỹ) được bán tại siêu thị Maximark 3 Tháng 2 (quận 10, TP HCM) trước khi được rút khỏi kệ Ảnh: NGỌC ÁNH
Ngay sau khi phóng viên phản ánh, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, chủ hệ thống siêu thị Maximark, đã cho kiểm tra và lập tức ra lệnh ngừng kinh doanh tiếp mặt hàng táo xanh Mỹ như đối với táo Gala trước đó.
Video đang HOT
“Siêu thị rút hàng nhằm phòng ngừa táo nhiễm khuẩn đến tay người tiêu dùng chứ đến cuối ngày 21/1, chúng tôi chưa hề nhận được thông báo thu hồi từ cơ quan chức năng hay nhà cung cấp. Toàn bộ số táo này sẽ được lưu kho và nhà cung cấp sẽ phải chứng minh bằng hồ sơ giấy tờ không có liên quan đến vụ sự cố thực phẩm này thì mới được kinh doanh lại” – bà Hồng khẳng định.
Trong khi đó, ngoài thị trường “tự do”, 2 loại táo trên vẫn được bán bình thường vì bên bán chưa nắm được thông tin thu hồi. Tại một cửa hàng trên đường Thái Văn Lung (quận 1), táo Gala Mỹ (tên khác là táo bi bóng) có giá bán lẻ 96.000 đồng/kg.
Chủ một cửa hàng chuyên bán trái cây cao cấp làm quà tặng trên đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) cho biết nhiều nơi còn rao bán táo Mỹ vì chưa nắm được thông tin.
Sắp tới, táo Mỹ sẽ không có nhiều trên thị trường do người bán sẽ… đổi xuất xứ vì thực tế nhiều táo Mỹ hiện nay là táo Trung Quốc mạo danh” – chủ cửa hàng này nói. Mặt khác, trái cây đặc thù là hàng tươi sống, không bắt buộc phải đóng gói nên không có thông tin về nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu trên sản phẩm. Chỉ khi cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp (DN) mới xác định được.
Chưa nhập về Việt Nam (?)
Trước thông tin táo nhiễm độc, Bộ Y tế đã có thông báo gửi đến Bộ NN-PTNT đề nghị rà soát các DN nhập khẩu nông sản từ Mỹ.
Ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) thuộc Bộ NN-PTNT, cho biết NAFIQAD đã gửi công văn hỏa tốc đến Cục Bảo vệ Thực vật đề nghị rà soát các DN nhập khẩu táo tươi và táo caramel từ Mỹ.
Theo quy định, tất cả các lô hàng trước khi nhập khẩu vào Việt Nam thì về đến các cửa khẩu, các cảng đều phải đăng ký kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ Thực vật quản lý để kiểm tra an toàn thực phẩm. “Nếu nhập về Việt Nam thì chắc chắn Cục Bảo vệ Thực vật sẽ nắm được số lượng bao nhiêu, nhập từ DN nào, do DN nào nhập về và nhập qua cửa khẩu nào” – ông Hào nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, cho biết ngay khi nhận được văn bản của NAFIQAD, cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát các cửa khẩu. Kết quả, các đơn vị thuộc Cục Bảo vệ Thực vật không cấp giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm cho lô hàng nào là táo caramel từ Mỹ vào Việt Nam. “Đề nghị Cục An toàn thực phẩm kiểm tra lại mặt hàng này với Bộ Công Thương xem các đơn vị của Bộ Công Thương quản lý có kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm cho mặt hàng này không” – ông Hồng nói.
Đối với sản phẩm táo tươi của Mỹ được nhập vào Việt Nam qua 3 cửa khẩu chính là cảng Sài Gòn, cảng Hải Phòng và sân bay quốc tế Nội Bài, các cửa khẩu đã rà soát và báo cáo không có DN nào của Mỹ tên là Bidard Bros xuất khẩu táo sang Việt Nam trong năm 2014 qua các cửa khẩu do Cục Bảo vệ Thực vật quản lý.
Theo ông Hồng, đây là thông tin ban đầu. Hiện cục vẫn rà soát và sẽ yêu cầu các DN Việt Nam nhập khẩu táo Mỹ báo cáo xem có lấy nguồn táo do Công ty Bidard Bros cung cấp hay không, thậm chí có thể tiến hành kiểm tra tại kho một số DN đang nhập khẩu táo Mỹ vào Việt Nam. Ông Hồng cho rằng số lượng DN này không nhiều, khoảng 20 DN.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, khẳng định sau khi rà soát tình hình nhập khẩu đối với các sản phẩm táo caramel, từ tháng 1-2012 đến nay, Cục An toàn thực phẩm chưa ghi nhận có sản phẩm nói trên công bố tại cơ quan này.
Ba người tử vong do ăn táo độc
Tính đến ngày 9-1, tại Mỹ đã có 32 người ở 11 bang bị nhiễm Listeria monocytogenes sau khi sử dụng táo Granny Smith và táo Gala. Trong số 31 người nhập viện có 3 người đã tử vong, 1 thai phụ bị sẩy thai. Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm – Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thường gặp là tiêu chảy, sốt nhẹ, buồn nôn, nôn, đau cơ, có các cơn ớn lạnh hoặc rùng mình, đôi khi có các biểu hiện giống cúm. Tình trạng nặng có thể dẫn đến viêm não, màng não và nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh, người lớn, gây sẩy thai ở phụ nữ.
Theo Ngọc Dung – Văn Duẩn – Ngọc Ánh
Người lao động
Phi công "nhầm" mã báo động khủng bố: Phạt 3 triệu đồng
Liên quan đến chuyến bay VN 1266 của Vietnam Airlines phải hạ cánh khẩn nguy ở Nội Bài tối 16/12/2014, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam vừa ra quyết định xử phạt 3 triệu đồng đối với phi công người CH Sec do đặt "nhầm" mã báo động khủng bố.
Theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam - ông Nguyễn Trọng Thắng, cơ trưởng Pechanec Marek (45 tuổi) điều hành chuyến bay VN 1266 đã không thực hiện đúng quy trình nhiệm vụ công việc nên đã làm ảnh hưởng đế hoạt động hàng không dân dụng.
Chuyến bay VN1266 phải hạ cánh khẩn nguy xuống Nội Bài với mã báo động khủng bố do phi công cài đặt nhầm
Cụ thể, chiều tối ngày 16/12/2014, chuyến bay VN 1266 đang hành trình từ TPHCM đi Vinh thì xuất hiện "cảnh báo áp suất cabin". Tuy nhiên, trong quá trình xử lý tình huống, cơ trưởng Pechanec Marek (quốc tịch CH Séc) đã 2 lần để chuyến bay xuất hiện "cảnh báo tàu bay bị can thiệp bất hợp pháp (HIJ)" do đặt nhầm mã A7500.
"Thời gian xuất hiện cảnh báo bị can thiệp bất hợp pháp lần 1 là khoảng 16 giây và lần thứ 2 là 55 giây" - ông Nguyễn Trọng Thắng cho biết.
Kết quả phân tích hộp đen và giải mãi ghi âm buồng lái không phát hiện yếu tố khủng bố mà là sự cố kỹ thuật do áp suất trong khoang máy bay giảm đột ngột và mặt nạ dưỡng khí tự động bung ra. Với tình huống này, theo quy trình phi công phải bấm mã sự cố kỹ thuật khẩn nguy thì lại đặt nhầm mã báo động khẩn nguy khủng bố. Hệ thống đã ghi nhận mã báo động này được cài đặt trong hơn 1 phút.
Theo ông Nguyễn Trọng Thắng, hành vi vi phạm của cơ trưởng Pechanec Marek được quy định tại điểm a, Khoản 3, Điều 15 trong Nghị định 147/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Tuy nhiên, do phi công Pechanec Marek đã tự nguyện báo cáo sự cố, vi phạm hành chính vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ấn nhầm mã trong quá trình xử lý tình huống khẩn nguy nên Thanh tra Cục Hàng không đã xem xét tình tiết giảm nhẹ cho viên phi công này.
Ngày 14/1, Chánh Tranh tra Cục Hàng không Việt Nam - ông Nguyễn Trọng Thắng - đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với phi công Pechanec Marek là 3 triệu đồng và không áp dụng hình thức phạt bổ sung.
Như Dân trí đã thông tin, chuyến bay VN1266 của Vietnam Airlines tối 16/12 cất cánh từ TPHCM đi Vinh nhưng đã phải xin chuyển hướng hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài. Tại sân bay Nội Bài, khi máy bay hạ cánh, tất cả các phương án khẩn nguy đã được triển khai, công tác an ninh được thắt chặt. Tổ lái VN1266 đã bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai phương án khẩn nguy an ninh trong trường hợp có báo động khủng bố và được phát đi từ một chuyến bay cụ thể trên vùng trời đang khai thác.
Trong hàng không, bất kỳ sự việc hay sự cố nào xảy ra cũng có thể uy hiếp đến an ninh an toàn, vì vậy việc xử lý tình huống của phi công là vô cùng quan trọng. Với chuyến bay VN 1266, sự cố kỹ thuật được xem là nghiêm trọng nhưng việc xử lý tình huống của phi công lại xảy ra nhầm lẫn đáng tiếc.
Được biết, hiện Cục Hàng không đã có kết luận điều tra về sự cố nhưng những thông tin cụ thể chưa được tiết lộ. Theo chỉ đạo của Chính phủ, hồ sơ và kết luận điều tra đã được chuyển sang Bộ Công an.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Bé 2 tuổi co giật, máy bay VNA hạ cánh khẩn cấp Trên chuyến bay từ Hà Nội đi Cần Thơ, một em bé dưới 2 tuổi có biểu hiện sốt và co giật, cơ trưởng đã quyết định cho máy bay hạ cánh tại Đà Nẵng. Đại diện Hãng Hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết, chuyến bay VN1203 ngày 14.1, từ Hà Nội đi Cần Thơ đã phải hạ cánh khẩn cấp tại...