Truy tìm nguồn cơn “bệnh lạ”
Từ mái hiên nhà đến chuồng trâu, chuồng bò, từ nhà vệ sinh đến gầm nhà sàn, từ mẫu máu đến mẫu tóc, đầu móng tay… từ rắn rết, chuột, ve, ong, muỗi… không một cái gì bị bỏ qua trong chiến dịch truy lùng mầm của bệnh “lạ”.
Các chuyên viên ngành y đang ngày đêm lùng sục khắp bản làng nơi rẻo cao xa xôi để tìm ra gốc tích của căn bệnh đầy bí ẩn và chết chóc.
Vạch rừng tìm bệnh
Tổng hành dinh của đoàn công tác Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Quy Nhơn là một nhà kho cũ ọp ẹp nằm sát trụ sở chính quyền xã Ba Điền. Căn phòng chưa đến 20m2 là chốn ăn, ở, sinh hoạt, vừa là phòng thí nghiệm và cũng là nhà kho của 14 chuyên gia viện nghiên cứu này. Đã gần một năm qua, từ ngày căn bệnh “lạ” đến tai các nhà quản lý, Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Quy Nhơn là đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế đưa đến đây để lấy mẫu phân tích.
Nắng như nung. Con đường đất đỏ từ trung tâm huyện Ba Tơ vào làng Rêu ngập trong bụi. Thắng gấp chiếc xe máy chở đầy bẫy chuột và lũ chuột với nhiều loài khác nhau được chuyên gia Trần Thanh Hùng thu gom từ đêm trước ở làng Hi Long mang về nghiên cứu. Kéo tay áo quẹt mồ hôi trán, ông Hùng cẩn thận bắt từng con chuột, phân loài bỏ riêng vào từng giỏ chờ phẫu thuật. “Vạch lá tìm sâu”, công việc tưởng chừng đã khó khăn nhưng so với việc vạch muông thú tìm côn trùng gây bệnh là điều càng khó hơn. “Công việc tỉ mỉ đòi hỏi người nghiên cứu phải hết sức nghiêm túc và tập trung trong công việc. Chúng tôi rất nóng lòng tìm ra nguyên nhân căn bệnh nhưng đây chỉ là một trong tám công việc mà nhóm chúng tôi đảm trách. Việc thu thập dữ liệu bây giờ ngoài tìm ra căn nguyên của bệnh “lạ”, đây còn là dữ liệu quý giá cho hàng trăm năm sau khi tiến hành phân tích bệnh ở vùng đất này” – chuyên gia Hùng tiết lộ.
Truy tìm côn trùng gây bệnh từ các vật dụng trong nhà người dân
Bắt chú chuột có bộ lông màu nâu ra phẫu thuật, ông Hùng giải thích đây là loài chuột hươu rất ít gặp. Trước khi phẫu thuật chúng phải dùng lược chải nhẹ từng thớ lông màu nâu và soi kính lúp tỉ mẩn để tìm những côn trùng ký sinh trên chuột. Cạnh đó một ống nghiệm chứa chất lỏng được để sẵn để ngâm các côn trùng vừa tìm thấy. Từng con bọ chét, từng con mò trắng, mò đỏ được chuyên gia Hùng soi kính lúp, dùng kẹp cẩn thận lấy ra từ lưng con chuột hươu bỏ vào dung dịch. “Chúng có thể là mầm bệnh của căn bệnh “lạ” và cũng có thể là nguồn cơn của những căn bệnh khác liên quan mà sau này chúng ta tiếp tục nghiên cứu” – ông Hùng giải thích.
Ứng phó trước tình hình bệnh “lạ” ngày một nóng tại Quảng Ngãi, chuyên gia Bùi Quốc Đạt được Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Quy Nhơn điều tức tốc từ Lào về Việt Nam để vào cuộc. Ngồi dưới mái hiên nhà lợp bằng tôn nóng cháy da, ông Đạt soi từng mẫu máu, phân tích từng vật thể li ti qua kính hiển vi rồi cẩn thận ghi chép vào nhật ký. “Việc tìm kiếm mầm bệnh không thể một sớm một chiều được vì trong hàng vạn sinh vật chưa biết yếu tố nào gây nên. Có thể còn do các nguồn khác như đất, nước, chất độc hoặc dịch tễ, thực phẩm hoặc một yếu tố khác, nhưng chúng tôi vẫn phải miệt mài…” – chuyên gia Đạt chia sẻ.
Video đang HOT
Công việc thường ngày của các chuyên gia ký sinh trùng ở làng Rêu
Bẫy côn trùng…
Sáng nay đoàn công tác của viện nghiên cứu sẽ nghiên cứu nhà ông Phạm Bèo ở làng Hi Long của xã Ba Điền. Đối diện nhà ông Bèo là nhà của hai bệnh nhân đang mắc chứng bệnh “lạ” nên xóm này được đưa vào “tầm ngắm” để nghiên cứu. Những chiếc đĩa nhạc hiệu akay, những chiếc khay inox cùng hàng loạt bao vải, bóng đèn được mang đến hiện trường.
Xắn tay áo, thạc sĩ Bùi Văn Tuấn chui xu ống gầm giường nơi góc tối của căn nhà sàn đầy mạng nhện để đặt chiếc đĩa akay. Một chiếc khác đặt bên rãnh nước thải đầy bụi dại nơi nước thải sinh hoạt của nhà ông Bèo chảy ra ruộng. Thạc sĩ Tuấn tiết lộ: “Chúng tôi đang bẫy mò, bọ chét và chấy rận. Những chiếc đĩa akay cũ kỹ với những rãnh nhỏ là nơi trú ngụ ưa thích của các loài côn trùng nhỏ bé này”.
Những chiếc khay inox được cho vào một ít nước rồi đem đặt dưới nền nhà của người H’Rê. Khay inox cũng là nơi các loài côn trùng có cánh tìm tới và bị mắc lại trong nước. Người mang chiếu ra giũ vào bồn inox, người mang mùng, mền, áo quần cũ của từng thành viên trong gia đình ra tìm côn trùng… Cứ thế công việc bắt đầu một cách đều đặn. Khoảng một giờ sau, từng chiếc bẫy được tháo dỡ và tìm các loài ký sinh trùng dính trên đó. Các chuyên gia soi tìm các con vật nhỏ bé và bỏ vào các bình dung dịch chứa sẵn.
Chuyên gia Trần Thanh Hùng tâm sự: “Sức ép rất lớn từ dư luận, từ ngành nên chúng tôi cố gắng tìm kiếm trong mọi hoàn cảnh. Nếu nói về độ hiểm nguy và các căn bệnh lây lan, chúng tôi là những người đầu tiên phải đối diện với nguy cơ đó. Nhưng đây là nghề chúng tôi đã chọn… Nghĩ đến hàng ngàn người dân đang đối mặt với căn bệnh quái ác này chúng tôi đứng ngồi không yên. Tin một người trong làng ra đi làm chúng tôi xốn xang lắm”.
21h, làng Rêu đã chìm trong màn đêm đen kịt. Ngoài kia chỉ có tiếng côn trùng rả rích cùng tiếng chó sủa từ xa vọng về. Đó là lúc các chuyên gia trong đoàn công tác này bắt đầu vào cuộc. Trong cái chuồng bò hôi hám và ẩm thấp đầy mùi phân, mọi người bắt đầu bẫy muỗi, phù du và những động vật nhỏ có cánh khác. Chúng tôi đứng đó gần một giờ để làm mồi nhử các loài muỗi bay đến và tìm thấy ánh sáng chui vào. Sau khi túm gọn một bao với nhiều côn trùng khác nhau, chuyên gia Hùng bắt đầu công tác phân loại, đánh dấu. Lật từng trang sách có ghi hẳn các loài côn trùng có dấu hiệu mang mầm bệnh thường gặp, ông Hùng chọn từng loài muỗi khác nhau và bỏ vào từng lọ phục vụ công tác nghiên cứu. Hai mươi năm lăn lộn với côn trùng, từ đỉnh Ngọc Linh cao ngất đến nước bạn Lào xa xôi, ông Hùng quen mặt từng loài côn trùng như quen mặt chữ.
Ngày đoàn công tác của Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Quy Nhơn làm lễ sơ kết dập dịch đợt một, đích thân PGS.TS Triệu Nguyên Trung, viện trưởng, tay cầm hai con gà, hai chai rượu Vodka Hà Nội vào làm quà cho anh em. Buổi trưa đầm ấm bên căn phòng chật chội, nóng bức, chén rượu đắng môi nhưng ai nấy chưa vui bởi phía trước vẫn là chặng đường dài hiểm nguy mà người dân làng Rêu đang đối mặt.
Theo Tấn Vũ – Đoàn Cường (Tuổi Trẻ)
Sống trong sợ hãi ở vùng bệnh "lạ"
"Hết đoàn này tới đoàn khác đến lấy máu, cắt tóc, hớt móng tay... Bây giờ móng tay cụt rồi, đầu hói tóc rồi, máu cũng cạn rồi, mà bệnh thì ở đâu không biết.
Ở làng này, lâu lâu lại có người chết, người mắc bệnh cứ tăng lên", già làng Phạm Văn Đang, ở làng Rêu, xã Ba Điền nheo mắt nhìn ra ngọn núi Gò Khế trước mặt, giọng não nề khi tôi hỏi về căn bệnh đang hoành hành người dân làng quê ông...
Tuyệt vọng
Già Đang nói, không phải không tin bác sĩ, nhưng hàng chục áo trắng ở đây đã bốn, năm tháng rồi, vậy mà không đuổi được cái bóng ma màu đen ảm đạm đang phủ lên làng Rêu và xã Ba Điền. "Dân làng phải cúng thôi, cúng để xua bóng ma bệnh này đi". Và nếu cúng nhỏ thì thôi, còn cúng lớn tế bằng trâu thì đích thân già Đang sẽ chỉ huy dân làng cầm gậy, đứng ngay lối đi từ con suối Vranh, không cho ai bước qua làng Rêu.
Khổ nỗi, sau lễ cúng, ngày 7.5 vừa rồi, lại có thêm hai người của làng Rêu tử vong, còn cả xã Ba Điền thì kể từ đầu tháng 5 đến giờ, có thêm 53 người mắc bệnh này nữa. "Bây giờ cũng còn mấy đứa nằm chờ chết đó", già Đang nói và hướng dẫn tôi tìm đến mấy nhà có người bệnh đang chết dần ở đây.
Trên đường đến nhà chị Phạm Thị Ân (26 tuổi) ở làng Rêu, tôi gặp ông Phạm Văn Hiền, cha của Ân đang ngồi nghỉ ở một tảng đá đầu làng. Ông Hiền kể, nhà có sáu người bị bệnh, tất cả đều được đưa đi điều trị ở bệnh viện, nhưng đến nay, người nhà ông đã có một người chết, một người đang nằm chờ chết. Đó là cháu Phạm Văn Sâm (sinh 2008), chết ngày 10.10.2011.
Theo chẩn đoán của bác sĩ, cháu Sâm chết vì suy gan. Cháu ngoại chết xong, dù nhà có đến năm con trâu, nhưng phải đi mua trâu mầm để cúng làng. "Nó chết xấu là phải mua trâu thôi. Trâu nhà cúng không thiêng! Tưởng cúng trâu xong là nhà yên ổn, ai ngờ mẹ thằng Sâm là con Ân bệnh ngày càng nặng, đi điều trị ở bệnh viện phong - da liễu Trung ương Quy Hoà (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) ba tháng rưỡi, sau đó bệnh tình không bớt, nó chán bệnh viện về nhà nằm đấy", ông Hiền thở dài.
Người dân mang chiếu cũ đi tiêu huỷ phòng ngừa bọ chét gây bệnh. Ảnh: Minh Đức.
Theo ông Hiền về nhà, tôi thấy Ân nằm thở thoi thóp trên võng, bụng đã trương phình, tay chân teo tóp, mắt chốc chốc lại nhắm nghiền. Theo các y bác sĩ ở trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, tiền Nhà nước điều trị bệnh cho Ân hết chừng 130 triệu đồng. "Động viên mãi rồi trưa ngày 13.5, bọn tui mới đưa được Phạm Thị Ân đi thẳng ra bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Bây giờ phải đi thôi, may còn cứu được, chứ nằm nhà cũng sẽ chết thôi", ông Lê Hàn Phong, chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, nói.
Theo ông Nguyễn Văn Dương, hiệu trưởng trường tiểu học - trung học cơ sở Ba Điền, từ khi bệnh "lạ" bùng phát vào tháng 4 năm nay, mỗi ngày học sinh của trường luôn vắng đi một nửa. Phần thì các em bị bệnh, phần thì chết và phần thì gia đình không cho các em đến trường mà chuyển đi nơi khác để học. Có hôm giáo viên vận động các em ra lớp đông đủ. Được vài bữa thì xã lại có thêm vài ca mắc bệnh. Thế là trường lại vắng hoe. Còn theo bà Phạm Thị Nga, phó chủ tịch UBND xã Ba Điền, xã có chục gia đình đã tạm lánh đi nơi khác sinh sống. "Có người xin cho con học hẳn ở xã khác, có người thì cả tuần mới về một lần. Từ khi có bệnh dịch, cả xã không ai làm gì khác, vì chỉ lo bệnh lạ đã đuối rồi", bà Nga nói.
Cắt tóc, hớt móng tay, lấy máu...
Nằm dài ngày trên xã Ba Điền, theo các đoàn y tế vào các làng để "điều tra" bệnh, tôi dám khẳng định là nhà già Phạm Văn Mai ở đầu làng Rêu được các y, bác sĩ từ Trung ương đến địa phương "thăm" nhiều nhất. "Đứa nào vào đây cũng hỏi: có bị bệnh không, ăn gì, mua ăn hay tự trồng, uống nước ở đâu. Mấy đoàn đầu tiên thì biểu hai đứa con trai và con dâu ra cho nó cắt tóc, hớt móng tay, lấy máu xét nghiệm. Có ngày có đến hai đoàn đến làm y như vậy. Già có mời nước, nó không uống, có đứa không dám ngồi dưới chiếu do già trải ra", già Mai lắc đầu.
Thực ra, việc các y, bác sĩ vào tận nhà dân và lấy nhiều lần móng tay, móng chân, hớt tóc, lấy máu, lấy da... để xét nghiệm là chuyện bình thường. Một đồng nghiệp kể lại có đoàn về thăm dân làng Rêu mắc bệnh, một vài thành viên trong đoàn không dám ngồi vào chiếu do bà con Hre trải ra mời. Sau đó, khi ra khỏi nhà sàn của đồng bào, có vị vội dùng nước suối rửa sạch tay. Thậm chí, có người vứt bỏ cả vớ mang trong chân, do đã bước vào nhà sàn của bà con Hre. Cán bộ ở xa đến, có hiểu biết mà còn e sợ như vậy, liệu người dân ở xã Ba Điền có an tâm sống ở đây?
Ông Lê Hàn Phong, chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ sự thất vọng của mình: "Mấy năm rồi chứ phải mới đây đâu, mà ngành y tế cứ loay hoay đi tìm nguyên nhân gây bệnh. Tại sao họ không mời tổ chức Y tế thế giới vào cuộc trong khi người dân ở đây cứ thắc thỏm sống không yên, ngày nào cũng có thêm ca mắc bệnh này?" Theo ông Phong, ngành y tế nói gạo của người dân ở đây dùng bị mốc là không hợp lý, bởi lẽ hàng trăm năm nay người Hre đều dùng gạo này để ăn. Cho rằng người bị bệnh "lạ" có khả năng do bị nhiễm độc từ gạo và các loại lương thực, ngành y tế đã đề nghị chính quyền địa phương cấp gạo trắng để thay gạo lức mà bà con Hre ở xã Ba Điền đã dùng lâu nay.
Thế nhưng ở xã Ba Điền đâu phải chỉ có gạo do bà con tự trồng, mà còn có các nguồn rau xanh, nước uống lấy từ suối, cũng do bà con cũng tự trồng và ăn uống hàng ngày. Có nghĩa là, nếu gạo là đối tượng bị nghi nhiễm độc, thì tất cả các loại lương thực, nguồn nước cũng là đối tượng có thể bị nhiễm độc. Thế thì, sau cấp gạo cho dân, chính quyền và các ngành có cấp nước và lương thực khác để thay thế nguồn thực phẩm và nước bà con đang dùng hiện nay? Đây là câu hỏi mà người dân vùng rốn bệnh này rất mong ngành y tế sớm trả lời.
WHO tại Việt Nam chưa nhận đề nghị nào của bộ Y tế về bệnh lạ? Trao đổi với PV ngày 13.5, đại diện tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết chưa nhận được đề nghị nào của của Việt Nam liên quan đến căn bệnh "lạ" tại Quảng Ngãi. Trước đó, đại diện đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cũng có thư ngỏ nói rằng sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam về bệnh "lạ" tại Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đến thời điểm này bộ Y tế chưa có thông tin xác nhận việc có nhờ chuyên gia nước ngoài hay không. Trong những cuộc trao đổi, tiếp xúc tại địa phương, bộ Y tế đều từ chối không trả lời câu hỏi "nhờ quốc tế giúp đỡ" vì cho rằng người Việt Nam hiểu tập tục, lối sống của người Việt sẽ dễ tiếp cận, nghiên cứu hơn. Ngày 14.5 lãnh đạo bộ Y tế đã họp báo thông tin về bệnh "lạ" tại Quảng Ngãi nên từ chối trả lời các thông tin liên quan đến bệnh này. Tại cuộc họp báo nói trên, lãnh đạo bộ Y tế sẽ trả lời toàn bộ những thắc mắc về bệnh "lạ" trong thời gian qua. Lệ Hà
Theo Phạm Anh (Sài gòn tiếp thị)
Chưa thể tìm ra căn nguyên gây bệnh "da lạ" "Tuy đến nay, nguyên nhân gây hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân chưa được khẳng định, mới nghĩ đến do nhiễm độc trên bệnh nhân suy dinh dưỡng, nhưng chắc chắn, số ca tử vong sẽ phải giảm xuống", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định. Bệnh chưa có trên thế giới Thứ trưởng Nguyễn...