Truy tìm kẻ gây tai nạn chết người bỏ chạy
Hai vụ tai nạn giao thông xảy ra ở huyện Thanh Trì, Hà Nội khiến 2 nạn nhân tử vong, còn đối tượng điều khiển xe gây tai nạn đã bỏ trốn.
Khoảng 6h30 ngày 17.8, tại km 10 800 đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì chị Bùi Thị Hường (SN 1982,ở Ứng Hoè, Ninh Giang, Hải Dương) đi xe đạp phía sau chở con trai là Phạm Đức Anh (SN 2003) theo hướng Văn Điển-Thường Tín.
Trung bình mỗi ngày ở nước ta có hơn 30 người tử vong vì tai nạn giao thông.
Khi xe đang đi bất ngờ bị xe mô tô do Trần Văn Hoàng (SN 1992,ở Tân Kỳ, Nghệ An) điều khiển đi cùng chiều va chạm vào làm chị Hường và cháu Anh ngã ra đường. Cùng lúc đó, có 1 xe container (chưa xác định biển số) đi cùng chiều lao đến đè vào người cháu Anh. Hậu quả cháu Anh bị tử vong trên đường đi cấp cứu.
Sau khi gây tai nạn lái xe container đã phóng xe bỏ chạy.
Video đang HOT
Vào lúc 14h ngày 17.7, tại đường Tứ Hiệp, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì xảy ra vụ va chạm giữa xe ô tô (chưa xác định được người điều khiển) với xe đạp. Hậu quả cháu Nguyễn Hồng Phong (SN 1998 ở Đồng Trì, Tứ Hiệp, Thanh Trì) người điều khiển xe đạp bị tử vong. Lái xe đã rời khỏi hiện trường.
Cả 2 vụ trên đang được Công an huyện Thanh Trì điều tra làm rõ nguyên nhân và truy tìm đối tượng gây tai nạn.
Theo Lao Động
Vì sao xe tải nặng là "hung thần"? - Bài 2: Tài xế "bằng thật, học giả"
Hầu hết tài xế xe tải nặng xuất thân từ lơ xe, học lóm rồi làm tài xế chứ không qua đào tạo bài bản. Hôm qua, xe ben lại gây tai nạn chết người.
"Xe tải nặng (xe ben, xe container, xe bồn...) khi lưu thông trên đường là nguồn nguy hiểm cao độ. Chỉ cần tài xế bất cẩn, thiếu kinh nghiệm xử lý là có thể gây ra thảm họa cho người đi đường. Thế nhưng có nhiều lơ xe của công ty tôi không thấy đi học ngày nào, chỉ học lóm qua tài xế. Vậy mà đùng một cái, họ xuất trình bằng lái xe dấu C!". Ông Đoàn Minh Thành, Giám đốc Công ty Vận tải Minh Thành (quận 7) kể.
Bằng giả tràn lan
Ông Đặng Đức Tiệp, Giám đốc Công ty Vận tải Đặng Tiến (quận Bình Thạnh), nói: Cách đây hơn một năm, công ty ông có tuyển một tài xế, trong hồ sơ xin việc có hồ sơ thi bằng lái dấu C.
Vừa chạy được một thời gian ngắn, trong một chuyến xe, tài xế này điện thoại cho biết trên đường đi vừa bị CSGT tuần tra "làm khó", dù xuất trình đầy đủ giấy tờ nhưng CSGT vẫn kéo xe về giữ. Nghe tài xế thông báo, ông tức tốc chạy đến để nắm rõ sự việc. Khi đến nơi, ông nghe CSGT thông báo là khi kiểm tra, đề nghị xuất trình bằng lái thì tài xế cứ ú ớ, vòng vo không xuất trình nên buộc CSGT phải giữ xe. "Tôi gặng hỏi mãi tại sao không xuất trình bằng lái cho CSGT thì tài xế mới khai thật là đang sử dụng bằng lái dấu C giả, mua với giá 13 triệu đồng nên không dám xuất trình. Ngay hôm đó, tôi cho tài xế này nghỉ ngay và thu luôn bằng lái giả..." - ông Tiệp kể.
Một vụ tai nạn do xe bồn chở xăng cán qua xe máy làm chết một người ở ngã sáu Nguyễn Tri Phương, TP.HCM. Ảnh: TRUNG DUNG
Bà Ngô Mỹ Lệ, Giám đốc Công ty Vận tải 116, cho biết: Khi tuyển dụng tài xế mới chạy xe cho công ty thì hồ sơ sát hạch bằng lái phải xem xét cẩn thận. Khi phát hiện những điểm "lạ" trong hồ sơ sát hạch, phải làm rõ ngay. Công ty sẽ gửi công văn đến Sở GTVT cấp bằng cho tài xế đó để hỏi. Sau khi có công văn trả lời đó là bằng thật thì mới tuyển dụng. Nhờ cách này, công ty đã phát hiện có người sử dụng cả bằng lái dấu C, FC giả nộp vào công ty xin việc.
Thế nhưng bà Lê nhìn nhận: "Bằng giả thì chúng tôi có cách phát hiện nhưng bằng thật mà học giả thì chúng tôi bó tay...".
Bằng thật nhưng... học giả
Theo ông Thành, khác với người có bằng lái xe du lịch, người có bằng lái dấu C, FC hiện nay khoảng 80% từ lơ xe. Lơ xe hầu hết là thanh niên ở các vùng nông thôn không có nghề nghiệp lên TP.HCM xin vào các doanh nghiệp vận tải. Từ tay cuốc tay cày, đường sá chưa rành, chỉ học lóm qua tài xế để biết nổ máy, chạy xe ở đoạn đường ngắn, rồi không biết họ học ở đâu mà "bất ngờ" có bằng lái xe dấu C. "Nếu là lơ xe của tôi "bất ngờ" có bằng lái thì chắc chắn tôi sẽ không tuyển dụng nhưng các doanh nghiệp khác sẽ tuyển dụng. Nhưng các tài xế nơi khác đến thì làm sao tôi có thể biết họ học thật hay học giả để lấy bằng. Điều này không chỉ tôi mà các doanh nghiệp vận tải khác cũng bó tay. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải thành lập mới hoặc mua thêm xe thì nhu cầu tuyển dụng tài xế xe tải nặng ngày càng nhiều. Vì vậy, người có bằng lái dấu C tìm việc không khó" - ông Thành nhận định.
Nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra trong thời gian qua, có nhiều vụ xe đấu đầu nhau, cả tài xế lẫn lơ xe đều thiệt mạng. Một giám đốc công ty vận tải tâm sự: "Để lái xe tải nặng thì trước tiên người đó phải đủ sức khỏe, tính cách điềm đạm. Lái xe không phải chỉ là nổ máy xe rồi đạp ga mà phải am hiểu các tính năng của xe, luật lệ giao thông, đạo đức nghề nghiệp và có kinh nghiệm xử lý khi gặp chướng ngại vật. Một người bình thường thì chỉ cần vài ngày dượt xe là có thể lái xe được nhưng khi gặp sự cố thì không xử lý được. Ai không quý tính mạng của mình. Thế nhưng có nhiều vụ tai nạn do chính lơ xe vừa lấy bằng lái rồi cầm vô lăng ngày đầu tiên!".
Ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM, nói: "Khi tai nạn xảy ra, cơ quan điều tra không khó để phát hiện tài xế có bằng hay không, bằng lái thật hay bằng giả để truy cứu trách nhiệm. Nhưng để làm rõ tài xế đó được đào tạo như thế nào để lấy được bằng lái? Vì sao tài xế có bằng lái nhưng lại phạm nhưng lỗi ngớ ngẩn gây tai nạn?...v...v không phải là chuyện dễ dàng".
Hôm qua, xe ben lại gây tai nạn chết người Lúc 11giờ 30 ngày 27-5, xảy ra vụ tai nạn giữa xe máy và xe ben 15 tấn trên đường Kha Vạn Cân làm anh Trần Hoàng Đông chết tại chỗ do bị bánh sau xe cán ngang đầu, người bạn đi cùng là anh Nguyễn Thiên Hải văng vào trong bị thương nặng. Sáng 27-5, một xe container BKS 57K-6210 chở đầy hàng hóa trên tỉnh lộ 25B (quận 2) bị lật. Tài xế và phụ xe chỉ bị thương nhẹ nhưng toàn bộ hàng hóa cùng chiếc xe đầu kéo container bị hư hỏng nặng.
TRUNG DUNG
Dạy lái xe: Thực hành... ba buổi là thi lấy bằng dấu C
Theo Pháp Luật TP