Truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho hai nhân viên y tế có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa ký các Quyết định số 1543/Q-CTN, số 1544/Q-CTN truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho bà Trần Thị Phương Hằng, nguyên Điều dưỡng (hạng IV), Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện nhân dân Gia Định, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và ông Trịnh Hữu Nhẫn, bác sĩ (hạng III), nguyên Trưởng trạm Trạm Y tế xã Phước Lộc, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.
Bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh minh họa: TTXVN phát
Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn và điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Từ ngày 20/5, huyện Nhà Bè xuất hiện những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Cùng với đội ngũ phản ứng nhanh, bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn và tất cả nhân viên trạm y tế thực hiện nhiệm vụ điều tra ca bệnh, truy vết và lấy mẫu. Ngày 11/7, bác sĩ Nhẫn có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với SARS-CoV- 2 nên được chuyển vào Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thủ Đức điều trị và đã qua đời ngày 4/8 do viêm phổi nguy kịch, suy hô hấp, suy tim.
Từ ngày 27/7, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chuyển đổi công năng khoa Hồi sức tích cực chống độc thành khoa Hồi sức COVID-19, điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng không quản ngại khó khăn và nhận nhiệm vụ mới. Ngày 31/7, điều dưỡng Hằng có kết quả xét nghiệm PCR dương tính và được chuyển đến Bệnh viện Hồi sức COVID-19 điều trị, đến ngày 13/8 có các kết quả xét nghiệm đủ điều kiện xuất viện. Sau khi được xe cứu thương của Bệnh viện Nhân dân Gia Định đưa về nhà mẹ ruột ở tỉnh Đồng Nai để tiếp tục cách ly theo nguyện vọng, bà Trần Thị Phương Hằng đột ngột khó thở nên được chuyển đến Trung tâm Y tế Xuân Lộc cấp cứu và đã không qua khỏi.
Đồng Nai: Tạm dừng đăng ký, bổ sung doanh nghiệp thực hiện '3 tại chỗ'
Tỉnh Đồng Nai tạm dừng việc xem xét chấp thuận đăng ký, bổ sung cho doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 địa điểm" trong các khu công nghiệp trên địa bàn.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đến hết ngày 31/8. Đây là cơ hội tốt nhất để tỉnh hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao cho là kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1/9. Do đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp tạm dừng việc xem xét, chấp thuận đăng ký bổ sung phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 địa điểm" tại doanh nghiệp ở các khu công nghiệp để tập trung xét nghiệm cho người lao động đang lưu trú trong doanh nghiệp và toàn dân. Hiện nay, các
khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai có trên 1,1 ngàn doanh nghiệp đang thực hiện phương án "3 tại chỗ".
Trước đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai có văn bản khẩn gửi doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại huyện Nhơn Trạch yêu cầu không đưa lao động tại xã Phú Hội và thị trấn Hiệp Phước thuộc huyện Nhơn Trạch vào tham gia phương án "3 tại chỗ" của doanh nghiệp. Lý do là qua xét nghiệm diện rộng để chủ động phòng, chống dịch đã phát hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 tại cộng đồng dân cư của xã Phú Hội và thị trấn Hiệp Phước. Đây cũng là hai địa phương có nhiều khu nhà trọ, tập trung đông lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn huyện.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai yêu cầu, doanh nghiệp không tự ý cho và để lao động ở hai địa phương trên đang thực hiện phương án "3 tại chỗ" trở về địa phương. Doanh nghiệp vận động người lao động tiếp tục tham gia phương án "3 tại chỗ" và thực hiện đúng chủ trương "ai ở đâu ở yên đó" để các địa phương hoàn thành công tác bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Doanh nghiệp, người lao động không thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch sẽ chịu trách nhiệm nếu để dịch bệnh lây lan diện rộng tại đơn vị, cộng đồng dân cư.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chỉ đạo một số sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai Công điện số 1081/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn vận động người dân "ai ở đâu, ở yên đó", không để người dân tự ý ra khỏi nơi cư trú về quê.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, các địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo, quản lý thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/ CT-TTg trên địa bàn tỉnh; rà soát, đánh giá địa phương thực hiện nghiêm, nơi nào làm chưa nghiêm để có biện pháp xử lý, khắc phục. Các lực lượng, đơn vị trực thuộc phối hợp chính quyền cơ sở quản lý chặt chẽ địa bàn, không để người dân tự ý ra khỏi nơi ở để về quê. Trường hợp cá biệt có người tự ý về quê đã qua địa bàn tỉnh khác cần chủ động phối hợp, thống nhất việc tiếp nhận, quản lý, đảm bảo an toàn. Các trường hợp chưa đưa đón về quê được, Công an tỉnh thông tin nhanh, phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đưa vào cơ sở cách ly do Quân đội quản lý, đặc biệt ưu tiên đưa đón phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp, UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan, tổ chức đoàn thể, UBND các huyện, thành phố triển khai chính sách an sinh xã hội, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế...
Long An khôi phục sản xuất theo '4 tại chỗ' Tỉnh Long An đang hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì sản xuất nhằm giải quyết các đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng, giải quyết việc làm cho người lao động. Tỉnh cũng đã chủ trương cho doanh nghiệp sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" và đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh tương đối cao. Tuy nhiên, vẫn còn...