‘Truy’ tài sản bất minh: Không thể áp dụng quyền công dân thông thường
Nêu giải pháp xử lý tài sản bất minh không giải trình được, ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng chủ thể của khối tài sản này là chủ thể đặc thù – người có chức vụ, quyền hạn, do vậy phải chịu trách nhiệm khác với công dân bình thường.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa – Ảnh: TTXVN
Thảo luận tại Quốc hội chiều 25.10 về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), các đại biểu vẫn có quan điểm khác nhau về việc xử lý tài sản không giải trình hợp lý về nguồn gốc.
Thu thuế hay ra tòa đều không đảm bảo?
Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), cả hai phương án như dự thảo luật đều không đảm bảo. Nếu khẳng định rằng sử dụng tòa án hành chính thì ở đây không có khái niệm tòa án hành chính, phải sử dụng tố tụng dân sự. Nếu sử dụng khái niệm thu hồi tài sản thì có nghĩa đã khẳng định rằng đó là tài sản không hợp pháp. Vậy, sẽ giải quyết mối quan hệ này như thế nào? Nếu không có cơ sở thì rất nguy hiểm.
“Nếu chuyển cho toà thì đang vô tình “hình sự hoá trá hình” các vụ việc dân sự. Đánh thuế cũng không ổn bởi sẽ gây ra tình trạng thuế chồng thuế. Nếu tài sản trong diện nghi vấn thì dứt khoát phải tiến hành điều tra, nếu điều tra thấy tham nhũng thì cho thu hồi”, ông Nhưỡng nói.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng – Ảnh: VPQH
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng không thể nói vì tài sản đó chủ sở hữu không chứng minh được nguồn gốc mà thu hồi hoặc giao cho toà án xử lý.
“Điều này liệu có vi phạm Hiến pháp không? Pháp luật đã quy định mọi người có quyền sở hữu tài sản và được pháp luật bảo hộ. Không chứng minh được vi phạm mà tiến hành thu hồi thì không đủ cơ sở để thực thi, dễ gây ra sự chống đối”, ông Phương nói và đồng ý với phương án thu thuế.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng thuế thu nhập cá nhân xét về tính chất thì không phải là công cụ trực tiếp trong công tác phòng, chống tham nhũng và cũng không mang ý nghĩa răn đe hay ngăn chặn hành vi tham nhũng.
Trong khi đó, đối với tài sản có được bởi hành vi tham nhũng, nếu như áp dụng với thuế suất 45% thì lại quá nhẹ. Nhưng nếu như đối với tài sản vì một lý do nào đó mà không chứng minh được nguồn gốc mà áp dụng thuế suất 45% thì lại rất nặng. Hệ lụy trong trường hợp này có thể để lọt tội phạm và không đảm bảo tính công bằng.
Theo bà Mai, nếu cứ xem tài sản thu nhập giải trình chưa hợp lý là đối tượng chịu thuế thì với đặc thù của kinh tế tiền mặt như hiện nay, công cụ để tổ chức thực hiện chưa sẵn sàng, tính khả thi cũng chưa cao.
Video đang HOT
Cần phải ra cơ quan điều tra
ĐB Võ Đình Tín (Đăk Nông) cho rằng, trách nhiệm của cán bộ, công chức là phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong đó có nghĩa vụ trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập.
“Đối với tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tòa án sẽ ra quyết định thu hồi tài sản tăng thêm cho Nhà nước. Song, trước khi chuyển cho tòa án cần phải chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ căn cứ pháp lý để tòa án phán quyết chính xác”, ông Tín nói.
Theo ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), không kê khai tài sản tức là cố tình che giấu, cố tình gian dối. Trường hợp này phải xử lý thật nghiêm khắc, thậm chí là tịch thu và xử lý kể cả về mặt hành chính.
Đối với tài sản kê khai không chứng minh được nguồn gốc nhưng cơ quan quản lý thấy có dấu hiệu bất minh thì phải chuyển tài sản đó cho cơ quan điều tra. Còn nếu cơ quan quản lý không phát hiện ra dấu hiệu bất minh thì tài sản này sẽ chuyển qua cơ quan thuế để thu thuế theo phương án 2.
Theo ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) chủ thể của khối tài sản này là chủ thể đặc thù, đó là những công chức, người giữ chức vụ, quyền hạn, do vậy phải chịu trách nhiệm khác với công dân bình thường.
Vì vậy, không thể áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội ở trong trường hợp này. Theo đó, dù phương án 2 hay phương án 1 thì bản chất của việc này là tịch thu tài sản đối với tài sản không giải trình được một cách hợp lý.
“Những tài sản này không chỉ liên quan đến công chức mà còn liên quan đến tài sản chung của cả gia đình, vì vậy, việc kết luận tài sản này không giải trình được một cách hợp lý nên để tòa án và chỉ có tòa án mới đảm bảo sự minh bạch”, ông Thành nói.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), cán bộ, công chức nhiều trường hợp không thể sống và lo cho gia đình bằng thu nhập từ lương, cho nên thu nhập ngoài lương là bình thường. Theo đó, nhiều người đã giàu lên nên chuyện cán bộ, công chức giàu không phải là chuyện kỳ thị. Vấn đề là thu nhập ngoài lương và giàu lên này phải hợp pháp.
Ở nhiều quốc gia tư bản, tài sản hợp pháp phải dựa trên thu nhập hợp pháp. Yêu cầu đối với công chức cao hơn với người dân bình thường nên tính minh bạch rất cao, đi vào từng khoản thu nhập nhỏ, siết vấn đề quà cáp rất ghê gớm.
“Không thể dùng quyền tài sản, quyền công dân thông thường để áp dụng một công chức. Đối với nước Đảng cộng sản lãnh đạo chúng ta, những người cộng sản thì không thể đặt ra tiêu chuẩn về hợp pháp và minh bạch thấp hơn nước tư bản được”, ông Nghĩa nói.
Do đó, ông Nghĩa đề nghị chia tài sản bất minh ra nhiều loại. Thứ nhất, cán bộ không khai báo trước hết vi phạm kỷ luật cán bộ, công chức. Nếu đó là tài sản hợp pháp thì không xử lý.
Còn khi tìm hiểu thấy tài sản có vấn đề, có thể là không đóng thuế thì sẽ phải thu thuế thu nhập. Những bất minh dạng này có thể xử ở mức độ hành chính, thậm chí không đưa vào xử lý tài sản. Có trường hợp phải chuyển cơ quan điều tra. Nếu điều tra ra tài sản đó là hợp pháp thì không tịch thu tài sản, nhưng nếu điều tra xác minh là có tội thì tịch thu tài sản đó.
Lam Thanh
Theo motthegioi
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa – Ảnh: TTXVN
'Một số cán bộ có tài sản rất lớn không giải trình được nguồn gốc'
Cho ý kiến về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc đến thực tế một số cán bộ có tài sản lớn nhưng không giải trình hợp lý về nguồn gốc.
Sáng 10/9, phiên họp thứ 27 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một nội dung lớn còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng. Phương án về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được về nguồn gốc được nhiều đại biểu quan tâm.
Cấp dưới có dám đưa cấp trên ra tòa?
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết dự thảo luật thiết kế 2 phương án xử lý tài sản bất minh: Phương án 1 là xem xét, giải quyết tại toà và phương án 2 là thu thuế thu nhập cá nhân.
Uỷ ban Tư pháp và cơ quan trình dự án đề nghị lựa chọn phương án 1.
Theo phương án này, với tài sản, thu nhập tăng thêm không có giải trình hợp lý về nguồn gốc thì cơ quan kiểm soát chuyển kết luận xác minh và tài liệu liên quan để yêu cầu tòa án xem xét, quyết định.
"Qua con đường tố tụng tại toà án là bước tiến mới, cả cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo mạnh dạn đưa ra. Nếu thực hiện như luật hiện hành thì không có bước chuyển trong xử lý tài sản bất minh trong khi áp lực của dư luận về vấn đề tài sản tham nhũng được biến hoá lòng vòng để hợp thức hoá là rất lớn", bà Nga nói.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Quochoi.vn
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tán thành phương án 1 nhưng ông băn khoăn về việc người Việt có cái tình, cái lý nên việc cấp dưới chuyển yêu cầu đưa cấp trên ra toà xử lý về tài sản thì "chắc là khó".
"Phương án xem xét tại toà hay nhưng có khả thi không lại là một chuyện khác", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói và đề xuất lập cơ quan kiểm soát độc lập, tốt nhất là thuộc Quốc hội.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến thì nhấn mạnh nếu không làm rõ được thế nào là giải trình hợp lý hay không thì có đưa nhau ra toà, lại cãi nhau vì tài sản của cán bộ hình thành từ nhiều nguồn, đa dạng và phong phú, thậm chí nhạy cảm.
"Chúng ta cần đánh giá tác động toàn diện. Cơ quan kiểm soát tài sản họ có làm được không, có gì vướng mắc? Toà quyết thu hồi tài sản đó thì có làm được không?", ông Chiến nêu quan điểm.
Trước những thắc mắc này, bà Lê Thị Nga khẳng định xử lý tại toà có điểm vướng nhất là về tâm lý. Nhiều trường hợp cơ quan kiểm soát tài sản kiện cán bộ ra toà để yêu cầu thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc thì chính là đi kiện lãnh đạo, kiện cấp trên của mình.
Nhưng, quan điểm của Đảng, Nhà nước, pháp luật là không phân biệt về vị thế, chức vụ quyền hạn nên cơ quan nào được giao quyền khởi kiện thì cũng vẫn phải làm.
"Về lo ngại cơ quan tố tụng quá tải, chúng ta cần thì phải bố trí thêm nhân lực cho toà chứ không thể nói vì việc nhiều mà không làm", bà lý giải.
Bộ Chính trị xem xét 2 phương án xử lý tài sản bất minh
Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nghiêng về phương án thu thuế thu nhập cá nhân. Theo ông, quy định về thuế thu nhập cá nhân hiện nay thì hoàn toàn xử lý được mà không cần phải ra toà.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sẽ trình Bộ Chính trị xem xét 2 phương án xử lý tài sản bất minh. Ảnh: Hoàng Hà.
"Anh không chứng minh được thì chuyển sang cơ quan thuế, bắt nộp thuế và xử phạt, quy định từ thu thuế luỹ tiến từng phần, rồi mức phạt đều có rồi. Chúng ta làm nghiêm thì cứ luật thuế mà xử, cần gì chuyển sang toà, sang viện kiểm sát, thủ tục rất rườm rà", ông Hiển nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích quyết tâm chính trị là phải minh bạch thu nhập, tài sản, phòng chống tham nhũng. Bà nói: "Thời gian qua cho thấy rõ ràng có một số cán bộ, công viên chức có tài sản giá trị rất lớn không giải trình hợp lý nguồn gốc nhưng chế tài chưa có để xử lý".
Theo Chủ tịch Quốc hội, người dân không cần biết cán bộ bị xỷ lý ở tù bao nhiêu năm mà muốn biết vụ án tham nhũng đó đã thu hồi được tài sản tham nhũng chưa, được bao nhiêu.
Cả 2 phương án xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc trong dự thảo luật đều có ưu, khuyết điểm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất báo cáo cả 2 phương án để Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Thắng Quang
Theo Zing
Xử lý tài sản bất minh: Thêm phương án, thêm lo lắng Thêm một phương án mới, thêm tranh luận căng thẳng về quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc... Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận. Thêm một phương án mới, thêm tranh luận căng thẳng về quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng...