Truy nã kẻ chuyên “đáo nợ ngân hàng”, lừa bạc tỷ
Theo đơn tố cáo của bà Võ Thị Lệ Hà (50 tuổi, trú tại phường 3, TP.Vũng Tàu), do quen biết từ trước nên bà đã cho Lê Phạm Thụy Bích Tuyền (SN 1976, ngụ đường Lê Lợi, P4, Vũng Tàu) vay tiền nhiều lần (có giấy ghi nhận nợ, từ ngày 15-2010 đến tháng 3-2011) với số tiền 1,31 tỷ đồng và 15.200USD, để hùn vốn kinh doanh, với thời hạn 3 tháng, lãi suất 3%/tháng.
Thế nhưng đến hẹn thanh toán, bà Hà đến lấy tiền thì Tuyền khất nợ và bỏ đi đâu không rõ.
Tương tự, ngày 1-3-2011, bà Nguyễn Thị Vân (54 tuổi, trú tại phường 7, TP.Vũng Tàu) cho Tuyền vay 1,35 tỷ đồng và 15.200USD, thời hạn 3 tháng, lãi suất 3%/tháng để đáo hạn ngân hàng. Đến kỳ thanh toán, không liên lạc được với Tuyền, bà Vân hỏi mọi người chung quanh mới biết cơ quan đã cho Tuyền thôi việc.
Video đang HOT
Đơn tố cáo của bà Lê Thị Phương (48 tuổi, trú tại phường 8, TP.Vũng Tàu) cũng cho biết ngày 10-1-2011, bà Phương cho Tuyền vay 600 triệu đồng, thời hạn 3 tháng, lãi suất 3%/tháng. Đúng hẹn, ngày 10-4-2011, bà Phương đến nhà lấy tiền thì Tuyền khất nợ với lý do “làm ăn thua lỗ” và hứa sẽ bán nhà trả nợ. Nhưng đến ngày 4-8-2011, bà Phương gọi điện hỏi lấy tiền thì Tuyền tắt máy, gọi đến cơ quan thì được biết Tuyền không đi làm nữa. Đến nhà tìm mới biết Tuyền đã bán nhà và đi đâu không rõ.
Bà Hoàng Thị Kim Thuần (40 tuổi, trú tại phường 4, TP.Vũng Tàu) cũng làm đơn tố cáo việc Tuyền lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 15-3-2011, Tuyền vay 950 triệu đồng của bà Thuần nhưng đến nay vẫn chưa trả và bỏ đi khỏi nơi cư trú. Ngoài ra, nhiều người khác cho Tuyền vay tiền cũng bị xù nợ.
Việc Tuyền làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng và đổ bể với tổng số tiền hàng tỷ đồng, bước đầu được cơ quan điều tra xác định: Tuyền lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mẹ chồng (trú tại phường 4, TP.Vũng Tàu) và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của căn nhà 82/6 Lê Lợi (phường 4, TP.Vũng Tàu) để thế chấp, vay tiền của nhiều người để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng. Căn nhà 82/6 Lê Lợi (phường 4, TP.Vũng Tàu) là của ông nội Tuyền để lại cho bà Lê Thị Hiếu (cô ruột Tuyền). Đầu tháng 8-2011, bà Lê Thị Hiếu đã bán căn nhà này được 8,3 tỷ đồng và đưa cho bà Tuyền trả nợ. Mặc dù đã trả được 8,3 tỷ đồng nợ, Tuyền vẫn bỏ đi khỏi nơi cư trú do còn thiếu tiền của nhiều người khác.
Ai biết Lê Phạm Thụy Bích Tuyền (ảnh) ở đâu, xin báo cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (14 Lê Lợi, phường 1, TP.Vũng Tàu, điện thoại: 064.3858743 hoặc 0913784489, gặp điều tra viên Hải), giúp cơ quan công an nhanh chóng kết thúc điều tra vụ án.
Theo PLTP
Hai phụ nữ quỵt nợ 40 tỷ đồng
Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh những cán bộ ngân hàng có hành vi lừa đảo. Bằng hình thức đáo nợ ngân hàng với lãi suất khá hấp dẫn, một số cán bộ đã chiếm đoạt tiền của người dân để chi xài cá nhân và đánh bạc. Hành vi của họ sẽ bị xử lý theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, đối với các nạn nhân vẫn không biết khi nào lấy lại được tài sản.
BA THÁNG LỪA ĐẢO 20 TỶ ĐỒNG
Sau bốn tháng bị bắt giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trần Thị Hồng Chinh (SN 1980, nguyên phó trưởng phòng kinh doanh Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín, Chi nhánh Tiền Giang - TRUST Bank) đã thừa nhận hành vi phạm tội. So với bạn bè cùng trang lứa, Chinh được xem là phụ nữ khá thành đạt. Lập gia đình không được bao lâu, Chinh xây dựng ngôi biệt thự hoành tráng rồi bỏ dở. Ngày 1-8-2010, Chinh công tác tại TRUST Bank với chức danh phó trưởng phòng kinh doanh. Sau ba tháng công tác, Chinh ôm của người dân 20 tỷ đồng rồi âm thầm bỏ trốn. Sau hơn một tháng tránh sự tầm nã của các con nợ, Chinh tìm đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang đầu thú.
Trần Thị Hồng Chinh ký tên vào biên bản bắt giam
Chinh khai đã huy động tiền của dân với lãi suất khá hấp dẫn 15%/tháng để làm dịch vụ đáo nợ ngân hàng. Ban đầu Chinh trả lãi khá đầy đủ. Nhiều người xúc động trước nghĩa cử đẹp của vị phó phòng nên gom tài sản, nhà đất... đưa hết cho Chinh để rồi mang nợ. Chị Nguyễn Thị Oanh (ngụ xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang) cho biết, gia đình chị có chiếc xe dùng chở thuê vật liệu xây dựng. Hồng Chinh tìm đến nhà cầm hộ khẩu và giấy CMND của vợ chồng chị Oanh đi làm giấy phép kinh doanh, đồng thời tới Phòng Tài nguyên - Môi trường điều chỉnh lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chinh nhiệt tình làm xong hồ sơ vay tiền và dẫn nhân viên ngân hàng tới nhà thẩm định. Hôm sau, chị Oanh được gọi tới TRUST Bank để ký nhận 700 triệu đồng. Mang tiền về chưa tới nhà, Hồng Chinh cũng xuất hiện để... mượn lại.
Bà Lê Thị X. (ngụ xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, Tiền Giang) đang khóc thầm không biết tìm đâu ra tiền để trả món nợ 9 tỷ đồng. Trước đó vài tháng, bà X. quen biết với Chinh. Ban đầu, Chinh hỏi mượn bà 600 triệu đồng để đáo nợ ngân hàng. Một tuần sau, Chinh trả vốn và lãi đầy đủ. Lấy lòng tin được bà X., Chinh đề nghị tăng vốn. Đến tháng 10-2010, số tiền mà Chinh mượn bà X. lên đến 6 tỷ đồng. Những lần bà X. đòi lấy lại tiền để trả nợ cho người khác, Chinh nói giải ngân không kịp. Thị còn yêu cầu bà X. giúp thêm 3 tỷ với lời hứa 5 ngày sau sẽ thanh toán. Nhận tiền xong, Chinh lặn mất. Anh Nguyễn Thanh Tùng (ngụ xã Đông Hòa, huyện Châu Thành, Tiền Giang) nhớ lại, khi Chinh chuyển công tác về TRUST Bank, Chinh tới tận nhà anh khoe đã được đề bạt chức phó phòng và gợi ý anh vay "ủng hộ". Phi vụ đầu tiên, Chinh tận tay làm giúp hồ sơ cho anh vay một tỷ đồng với thủ tục "trọn gói" từ A đến Z. Chinh cũng gọi công chứng viên từ Cai Lậy đến tận nhà anh để ký tên hợp đồng thế chấp. Hồ sơ hoàn thành chiều hôm trước thì sáng hôm sau, Chinh gọi chị anh Tùng (cùng đứng tên hợp đồng) tới ngân hàng để nhận tiền. Ký tên nhận tiền xong, Chinh "mượn" lại để làm dịch vụ đáo nợ ngân hàng. Hiện nay, gia đình anh Tùng điêu đứng vì "ôm" nợ một tỉ đồng, chưa kể lãi phát sinh. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (ngụ phường 4, TP.Mỹ Tho) bao năm dành dụm được 100 triệu đồng gởi tiết kiệm cho ngân hàng. Vốn "bén hơi tiền", Chinh tìm đến nài nỉ chị Thủy đưa cho Chinh vay với lãi suất cao. Tin lời, chị Thủy gom hết tiền gia đình đưa cho Chinh 370 triệu đồng. Sau đó, Chinh tiếp tục thuyết phục chị Thủy đem hồ sơ nhà để vay ngân hàng. Đến nay, chị Thủy nợ 500 triệu đồng không có khả năng thanh toán.
Ngôi biệt thự xây dở dang của Chinh bị người dân đục lấy hết đồ để trừ nợ
Ngoài việc trả lãi suất 15%/ tháng, Hồng Chinh còn có lắm chiêu lấy lòng nạn nhân. Chị Nguyễn Thị Kim Thoa kể, lần đầu cho Chinh mượn tiền, đến ngày hẹn, Chinh gọi chị tới... bệnh viện để trả tiền ngay trên giường bệnh. Khi lân la tới nhà chị Thoa chơi, Chinh biết chồng chị Thoa vừa mất sợi dây chuyền vàng liền gợi ý tổ chức sinh nhật để cô ta tặng sợi dây chuyền khác. Chinh cũng thường xuyên tới nhà các chủ nợ trò chuyện như người trong gia đình. Đi đâu Chinh cũng mang theo bản vẽ ngôi biệt thự đang xây và chìa ra để "tiếp thị". Khi mượn tiền của các bị hại, đến hạn Chinh mang tiền tới trả vốn và lãi sòng phẳng rồi tiếp tục mượn lại. Kết quả là số tiền mượn ngày càng tăng, trong khi lãi 15%/ tháng chỉ là lời hứa ảo. Chị Thoa hiện đưa Chinh số tiền 800 triệu đồng, trong đó có 100 triệu đồng thế chấp giấy tờ nhà đưa cho Chinh chờ lấy lãi.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang đã làm rõ hành vi lừa đảo của Chinh với số tiền khoảng 20 tỷ đồng. Theo thông tin của chúng tôi, Chinh là con bạc từng bị Công an xã Tân Hương bắt quả tang khi đang ngồi sòng tại ấp Tân Thuận.
MẤT TIỀN TIẾT KIỆM CÒN MANG NỢ
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang cũng vừa bắt giam Vũ Phương Nhung, cán bộ Phòng kế toán Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Chi nhánh Kiên Giang về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Khi Nhung bị bắt, hàng chục con nợ mất ăn mất ngủ. Do làm việc tại ngân hàng SCB, Nhung biết được nhiều người gửi tiền tiết kiệm. Những lần giao dịch với người dân, Nhung xin số điện thoại làm quen và "nở nụ cười thân thiện". Khách hàng nào gởi tiết kiệm nhiều, Nhung "bí mật" hẹn gặp gỡ, ăn nhậu tại nhà hàng sang trọng để đặt vấn đề nhờ những người dân rút tiền tiết kiệm cho vay làm dịch vụ đáo nợ ngân hàng với lãi suất cao 8%/ tháng. Để lấy lòng tin, Nhung đã làm giả nhiều hồ sơ vay để huy động vốn và chiếm đoạt tài sản của nhiều người.
Bà T. (ngụ TP. Rạch Giá) đau điếng khi bị mất 300 triệu đồng tiền tiết kiệm và món nợ oan gần cả tỷ đồng. Theo lời bà T., qua những lần lấy lãi tiền gởi tiết kiệm, Nhung lân la làm quen, vài ngày sau bà T. đã cuốn hút trước phi vụ làm ăn lãi kếch sù do Nhung bày sẵn. Bà T. rút tiền gởi đưa cho Nhung và gom góp thêm số tiền vay mượn bên ngoài gởi cho Nhung chờ lấy lãi. Cũng như những đối tượng lừa đảo khác, thời gian đầu Nhung thực hiện đúng lời hứa trả lãi và vốn cho các nạn nhân để móc túi người dân với số tiền lớn hơn. Khi không có khả năng thanh toán, Nhung tuyên bố vỡ nợ với hơn 20 tỷ đồng. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang tiếp tục điều tra làm rõ.
Qua những vụ lừa đảo trên, thiết nghĩ người dân cần cẩn trọng với trò lừa mức lãi suất hấp dẫn. Không ít người tán gia bại sản vì chạy theo lãi suất ảo của những cán bộ ngân hàng biến chất.
Theo Công An TP