Truy lùng san hô đen, cả chục thợ lặn bỏ mạng
Do nằm ở độ sâu từ 50-80m so với mực nước biển, trong khi dụng cụ hành nghề của thợ lặn khá đơn giản… nên hàng chục trường hợp ngư dân đã tử nạn vì lặn tìm san hô đen.
Với giá trên thị trường hiện lên đến trên dưới 2 triệu đồng/kg, san hô đen đang được thợ lặn đất đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) truy lùng ráo riết. Tuy nhiên do nằm ở độ sâu từ 50-80m so với mực nước biển, trong khi đó dụng cụ hành nghề của thợ lặn khá đơn giản: Bình hơi, máy khí nén và ống dẫn… nên hàng chục trường hợp ngư dân nơi đây đã tử nạn vì lặn tìm sản vật quí của đại dương này.
Một nhánh san hô đen vừa được đem từ dưới biển lên
Qua tìm hiểu thì không phải đến gần đây mà cách từ hàng ngàn năm trước, san hô đen không chỉ được sử dụng để chế tác thành những đồ mỹ nghệ, mà nó còn là loại liệu quý chỉ các bậc vua chúa, quý tộc và người giàu có mới có tiền mua và sử dụng. Vì vậy mà nó còn được gọi là King’s coral (san hô của vua).
Theo một số tài liệu y học cổ truyền thì san hô đen có vị ngọt, tính bình, công dụng giải nhiệt, tiêu độc, làm sáng mắt, an thần và chống co giật…. Trong dân gian san hô đen được một số người ta chữa viêm mũi và mài lấy bột chữa bệnh trĩ…(?) bằng cách đốt nhánh rồi hít lấy khói.
Video đang HOT
Thân san hô đen được cưa thành đoạn nhỏ để làm đồ trang sức
Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa thấy có công trình nghiên cứu y học nào chứng minh tác dụng cụ thể của san hô đen. Thế nhưng thời gian gần đây, san hô đen khi sử dụng làm đồ mỹ nghệ rất được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo một số chuyên gia nữ trang, thì san hô đen thường được sử dụng làm nhẫn đeo tay, mặt dây chuyền, vòng đeo tay… Tuy nhiên giá sản phẩm được chế tác từ san hô đen bán khá đắt, với giá nhiều món lên đến hàng chục triệu đồng. Vì vậy giá san hô đen trên thị trường tăng lên vùn vụt. Từ chỗ giá chỉ vài trăm ngàn/kg, nay đã tăng lên gần 2 triệu đồng/kg.
Nhẫn được làm bằng san hô đen có giá lên đến nhiều triệu đồng
Tuy nhiên do nằm ở rất sâu dưới mặt nước biển từ 50-80m, cho nên không ít thợ lặn đã bỏ mạng khi săn tìm và hiện san hô đen bị cơ quan chức năng cấm khai thác.
Theo Công Xuân
Lý Sơn: Đổ xô khai thác hoa đá đen bán tiền triệu
Chỉ cần bỏ ra từ 200 ngàn đến dưới 1 triệu đồng là có thể sở hữu một cây hoa đá đen (hay còn gọi là san hô đen) có chiều cao thân từ 30-50cm được khai thác từ biển lên, thêm vài trăm ngàn tiền công thuê thợ "chế tác", những cây hoa đá đen này sẽ trở thành những chậu cảnh có giá trị gấp nhiều lần giá trị ban đầu, nên thu hút khá đông ngư dân lén lút tham gia khai thác loại hoa đá đen này.
Những chậu hoa đá đen này khi chế tác xong có giá đến vài triệu đồng.
Những ngày này, trên những chuyến tàu vươn khơi xa bờ của ngư dân Lý Sơn liên tục hối hả cập đảo, ngoài tôm cá đầy khoang thì không thể thiếu những cây hoa đá đen, một loại hoa đá (san hô) được cho là hiếm và quý ở vùng biển gần bờ.
Ngư dân Phùng Thoại - chủ tàu cá QNg 96020 TS, ở thôn Tây xã An Hải, hiện đang tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Trường Sa - cho biết: "Hiện nay, ngoài việc khai thác cá thì phần đông tàu cá của ngư dân kiêm luôn việc khai thác hoa đá đen, bởi giá trị của cây hoa đá đen không gì sánh bằng".
Cũng theo ngư dân Thoại, hoa đá đen được phân làm 2 loại, sinh sống nhiều ở những vùng biển sâu như ngư trường giáp Malaysia, Indonesia... Tại ngư trường trong nước, thứ hoa đá này chỉ còn sống rải rác ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Để lặn được một cây hoa đá đen có giá tiền triệu trở lên, ngư dân phải lặn dưới nước ở độ sâu 60-70 mét. " Hoa đá đen cũng có nhiều loại, giá trị của mỗi loại khác nhau. Ví như hoa đá đen vừa khai thác lên có màu đen bóng, thân dẻo to bằng cổ tay trẻ em được bán theo cân, mỗi cân có giá trên dưới 2 triệu đồng.
Loại này chủ yếu tư thương Trung Quốc thu mua, còn loại hoa đá đen màu nâu thì rẻ hơn nhiều, nên được ngư dân khai thác đem về bán cho những người làm chậu cảnh, hoặc làm nhẫn đeo tay theo giá thỏa thuận, nhưng cũng không dưới 1 triệu đồng/kg. Mỗi chuyến biển, một ngư dân chỉ cần bẻ được vài cây hoa đá đen là có chục triệu, thu nhập cao hơn làm cá và lặn hải sâm" - ngư dân Thoại tâm sự.
Hiện nay, phần lớn tàu cá công suất lớn của ngư dân Lý Sơn đều tham gia khai thác hải sản tại 2 ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, 2 ngư trường này ngoài dồi dào nguồn tôm cá còn là vùng biển có nhiều loại hoa đá quý hiếm sinh sống, nhưng nay đang có nguy cơ "cạn kiệt" bởi bị khai thác lén lút bừa bãi.
Ông Dương Minh Thạnh (60 tuổi, ở thôn Tây xã An Hải) - một thợ lặn lão luyện - cho biết, vài chục năm trước tại ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa, lặn xuống biển đâu đâu cũng thấy cây hoa đá đen sinh sống, chẳng ai khai thác làm gì. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi tư thương Trung Quốc đổ xô thu mua, rồi rộ lên phong trào sử dụng cây hoa đá đen để chế tác thành những chậu cảnh, làm đồ trang sức thì bất kể loại nào dù đen hay nâu, cây lớn cây bé đều bị khai thác một cách tận diệt.
"Ngư dân họ nghĩ đơn giản trước mắt, của cải dưới biển sâu, miễn là dễ làm, có thu nhập cao thì dù có bẻ hết rạn san hô đem bán thì họ cũng làm" - ông Thạnh bức xúc.
Theo tìm hiểu, hiện trên đảo Lý Sơn có hàng chục thợ "chế tác" cây hoa đá đen thành những chậu cảnh bắt mắt với nhiều kiểu dáng chơi trong nhà, mỗi chậu cảnh này có giá từ bạc triệu đến vài chục triệu đồng. Người chơi loại này chủ yếu là khách du lịch ra thăm đảo, họ cho rằng có được chậu cảnh hoa đá đen để trong nhà thì trừ được tà ma yêu quái, đồng thời chậu hoa đá đen được xem là "hàng độc" không đụng hàng và chỉ những người sành điệu mới có khả năng chơi.
"Điểm B và C, điều 8, chương II Nghị đinh 31/2010/NĐ-CP ngày 29.3.2010 của Chính phủ quy định cấm khai thác, hủy hoại trái phép các rạn đá ngầm, san hô hoặc rạn san hô, các thảm thực vật ngầm, rừng ngập mặn và hệ sinh cảnh khác, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép san hô đều phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Do đó, trước tình hình ngư dân lén lút khai thác loại hoa đá đen (san hô) để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, địa phương đã tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại của việc khai thác này; nếu phát hiện trường hợp vi phạm, địa phương sẽ có biện pháp xử lý theo luật định" - ông Ngô Văn Hưng, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi - nói.
Theo Laodong