Truy đến cùng nguyên nhân cháy nổ xe
Cho đến nay, câu trả lời cuối cùng cho sự cố hàng loạt xe máy, ôtô cháy nổ vào dịp cuối năm 2011, đầu năm 2012 vẫn chưa có. Theo các chuyên gia, có 3 nhóm nguyên nhân có thể dẫn đến cháy nổ ôtô, xe máy.
Các vụ cháy xe xảy ra liên tục khiến nhiều người phải đi kiểm tra hoặc lắp thêm tấm tản nhiệt.
3 nguyên nhân là: Thói quen sử dụng, chất lượng xăng dầu và do kết cấu của phương tiện.
Giả thiết về chất lượng xăng, dầu kém đang được nghiên cứu và cần thời gian để khẳng định. Trong chuyên đề này, chúng tôi chỉ đề cập tới 2 nhóm nguyên nhân còn lại và đưa ra tư vấn để người sử dụng có thể tránh được các tình huống cháy nổ xuất phát từ thói quen sử dụng chưa hợp lý và từ chính kết cấu của xe.
Bài 1: Cháy xe vì… trời lạnh
Điều bất ngờ là thời tiết lạnh ở miền Bắc được coi là một trong những chất “xúc tác” khiến tỉ lệ cháy nổ ở đây có phần nhỉnh hơn. Nguyên nhân cháy xe này, ít ai có thể ngờ đến, nhưng là điều rất thực tế.
Video đang HOT
Chuột làm xe bốc hỏa
Ông Nguyễn Công Hùng – chủ cửa hàng sửa xe số 24 Nguyễn Tuân – nói về một “sự cố” mới đây: Cửa hàng nhận sửa chiếc xe máy BKS 89.E2-076… khi kiểm tra đến phần dây thì thấy các dây nối đã bị chuột cắn nham nhở, bung bét. Ông cũng cho hay, xe Honda AirBlade BKS 99B1- 02969 bốc cháy mới đây tại Trường THCS Đồng Nguyên (thị xã Từ Sơn – Bắc Ninh) đã được đại lý bán xe Thắng Lợi (quận Long Biên, HN) xác định nguyên nhân cháy là do chuột cắn, khiến dây dẫn điện bị hở lõi, gây chập điện.
Tình trạng chuột vào xe làm tổ, cắn phá cũng diễn ra phổ biến với ôtô. Anh Trần Văn Hiếu – nhân viên sửa chữa tại gara HD (Q.Thanh Xuân, HN) – cũng cho biết: “Gần đây, mỗi tháng, gara tiếp nhận cả chục xe cần sửa chữa. Nguyên nhân xe hỏng được phát hiện là do chuột làm tổ trong khu vực khoang động cơ, cắn dây điện và tuyô xăng. Các dây điện bị cắn không được xử lý kịp thời rất dễ gây nên chập điện và cháy xe khi vận hành”.
Ở các thành phố, quá trình đô thị hóa mạnh đã làm mất nơi trú ẩn của chuột, chúng đã chọn các bộ phận hộp rỗng trong xe ôtô hoặc xe máy làm nơi trú ẩn. Đặc biệt là mùa đông ở miền Bắc lạnh, vì thế nên khi xe đi về còn ấm, chuột rất thích vào đó. Các xe máy tay ga có khoang kín như AirBlade, SCR, LEAD, Atilla, PS, Force… là các đích ngắm chuột vào làm tổ, đặc biệt là khi xe để ở các gầm cầu thang, xe để lâu ngày không vận hành. Chuột tha vào đó rất nhiều rác, trong đó có những chất dễ cháy như giẻ, khăn lau, giấy, nylon.
Theo nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tại vị trí cổ xả và trên đường ống xả, nhiệt độ khi xe vận hành khá cao, lên tới 5480C, có thể gây cháy nếu có vật dễ cháy bám vào. Vì thế, nguy cơ cháy cho xe khi “bị” chứa rác như thế rất cao. Khi trú ngụ trong xe, chuột còn cắn các dây diện và ống dẫn xăng.
Có trường hợp xe cả dây xăng và dây điện đã bị chuột cắn 3 – 4 lần. Chỉ khi chủ xe đánh được chuột, nạn cắn dây mới được chấm dứt. Để chống chuột, có người đã nghĩ cách trùm một tấm lưới mắt cá lên xe khi không đi, hoặc quấn dây đồng kín xung quanh tuyô xăng. Từ đó, chủ xe mới ăn ngon ngủ yên được, không lo chuột quậy xe nữa.
Cháy do chủ xe tự làm khó mình
Xe Spacy đời cũ (loại sản xuất từ trước năm 2006) có 2 cửa thông gió ở mũi xe. Chủ nhân mang xe đi dán đề can trang trí, thợ không biết kết cấu đó nên đã bịt đề can cả 2 cửa thông gió này, khiến cục sạc không được làm mát, tăng nhiệt xung quanh cục sạc và dễ dẫn đến lão hóa vỏ dây điện, có thể gây chập cháy. Mặc dù Spacy là loại xe có thiết bị phụ tùng tốt, nhưng cũng xảy ra cháy vì nguyên nhân như vậy.
Anh Quân – một thợ xe trên phố Khương Đình – cho biết: Hiện có tình trạng người sử dụng thay thế đèn nguyên bản bằng đèn có công suất lớn hơn, hoặc lắp thêm còi, hệ thống bảo vệ… Ví dụ: Chủ xe thay đèn sợi đốt trong xe bằng đèn xenon để đèn sáng hơn, có ánh sáng màu.
Khi thay đèn xenon, phải gắn thêm các thiết bị chuyển đổi điện. Đây thường là thiết bị nhập lậu, không rõ nguồn gốc, có tuổi thọ không cao, khi hỏng hay gây chập cháy, phóng điện hoặc làm nóng toàn bộ dây điện. Hoặc thiết bị không phù hợp với hệ thống theo thiết kế của nhà sản xuất sẽ làm nguồn nhiệt phát sinh. Ví dụ như dây điện trong xe được thiết kế tải được dòng điện ở cường độ nhất định, có thêm đèn pha công suất lớn hơn, cường độ dòng điện tăng cao gây nóng chảy và cháy vỏ cách điện, tạo nguồn lửa, gặp nhiên liệu rò rỉ gây cháy xe.
Theo nghiên cứu của Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT), chỉ có khoảng 8% số người sử dụng xe máy và 30% số người sử dụng ôtô thực sự quan tâm đến việc sử dụng và bảo hành xe đúng cách. Trong khi đó, chính việc bảo trì, bảo dưỡng phương tiện không phù hợp cũng là một nguyên nhân dẫn đến hỏng, chập, cháy xe. Theo các cửa hàng sửa xe, rất nhiều người không có thói quen bảo dưỡng định kỳ, quên thay dầu, đến khi xe bốc mùi khét mới mang ra kiểm tra thì mới biết… dầu xe đã cạn.
Mặt khác, các phương tiện giao thông ở VN đều đang vận hành khắc nghiệt do thời tiết nóng ẩm, bụi bẩn, tắc đường… Khi đi xe thường xuyên gặp tắc đường, xe sẽ phải hoạt động tốc độ thấp. Chế độ làm mát và bôi trơn kém trong thời gian dài có thể làm động cơ quá nóng, dẫn tới lão hóa nhanh các hệ thống, thiết bị phụ trợ của xe. Trong khi đó, các thiết kế, bố trí của một số phương tiện chưa lường trước được các điều kiện này.
Các dòng xe ga nhập khẩu như SH, Dylan là loại xe được thiết kế cho xứ lạnh, bộ phận xả thường nằm ở vị trí kín đáo, do không cần làm mát. Nhưng khi vận hành ở nơi có thời tiết nóng ẩm như VN thì lại không phù hợp. Vì thế, đã có những sự cố cháy xảy ra với xe SH, Dylan nhập khẩu, vị trí xuất phát cháy thường được tìm thấy là ở dưới cốp, bên phải. Một số đại lý bảo hành xe đã có sáng kiến lắp thêm tấm tản nhiệt vào cục sạc cho các loại xe ga nhập khẩu như SH, Dylan để tăng khả năng tỏa nhiệt cho xe, giảm độ lão hóa đối với dây điện.
Theo laodong
Mẹo chống cháy nổ xe
Việc hiểu được các nguyên nhân có thể dẫn đến cháy sẽ là đầu mối chống cháy tốt nhất. Chỉ cần có ý thức, người sử dụng có thể áp dụng rất nhiều mẹo nhỏ, nhưng tác dụng lớn để phòng, chống cháy nổ hiệu quả cho xe của mình.
Dây dẫn điện của xe máy bị hở có thể gây chập.
Không lắp thêm thiết bị
Lời khuyên đầu tiên của các chuyên gia để đề phòng "bà" hỏa từ xa là không lắp thêm các thiết bị, thay đổi kết cấu không phù hợp với thiết kế ban đầu, đặc biệt là thay thế những phụ tùng không rõ nguồn gốc và kém chất lượng. Nếu thực sự cần lắp thêm, nên đến những địa chỉ uy tín để được tư vấn.
Trong quá trình đi xe, không nên để các chất, vật dễ cháy, dễ làm mồi cho lửa như điện thoại di động, nước hoa, bật lửa ga, hóa chất trên xe, trong cốp xe. Không nên để xe ở những nơi quá kín, không có thông gió hoặc nơi có nguy cơ cháy nổ cao như nguồn nhiệt, hóa chất. Trước khi khởi động xe, 1 - 2 phút kiểm tra sơ bộ tình trạng xe là cần thiết để hạn chế cháy nổ và tăng tuổi thọ của xe. Đặc biệt là kiểm tra xem xe có mùi xăng hay không, để nếu có sẽ biết nguyên nhân vì sao.
Đến hẹn nhớ bảo dưỡng
Theo khảo sát của Cục Đăng kiểm, khoảng 70% số người đi xe máy và 40% số người sử dụng ôtô chưa bảo dưỡng xe đúng quy định của nhà sản xuất. Trong khi đó, việc bảo dưỡng đúng cách là yếu tố quan trọng hạn chế chập cháy và tăng tuổi thọ cho xe. Với xe máy, cần thay những loại dầu tốt và kiểm tra sau khi mỗi thời gian đi được khoảng 3.000km. Với ôtô thì thông thường định kỳ bảo dưỡng, thay dầu sau 5.000 - 10.000km. Ngay cả khi xe ít đi hoặc để một chỗ thì sau 6 tháng cũng nên kiểm tra và thay dầu, bởi có thể dầu đã bị lắng cặn, biến chất qua thời gian đó.
Khi đi qua khu vực có chất dễ cháy như rơm rạ, nilon, 80 - 90% số người đi xe chọn cách đi qua luôn. Trong khi đó, các chất dễ cháy này khi bám vào đường ống xả là một nguy cơ cháy cao. Vì thế, điều mà người điều khiển nào cũng nên làm là chỉ cần dừng xe lại một chút và kiểm tra xem ống xả, nhất là với xe ôtô gầm thấp có vật dễ cháy bám vào không? Trường hợp có va chạm giao thông, đổ xe, người sử dụng lưu ý kiểm tra lại trước khi khởi động lại động cơ. Khi đỗ xe, cần đóng kín các cửa, kiểm tra và tắt hết các thiết bị điện.
Việc dọn rửa xe thường xuyên là những cách loại bỏ được nhiều nguyên nhân cháy nổ. Tuy nhiên, một số loại xe ga như xe SCR, LEAD có bình xăng đặt ở vị trí thấp ngay chỗ để chân, nên khi rửa xe xong, hoặc sau khi xe bị ngập nước, nên kiểm tra nắp bình xăng xem còn nước đọng ở nắp bình xăng hay không, đặc biệt là ở joăng caosu ngay dưới nắp. Nếu nước vào trong bình xăng, lâu ngày chỗ đọng nước trong bình xăng, người sử dụng không thể biết để lâu ngày khiến thủng bình xăng và dẫn đến nguy cơ cháy.
Chọn sửa xe ở nơi tin cậy
Có rất nhiều điểm sửa xe máy là tự phát không có giấy phép hay chứng chỉ về nghề, bởi tay nghề chuyên môn của thợ sửa xe chưa tốt, hay làm ẩu. Ví dụ: Khi tháo lắp máy không cẩn thận siết ốc chặt hoặc thay joăng, phớt không đúng cách, loại kém chất lượng.
Điều này có thể khiến dầu máy thoát qua các khe máy, lâu ngày đọng lại thành lớp dày. Hoặc khi sửa chữa, họ thay các thiết bị kẹp, ống dẫn nguyên liệu, các dây dẫn điện, lớp bảo vệ dây điện không đúng chủng loại và không đúng nguyên tắc. Mục đích sửa chỉ làm cho xe hoạt động được lúc đó, không tính đến hậu quả sau một thời gian có thể hỏng hóc gây cháy nổ. Nếu bất đắc dĩ phải sửa xe dọc đường để giải quyết tình thế, sau đó, bạn nên mang xe đi kiểm tra lại ở nơi sửa chữa uy tín.
Trước khi vận hành hằng ngày, 50% số người đi ôtô và 85% số người đi xe máy chưa khởi hành xe đúng cách.
Chỉ có khoảng 8% số người đi xe máy và 30% số người đi ôtô thực sự quan tâm đến việc cần sử dụng và bảo hành xe.
Gần 80% số người đi ôtô và 90% số người đi xe máy còn rất chủ quan khi đi qua khu vực có chất dễ cháy.
(Kết quả khảo sát của Cục Đăng kiểm công bố tại hội thảo khoa học về một số kết quả nghiên cứu xác định nguyên nhân và giải pháp phòng, chống cháy nổ với ôtô, xe máy ngày 12.11).
Theo laodong
TP.HCM bác "sáng kiến" tháo biển ô tô Đề xuất tháo biển ô tô dừng đỗ trên đường sai quy định của UBND quận 1 đã chính thức bị bác bỏ sau khi Sở tư pháp tham mưu cho UBND thành phố. Ngày 21/11, UBND TP HCM đã có chỉ đạo không cho phép triển khai phương án tháo biển ôtô dừng đỗ trái phép nhưng không có người điều khiển...