Truy bắt hai tên cướp trên Quốc lộ 62
Khoảng 6 giờ ngày 2-1-2012, anh Nguyễn Ngọc Phương (SN 1978, ngụ ấp 2, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) chạy xe Wave BS: 62P1-0544 trên Quốc lộ 62 từ nhà ra TP.Tân An mua bán. Đến khu vực Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, anh Phương bị một thanh niên đi xe máy đuổi theo chĩa súng điện vào ngực yêu cầu chạy xe theo đến quán cà phê. Khi anh Phương lấy ĐTDĐ ra định báo công an, tên cướp lập tức lấy con dao bấm trong người kè sát cổ anh Phương hăm dọa. Cùng lúc, y điện thoại cho đồng bọn chạy tới hỗ trợ cướp xe.
Công an TP. Tân An đã xác định được hai nghi can là Nguyễn Quốc Viên (SN 1981, ngụ ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP. Tân An) và Nguyễn Công Ngân (SN 1992, ngụ ấp Phú Hữu, xã Phú Mỹ, Tân Phước, Tiền Giang). Hai tên này (ảnh) nằm trong diện nghi vấn tham gia một số vụ cướp, cướp giật trước đây trên đoạn Quốc lộ 62 từ TP. Tân An về huyện Thủ Thừa, Thạnh Hóa. Khi cơ quan điều tra ra lệnh bắt khẩn cấp, cả hai bỏ trốn về các tỉnh miền Tây.
Ngày 14-3-2012, phát hiện Ngân đang lẩn trốn tại TP. Mỹ Tho (Tiền Giang), trinh sát ập vào bắt giữ, thu trong người y con dao cùng một số giấy tờ tùy thân. Trưa 15-3-2012, Viên đang chạy xe máy đến đoạn ngã tư Mỹ Phú, Thủ Thừa, trinh sát tổ chức truy bắt. Viên tăng tốc chạy về hướng biên giới huyện Mộc Hóa. Được sự hỗ trợ tích cực của Công an huyện Thạnh Hóa, khi đối tượng chạy gần 15km tới khu vực xã Tân Đông thì bị trinh sát ép xe vào lề. Viên móc dao chống cự nhưng đã bị hạ gục.
Tại cơ quan điều tra, chúng khai nhận đã cùng số đối tượng khác thực hiện 13 vụ cướp, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp, lừa đảo… với hầu hết tang vật là xe máy, tập trung ở TP.Tân An và Tiền Giang.
Cơ quan điều tra hiện thu giữ của Ngân, Viên hai xe Wave và Nouvo chúng sử dụng làm phương tiện gây án, một viên đạn súng điện, ba mã tấu, một bộ đoản dùng để mở khóa xe môtô cùng nhiều kim tiêm. Đây chỉ là lời khai bước đầu, vì có khả năng chúng đã thực hiện rất nhiều vụ cướp khác trên đoạn Quốc lộ 62, xã Lợi Bình Nhơn, TP. Tân An và xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa. Hiện cơ quan CA đang tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ vai trò của từng đối tượng trong băng cướp này.
Video đang HOT
Theo CATP
Giật mình: Quán cơm thu mua lợn... chết
Nhiều người đi qua km 62 trên quốc lộ 62, địa bàn xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình đều không khỏi "sốc" khi ở ngay trước một quán cơm, phở ngang nhiên treo biển "Mua heo chết".
Không biết lợn chết được mua để làm gì nhưng việc mua bán này vẫn làm nhiều người lo ngại vì rất có thể trong số đó có cả lợn chết vì dịch bệnh, qua kênh này hay kênh khác lại bị tuồn ra chợ để bán cho người tiêu dùng...
"Bao nhiêu... cũng cân tất!"
Chúng tôi có mặt tại quán Quê chuyên bán cơm phở - canh cá - thịt chó, mèo có treo tấm biển "Mua heo chết" kèm số điện thoại 0987. 099..., chỉ có vợ chủ quán ở nhà. Quán lèo tèo dăm ba thực khách. Trong vai những người chủ trang trại có lợn chết, chúng tôi tiếp cận một người phụ nữ khoảng 30 tuổi. Trái với những hình dung của chúng tôi, người phụ nữ này tỏ ra khá xởi lởi tự giới thiệu tên mình là Nhiễm, chồng là Nghĩa.
Thu mua lợn chết... vẫn treo biển công khai
Khi chúng tôi đặt vấn đề có mấy chục con lợn đang khỏe mạnh bỗng dưng lăn ra chết, qua giới thiệu nên tìm đến đây, hy vọng vớt vát được chút nào hay chút đấy. Không chút hoài nghi, người phụ nữ này tỏ ra vồn vã: "Trang trại của các anh ở đâu? Lợn chết có nhiều không, khoảng bao nhiêu con? Các anh tìm đến đây là đúng chỗ rồi? Có bao nhiêu nhà em cũng cân tất! Chúng tôi hỏi giá cả, người phụ nữ cho biết chỉ mua lợn mới chết, giá 1 triệu đồng /con khoảng 50 kg. Cố nài thêm nhưng chị ta bảo: "Giá này là tốt lắm rồi! Nhưng nếu vừa chết xong thì để em gọi cho nhà em hỏi xem sao? Anh ấy đang đi ăn cưới ở xã bên". Nói rồi chị rút điện thoại gọi cho ai đó, xong quay qua bảo chúng tôi: "Giá đó là chốt rồi, không cao hơn được nữa! Anh chị cứ đi khảo giá mấy nhà trên kia, nếu hơn thì bán, không thì quay lại đây để cho em. Nhưng anh phải chịu chi phí vận chuyển".
Trước mặt những thực khách đang ăn sáng tại đây, chị chủ quán vẫn vô tư: "Nhà em bắt đầu mua lợn chết từ khoảng trung tuần tháng 11/2010, và treo biển từ đầu tháng 12 vừa qua. Mỗi ngày có hàng chục xe chở lợn từ Móng Cái (Quảng Ninh) qua đây ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ, trong quá trình vận chuyển, vì nhiều lý do, lợn chết cũng kha khá. Mới đầu chúng em cũng chả để ý nhưng từ khi có người bên Hải Phòng sang đặt vấn đề, thấy có lãi nên đứng ra thu mua luôn".
Người phụ nữ này cho biết, chuyến đầu tiên vợ chồng chị mua được 30 con từ những xe chở lợn từ Móng Cái về. Lần đầu mua cũng run tay lắm, của một đống tiền. Nhưng gọi điện thoại cho bên Hải Phòng, người ta bảo sẽ sang ngay nên vợ chồng chị ta liều xoay tiền gom. Ai ngờ chuyến đó lãi gần 2 triệu đồng. Chuyến thứ hai mua được ít hơn, có bốn con giá 3 triệu đồng. "Từ đó, thấy nhiều người có lợn chết muốn bán và cũng có nhiều người thường xuyên đến hỏi mua nên vợ chồng em treo tấm biển này lên để làm ăn cho "chuyên nghiệp" (!?). Nói chung, cứ hai, ba ngày em làm một chuyến, khoảng 2- 3 chục con; cũng có ngày nhiều mua được vài chuyến. Nhưng chỉ mua lợn mới chết và người bán phải chở đến đây chứ chúng em không đi gom lẻ", người phụ nữ này kể.
Ngay khi chúng tôi có mặt ở đó để tìm hiểu vụ việc thì có người chở 3 con lợn chết đến bán. ông Nguyễn Văn Đ. (Đông Hưng, Thái Bình) cho biết, đàn lợn nhà ông đang khỏe mạnh, sắp được xuất chuồng thì mấy ngày gần đây bỗng có dấu hiệu biếng ăn, lờ đờ và da phừng phừng đỏ như say rượu, hay thở dốc. Sau khoảng 10 ngày thì kiệt sức, đứng không nổi, nằm lăn ra và chết. "Trước đó, nhà tôi đã bán mấy con cho một người ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) nhưng giá thấp quá. Nghe nói ở đây giá cao hơn nên tôi đem đến bán", ông Đ. nói.
Chính quyền không biết!?
"Theo quy định thì chỉ được mua bán gia súc gia cầm khoẻ mạnh, có đóng dấu kiểm dịch. Không cần biết người mua với mục đích gì, thu mua lợn chết là sai. Phát hiện lợn chết là phải báo cáo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để tiêu huỷ theo đúng quy định. Để xảy ra tình trạng mua bán trái phép như trên, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền điạ phương, sau đó đến các quan chức năng khác trong đó có thú y...". (Cục trưởng Cục thú y Hoàng Văn Năm)
Sau khi có được số điện thoại của chủ quán thu mua lợn chết, khoảng một tiếng sau, trong vai người bán thịt lợn ở chợ Tứ Kỳ (Hải Dương) chúng tôi gọi điện thoại cho người đàn ông tên Nghĩa số 016. 525. 77... đặt vấn đề mua lợn chết. Sau một hồi úp mở, dạo này giá thịt tăng cao, muốn mua thêm thịt lợn mới chết để "pha" vào, mang đi tiêu thụ. Chúng tôi đặt vấn đề mua thịt lợn chết nhưng không mua nội tạng và dò hỏi giá cả. Người đàn ông này lúc đầu thừa nhận có lợn chết nhưng sau tỏ ra cảnh giác hỏi chúng tôi ở đâu, mua lợn chết làm gì? Khi chúng tôi nói lại rất cần mua, bao nhiêu cũng mua, sẽ trả giá hời, người đàn ông này ậm ừ cho biết: "Hiện trong nhà không còn lợn chết. Nếu có sẽ gọi sau".
Trưa cùng ngày chúng tôi gọi lại vào số điện thoại nói trên thì người đàn ông này bảo không có lợn chết bán. Thỉnh thoảng có thì bán cho trang trại ở Hải Phòng mua về cho cá sấu ăn, họ đã đặt hàng từ trước (!?). Tuy nhiên, một chủ trang trại nuôi cá sấu với hàng nghìn con ở Hải Phòng khẳng định vào mùa đông cá sấu không ăn mấy nên chẳng ai dại gì đi mua lợn chết làm gì! Thêm nữa, giá cá sấu hiện tại tụt thê thảm, nếu mua lợn chết với giá cao như thế cho cá sấu ăn thì sạt nghiệp. "Có khi thịt lợn còn cao hơn thịt cá sấu" - chủ trang trại này hài hước trả lời.
Chúng tôi đem câu chuyện này trao đổi với Chủ tịch xã An Lễ nơi có quán Quê chuyên thu mua lợn chết qua điện thoại thì nhận được trả lờiC: "Không biết, sẽ cho kiểm tra". Vị Chủ tịch này còn nói thêm "Có khi người ta mua lợn chết cho cá sấu ăn thật" (!?). Điều đáng nói là địa điểm kinh doanh lợn chết lại đối diện với trụ sở các cơ quan công quyền xã An Lễ.
Không biết những người mua lợn chết với mục đích gì, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc làm rõ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vấn đề này trong những số báo tiếp theo.
Theo Đời sống & Pháp luật