Trường tư “chia lửa” cùng phụ huynh học sinh
Ngay từ đầu tháng 2/2020, khi học sinh (HS) mới nghỉ học ở nhà tránh dịch, nhiều trường phổ thông đã tổ chức chuyển sang ôn tập và dạy học online, trong đó có nhiều trường ngoài công lập (NCL).
Mặc dù thiếu tiền trả lương cho giáo viên nhưng một số trường NCL quyết định không thu học phí của HS.
Tìm mọi nguồn trả lương giáo viên
Mới đây, nhiều cha mẹ học sinh trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) xúc động khi nhận được bức thư mang đầy tính nhân văn của nhà trường: “Ban giám hiệu và thầy cô gửi lời chân thành cảm ơn sợ hỗ trợ của cha mẹ HS thời gian qua.
Cùng thấu hiểu, chia sẻ khó khăn với cha mẹ HS, Ban giám hiệu trường Lương Thế Vinh quyết định không thu bất kỳ khoản phí nào của 3 tháng HS nghỉ dịch (tháng 2, 3, 4)…”. Phó Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh Văn Liên Na cho hay: “Nhà trường phải đi vay tiền ngân hàng để trả lương cho giáo viên nhưng chúng tôi muốn chia sẻ với cha mẹ HS để cùng nhau vượt qua giai đoạn này” – cô Liên Na giãi bày.
Video đang HOT
Thầy Trần Mạnh Tùng – trường THCS&THPT Lương Thế Vinh đang dạy học online.
Trước đó, trường THCS&THPT Marie Curie (quận Nam Từ Liêm) cũng thông báo trả đủ lương cho hơn 450 giáo viên, cán bộ và không thu học phí trong đợt dịch Covid-19. Hiệu tưởng nhà trường cam kết sẽ tiếp tục không thu học phí đối với HS học trực tuyến, trong trường hợp HS nghỉ ở nhà đến hết tháng 4, 5, đồng thời, cân nhắc các phương án trả lương 2 tháng này cho cán bộ, giáo viên giảm còn 70% và 50%.
Mới đây, nhà giáo Phạm Bích Ngà – người sáng lập và điều hành trường Liên cấp Tiểu học & THCS Ban Mai (quận Thanh Xuân) quyết định trả 100% lương tháng 2 và 3/2020 cho toàn bộ gần 300 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Cũng như các trường phổ thông khác, hoạt động dạy học online của trường THCS&THPT Ban Mai (quận Hà Đông) giúp HS duy trì và củng cố kiến thức, tương tác với thầy cô và bạn bè.
Hiệu trưởng trường Nguyễn Khánh Chung cho hay: Trong tháng 2, 3 HS không đến trường, giáo viên vẫn làm việc và hướng dẫn các em học tập online theo thời khóa biểu nhưng không thu học phí của HS. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng trường vẫn trả lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên (tạm thời là mức hỗ trợ) để bảo đảm cuộc sống và vượt qua giai đoạn khó khăn.
Phụ huynh cùng đồng hành chia sẻ
Tác động của dịch Covid-19, khiến không ít trường học NCL gặp khó khăn, nhất là những trường mới thành lập. Đã có những trường phải giảm tiền lương, thậm chí cả số lượng giáo viên, nếu tình hình kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ đóng cửa trường.
Tuy nhiên, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ cho các DN, trong đó có nhà trường được vay gói tín dụng ưu đãi lãi suất 0% để trả lương cho cán bộ, giáo viên. Về phía Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ này.
Trao đổi về bài toán kinh phí cho các trường phổ thông NCL, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho biết, trường NCL gặp khó khăn nhưng không thu học phí là việc làm rất đáng hoan nghênh.
“Tôi nghĩ, đa số HS trường NCL có kinh tế gia đình không quá khó khăn. Nếu phụ huynh thấy nhà trường tổ chức dạy học online hiệu quả, phân bổ giáo viên giám sát và hỗ trợ HS học trên truyền hình… thì cũng nên chia sẻ phần nào. Có thể trước đây phụ huynh nộp học phí 2 triệu/tháng, bây giờ hỗ trợ nhà trường 500.000 đồng hoặc 1 triệu/tháng” – ông Nhĩ nêu ý kiến.
BÀI, ẢNH: OANH TRẦN
Hà Nội: Đề xuất miễn bảo hiểm xã hội, y tế với toàn bộ giáo viên ngoài công lập
Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý các trường ngoài công lập do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ảnh minh họa
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện có 3.225 cơ sở giáo dục ngoài công lập, với 45.642 giáo viên và nhân viên.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trên 120 trường ngoài công lập đang phải hỗ trợ 100% lương cho giáo viên nhân viên. Trong số này có 83 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 6 trường THCS và 20 trường THPT.
Có gần 160 trường từ mầm non đến THPT thuộc khối ngoài công lập đang cố gắng để hỗ trợ 50% lương cho giáo viên, nhân viên. Nhưng vẫn có gần 50 trường không có kinh phí để hỗ trợ lương cho giáo viên, nhân viên. Một số trường chỉ có thể hỗ trợ một phần.
Lãnh đạo sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đã có văn bản kiến nghị với thành phố hỗ trợ lương cơ bản hoặc trợ cấp cho giáo viên, đặc biệt cho những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn phải thuê nhà, con nhỏ, sức khỏe yếu.
Đồng thời đề xuất miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý các trường ngoài công lập đã tham gia đóng bảo hiểm trong quý 1 và 2-2020.
Ngoài ra, văn bản đề xuất này cũng đề nghị có giải pháp hỗ trợ để giảm chi phí thuê nhà ở cho giáo viên, hỗ trợ để các trường ngoài công lập được vay ưu đãi với lãi suất 0% để duy trì hoạt động thường xuyên, bao gồm các chi trả lương, chi phí thuê mặt bằng, điện, nước, chi phí vận hành khác.
Cát Cát
Nhiều Hiệu trưởng tiết lộ phụ huynh phải è cổ gánh... sách giáo khoa Sự thiếu minh bạch trong việc lựa chọn nhà cung ứng sách giáo khoa là mảnh đất báu bở cho nhiều cá nhân trục lợi. Phụ huynh "è cổ" làm giàu cho nhiều người. Những ngày gần đây dư luận xã hội nhiều lần lên tiếng về vấn đề sách giáo khoa quá cao, thậm chí có bộ sách có giá gấp 4...