Trưởng thôn dùng tiền hỗ trợ mua bò cho hộ nghèo để làm đường
Những ngày này, câu chuyện trưởng thôn tự ý lấy tiền hỗ trợ mua bò cho hộ nghèo để làm đường ở xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn ( Hà Tĩnh) đang gây bất bình trong dư luận.
Hộ nghèo “dài cổ” chờ tiền hỗ trợ
Năm 2016, xóm 5, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) được Chương trình 135 hỗ trợ 35 triệu đồng để phát triển sản xuất cho hộ nghèo và cận nghèo mua bò. Các hộ thuộc đối tượng nhận tiền hỗ trợ gồm: Phan Thị Bê, Nguyễn Thanh Hương, Phan Xuân Anh, Lê Thị Lan và Nguyễn Thị Thương. Theo đó, gia đình thuộc diện hộ nghèo sẽ được nhận tiền hỗ trợ 7 triệu đồng, hộ cận nghèo là 4 triệu đồng. Điều lạ kỳ, hơn 1 năm trôi qua chỉ 2/5 hộ dân nhận được tiền hỗ trợ.
Chị Nguyễn Thị Thương bên ngôi nhà xập xệ, hơn 1 năm mong ngóng tiền hỗ trợ.
Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, chị Nguyễn Thị Thương (SN 1984) chia sẻ: “Gia đình tôi 3 năm liền thuộc diện hộ nghèo của xã. Chồng tôi từng là một người dính vào tệ nạn ma túy, phải rất khó khăn anh mới có thể hòa nhập lại được với cộng đồng. Tháng 9.2016, gia đình tôi được bình xét nhận hỗ trợ của Chương trình 135 về mua bò phát triển sản xuất, nhưng chỉ ký vào danh sách mà chờ mãi không thấy tiền hỗ trợ”.
Cùng tâm trạng với chị Thương, bà Phan Thị Bê cho biết: “Năm 2016, thôn báo tôi xuống UBND ký tên để nhận tiền hỗ trợ chăn nuôi. Gần một năm sau khi tôi ký tên vào danh sách nhưng vẫn không thấy tiền hỗ trợ. Khoảng giữa năm 2017, vẫn chưa được tiền hỗ trợ tôi có hỏi xóm trưởng thì ông trả lời làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới hết rồi”.
“Khi người dân chưa nhận được tiền hỗ trợ, nhưng ông Phan Xuân Thanh – Trưởng xóm 5 – xuống tận gia đình “dặn dò” nếu có đoàn nào hỏi về việc đã nhận được tiền hỗ trợ để mua bò hay chưa thì bảo đã nhận đủ 7 triệu đồng rồi” – bà Bê cho biết thêm.
Video đang HOT
Sự việc bị phát giác, cán bộ thôn gọi dân đến trả lại
Trước sự việc người dân phản ánh đã 2 lần ký vào biên bản nhận tiền hỗ trợ phát triển sản xuất của hộ nghèo và cận nghèo nhưng không nhận được tiền, phóng viên Dân Việt đã liên lạc với ông Phan Xuân Thanh – Trưởng xóm 5, xã Sơn Bình. Ông Thanh phân trần: “Xóm được giao làm 400m đường bê tông, đặc biệt là con đường vào hội quán xóm đất trũng buộc phải móng nền do đó số tiền dự kiến ban đầu bị vượt quá số tiền thu của người dân đóng nộp. Trong khi đó nhà thầu lại đòi tiền thi công, sẵn tiền hỗ trợ người nghèo mua bò tôi đã bàn với cấp ủy, ban cán sự xóm mượn tạm số tiền này trả cho bên thi công, sau khi thu lại được tiền sẽ trả lại cho dân”.
Ban cán sự xóm trả lại tiền cho hộ nghèo sau khi sự việc bị phát giác.
Nói về việc vì sao người nghèo chưa nhận được tiền hỗ trợ mà lại bắt dân ký vào biên bản đã nhận tiền, ông Thanh trần tình: “Xã về kiểm tra vì muốn khớp hồ sơ nên tôi đến từng nhà xin các hộ gia đình chữ ký, tiền thì tôi nói thu đóng góp làm đường sang năm sẽ trả lại. Làm đường cho tập thể chứ tôi không hề lấy tiền của hộ nghèo đút túi riêng”.
Nói về sự việc thu, chi sai mục đích ở xóm 5, xã Sơn Bình, ông Lê Quang Hồ – Trưởng phòng NNPTNT huyện Hương Sơn – cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin UBND huyện đã chỉ đạo phòng ban chuyên môn về kiểm tra tình hình thực tế ở địa phương để kịp thời có phương án xử lý”.
Ngay sau sự việc ban cán sự xóm 5 dùng tiền hỗ trợ của người nghèo để làm đường khiến người dân bức xúc, trước sự chứng kiến của phóng viên, ngày 22.8, tại hội quán xóm 5, xã Sơn Bình, ban cán sự xóm đã phải trả toàn bộ số tiền hỗ trợ mua bò cho người dân.
Theo Danviet
Hà Tĩnh: Huyện quên báo thuỷ điện xả lũ, 60ha chè bị mất trắng
Mưa lớn cộng với Thủy điện Hương Sơn xả lũ không thông báo đã khiến cho hàng trăm ha hoa màu của người dân huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bị nhấn chìm, không kịp vớt vát. 60ha chè của hơn 300 hộ dân cũng bị thiệt hại ước tính 3,5 tỷ đồng.
Bà Tuyết ở xã Sơn Diệm bên ruộng đậu bị ngập mất trắng sau khi thủy điện xả lũ.
Bà Trần Thị Tuyết, trú tại xóm 3 xã Sơn Diệm huyện Hương Sơn chia sẻ: "Thủy điện xả lũ mà dân có biết gì đâu, mấy ngày ngay mưa nhưng chưa đến mức ngập lớn như vậy. Nếu họ có xả thì cũng phải thông báo cho dân để chúng tôi chủ động thu hoạch ngô và cỏ vùng dọc bờ sông. Giờ nước rút phủ một lớp bùn trắng xóa lên hoa màu, trâu, hươu không có thức ăn".
Ông Nguyễn Văn Quang - xóm 10 xã Sơn Quang huyện Hương Sơn cho hay: "Nhà làm 4 sào đậu phải gieo đến lần thứ hai, nay mưa và thủy điện xả lũ bị ngập và giờ thì coi như mất trắng. Nếu như lượng mưa của mấy ngày qua, nước sông không lên nhanh như vậy được. Do xả lũ không thông báo nên người dân chúng tôi chạy không kịp".
Đậu, ngô và cỏ sữa của người dân ở xã Sơn Giang huyện Hương Sơn ngập bùn sau mưa lớn và xả lũ của thủy điện Hương Sơn
Theo ông Nguyễn Quang Hành - Trưởng thôn 3 xã Sơn Diệm, cả thôn có khoảng hơn 1ha đất trồng đậu ngô và cỏ sữa bị ngập nước do đợt xả lũ. Vừa qua, Thủy điện Hương Sơn xả lũ nhưng thôn không nhận được thông báo. Những lần trước mỗi lần xả là họ có thông báo về để thôn thông báo cho người dân. Nếu xả lũ phải thông báo cho người dân để đưa trâu bò lên cao và thu hoạch hoa màu dưới ruộng thấp".
Trao đổi với PV Dân Việt ông Lê Khắc Ái - Chủ tịch UBND xã Sơn Diệm cho biết: "Nhà máy thủy điện Hương Sơn xả lũ ngày 26.7, xã không nhận được thông báo. Những đợt trước mỗi lần xả lũ họ có thông báo cho xã, nhưng lần này không thấy ai nói gì về vệc xả lũ cả, kể cả thông báo bằng điện thoại cũng không có".
Không chỉ hoa màu bị ảnh hưởng hơn 300 hộ dân trồng chè tại xã Sơn Kim 2 huyện Hương Sơn đang chuẩn bị thu hoạch cũng bị thiệt hại nặng nề do mưa lớn cộng với việc thủy điện Hương Sơn xả lũ. Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc xí nghiệp chè Tây Sơn cho hay: "Theo thống kê sơ bộ ước tính có trên 60 ha chè của 300 hộ dân bị ngập, trị giá khoảng 3,5 tỷ đồng. Nếu như trời ngớt mưa và nước rút nhanh, diện tích chè này sẽ có khả năng phục hồi nhưng sẽ ảnh hưởng đến năng suất".
Chè của người dân xã Sơn Kim 2 bị ngập trong nước
Theo tìm hiểu của PV ngày 25.7.2017, Nhà máy thủy điện Hương Sơn đã có thông báo gửi UBND huyện Hương Sơn về việc xả lũ của nhà máy thủy điện. Và đề nghị UBND huyện Hương Sơn thông báo đến các xã ở hạ du, cơ quan ban ngành đóng trên địa bàn biết.
Ông Nguyễn Chí Tâm - Chuyên viên Phòng NNPTNT huyện Hương Sơn giải thích: "Nhà máy Thủy điện Hương Sơn có thông báo về việc xả tràn. Nhưng năm 2017, Nhà máy xây dựng quy hoạch vùng hạ du ảnh hưởng của việc xả lũ của nhà máy chỉ có xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Thị trấn Tây Sơn và xã Sơn Tây nên huyện chỉ thông báo đến các xã này. Còn một số xã khác nằm ở vùng hạ du dọc sông Ngàn Phố trước đây nằm trong vùng ảnh hưởng nhưng nay không (Theo quy hoạch của Nhà máy thủy điện Hương Sơn) nên huyện không thông báo về việc xả lũ đến các xã này".
Theo thống kê sơ bộ của phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn đến 10h ngày 27.7, có gần 314 ha lúa bị ngập trong đó khả năng bị mất trắng là 138 ha; 465 ha đậu bị ngập trong đó có khoảng 425 ha bị mất trắng và khoảng 253 ha ngô bị ngập trong đó khả năng mất trắng là 234 ha. Trong đó các xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Sơn Bằng, Sơn Thịnh, Sơn Trung, Sơn Châu, Sơn Hòa...(các xã này nằm vùng hạ du nhưng không nằm trong quy hoạch bị ảnh hưởng của Nhà máy thủy điện Hương Sơn).
Dung tích hồ chứa Nhà máy thủy điện Hương Sơn là 3,27 triệu m3, dung tích hữu ích là 1,87 triệu m3 và lưu lượng xả qua đập tràn cao nhất là 817m3/s.
Theo Danviet
Hà Tĩnh: Thủy điện Hương Sơn xả lũ bừa bãi, bức tử 60ha chè của dân Mưa lớn cộng với Thủy điện Hương Sơn xả lũ không thông báo đã khiến cho hàng trăm ha hoa màu của người dân huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bị nhấn chìm, không kịp vớt vát. 60ha chè của hơn 300 hộ dân cũng bị thiệt hại ước tính 3,5 tỷ đồng. Bà Tuyết ở xã Sơn Diệm bên ruộng đậu bị ngập...