Trường Sa tháng 3/1988: Những khoảnh khắc còn sống mãi
Tháng 3/1988, trên tàu Mỹ Á khẩn trương vượt biển ra Gạc Ma, Cô Lin làm nhiệm vụ cứu hộ , tôi được xếp nằm trong khoang cạnh nhà báo Đình Trân công tác tại Thông tấn xã Việt Nam.
Tháng 3-1988, nhận nhiệm vụ của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, PV Báo Tiền Phong (bìa trái) trao cờ Đoàn cho chiến sĩ trẻ trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Đình Trân.
Nhìn anh lúc nào cũng đeo hai chiếc máy ảnh to kềnh, têlê dài tôi không khỏi thèm thuồng. Tôi chỉ có chiếc máy ảnh Pratica đã cũ với 2 cuốn phim đen trắng.
Đình Trân cao to lừng lững nhưng lại say sóng nặng nhất. Tàu ra khơi, sóng trắng bạc đầu, anh nằm bệt, nôn thốc nôn tháo. Tôi nhỏ bé nhưng lại chịu sóng tốt nên thường gọt xoài cho anh và các đồng nghiệp cùng ăn.
Lễ kéo cờ Tổ quốc trên đảo Trường Sa.
Nhưng khi được thông báo tàu Mỹ Á sắp đến Gạc Ma, Cô Lin, tôi thấy anh chống tay vùng dậy, lảo đảo đi lên boong. Tôi chạy theo định đỡ anh nhưng ĐìnhTrân gạt tôi ra, tự tin:
“Hết say sóng rồi! Phải chọn góc chụp ngay tàu chiến Trung Quốc. Nó đang lao đến kia kìa. Nó sẽ cản trở tàu Mỹ Á cứu hộ!”.
Tàu chiến Trung Quốc mang số hiệu 854 de dọa, ngăn cản tàu Mỹ Á cứu hộ tại khu vực Gạc Ma, Cô Lin.
Tôi thấy Đình Trân chọn một góc cạnh buồng lái, hướng ống kính vào chiếc tàu chiến đang hùng hổ lao tới. Khi tàu Trung Quốc đã đến sát gần, dự báo thấy rất nguy hiểm, thuyền trưởng Quý yêu cầu mọi người không lên boong, Đình Trân khẩn khoản: “Anh cứ để anh em lên! Phải có ảnh, có tài liệu để tố cáo sự vô lương tâm kia, để mọi người hiểu sự thật về sự tàn độc, hung hãn này!”.
Nhà báo Đình Trân (1988).
Đình Trân vẫn đứng trên boong tàu, nép mình vào mạn, khôn khéo đưa ống kính lên. Ngay khi pháo trên tàu chiến Trung Quốc số hiệu 854 rê nòng hướng về tàu Mỹ Á như sắp nhả đạn, tôi vẫn thấy anh ria máy chụp.
Trên boong tàu, tôi thấy, cách Đình Trân không xa, nhóm phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam gồm Trần Bình Minh, Lê Trang Liêm, Nguyễn Vinh cũng đang khẩn trương ghi hình.
Nhà báo Trần Bình Minh (Đài THVN) phỏng vấn đại uý Thái Văn Khôi, Đảo trưởng đảo Sinh Tồn.
Bên mạn tàu, lấp ló mái đầu bạc của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Phức bên cạnh là mái tóc dài của Vinh Quang (Báo ảnh Việt Nam) cũng đang bình tĩnh tác nghiệp…
Video đang HOT
Tôi biết Đình Trân là một phóng viên ảnh chiến trường dày dạn. Ngay từ năm 1972, anh đã có mặt tại mặt trận Quảng Trị để viết bài, đưa tin.
Trung tá Lưu Đình Hùng, nhiều đêm thức trắng nhìn sao trời hoa tiêu cho tàu đến vị trí cứu hộ.
Thiếu tá Vũ Huy Lễ – Thuyền trưởng tàu 505 trên đảo Cô Lin.
Bữa cơm đạm bạc của chiến sĩ đảo Sinh Tồn.
Từ năm 1979 đến năm 1987, anh có mặt ở nhiều tỉnh biên giới phía Bắc, phản ánh sự khốc liệt của cuộc chiến tranh biên giới, sự dũng cảm hy sinh của quân và dân ta bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều người vẫn nhớ bức ảnh Tải đạn lên điểm tựa của anh chụp ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Tuyên)…
Trung tá Thái Văn An (quê Hà Nam) và chiến sĩ đảng viên trẻ Trịnh Văn Thái (quê Gia Lâm, Hà Nội).
Trong suốt chuyến đi đầy gian khổ nguy hiểm, Đình Trân cũng như các đồng nghiệp luôn tận dụng thời gian để thu thập nhiều tài liệu nhất. Không phải ai cũng có dịp tác nghiệp trong những khoảnh khắc đặc biệt này.
Đảo Phan Vinh, tháng 3-1988.
Tại Gạc Ma, Cô Lin hay đến Sinh Tồn , Sơn Ca, Song Tử… ở đâu tôi cũng thấy tự hào về những đồng nghiệp của mình. Những phóng sự, những thước phim, những bài báo của anh em chúng tôi trong chuyến đi ấy đã góp phần để mọi người hiểu rõ sự thật tại Gạc Ma, Cô Lin… những ngày tháng 3 năm ấy, để thêm cảnh giác với các thế lực xâm lăng, thêm tin yêu những chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng.
Nhà báo Đình Trân (bên trái) và các đồng nghiệp của Đài THVN: Nguyễn Vinh, Lê Trang Liêm, Trần Bình Minh trên đảo Sinh Tồn tháng 3-1988.
Trong rất nhiều tư liệu do đoàn nhà báo ra Gạc Ma,
Cô Lin tháng 3-1988, Tiền Phong xin trân trọng gửi tới bộ ảnh tư liệu của nhà báoĐình Trân.
Theo soha
Đến Gạc Ma, những ngày tháng 3/1988 (P2)
Trọn một ngày ở Cô Lin, trắng đêm trên Sinh Tồn, tôi càng tin yêu những người lính nơi đầu sóng. Thế hệ sau này, khi đến với Trường Sa, mỗi người đều có những tình cảm thiêng liêng mang theo suốt cuộc đời...
Kiên trung chiến sĩ Trường Sa
Cuối tháng 3/1988, chúng tôi đến Cô Lin. Chiếc tàu HQ 505 nằm ghếch mũi trên bãi cạn. Con tàu anh dũng này sau khi bị trúng đạn bốc cháy đã lao vào đảo quyết không để bị chìm, giữ vững chủ quyền Tổ quốc.
PV Minh Ngọc trong trang phục Hải quân ở Trường Sa tháng 4/2011
Tôi trèo lên tàu. Hai bên mạn tàu nham nhở những vết đạn pháo. Tôi bàng hoàng xúc động khi nhận ra chính con tàu này tháng 4 năm 1984 đã đưa tôi và đồng đội ra Trường Sa.
Tôi lặng lẽ bước tới mạn tàu, nơi tôi đã mắc võng nằm trong chuyến đi dài ngày năm ấy. Cạnh buồng lái, chỗ tôi ngồi đọc những bài thơ về biển cho các thủy thủ nghe trong những đêm trăng thanh, biển lặng giờ đây là một vết đạn pháo rộng hoác. Những miếng kính vỡ, những lớp sơn cháy nằm ngổn ngang bốc mùi khét lẹt.
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cùng các chiến sĩ Sơn, Bảy, Thuỳ, Sâm, Hương, Hồng, Thanh, Thuận, Hữu... - những người tiếp tục ở lại với con tàu sau khi bị bắn cháy đã lao lên bãi Cô Lin ùa lên boong đón chúng tôi.
Tôi đã tận thấy những gian khổ của các chiến sĩ ở đây. Hầm tàu là nơi sinh hoạt duy nhất còn lại của các lính thủy. Những tấm bạt rách bươm, những miếng cao su cháy dở được lót thành chiếc ổ để nằm.
Nơi ở của chiến sĩ Trường Sa. Ảnh trong bài: Minh Ngọc
Đến Cô Lin, tôi rất ấn tượng với Bí thư chi đoàn Hồ Khắc Thảo. Khi ngồi bên anh, nghe rõ tiếng tàu chiến Trung Quốc ầm ì tiến lại, anh vẫn bình tĩnh đánh bóng con ốc biển muốn gửi tôi về đất liền tặng người thân. Anh lẩm nhẩm:
- Lại thằng 854 đến quấy rầy. Sáng sớm nay nó đã mò vào đây!
Nói rồi, Thảo lại cắm cúi đánh bóng con ốc nón, mắt đăm đắm nhìn vào những đường vân thật đẹp trên vỏ ốc vẻ mãn nguyện. Thảo kể:
- Ngày nhiều nhất có tới 6 tàu chiến Trung Quốc mang số hiệu 854, 613, 511, 303, 556, 164 vòng trong vòng ngoài bao vây đảo. Nhiều lần chúng tiến sát. Đám lính ngồi trên boong còn định quăng dây để cập mạn tàu 505 của ta. Hăm doạ thôi. Còn nếu sang thật, chúng tôi đã sẵn sàng!
Nhiều năm, cứ đến ngày 14/3, những nhà báo đã đến Gạc Ma năm 1988 lại gặp mặt cùng ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên. Cho đến hôm nay, nhà đạo diễn, quay phim Lê Mạnh Thích, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Phức không còn nữa. Nhưng mỗi lần nhắc tới sự kiện Gạc Ma, chíng tôi đều nhớ về các anh, những nhà báo tài hoa, kiên cường nơi đầu sóng.
Sau trận chiến 14/3, quân tư trang của chiến sĩ trên tàu bị cháy rụi. Không còn cả nước ngọt nữa. Hai mươi lăm năm đã qua đi, tôi vẫn nhớ miếng cơm mặn chát do phải nấu bằng nước biển khi ngồi ăn cùng Hương, chiến sĩ trên tàu, quê ở huyện Nam Ninh (Nam Định). Và tôi mãi nhớ nụ cười hiền của các chiến sĩ trẻ khi viết tên, địa chỉ đề nghị tôi đăng trên mục Kết bạn của báo Tiền Phong để có thêm cơ hội làm quen, tìm bạn gái...
Được biết thi thể của liệt sĩ Trần Văn Phương, người bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma đã được an táng trên đảo Sinh Tồn, tôi mong tàu sớm cập đảo để được đến bên anh.
Bí thư đoàn cơ sở đảo Sinh Tồn, Đại biểu Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V Đinh Thanh Hải đưa tôi đi viếng mộ anh Phương. Tôi đã gặp Hải về dự Đại hội Đoàn tại Hà Nội. Hải đen và gầy hơn trước. Đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Suốt nhiều ngày trước đó, trước những hành động tàn bạo của hải quân Trung Quốc, các chiến sĩ trẻ, những đoàn viên thanh niên luôn cảnh giác cao, sẵn sàng chiến đấu. Nhiều chiến sĩ đã có giấy ra quân đều đăng ký ở lại với đảo, chia lửa cùng đồng đội .
Trường Sa hôm nay
Mộ anh Phương nằm ở góc đảo bên những đồng đội đã hy sinh khi chiến đấu bảo vệ Gạc Ma sáng 14/3. Những ngôi mộ trắng một màu san hô. Tôi đặt lên mộ các anh những nhành san hô trắng. Chúng tôi đứng nghiêm giơ tay chào vĩnh biệt đồng đội. Gió biển lay những cành phong ba xào xạc. Tôi cứ ngỡ các anh về nhắc nhở những người ở lại hãy giữ Sinh Tồn mãi sinh tồn trước mọi bão giông.
Đêm trên đảo Sinh Tồn hôm ấy, nhà báo Trần Bình Minh ghi hình hoạt động của chiến sĩ. Anh mời chúng tôi cùng tham gia. Hôm ấy, tôi đã đọc thơ tặng anh em. Bài thơ Con tem quân đội của Đinh Thị Thu Vân có đoạn:
Anh về từ chiến trường xa
Con tem quân đội làm quà trao em
Tay em năm ngón dẫu mềm
Vẫn e chưa đủ dịu êm khi cầm...
Hiểu giùm em phút bâng khuâng
Giấu trong câu nói nửa chừng lặng im
Nói thương người lính trong tem
Chính là thương lắm
người bên cạnh mình...
Các chiến sĩ trẻ lặng phắc nghe bài thơ. Những ánh mắt bâng khuâng, mơ mộng nhìn xa xăm về phía đất liền. Tôi thấy đạo diễn, nhà quay phim Lê Mạnh Thích lia máy, nhiều khi cận cảnh những gương mặt chiến sĩ sạm đen nắng gió lúc này đang thả hồn theo một áng thơ hay. Suốt đêm ấy tôi đã thức trắng chép nhiều bài thơ tình cho lính đảo.
Lớp cha trước, lớp con sau
Tháng 4/2011, con gái Minh Ngọc của tôi (đã trở thành đồng nghiệp của bố, cháu là phóng viên báo Thanh niên) đi Trường Sa trong chương trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Thời gian như thoi đưa. Chợt nhớ, ngày tôi chia tay gia đình để đến Gạc Ma, Minh Ngọc, chưa tròn ba tuổi, giơ bàn tay nhỏ xíu vẫy theo...
Các thành viên trong đoàn Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2011 lên đảo
Từ Trường Sa trở về, da đen sạm, tóc xơ cứng vì nắng gió biển khơi, Ngọc khỏe khoắn trong chiếc áo hải quân đã bạc màu. Cháu khoe: Lên đảo Sơn Ca, một chiến sĩ hải quân khi chia tay đã cởi chiếc áo mình đang mặc tặng Ngọc. Thế rồi trong suốt chuyến hành trình, Ngọc luôn mặc chiếc áo ấy.
Tôi thấy cả tuần con gái vẫn treo chiếc áo trên mắc như muốn lưu giữ những kỷ niệm sâu nặng về Trường Sa. Ngọc chia sẻ: Chiếc áo ấy đã thấm mồ hôi người lính đảo, thấm nước mắt con và các bạn khi chia tay các anh, con sẽ mãi mang theo!
Chiếc áo hải quân - kỷ vật của con, con ốc biển Thảo tặng ở Cô Lin năm 1988- kỷ vật của tôi, sẽ mãi là những kỷ vật về Trường Sa trong gia đình nhỏ của tôi.
Tôi chợt nhớ những ngày đến làng Bỉnh Di (Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Định), nơi hàng trăm người tiếp nối nhau ra Trường Sa xây dựng những công trình dân sinh ở Trường Sa. Có nhiều gia đình bố, con tiếp bước nhau đi xây dựng đảo. Tôi vẫn nhớ, trong chiếc tủ chè tại gia đình ông Lê Văn Biền có những con ốc biển, những nhành san hô bố con ông mang từ Trường Sa về để làm kỷ niệm.
Lại nhớ đến những bài báo tôi đã đọc ở đâu đó kể chuyện trong những người lính hải quân trẻ tuổi hăm hở lên đường đến Trường Sa có nhiều người là con của các lính đảo xưa, có cả người là con của chiến sĩ đã hy sinh trong những ngày tháng 3 năm 1988 bi tráng ấy. Tôi tin trên đất nước mình có nhiều gia đình đã, đang và sẽ sâu nặng với Trường Sa như thế.
Mỗi khi Tổ quốc bị đe dọa thì tinh thần yêu nước của dân tộc mình, của mọi con dân đất Việt sẽ nhân lên gấp cả ngàn lần. Thêm một lần tôi đọc vần thơ nhiều năm mình đã mang theo:
Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành!
Những ngày tháng 3/2013
(Còn nữa)
Theo 24h
'Sẵn sàng để máu mình tô thắm cờ tổ quốc' Tâm sự của binh nhất Nguyễn Văn Lanh, một trong những người còn sống sót sau trận chiến ở Gạc Ma (Trường Sa) đã khơi lại dòng chảy ký ức về 64 người lính ngã xuống trong trận hải chiến 25 năm trước. 7h sáng 14/3, hội trường giao lưu "Hướng về Trường Sa thân yêu" chật kín người. Sau phút mặc niệm...