Trường ngoài công lập gồng mình “vượt bão”
Học sinh nghỉ học dài ngày không chỉ khiến cha mẹ vất vả trong việc tìm người trông con. Ngay cả trường ngoài công lập, đặc biệt các trường mầm non rơi vào cảnh lao đao. Nhiều chủ trường đã tính phương án giảm nhân sự, thậm chí giải thể do không có nguồn thu để bù chi.
Giờ chơi ngoài trời ở một trường mầm non tư thục.
Học sinh nghỉ, trường tư gồng mình co kéo
Dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Với hệ thống giáo dục mầm nonngoài công lập tại TPHCM, khi 100% thu chi đều dựa vào học phí phụ huynh đóng, việc học sinh nghỉ học dài ngày khiến các trường rơi vào cảnh khủng hoảng nguồn thu.
Ông Nguyễn Trọng Trung – chủ đầu tư hệ thống Trường Mầm non tư thục Thiên Ân tại quận Thủ Đức cho biết: Dù không có học sinh đi học nhưng mọi chế độ phúc lợi của giáo viên nhà trường phải đảm bảo như: Lương, BHXH và chi phí thuê mướn mặt bằng… “Chúng tôi cố gắng co kéo, đảm bảo đời sống cho hàng trăm giáo viên của mình đến hết tháng 2. Nhưng nếu tiếp tục nghỉ rất khó để gồng gánh vì không có nguồn thu để trả cho giáo viên” – ông Trung nói.
Rơi vào tình cảnh tương tự, ông Nguyễn Văn Chính – chủ Trường Mầm non tư thục Hoàng Anh 2, quận 12 cũng nỗ lực trước mọi khoản chi có thể để đảm bảo và giữ chân đội ngũ giáo viên của nhà trường trước ảnh hưởng của “cơn bão” dịch Covid-19. Ông Chính cho biết: Trường chỉ có trên 250 học sinh nhưng đội ngũ giáo viên, quản lý tương đối đông – 28 giáo viên, bảo mẫu. Việc bị “đứt” nguồn thu ngay sau Tết khiến nhà trường phải xoay sở rất nhiều với các chi phí định kỳ.
“Hiện tại, mọi chế độ lương thưởng, phúc lợi của đội ngũ vẫn không có gì thay đổi dù không có học sinh. BHXH chúng tôi vẫn đóng đầy đủ. Nếu trường hợp Sở GD&ĐT tiếp tục cho học sinh nghỉ đến hết tháng 3/2020 sẽ rất khó khăn, nhưng vì an toàn cho sức khỏe học sinh, chúng tôi sẽ cố gắng co kéo để hỗ trợ một phần nhất định, giúp giáo viên vượt khó cùng nhà trường. Không được 100% cũng cố được 50% cho giáo viên, nhân viên” – ông Chính nói.
Video đang HOT
Ảnh minh họa/ INT
Giáo viên kiếm thêm việc làm để giữ nghề
Hiểu và chia sẻ với khó khăn của chủ trường nên giáo viên mầm non các trường ngoài công lập không còn cách nào khác là phải chấp nhận thực tế khó khăn, xoay sở nhiều công việc khác nhau để cân bằng chi phí trang trải cuộc sống cho gia đình mình.
Cô Nguyễn Ngọc Trang – giáo viên Trường Mầm non Lê Minh, quận 9 cho biết: Trường mới đi vào hoạt động trước Tết được một tháng, sau Tết thì vướng dịch bệnh Covid-19, học sinh không đi học nên không thể yêu cầu chủ trường trả đủ lương vì vậy mình buộc phải tự xoay sở.
Trong lúc chờ lên lớp trở lại, ngoài việc ở nhà phụ mẹ bán quán cà phê, cô Trang còn nhận may gia công cho một công ty gần nhà. “Bản thân tôi chưa có gia đình, vẫn sống chung với bố mẹ nên tạm thời việc học sinh nghỉ học cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Tôi nghĩ chỉ cần mình khéo co kéo, mọi thứ cũng sẽ ổn” – cô Trang nói.
Cũng tìm công việc khác mưu sinh, chờ hết dịch Covid-19, cô Trần Đào Thương – giáo viên Trường Mầm non tư thục Ngôi Sao, quận Thủ Đức nói: Chủ trường đã cố gắng để đồng hành và hỗ trợ giáo viên, nhân viên nên mình cũng phải chủ động vượt khó, chia sẻ với họ.
“Tôi muốn giữ nghề, tiếp tục với đam mê của mình nên cố gắng bước qua khó khăn để đi tiếp” – cô Thương nói.
Được biết, Sở GD&ĐT TPHCM đã ghi nhận chung tình hình khó khăn của các đơn vị trong phòng chống dịch, có chỉ thị các quận, huyện rà soát, tổng hợp báo cáo những khó khăn và kiến nghị để sở tổng hợp ý kiến trình UBND TPHCM theo đúng lộ trình. Nếu đúng đối tượng sẽ được hỗ trợ theo chỉ đạo chung của Chính phủ. Bởi thực tế, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, không chỉ trường tư, mà các trường công cũng gặp khó khăn.
Không có gì xấu hổ khi là giáo viên lại kiêm vai cô bán cam và hoa quả ngoài đường. Cái chính là ổn định được cuộc sống của gia đình mình trước “bão” dịch bệnh để được tiếp tục với nghề mới là điều quan trọng. – Cô Trần Đào Thương
Anh Tú
Theo Giáo dục thời đại
Giáo viên trường tư có lĩnh lương khi học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19?
Những ảnh hưởng do học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19 còn là vấn đề thu nhập của giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở các trường ngoài công lập.
Một giáo viên trường tư tại Hà Nội dạy học trong những ngày đầu mùa dịch Covid-19, khi học sinh còn đến lớp - Ảnh: Tuyết Mai
Giáo viên có được trả lương hay không trong thời gian này rất khác nhau, phụ thuộc vào "nội lực" và quan điểm của mỗi trường.
Trường trả nguyên lương, trường không
Nhiều giáo viên (GV) Trường phổ thông liên cấp Marie Curie (Hà Nội) cho biết trong tháng 2 toàn bộ cán bộ, GV, nhân viên của trường vẫn được hưởng nguyên lương và được nhận sớm hơn mọi tháng trước. "Điều này khiến chúng tôi rất cảm động trong khi biết rằng đồng nghiệp của mình ở một số trường tư không được nhận lương", cô Lệ Anh, GV cấp THPT của trường, nói.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường phổ thông liên cấp Marie Curie, giải thích: "Tháng 2 là sau tết, các thầy cô chắc cũng phải chi tiêu nhiều, nên tôi yêu cầu bộ phận tài vụ tháng này chuyển lương sớm hơn để các thầy cô yên tâm. Giữ cho cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi tập thể không bị ảnh hưởng đã là cách để chúng ta góp phần "chiến thắng" dịch bệnh".
Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cũng chia sẻ: "Học sinh (HS) nghỉ học cả tháng 2 thì nhà trường vẫn trả đủ lương 12 tháng cho cán bộ, GV. Chúng tôi tạm "vay" của phụ huynh HS học phí của tháng 2 để trả lương cho GV và dạy bù vào tháng 6 mà không thu thêm khoản phí nào nữa".
Tương tự, cô Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch hội đồng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), khẳng định GV của trường vẫn nhận nguyên lương. "Tôi cho rằng, việc HS không đến trường là do thiên tai, do yếu tố khách quan mang lại. Không thể đi rút lương của GV khiến cuộc sống của họ thêm khó khăn. Tôi là nhà giáo, tôi không thể làm như thế. GV vẫn phải làm việc, vẫn chuẩn bị bài cho HS, vẫn nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa mới, cùng các em ôn tập qua internet...", cô Hiền nói.
Trong khi đó, GV Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) tỏ ra khá tâm tư khi cho biết nhà trường sẽ không trả lương khi HS nghỉ phòng dịch. "Nghỉ tết nhà trường không trả lương cho GV nên chúng tôi cũng không hy vọng gì", một GV trường này nói.
Chấm dứt hợp đồng 1/3 nhân sự
Chủ Trường mầm mon Đôrêmi (TX.Dĩ An, Bình Dương) buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với 1/3 GV và các nhân viên khác của trường vì không thể "kham" nổi cả bộ máy, khi không có nguồn thu từ học sinh trong thời gian trường đóng cửa phòng dịch Covid-19.
Bà Lê Thị Bé Tuyết, chủ trường, đã viết một bức tâm thư rất dài gửi tới GV của trường về việc này. Trước đó, để đưa ra quyết định, bà Tuyết cũng đã tham khảo cách giải quyết khó khăn của những trường khác. Nhưng thay vì im lặng, chọn cách không trả lương cho nhân viên trong thời điểm này, bà đã thanh toán đủ lương tháng 1 vào ngày 5.2.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, bà Tuyết cho biết: "Quỹ lương riêng trường là 350 triệu đồng/tháng. Thời gian chờ việc (khi học sinh nghỉ học) lương sẽ được trả theo thỏa thuận nhưng không được dưới mức lương tối thiểu vùng (là 4,42 triệu đồng) cùng chi phí bảo hiểm trường vẫn phải chi khoảng 240 triệu đồng/tháng cho hơn 40 nhân sự". Tuy nhiên, do không biết trường bao giờ có thể trở lại hoạt động nên bà Tuyết quyết định cắt giảm nhân sự.
"Mọi người cho rằng mình ác, nhưng thâm tâm là đang bảo vệ người lao động của mình, vì trước khi cho nghỉ mình đã thông báo cho nhân viên trước 30 ngày, nếu thời gian tới họ chưa xin được việc thì họ vẫn có thể nhận được bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc. Nếu trường hoạt động trở lại, mình sẵn sàng chào đón mọi người quay trở lại", cô Tuyết nói.
Còn bà Nguyễn Thị Sơn, Chủ tịch HĐQT Trường THCS-THPT Duy Tân (Q.10, TP.HCM), cho biết để giải quyết khó khăn khi không có nguồn thu, trường đã họp với toàn bộ GV và 80% GV của trường đã đồng ý nghỉ việc không lương trong thời gian này. Tương tự, một trường mầm non tư thục ở Q.Tân Bình (TP.HCM) cũng quyết định cắt giảm hơn 10 nhân sự trong đợt này vì không có nguồn thu khi học sinh nghỉ học.
Nguyễn Loan
Theo Thanh niên
Miền núi Nghệ An chuẩn bị điều kiện tốt nhất đón HS trở lại trường Theo tính toán của ngành giáo dục Nghệ An, với việc nghỉ học đến hết tháng 2, các trường học trên địa bàn sẽ bị chậm chương trình 1 tuần sau khi trừ 2 tuần dự phòng. Vì vậy, nếu sắp xếp lịch học bù dạy bù hợp lý, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch năm học. Lãnh đạo Sở GD&ĐT...