Trường học tư: Thất thu vì học sinh phải nghỉ học bởi dịch Covid-19
Không chỉ các khu du lịch, sân bay, nhà ga hay bến xe… bị ảnh hưởng do cúm virus Covid-19 mà hiện nay, rất nhiều trường học tư trên địa bàn TP HCM cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi học sinh nghỉ học dài ngày. Ngoài ảnh hưởng tài chính, cuộc sống của nhiều gia đình cũng bị tác động tiêu cực khi các em học sinh không thể đến trường.
Ảnh minh họa
Chia sẻ cùng chúng tôi, chủ của nhóm 4 trường mầm non trên địa bàn TP HCM cho biết, đã đầu tư xây dựng trường mầm non hoạt động khoảng 6 năm nay. Ngoài 4 cơ sở nằm rải rác ở trên địa bàn TP HCM, có 3 cơ sở trường mầm non khác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và TP Cần Thơ. Sau thông báo buộc tất cả các trường học không được tiếp nhận học sinh, dù là điều tốt nhất để phòng tránh dịch bệnh cúm Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động của các trường.
Cụ thể, rất nhiều khoản tiền vẫn phải đầu tư vào hệ thống trường học, như tiền thuê mặt bằng, tiền duy trì hoạt động một số bộ phận dù trường không có nguồn thu nào. Ngoài ra, kế hoạch tài chính cũng bị thay đổi, nhiều khoản chi tiêu của nhà trường cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
“Hiện, hệ thống trường của chúng tôi do nhiều cá nhân góp vốn đầu tư, duy trì hoạt động. Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, với mục đích muốn chất lượng trường tốt hơn chúng tôi đã bỏ tiền sửa chữa, lắp đặt thêm hệ thống máy lạnh, sơn tường, phòng học và đầu tư khu vui chơi cho các bé. Tất cả hết hơn 200 triệu đồng. Cứ nghĩ rằng sẽ sớm có nguồn thu để bù đắp vào nhưng hiện nay, tình hình khó khăn có vẻ còn kéo dài. Thậm chí chưa ai biết chắc chắn khi nào trường sẽ được hoạt động trở lại. Nhiều cha mẹ phụ huynh đã gửi con về quê và chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc tuyển sinh của trường” – chủ trường chia sẻ.
Trung bình mỗi tháng hệ thống 4 cơ sở của phải chi trả tổng cộng 140 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, chưa kể một số khoản chi cố định như điện, rác, an ninh… nữa dù trường không hoạt động. Ngoài ra, tiền lương cơ bản cho giáo viên, nhân viên theo hợp đồng vẫn phải chi trả dù không có nguồn thu nào.
Nhưng so với các trường mầm non tư thục thì các trường bậc tiểu học, trung học cơ sở hay trung học phổ thông còn có mức độ ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều. Đặc biệt là các trường quốc tế. Với mức đóng góp học phí trung bình từ 15 đến 40 triệu đồng/tháng/học sinh, thời gian các em nghỉ học càng dài, mức độ giảm sút nguồn thu của trường là rất lớn.
Đặc biệt các trường này có hợp đồng giảng dạy với nhiều giáo viên, nhân viên nước ngoài nên vẫn phải chi trả các khoản tiền lương cũng như duy trì hoạt động nhiều bộ phận khác. Trong khi đó, việc các em học bù hay kéo dài khoá học sang thời gian của kỳ nghỉ hè vẫn chưa được xác nhận. Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn quận Tân Phú cũng chia sẻ với chúng tôi, do các quyết định nghỉ học (và cả quyết định đi học) của lãnh đạo thành phố thời gian qua thay đổi nhiều lần, hầu hết đều ở sát thời gian học khiến cho tổn thất các trường lớn hơn.
Video đang HOT
Nhiều học sinh của trường ở các tỉnh, thành khác nên gia đình các em đã chủ động đưa tới trường để kịp thời gian học cũng như ổn định nội trú. Khi có thông báo nghỉ, trường không thể thu học phí mà ngược lại còn phải chi tiền đưa các em về nhà. Rồi lại có thông báo đi học, xong lại nghỉ học khiến cho các kế hoạch dạy học, ăn, ở… của trường với hàng trăm học sinh bị ảnh hưởng nhiều. Kéo theo đó là các khoản chi để bù lỗ mà không ai chịu trách nhiệm.
Không chỉ có nhà trường, nhiều giáo viên cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Một giáo viên mầm non ở quận Gò Vấp chia sẻ, chị quê dưới Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) lên đây dạy mầm non. Sau kỳ nghỉ tết, chị cùng gia đình lên TP HCM sớm để chuyển sang nhà trọ khác. Sau khi có thông báo các học sinh nghỉ học, vợ chồng chị đứng ngồi không yên vì nhiều khoản tiền phải chi đầu năm nhưng lương nhận về rất ít.
Chị chỉ nhận hai triệu đồng tiền lương cơ bản, trong khi chồng chị làm lái xe đưa đón học sinh thậm chí còn không nhận được tiền lương vì không làm việc. Trong khi đó các khoản tiền nhà trọ, điện nước, ăn uống sau tết đều tăng giá chóng mặt.
Theo thông báo chính thức, học sinh trên địa bàn TP HCM sẽ nghỉ học tới hết ngày 29/2 tới nhưng lãnh đạo Sở GDĐT TP HCM cũng cho biết, việc đi học tiếp hay không còn chờ vào diễn biến dịch cúm virus Covid-19. Chỉ khi dịch bệnh được kiểm soát, thành phố mới mở cửa trường học để đón học sinh vào học.
Đoàn Xá
Theo daidoanket
Công nhân chật vật gửi con thời COVID-19
Con cái không đi học nhưng công nhân vẫn phải đến xưởng làm nên họ phải xoay đủ cách để con được an toàn.
Các em nhỏ trong xóm trọ ở đường Ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM cùng chơi, trông coi nhau trong những ngày nghỉ học, cha mẹ đi làm - Ảnh: HOÀNG AN
Để giải quyết khó khăn, mỗi công nhân có giải pháp khác nhau như: thay nhau xin nghỉ phép, gửi con cho người thân, "huy động" ông bà từ quê vào trông cháu... Cá biệt có trường hợp "đóng cửa" cho trẻ tự chơi ở nhà và gửi hàng xóm xung quanh.
Con nghỉ học, bố mẹ thêm việc
Mấy ngày nay, sân chơi trong khu lưu trú công nhân của cô Trần Thị Thành (ngụ Hóc Môn, TP.HCM) lúc nào cũng có các em nhỏ đủ mọi lứa tuổi chơi đùa vì các em đều được nghỉ học để tránh Covid-19. Khu trọ chủ yếu dành cho công nhân khắp nơi đang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp này có hơn 200 phòng trọ.
"Ở đây có hơn 40 em đủ mọi lứa tuổi. Nhiều nhà sau tết vẫn để con ở quê chưa đưa vào lại. Số khác gửi con ngược về quê lần nữa để cho ông bà trông. Nhà nào con đã lớn, lớp 4, lớp 5 trở lên thì các em tự chơi ở nhà, trưa bố mẹ được cho về nấu cơm nước" - cô Thành chia sẻ. Riêng cô Thành mấy ngày nay cũng đang giữ ba em bé là con công nhân ở độ tuổi 1-2 vì "nhà xa mà ở quê cũng không có người thân trông giúp".
"Mấy bữa nay vợ chồng tôi người làm đêm, người làm ngày để thay nhau trông con" - anh Nguyễn Duy Khang, công nhân Công ty Year 2000 (quận Thủ Đức), chia sẻ về cách vợ chồng anh giữ con mấy ngày sau tết.
"Người làm ca đêm, người làm ca ngày để giữ con chứ biết sao. Cũng may công ty cũng hỗ trợ đổi ca nhưng nếu con tiếp tục nghỉ học kéo dài, tôi sẽ gửi con về quê để ông bà ở dưới Kiên Giang giữ giùm một thời gian" - anh Khang nói.
Thế nhưng, không phải gia đình nào cũng có điều kiện gửi con về cho ông bà chăm sóc giúp. Chị Bùi Thị Dương (36 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu), công nhân Công ty TNHH Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa), cho biết gia đình chị có 2 con nhỏ, đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ mới lên 3.
Trước khi có dịch, vợ chồng chị Dương gửi các con ở trường, sáng đưa đi chiều đón về. Nhưng từ hai tuần nay, nhà trường cho học sinh nghỉ học để tăng cường phòng chống dịch COVID-19, cuộc sống gia đình chị bắt đầu đảo lộn. Không gửi con cho ai được, vợ chồng chị Dương phải thay nhau nghỉ việc ở nhà chăm con.
Theo chị Dương, chồng chị làm thợ hồ, còn chị làm công nhân nuôi hai con nhỏ nên kinh tế gia đình chỉ đủ sống. Giờ một trong hai người phải nghỉ làm ở nhà trông con nên thu nhập giảm một nửa. Mặt khác, các con ở nhà cũng phát sinh thêm các khoản chi phí khác.
Chị Dương nhẩm tính: "Tiền ăn cho 2 đứa khoảng 100.000 đồng/ngày, tiền sữa hơn 300.000 đồng/tuần. Trung bình mỗi tháng chi phí tăng thêm hơn 3 triệu đồng. Trước mắt chưa phải vay mượn nhưng nếu cứ tiếp tục kéo dài thì mệt lắm".
Trong khi đó, chị Chu Thị Tuyết - công nhân Công ty TNHH giày Thông Dụng (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) - cho biết công ty đang vào cao điểm sản xuất nên không thể xin nghỉ nhiều ngày liên tiếp để trông con. Ban đầu chị Tuyết và em chồng thống nhất mỗi người luân phiên nghỉ phép 3 ngày một tuần để chăm sóc con và cháu. Tuy nhiên, việc nghỉ nhiều sẽ ảnh hưởng đến tiền lương nên cuối cùng vợ chồng chị Tuyết quyết định nhờ bà ngoại vào trông cháu để có thể an tâm đi làm.
Theo mẹ vào xưởng
Tại một công ty may ở TP.HCM mấy ngày nay nhiều công nhân lại đem theo cả con nhỏ vào xưởng vì không thể nhờ ai trông giúp được. "Nhiều người thì xin nghỉ ở nhà để trông con. Sau tết hàng hóa còn ít nên công ty cũng linh động cho công nhân có con nhỏ nghỉ làm. Nhưng có nhiều người thì đành đem con theo vì nếu nghỉ làm kinh tế cũng khó khăn" - chị L.T.K.Xuân, chuyền trưởng tại công ty, kể.
Riêng chuyền của chị Xuân có ba nữ công nhân cùng đưa con vào công ty. "Con theo mẹ vào xưởng, trưa đến ăn chung với mẹ ở công ty rồi kiếm chỗ cho bé nằm ngủ trưa" - chị L.T.T.Tiên (29 tuổi, công nhân cùng chuyền với chị Xuân) chia sẻ. Chị kể con chị chỉ mới 3 tuổi, bám mẹ chứ không chịu theo cha nên chị phải đưa con theo.
Chị Nguyễn Thị Dung - công nhân nhà máy tại Khu chế xuất Linh Trung 1 - cũng đã phải đưa con cùng đi làm. Thế nhưng chỉ được vài ngày, lãnh đạo công ty nhắc nhở nên chị Dung đành chọn giải pháp gửi con về quê. Chị Dung kể: "Tôi gửi con theo xe người quen về quê ở Phú Yên từ đầu tuần trước để nhờ ông bà trông giúp. Con mới 4 tuổi chưa ở với ông bà bao giờ cũng quấy khóc. Nhưng cũng đâu còn cách nào khác".
Trước những khó khăn của công nhân lao động, một số doanh nghiệp đã có những giải pháp nhằm giúp đỡ người lao động an tâm làm việc. Theo đó, lãnh đạo Công ty TNHH Tombow Việt Nam (Bình Dương) cho công nhân tạm ứng phép năm 2020 khi có nhu cầu. Đối với những trường hợp không còn phép năm thì công nhân có thể nghỉ không lương.
Còn công nhân có con nhỏ tại Công ty TNHH may mặc Bowker Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An, Bình Dương) có thể tùy chọn nghỉ phép năm hay phép thường để ở nhà giữ con. Doanh nghiệp cũng lên giải pháp để không bị gián đoạn trong hoạt động sản xuất như vận động các công nhân khác tự nguyện tăng ca, bố trí lại lao động...
"Công nhân công ty cũng xoay đủ cách. Nhiều người có con lớn đã học cuối cấp I, cấp II thì để con ở nhà, hoặc nếu có một lớn một nhỏ thì để đứa lớn trông đứa nhỏ, đặt đồ ăn qua app về cho con..." - ông Lưu Kim Hồng, chủ tịch công đoàn Công ty Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao TP.HCM, quận 9), chia sẻ cùng những khó khăn của công nhân đơn vị mình.
V.THỦY - A LỘC - B.SƠN
Theo Tuổi trẻ
Công văn số 431 của Bộ Giáo dục đã nhận được sự đồng tình rất lớn của xã hội Đến chiều tối ngày 15/2 thì đa phần các địa phương có kế hoạch đi học lại vào ngày 17/2 đã cho học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 2/2020. Tính đến chiều tối ngày 14/2, trên cả nước đã có 44 tỉnh (thành phố) thông báo kế hoạch cho học sinh đi học trở lại vào ngày 17/2...