Trường ghi tên học sinh lên chén đũa để phòng dịch Covid-19
Vật dụng ăn uống của học sinh cũng được ghi tên từng người, tránh việc dùng chung chén đũa. Sau khi ăn, chén đũa được rửa sạch và ngâm trong nước nóng để phòng dịch Covid-19.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum đeo khẩu trang phòng dịch – ẢNH: ĐỨC NHẬT
Sáng 27.4, hàng ngàn học sinh trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã quay trở lại trường học sau thời gian dài nghỉ dịch Covid-19. Theo đó, học sinh các cấp từ THCS, THPT đều phải quay lại trường học. Đối với số trẻ mầm non, học sinh tiểu học tiếp tục nghỉ học tập trung cho đến khi có thông báo mới.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, thầy Lê Văn Quý, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum, cho biết trường đã chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án để học sinh phòng chống dịch Covid-19.
Trước thời gian học sinh đi học lại, nhà trường đã chỉ đạo toàn bộ giáo viên thực hiện vệ sinh khu nhà ăn, trường học, khu ký túc xá của học sinh. Tại khu vực trường học, bàn ghế sẽ được sắp xếp lại để học sinh ngồi cách nhau từ 1,5-2 m. Đồng thời đặt tại mỗi phòng họp một chai nước sát khuẩn.
Video đang HOT
Tại khu ký túc xá của trường cũng thực hiện kê giường cho học sinh cách nhau 2 m. Đối với khu vực ăn uống, nhà trường đã chia học sinh thành nhiều nhóm, ăn uống lệch thời gian, tránh tập trung đông học sinh một lúc. Vật dụng ăn uống cũng được ghi tên từng em, tránh việc dùng chung chén đũa. Sau khi ăn, chén đũa được rửa sạch và được ngâm trong nước nóng để phòng dịch.
Theo thầy Quý, trường cũng đã chuẩn bị sẵn một phòng cách ly, 2 máy đo thân nhiệt. Nếu giáo viên, học sinh nào có biểu hiện sốt cao sẽ được đưa đến phòng cách ly trước khi thông báo cho cơ quan chức năng. Ngoài ra, các thầy cô tại trường đã góp tiền mua khẩu trang để phát miễn phí cho học sinh phòng dịch.
Tại các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum học sinh cũng bắt đầu đi học lại – ẢNH: ĐỨC NHẬT
Tại các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum, việc đi học trở lại của học sinh được chấp hành nghiêm chỉnh. Theo thầy Hoàng Văn Hải, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Ngọc Yêu (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) ngay trong ngày đầu tiên đi học sau dịch, sĩ số đạt 98%. Những em vắng học chủ yếu là vắng học có phép do bận việc gia đình.
Theo thầy Hải, dù là vùng sâu vùng xa nhưng sau khi được giáo viên tuyên truyền, các em học sinh đã chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang và rửa tay bằng nước sát trùng. Tuy nhiên do cơ sở hạ tầng của nhà trường còn hạn chế nên việc thực hiện mỗi học sinh ngồi cách nhau từ 1,5 – 2 m là bất khả thi.
Cũng theo thầy Hải, sau khi học sinh trở lại đi học, nhà trường sẽ tổ chức lớp học phụ đạo buổi chiều để bù lại những lỗ hổng kiến thức của học sinh trong thời gian nghỉ học.
Đức Nhật
"Tiết lộ" bất ngờ về chiếc máy tự động đặc biệt ngừa Covid-19
Máy rửa tay sát khuẩn tự động và máy đo thân nhiệt không tiếp xúc do nhóm giảng viên Khoa Kỹ thuật - Công nghệ (Đại học Quy Nhơn) chế tạo được đưa vào sử dụng, giúp người dùng cảm thấy yên tâm hơn trong việc phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhóm giảng viên Khoa Kỹ thuật - Công nghệ (Đại học Quy Nhơn) tỉnh Bình Định đã sáng tạo ra máy rửa tay sát khuẩn tự động và máy đo thân nhiệt không tiếp xúc.
Chiếc máy đo thân nhiệt không tiếp xúc giúp nhân viên y tế không tiếp xúc gần người được đo, tránh nguy cơ lây bệnh. Máy đo gồm các bộ phận như cảm biến hồng ngoại để đo thân nhiệt, cảm biến khoảng cách và hệ thống điều chỉnh lên xuống cho phù hợp với chiều cao của người sử dụng.
Máy rửa tay sát khuẩn tự động được đặt tại Đại học Quy Nhơn.
Đặc biệt, máy hoạt động dựa trên cảm biến khoảng cách, sau khi người được đo tiếp xúc gần với máy, máy sẽ tự động bật hệ thống cảm biến nhiệt độ và màn hình led sẽ hiển thị nhiệt độ của người sử dụng, nếu người đo có nhiệt độ cao hơn bình thường máy sẽ báo đèn đỏ và đổ chuông thông báo cho nhân viên y tế biết.
Đối với máy rửa tay sát khuẩn tự động thì được thiết kế gồm các bộ phận gồm: Máy bơm tăng áp, mạch lập trình điều khiển trung tâm, mạch điều khiển công suất máy bơm, mạch giao tiếp âm thanh, cùng một số phụ kiện như béc phun, hệ thống cảm biến...
Máy đo thân nhiệt không tiếp xúc do nhóm giảng viên Khoa Kỹ thuật - Công nghệ (Trường Đại học Quy Nhơn) chế tạo.
Theo thạc sĩ Nguyễn Đình Luyện, giảng viên Khoa Kỹ thuật - Công nghệ (Đại học Quy Nhơn), ưu điểm của máy là người sử dụng không chạm tay trực tiếp vào dụng cụ đựng nước, cho cảm giác yên tâm và an toàn hơn khi sử dụng.
"Chủ yếu là hệ thống bơm tăng áp và hệ thống cảm biến để nhận biết có người sử dụng đưa tay vào. Và hệ cảm biến này sẽ điều khiển hệ thống bơm tăng áp phun sương. Ngoài ra, máy này có ưu điểm về lưu lượng người dùng, với hệ thống tự động sẽ sử dụng cho số lượng lớn sinh viên", giảng viên Luyện cho hay.
Quảng Trị: Trường học lên phương án xử lý các trường hợp sốt, ho, khó thở Ngành Giáo dục Quảng Trị yêu cầu các đơn vị, trường học chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, lên phương án xử lý các trường hợp sốt, ho, khó thở có thể xảy ra, nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn dạy học. Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị nhận định, nguy cơ...